Tại tôi/Chương 2
Bà Cả Kim có cái danh cự phú trong làng Thới An. Tuy bà góa bụa song nhà cửa nguy nga, dãy ngang, dãy dọc, lại trong nhà bà sắm những bàn ghế, tủ, ván thứ nào cũng mắc tiền, nên thứ nào coi cũng đẹp.
Đã vậy mà bà nhờ rể của bà, là Hữu Nghĩa có tánh sạch sẽ kỹ lưỡng ngày nào cũng coi cho bạn bè quét tước trong nhà, dọn dẹp ngoài sân, bởi vậy nhà đã nguy nga lại thêm có vẻ ngộ nghĩnh nữa. Nhưng từ hôm nay dường như có một bầu không khí nặng nề bao trùm từ ngoài sân vô tới trong nhà, nên ở ngoài coi mất vẻ vui, còn vô trong lại thêm mờ mịt nữa.
Như Thạch đưa khách rồi, chàng trở vô nhà thì không thấy mẹ ngồi ngoài nữa, chỉ có một mình Hữu Nghĩa đương sắp ghế lại cho ngay hàng. Chàng bước lại hỏi nho nhỏ: “Má đi đâu, anh Hai?”
Hữu Nghĩa chỉ tay vô buồng đáp: “Má đang nằm nghỉ trong buồng”.
Như Thạch le lưỡi, rồi nhón gót đi nhẹ xuống nhà sau. Chàng thấy chị đang nằm trên võng đưa con, còn vợ ngồi ghé đầu ván đằng chái không ai nói tới ai hết. Chàng bèn hỏi chị;
- Sao chị không biểu dọn cơm cho má ăn?
- Qua mới lên hỏi má thì má nói má không đói, má biểu đừng có dọn.
- Khổ quá! Má giận em đến nỗi má không chịu ăn cơm, bây giờ biết làm sao.
- Ai biết làm sao. Tại em làm cho má giận, thì em làm sao đó em làm.
- Bây giờ má còn đương giận, nếu em lên năn nỉ nữa, chắc má rầy. Chị Hai, chị làm ơn lên năn nỉ má giùm cho em.
- Ý! Ai dám. Qua xen vô rồi má giận luôn tới qua nữa a.
- Chị không thương em hay sao chị Hai?
- Sao lại không thương.
- Nếu chị thương thì chị phải hết lòng lo điều đình giùm cho vợ chồng em được an thân mới phải chớ.
- Em làm việc quá trời, qua biết làm sao điều đình cho được.
- Em biết má cưng chị lắm, chị nói giống gì má cũng nghe hết. Vậy em xin chị làm ơn khuyên giải má cho má đừng có giận nữa, thì vợ chồng em mới gần gũi với chị được.
Cô Nhung bước lại tiếp nói: “Thưa chị Hai, vì em thương chồng, nên em bỏ cha bỏ mẹ theo chồng vào đây. Từ rày dầu em sống hay thác em cũng nhờ cha mẹ chị em bên chồng. Chẳng những là xác thịt mà thôi, đến tâm hồn của em cũng thuộc về nhà họ Lý cả. Vậy em khẩn cầu chị thương giùm em, chị nói hộ cho má hết giận em, chị làm việc ấy là làm cái phước đức lớn lắm vậy”.
Cô Phụng chúm chím cười rồi day mặt chỗ khác, không trả lời.
Như Thạch hỏi vợ:
- Em ăn cơm chưa?
- Thưa, em không đói.
Như Thạch day lại hỏi chị:
- Chị Hai, sao chị không biểu bầy trẻ dọn cơm cho chị ăn, đặng vợ của em nó ăn với?
- Hồi nãy qua biểu cô lên nhà trên ăn, cô không chịu lên.
- Trời đất ơi, vợ của em sao chị kêu bằng cô. Mắc mỏ chi vậy chị Hai?
- Vậy chớ ai biết kêu bằng giống gì.
- Sao lại không biết. Còn chị biểu nó lên nhà trên ngồi ăn cơm, biểu cái gì kỳ cục vậy?
- Chớ ăn dưới nhà bếp coi sao được.
Như Thạch rùn vai cười, tỏ ý không vui.
Cô Nhung ngó chồng và nói: “Em xin anh đừng bận lòng lo cho em. Bao giờ má ăn cơm thì em mới dám ăn”.
Như Thạch châu mày bước ra hàng ba nhà bếp đi lên đi xuống coi bộ suy nghĩ lắm.
Cô Nhung lại đứng dựa cửa.
Cô Phụng cứ nằm trên võng đưa con, mắt nhắm lim dim.
Bạn bè người lo rửa chén, người đứng quét bếp, không ai nói chuyện chi hết, song một lát họ liếc mắt ngó cô Nhung rồi chúm chím cười, làm cô ngột ngạt khó chịu quá.
Như Thạch đi lên nhà trên một chút lại trở xuống kêu vợ biểu lấy cây dù đi thăm bà con. Cô Nhung muốn trình với chị đặng đi theo chồng, song thấy cô Phụng nhắm mắt nằm êm, chắc cô đã ngủ nên không dám nói. Lên nhà trên thì vắng hoe, Hữu Nghĩa nằm trên ván cũng ngủ nữa.
Vợ chồng Như Thạch đi rồi. Lập tức cô Phụng nhẹ nhẹ lén con đứng dậy và lên nhà trên. Cô bước vô buồng dở mùng kêu mẹ và nói: “Má ăn cơm, nghe hôn má. Hai đứa nó dắt nhau đi đâu mất rồi, má dậy rồi con biểu chị Thình nấu cơm nóng cho má ăn”.
Bà Cả dậy hỏi con:
- Nó dắt nhau đi đâu?
- Con nghe thằng Ba kêu con nọ biểu lấy dù đi thăm bà con với nó. Đi thăm ai đó không biết.
- Đã vậy còn không biết xấu lại dắt đi chưng cùng xóm cùng làng.
- Coi bộ thằng Ba nó mê lắm.
- Họ nói người Bắc có cái văn nói hay lắm, không mê sao được.
Bà Cả đi ra ngoài rót nước trà uống. Cô Phụng bước nhà bếp biểu chị Thình nấu một nồi cơm nhỏ đặng dọn lên cho bà ăn. Cô trở lên ngồi chung trên ván với mẹ rồi nói:
- Má, con nhỏ đó coi ngộ thiệt chớ má há?
- Ngộ với mầy, chớ ngộ với ai.
- Hứ má nói! Tại má giận nên má không thèm ngó kỹ chớ. Con nhỏ đó đi tướng tốt lắm. Mặt mày sáng rỡ, tay chơn dịu nhiễu, tiếng nói ngọt xớt.
- Thứ đồ đó tự nhiên nó phải sửa hình sửa dạng phải chuốt ngót lời nói, nó rũ quyến trai mới được chớ.
- Đâu để nó làm dâu rồi coi tài con gái Bắc ra sao cho biết.
- Làm dâu ai? Tao có chịu đâu mà làm dâu.
- Lỡ rồi, nếu má không chịu rồi làm sao?
- Làm sao nó làm, tao biết đâu.
- Con coi bộ cậu Năm ưa nó lắm.
- Tánh cậu Năm mầy cứ xuôi xuôi, ai làm sao nó cũng chịu hết thảy. Nó có học tây chút đỉnh rồi nó không kể phong hóa chi hết. Với tao có được như vậy đâu. Hồi nãy nó nói lùa theo quân đó, tao phát ghét.
- Thằng Ba nó cậy con năn nỉ giùm với má đặng má đừng ghét con đó nữa. Con không chịu. Nó dắt con đó đi, chắc nó ra năn nỉ với cậu Năm nói giùm chớ gì.
- Tao làm việc gì cũng tại ý tao, chớ tao có nghe lời ai đâu mà cậy nói giùm.
- Má làm gắt quá sợ nó nổ chớ.
- Nổ thì nổ chớ sợ giống gì.
Cô Phụng cười rồi cô đi xuống nhà bếp coi dọn cơm cho mẹ ăn.
Đến nửa chiều, có con của thầy Hội đồng Quyền vô thưa cho bà Cả hay rằng thầy Hội đồng cầm vợ chồng Như Thạch ở lại ăn cơm tối, nên xin trong nhà đừng đợi chờ. Bà Cả cười gằn và nói:
- Tao có chờ ai đâu mà dặ.
Cô Phụng ngó mẹ cười:
- Làm dâu mới một ngày coi đã dở hơn con gái trong nầy rồi đa! Làm dâu phải lo nồi cơm chĩnh mắm, chớ làm dâu gì muốn đi thì đi, không thưa trình cho ai hay hết, tới bữa cơm cũng không thèm về lo nữa.
- Hứ! Tao biểu mầy đừng có nói tới tiếng “làm dâu” mà. Tao không nhìn biết ai là dâu tao hết.
- Nói chuyện nghe chơi, chớ ai biểu má nhìn. Má là cha mẹ, việc cưới vợ cho con, má định thế nào là quyền tự nơi má, ai dám nói vô nói ra.
Tối một lát vợ chồng Như Thạch trở về. Bà Cả vừa thấy mới vô tới sân, tức khắc bà đi vô buồng tránh mặt. Cô Phụng cũng dắt con đi dỗ ngủ.
Hữu Nghĩa thấy Như Thạch bước vô liền hỏi:
- Cậu ăn cơm ngoài nhà cậu Hội đồng phải hôn?
- Phải, tôi đi thăm bà con, ra tới cậu Năm, cậu bắt ở lại ăn cơm, không cho về. Cậu Năm có sai thằng Thế vô trong nhà cho hay mà.
- Có.
- Ở nhà má có ra ăn cơm hay không?
- Có.
- Coi bộ má bớt giận tôi hay không?
- Coi cũng vậy. Vợ tôi có năn nỉ nói giùm, song má gạt ngang.
- Thiệt khổ hết sức.
Như Thạch biểu vợ mở va-ly lấy đồ mát cho chàng thay, rồi đi vòng vô mấy cái buồng, thấy mẹ với chị ai nằm theo phòng nấy, trong nhà không ai dọn dẹp một chỗ nào cho vợ chồng chàng ngủ. Chàng mới lấy một cái chổi lông, bổn thân đi quét bộ ván gần cái bàn viết đặng nằm nghỉ lưng. Cô Nhung thấy vậy bèn giành lấy cây chổi đi quét, đoạn cô mở rương lấy mền gối để tử tế trên ván cho chồng nằm.
Hữu Nghĩa muốn đóng cửa đi ngủ. Như Thạch nói: “Anh chừa cho tôi một cái cửa đặng tôi ra vô cho tiện. Anh có buồn ngủ thì ngủ trước đi. Tôi chưa ngủ đâu”.
Hữu Nghĩa đóng các cửa, song chừa cái cửa chỗ bàn viết, rồi chàng vô buồng ngủ.
Như Thạch vặn đèn lu lu rồi lại ván nằm, biểu vợ nằm một bên mà nghỉ. Cô Nhung lắc đầu, lại ngồi gần bên mình chồng rồi cầm quạt, quạt cho chồng. Kẻ nằm gác tay qua trán mắt lim dim, người ngồi lặng lẽ, tay quạt hơi cho chồng mát, không ai nói tới ai, nhưng mà, có lẽ lúc ấy trong trí mỗi người đều lăng xăng những đường kia nẻo nọ, bối rối với những cảnh vừa ngó thấy, lo lắng về mối tương lai mịt mù chưa biết sẽ ra thế nào. Môt lát hai người ngó nhau một cái, tuy bóng đèn lu mờ, song thấy rõ cái lần ngó đó chứa đầy những tình thương yêu những ý cương quyết dầu sóng gió thế nào cũng không đành rã được khối chung tình, dầu thảm khổ đến đâu cũng không làm tiêu được lời thệ ước.
Đồng hồ gõ một giờ rồi gõ hai giờ, mà cô Nhung cũng cứ ngồi quạt cho chồng. Như Thạch nắm tay vợ kéo xuống và biểu nằm nghỉ. Cô Nhung nhẹ nhẹ gỡ tay chồng nói nhỏ nhỏ: “Anh cứ nghỉ cho khỏe thôi, đừng lo cho em, có anh ở bên cạnh chẳng bao giờ em biết mệt”.
Như Thạch ngồi dậy rồi thủng thẳng đi ra ngoài sân. Vừng trăng khuyết hết phân nửa lửng đửng treo giữa trời dọi yếng dư xuống nên cây cỏ lờ mờ, làm cho cảnh vật đều có vẻ buồn bực. Đã vậy lại thêm đêm khuya vắng vẻ, tứ hướng im lìm, làm cho cái cảnh buồn ấy pha lộn cái vẻ huyền bí, khiến lòng người dễ sinh cảm động.
Như Thạch nhìn trăng ngắm cảnh, đương đứng bâng khuâng bỗng thấy cô Nhung cũng rón rén ra đứng một bên chàng, cái gương mặt hiền từ trung hậu của cô thuở nay bây giờ nó đổi ra gương mặt thảm sầu nhưng nghiêm trọng. Cô nắm tay chàng thủng thẳng dắt lần đi ra cửa ngõ, thấy có một cái băng bằng cây lót phía trong rào, dưới bóng hai cây mít nhành lá rậm rạp. Cô mời chàng ngồi lại đó cô ngồi một bên, tay vịn chàng, nghiêng mặt ngó và nói: “Đôi ta thương nhau, nên kết bạn trăm năm đặng chung bước trên đường đời, em tưởng sự quyết định của chúng ta là cái hạnh phúc to tát chẳng có gì sánh kịp. Chẳng dè dự định của em là mộng ảo, không giống với sự thật. Lòng em thương anh thì sung sướng cho em, song nó làm khổ não, nó gây họa cho anh. Vì em mà trong gia đình anh phải xào xáo rối loạn, vì em mà gây ra một mối ác cảm giữa má với anh. Em trông thấy em lấy làm hối hận lắm. Tuy nhiên niềm vợ chồng thì nặng, nhưng mà đạo mẫu tử cũng chẳng nên khinh. Em muốn thà đôi ta chịu đau đớn trong niềm chồng vợ, chớ không nên để phai lợt tình mẫu tử. Vậy em xin anh cho em tạm trở về Bắc, đặng cho anh khỏi lỗi với má anh, em trở vào Sở Giáo huấn dạy học lãnh lương để nuôi thân. Em đương có mang mểnh, chừng nào sanh con thì em nuôi, em sẽ nuôi tử tế, em sẽ dạy nó thờ anh. Vì dầu đất trời khiến đôi ta không được tái hiệp, em phải cô thân, độc lập trọn đời đi nữa, chút con ấy, là cái dấu tích ân ái trót một năm của chúng ta cũng đủ làm cho em sung sướng mà vui với sự sống đầy những hy vọng tái hiệp”.
Như Thạch lắc đầu, tay choàng ngang cổ, mắt ngó ngay mặt vợ, đoạn nghiêm nghị nói:
- Em đừng có nói chuyện ngông cuồng. Anh hứa làm chồng em, thì chẳng bao giờ anh lìa em được, duy có sự chết mới phân rẽ nhau thôi. Nếu anh để em về ngoài Bắc, còn anh ở lại trong Nam, thì anh thương nhớ em, chẳng bao lâu chắc anh phải chết, rồi sự em muốn làm vui lòng má đó đã không có ích cho má, lại còn hại tới anh nữa. Em hiểu chưa?
- Hiểu!...
- Anh khuyên em, nếu em thiệt thương anh, thì em hãy ráng chịu nhục nhã khổ não một lúc, hãy ráng làm cho má hết giận mình; đó là một phương chước hay nhứt.
- Vâng, anh dạy thế nào em cũng vâng hết, dầu anh biểu em chết em cũng vâng nữa. Miễn được gần anh, dầu em phải nhục nhã khổ cực đến thế nào em cũng chẳng nề hà.
- Hồi chiều cậu Hội đồng có hứa cậu sẽ tận tâm khuyên má đừng có giận hai đứa mình nữa. Vậy có lẽ lần lần việc nhà sẽ hết rối được.
- Em mong mỏi lắm anh ạ! Hôm nay mặt trăng tuy khuyết, mà đêm rằm tới đây nó sẽ tròn lại, nó tròn một cách khả ái quá anh ơi! Cái hạnh phúc của đời chúng ta hôm nay nó cũng khuyết như mặt trăng kia, sau nầy nó có được tròn lại như mặt trăng chăng?
Như Thạch nghe mấy lời tha thiết ấy thì cảm động nên ngồi im một chút rồi trợn mắt quả quyết rằng: “Nó sẽ đầy lại. Nó sẽ tròn lại, qua nhứt định làm cho nó sẽ tròn như mặt trăng vậy. Em tin qua không?”
Cô Nhung ngó chồng rất hữu tình và nói nhỏ nhỏ: “Em tin, em vẫn tin anh luôn”.
Như Thạch liền ôm mặt vợ vào lòng; vợ chồng đương dan díu dưới bóng trăng, bỗng có dạng cô Phụng đứng lấp ló trong cửa dòm ra, rồi cô đi mất. Như Thạch không để ý đến.
Cách một lát, thấy đèn trong nhà vặn sáng lên, rồi lại thấy bà Cả bước ra cửa đứng trên thềm.
Vợ chồng Như Thạch vùng đứng dậy. Chừng hai người sắp bước chân lên thềm, thì bà Cả la lớn rằng: “Con nầy, tao nói cho mầy biết nhà tao hẳn hòi, chớ không phải cái thói đĩ điếm, mà mầy dám tới đây làm trò trên bộc trong dâu. Hèn chi thằng Thạch nó mê mầy thì phải lắm. Đồ khốn nạn, mầy phải đi ra khỏi nhà tao, ra liền bây giờ, không cho mầy ở một phút nào hết”.
Như Thạch cứ kéo vợ lên tới hàng ba, chàng quì gối chấp tay lạy mẹ và nói:
- Con xin má vuốt giận, đừng mắng chửi vợ con tội nghiệp. Nó có cái lỗi thương chồng chớ chẳng lỗi chi hết. Má muốn đánh chửi con bao nhiêu cũng được, xin má đừng nói động tới nó rất oan cho nó.
- Còn mầy nữa! Cha chả! Mầy binh hả? Nếu vậy thì mầy coi con khốn nầy trọng hơn tao rồi! Đi, mầy cũng đi cho khỏi nhà tao. Tao không biết mẹ con nào nữa.
- Tội nghiệp con lắm má ơi! Vợ chồng con thương yêu nhau lắm, má nỡ nào phân rẽ cho đành.
- Tao biểu đừng có kêu tao bằng má đa. Đồ hư, mê sa đĩ điếm như mầy, thì là yêu quỉ, chớ không phải con tao.
- Vợ của con nó đã có thai nghén ba bốn tháng rồi má à.
- Ố! Tao có màng đâu. Đồ đó sanh con đẻ cháu cũng nhục cho tông môn tao, chớ có ích gì. Mầy coi nó lớn hơn tao thì dắt nhau đi phứt cho rồi, tao không cho vô nhà tao nữa, đi đi... Thằng Hưng đâu, Hưng à! Mầy vác rương của quân nầy mà quăng ra ngoài lộ cho tao. Làm cho mau đặng nó đi, kẻo gai con mắt tao lắm.
Bây giờ cô Nhung ngồi dưới gạch, cô mới thỏ thẻ nói:
- Con lạy má xin thương con...
- Nín, tao không cần ai lạy tao hết.
- Từ ngày con lấy chồng thì con đã thuộc về họ Lý, sống con làm vợ họ Lý, mà thác con làm ma họ Lý. Bề nào con cũng ở đây chớ biết đi đâu.
- Cha chả! Bây giờ tính liều mạng với tao hả. Tao biểu mầy đi! Nếu mầy còn nói ráng, tao la làng rồi hương chức bắt đóng trăn càng thêm mang xấu đa. Đi cho mau đi đi...
Bà Cả vừa nói vừa cúi xuống đưa hai tay xô cô Nhung té lăn cù dưới thềm gạch.
Như Thạch lật đật nhảy xuống ôm vợ đỡ đứng dậy, rồi nói rằng: “Vợ chồng con đã năn nỉ cạn lời, mà má không động lòng, má cứ đuổi vợ con hoài. Thôi, má đuổi thì vợ chồng con đi hết, chớ không thể nào con bỏ vợ con được”.
Cô Nhung lật đật đưa tay bụm miệng chồng mà nói:
- Anh! Anh không nên to lời bất hiếu với má. Má đuổi em, thì em đi, em lạy anh đừng đi theo em rồi làm phiền lòng má.
- Từ sớm mơi tới bây giờ, anh nói nhiều lần rằng anh không thể lìa em được. Nay má quyết đuổi em, tức thì má cũng không muốn anh ở trong nhà nầy nữa, thế thì anh ở sao được.
Như Thạch thấy chú Hưng đứng xớ rớ gần đó bèn kêu biểu vô nhà vác rương và va ly đem giùm qua chợ Ô Môn. Chàng lại thấy bà Cả xây lưng trở vô nhà thì chàng vội vã nói: “Vợ chồng con cầu chúc cho má ở nhà mạnh giỏi. Con chắc một ngày kia má sẽ nhìn nhận cho vợ chồng con có lỗi, song lỗi ấy chưa đáng cho má dứt tình mẫu tử như vậy, rồi má sẽ tự hối về sự má hà khắc con dâu”.
Chú Hưng vác rương và va ly đem ra, lại còn ôm quần áo mền gối của Như Thạch ra nữa. Như Thạch ở ngoài sân thay đồ y phục, biểu vợ thâu xếp mền gối, quần áo, bỏ vào rương rồi cậy chú Hưng vác đi.
Ra khỏi cửa ngõ cô Nhung nói với chồng :
- Cậu Hội đồng thương vợ chồng mình quá. Anh nghĩ thử coi có nên ra trình cho cậu hay và tạ ơn cậu rồi mình sẽ đi.
- Thôi, còn quyến luyến chỗ nầy mà làm chi. Để lên tới Sài Gòn rồi anh sẽ viết thư tạ ơn cậu cũng được.
- Vâng.
Đến sáng chú Hưng mới trở về. Cô Phụng thấy chú bước vô thì hỏi:
- Mượn chú vác rương đi đâu vậy?
- Thưa, chắc là đi Sài Gòn. Vác vô tới chợ Ô Môn, cậu Ba biểu tôi đem để trên xe hơi đò đi Cần Thơ, rồi tôi ở đó coi chừng. Hai ông bà dắt nhau đi lên đi xuống nói chuyện, chừng xe gần chạy mới lên xe.
- Xe chạy chưa?
- Chạy rồi tôi mới về đây.
Mặt trời mọc một lát, thầy Hội đồng Quyền lơn tơn vô nhà chị. Thầy vừa ngồi yên thì hỏi Hữu Nghĩa: “Thằng Ba còn ngủ sao mậy Xã?”
Bà Cả rước đáp rằng: “Tôi đuổi nó đi hết rồi’.
Thầy Hội đồng chưng hửng, thầy day qua hỏi chị:
- Đi hồi nào?
- Đi hồi khuya.
- Chị lếu quá! Chị đuổi hết hai vợ chồng nó hay sao?
- Đuổi hết.
- Chị gắt gao quá lẽ.
- Không phải gắt. Nhà tôi giàu có, tôi không có tiền đặng cưới vợ cho con hay sao, nên con nó làm như vậy.
- Theo quan niệm về phong hóa đời nay, thằng Thạch nó làm như vậy, có quấy đâu chị. Tại chị thủ cựu quá, nên chị tưởng nó hư chớ.
- Tôi không biết xưa nay gì hết. Con thì phải chờ lịnh cha mẹ cưới gả tôi mới chịu.
Thầy Hội đồng thấy vợ chồng Hữu Nghĩa đi qua đi lại thì châu mày hỏi: “Sao chị Cả đuổi hai vợ chồng nó đi, thằng Xã không biểu đứa nào chạy ra cho cậu hay?”
Cô Phụng rước đáp liền:
- Tại cậu không có dặn, ai dám cho hay.
- Dặn giống gì? Cậu biết rồi, cháu không thương thằng Thạch nên cháu muốn má cháu đuổi nó đi cho rảnh. Xấu lắm! Xấu lắm!
- Đâu có!
- Hứ...
Thầy Hội đồng vội vàng đứng dậy từ bà Cả ra về, không thèm nói tới vợ chồng Hữu Nghĩa.