Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 119
HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI CHÍN
Giả đầu hàng, kế hay thành chuyện hão
Nhường ngôi báu, người sau học lối xưa
Đây nói, Chung Hội mời Khương Duy bàn việc bắt Đặng Ngải.
Duy nói:
- Nên sai giám quân Vệ Quán bắt Ngải. Nếu Ngải giết Vệ Quán, thì quả thực là làm phản, Tướng quân sẽ cất quân mà đánh thì hơn.
Hội mừng lắm, sai Vệ Quán dẫn vài mươi người vào Thành-đô bắt cha con Đặng Ngải.
Bộ tốt của Vệ Quán can rằng:
- Việc này là Chung tư đồ muốn cho Đặng chinh tây giết tướng quân đi để lộ rõ sự làm phản ra đấy thôi. Tướng quân chớ nên đi.
Quán nói:
- Ta khắc có mẹo, không sợ!
Liền viết hai ba mươi đạo hịch cho đưa đi trước. Trong hịch nói rằng: "Phụng chiếu bắt Đặng Ngải, không can gì đến người khác. Các tướng sĩ ai quy phục trước, thì được giữ nguyên chức tước cũ; nếu không ra, sẽ phải giết cả ba họ". Lại đem theo sẵn hai cỗ xe cũi, ngày đêm đi đến Thành-đô. Đến độ gà gáy sáng, các bộ tướng của Đặng Ngải, trông thấy văn hịch, đều đến lạy ở trước ngựa Vệ Quán. Bấy giờ, Đặng Ngải còn ngủ ở trong phủ chưa dậy. Quán dẫn vài mươi người xông thẳng vào tận giường nằm, gọi to lên rằng:
- Ta phụng chiếu đến bắt cha con Đặng Ngải đây!
Ngải giật mình, choàng dậy nhảy xuống đất, Quán quát võ sĩ trói lại, bỏ vào xe cũi. Con là Đặng Trung chạy ra hỏi, cũng bị trói nhốt vào cũi nốt.
Các tướng trong phủ hoảng sợ, muốn ra cướp lại, thì đã thấy bụi bay mù mịt. Chung Hội kéo đại quân đến nơi. Chúng thấy vậy, tan đi mỗi người một ngả.
Chung Hội, Khương Duy xuống ngựa vào phủ, thấy cha con Đặng Ngải đã bị trói cả rồi. Hội cầm roi quật vào đầu Đặng Ngải, mắng rằng:
- Thằng bé chăn bò kia, sao dám hỗn thế?
Khương Duy cũng mắng rằng:
- Đồ thất phu liều lĩnh cầu may, nay đã biết thân chưa?
Ngải cũng mắng trả ầm cả lên.
Hội sai giải hai cha con Đặng Ngải về Lạc-dương, rồi vào Thành-đô thu hết quân mã của Đặng Ngải, oai quyền lừng lẫy xa gần.
Hội bảo với Khương Duy rằng:
- Ta nay mới thỏa được lòng ao ước bấy lâu!
Duy nói:
- Ngày xưa Hàn Tín không nghe lời Khoái Thông, đến nỗi bị tai vạ cung Vị-ương; đại phu Văn Chủng không theo Phạm Lãi dạo chơi năm hồ, đến nỗi phải đâm cổ mà chết. Hai người ấy công danh há chẳng hiển hách ư? Chỉ vì không rõ đường lợi hại, liệu cơ cho sớm đấy thôi[1]. Nay công lớn của ông đã thành rồi, oai lấn cả chủ, sao không bơi thuyền chu du đây đó cho rảnh thân, hoặc là lên núi Nga-mi theo ông Xích tùng tử mà tiêu dao ngày tháng có hơn không?[2] Hội cười, rằng:
- Ông nói sai mất rồi. Tuổi tôi chưa đến bốn tuần, còn mong làm nên thế này thế khác, đâu lại bắt chước những chuyện lui về an nhàn như thế được?
Duy nói:
- Nếu không lui về cho nhàn, thì phải toan ngay việc lớn. Tài sức minh công làm thừa đi rồi, không cần phải đợi đến lão phu phải nói nữa.
Hội vỗ tay cười ầm lên rằng:
- Bá-ước biết đến ruột gan ta lắm!
Hai người từ đấy ngày nào cũng thương nghị với nhau.
Khương Duy mật sai người đưa thư tâu với hậu chủ rằng:
- Xin bệ hạ hãy chịu nhục vài ngày, Duy sẽ khiến được xã tắc nguy rồi mà lại yên, mặt trăng mặt trời tối rồi mà lại sáng, không đến nỗi để cho nhà Hán diệt vong đâu.
Đây nói Chung Hội đang khi bàn mưu với Khương Duy phản nhà Ngụy, sực có thư của Tư-mã Chiêu đưa đến. Trong thư nói rằng: "Ta sợ tư đồ bắt Ngải không nổi, cho nên đóng quân ở Tràng-an, mong tư đồ đến đấy tương kiến, vì thế báo trước cho biết".
Hội thất kinh, nói:
- Quân ta nhiều gấp mấy của Đặng Ngải, muốn cho ta bắt Ngải, Tấn công biết sức ta làm thừa đi rồi. Nay lại dẫn quân đến đây, thế là có bụng nghi ta đấy, làm thế nào bây giờ?
Duy nói:
- Vua đã nghi cho bầy tôi, tất bầy tôi phải chết. Ông không coi Đặng Ngải đấy ư?
Hội nói:
- Ý tôi đã quyết, việc mà thành công thì được cả thiên hạ; dù không xong nữa, lui về giữ một góc Tây Thục, cũng đủ làm được Lưu Bị rồi.
Duy nói:
- Tôi nghe bà Quách thái-hậu mới mất, nên trá xưng bà ấy có di chiếu sai đánh Tư-mã Chiêu, để trị cái tội giết vua. Cứ như tài minh công, thì trung nguyên có thể bình định dễ như cuốn chiếu vậy.
Hội nói:
- Bá-ước hãy làm tiên phong. Sau khi thành sự, anh em ta cùng hưởng phú quý với nhau.
Duy nói:
- Tôi xin hết sức khuyển mã giúp đỡ minh công, nhưng chỉ sợ các tướng không phục mà thôi.
Hội nói:
- Ngày mai là tết nguyên tiêu, nên đốt nhiều đèn đuốc trong cung, mời các tướng vào ăn yến. Nếu ai không nghe thì giết hết cả đi.
Duy mừng thầm. Hôm sau, Hội và Duy mời các tướng vào ăn yến. Uống rượu, được vài tuần, Hội cầm chén rượu khóc hu hu lên. Các tướng ngạc nhiên hỏi cớ làm sao. Hội nói:
- Quách thái hậu khi gần mất, có viết tờ chiếu để lại đây. Vì Tư-mã Chiêu giết vua ở cửa nam, đại nghịch vô đạo, nay mai tất cướp ngôi nhà Ngụy, cho nên sai ta đánh dẹp. Các ngươi hãy ký cả tên vào giấy, để cùng làm việc đó.
Chúng giật mình, ngơ ngác nhìn nhau.
Hội rút gươm, quát rằng:
- Ai trái lệnh thì chém đầu!
Chúng sợ hãi, đành phải nghe theo. Các tướng ký tên xong, Hội bèn giam cả lại ở trong cung, sai quân sĩ canh giữ rất nghiêm ngặt.
Duy nói:
- Tôi coi các tướng có ý không chịu, chi bằng đem chôn sống quách cả đi.
Hội nói:
- Ta đã sai đào một hố to ở trong cung, để sẵn vài nghìn vồ to, nếu ai không nghe, đập chết quẳng xuống hố.
Bấy giờ có một tướng tâm phúc của Chung Hội là Kỳ Kiến đứng cạnh. Kiến nguyên là bộ hạ cũ của hộ quân Hồ Liệt. Hồ Liệt cũng bị giam ở trong cung. Kiến mật đem lời Chung Hội vào nói cho Hồ Liệt biết.
Hồ Liệt rất kinh hãi, khóc lóc bảo rằng:
- Con ta là Hồ Uyển lĩnh binh ở ngoài, biết đâu được Chung Hội mang lòng như thế? Ngươi nên nghĩ tình xưa, đưa tin tức ra cho y một chút, dù ta chết cũng cam tâm.
Kiến nói:
- Ân chủ đừng lo, để tôi liệu giúp.
Bèn ra nói với Chung Hội rằng:
- Chúa công giam các tướng ở trong cung, việc cơm nước không tiện; nên cho một người ra vào bưng rót mới được.
Hội xưa nay vốn hay nghe lời Kỳ Kiến, mới sai Kiến coi xét việc ấy và dặn rằng:
- Ta ủy thác việc quan trọng ấy cho ngươi, chớ được lộ chuyện ra ngoài.
Kiến nói:
- Chúa công cứ yên tâm, tôi khắc có phép nghiêm ngặt.
Kiến cho một người thân tín của Hồ Liệt lẻn vào thăm. Liệt viết một phong mật thư, giao cho người đó cầm ra đưa cho con là Hồ Uyển. Uyển xem thư giật mình, liền loan báo khắp các trại được biết. Các tướng nổi giận, vội đến cả trại Hồ Uyển thương nghị rằng:
- Chúng ta có chết chăng nữa, há lại theo quân phản thần ấy ư?
Uyển nói:
- Để đến ngày 18 tháng giêng này, ta kéo ùa cả vào trong cung mà đánh.
Giám quân là Vệ Quán thích mưu của Hồ Uyển lắm, lập tức sửa soạn quân mã, sai Kỳ Kiến đưa tin vào cho Hồ Liệt; Liệt báo cho các tướng bị giam biết.
Một bữa Chung Hội mời Khương Duy vào hỏi rằng:
- Đêm qua tôi mơ thấy vài nghìn con rắn to xúm vào cắn, không biết điềm lành dữ ra sao?
Duy nói:
- Mơ thấy rồng rắn đều là điềm hay cả.
Hội mừng rỡ tin lời ấy và bảo Duy rằng:
- Khí trượng đủ cả rồi, gọi các tướng ra hỏi xem, thế nào?
Duy nói:
- Bọn ấy vẫn có ý không bằng lòng, để lâu tất sinh biến, không bằng giết quách đi cho sớm.
Hội nghe lời, sai Khương Duy lĩnh võ sĩ vào cung, giết các tướng Ngụy. Duy lĩnh mệnh, toan đi, bỗng đâu nổi một cơn đau bụng ngất đi ngã gục xuống đất. Tả hữu vực dậy, nửa giờ mới tỉnh. Sực thấy ở ngoài cung, có tiếng người xôn xao, Hội sai người ra xem việc gì, thì tiếng reo ở bốn mặt đã nổi lên như sấm, rồi quân sĩ kéo đến không biết bao nhiêu mà kể.
Duy nói:
- Đây là các tướng gây vạ đây, nên chém trước đi.
Có tin báo quân ngoài đã vào đến trong cung rồi.
Hội sai đóng cửa điện lại, cho quân sĩ trèo lên nóc điện, lấy ngói ném xuống, xô xát nhau chết vài mươi người. Bỗng lại thấy ngoài cung bốn mặt lửa cháy, rồi quân ngoài phá tung cửa điện kéo vào. Hội tuốt gươm giết luôn vài người, rồi bị tên loạn xạ bắn chết. Các tướng chặt lấy đầu.
Duy rút gươm lên điện, xông pha đánh giết, chẳng may cơn đau bụng càng dữ dội. Duy ngửa mặt kêu to lên rằng:
- Mẹo của ta không thành, thực là số trời vậy!
Nói đoạn, tự vẫn chết, bấy giờ mới có 59 tuổi. Trong cung chết mất vài trăm người.
Vệ Quán ra lệnh cho quân sĩ đâu về trại ấy, để đợi lệnh nhà vua. Quân Ngụy tranh nhau báo thù, mổ bụng Duy ra, thấy cái mật to vừa bằng quả trứng gà. Các tướng lại bắt cả gia thuộc Khương Duy giết sạch.
Bấy giờ bộ hạ Đặng Ngải thấy Chung Hội, Khương Duy bị giết cả rồi, vội vã chạy theo bọn giải Đặng Ngải để cướp lại. Có người báo với Vệ Quán. Quán nói:
- Bắt Đặng Ngải là tự ta; nếu để hắn sống thì ta tất chết không có đất mà chôn thôi.
Hộ quân là Điền Tục thưa rằng:
- Khi xưa Đặng Ngải lấy thành Giang-du, toan giết tôi đi, may nhờ các tướng kêu xin được khỏi. Nay tôi xin phép được báo thù ấy.
Quán mừng lắm, sai Điền Tục dẫn năm trăm quân đuổi theo đến Miên-trúc, vừa gặp cha con Đặng Ngải ở trong cũi ra, định trở về Thành-đô. Ngải thấy Điền Tục là thủ hạ cũ của mình nên không đề phòng gì cả. Khi Tục đến nơi, Ngải toan hỏi chuyện thì bị Tục chém một dao chết tươi. Đặng Trung cũng chết trong đám loạn quân.
Có thơ than Đặng Ngải rằng:
Khôn ngoan từ thuở nhỏ,
Mưu mẹo như quỷ thần.
Ngước mắt hay địa lý;
Ngẩng đầu biết thiên văn.
Mây tan đường ruổi ngựa,
Đá rẽ lối hành quân.
Ngán nỗi công thành tội,
Hồn quanh bến Hán-tân.
Có thơ than Chung Hội rằng:
Tuổi trẻ nhiều mưu trí,
Thường làm bí thư lương.
Mẹo giỏi đè Tư-mã,
Tiếng to sánh Tử-phòng.
Thọ-xuân nhờ sức giúp,
Kiếm-các tỏ tài năng
Chỉ vì tham danh lợi,
Du hồn luống xót thương!
Lại có thơ than Khương Duy rằng:
Anh tài người Ký-huyện,
Hào kiệt xứ Lương-châu.
Con cháu dòng Khương-thượng,
Học theo lối Võ hầu.
Mật lớn, gan ai địch?
Lòng trung, vững một màu.
Thương thay khi tự vẫn,
Xiết bao nỗi thảm sầu!
Lại nói, Khương Duy, Chung Hội, Đặng Ngải chết cả rồi, bọn Trương Dực cũng chết trong đám loạn quân; Thái-tử là Lưu Tuấn, cùng với Hán thọ đình hầu Quan Di, cũng bị quân Ngụy giết mất. Quân dân nhộn nhạo, giết hại lẫn nhau, chết không biết bao nhiêu mà kể.
Được mươi hôm, Giả Sung đến trước, treo bảng yên dân, bấy giờ mới yên. Sung để Vệ Quán ở lại giữ Thành-đô; đem hậu chủ về Lạc-dương, chỉ có Phàn Kiến, Trương Thiệu, Tiêu Chu, Khước Chính đi theo; còn bọn Liêu Hóa, Đổng Quyết, thác xưng có bệnh không ra đến ngoài, sau cũng lo lắng mà chết. Bấy giờ niên hiệu Cảnh-nguyên nhà Ngụy năm thứ năm, đổi làm Hàm-hy năm đầu, mùa xuân tháng ba, tướng Ngô là Đinh Phụng sang cứu Thục, thấy Thục mất rồi, bèn rút quân về.
Trung thư thừa là Hoa Hạch tâu với Ngô chủ Tôn Hưu rằng:
- Ngô Thục ví như môi răng: môi hở thì răng phải lạnh. Tôi đồ rằng Tư-mã Chiêu thế nào nay mai cũng đánh Ngô, xin bệ hạ phải phòng ngự trước cho kỹ mới được.
Tôn Hưu nghe lời, sai con Lục Tốn là Lục Kháng làm Trấn đông tướng quân, lĩnh chức Kinh-châu mục, giữ ở cửa sông; sai Tôn Dị giữ các cửa ải xứ Nam-từ; lại sai lão tướng Đinh Phụng lập vài trăm đồn ải dọc sông, để phòng quân Ngụy.
Thái thú quận Kiến-ninh là Hoắc Qua, nghe tin Thành-đô thất thủ, bèn mặc đồ trắng trông về phía tây khóc lóc ba ngày.
Các tướng khuyên rằng:
- Hán chủ đã mất ngôi rồi, sao không hàng đi cho sớm?
Qua khóc mà rằng:
- Đường xa cách trở, chưa biết chúa ta yên nguy thế nào. Nếu Ngụy chủ đối đãi tử tế, ta sẽ đem cả thành mà hàng cũng chưa muộn; vạn nhất có điều gì nguy nhục chúa ta, chúa nhục thì bầy tôi nên chết, ta đâu có chịu hàng?
Chúng cho là phải, mới sai người vào Lạc-dương thăm dò tin tức hậu chủ.
Nói về hậu chủ khi đến Lạc-dương, thì Tư-mã Chiêu cũng đã về triều. Chiêu trách hậu chủ rằng:
- Ông hoang dâm vô đạo, bỏ người hiền, hỏng chính sự, lẽ nên giết đi mới phải.
Hậu chủ mặt xám như đất, không biết nói năng ra sao.
Các quan tâu rằng:
- Thục chủ tuy bỏ mất cương kỷ, nhưng còn biết hàng sớm, xin khoan thứ cho.
Chiêu mới phong hậu chủ làm An lạc công, cho nhà ở, thưởng một vạn tấm lụa, cấp cho kẻ hầu hạ vừa trai vừa gái một trăm người, và lương lộc hàng tháng. Con là Lưu Dao và bọn quần thần Phàn Kiến, Tiêu Chu, Khước Chính đều được phong tước hầu.
Hậu chủ tạ ân trở ra.
Chiêu thấy Hoàng Hạo là đứa mọt nước hại dân, sai võ sĩ điệu ra ngoài chợ, xử tội lăng trì, xẻo từng miếng thịt.
Hoắc Qua sai người dò biết hậu chủ chịu phong rồi, mới dắt cả quân sĩ bộ hạ lại hàng.
Hôm sau, hậu chủ thân đến phủ Tư-mã Chiêu lạy tạ. Chiêu mở tiệc khoản đãi, sai phường tuồng hát múa tuồng Ngụy ở trước sân. Các quan Thục trông thấy, ai cũng đau xót, chỉ riêng hậu chủ có dáng vui mừng. Chiêu lại sai người Thục hòa âm nhạc Thục. Các quan Thục đều ứa nước mắt, hậu chủ thì vui cười như không.
Chiêu bảo với Giả Sung rằng:
- Người đâu mà vô tình quá như thế nhỉ? Dù cho Khổng Minh còn sống, cũng không sao giúp được y, huống chi là Khương Duy?
Mới hỏi hậu chủ rằng:
- Có nhớ nước Thục không?
Hậu chủ thưa:
- Ở đây vui lắm, tôi còn nhớ gì đến Thục nữa!
Một lát, hậu chủ đứng dậy ra ngoài. Khước Chính theo ra đến dưới trại, bảo rằng:
- Bệ hạ sao lại nói là không nhớ Thục? Nếu hắn có hỏi nữa, thì nên khóc mà nói rằng: phần mộ tiên nhân tôi ở cả nước Thục, lòng tôi thương xót không lúc nào quên; như thế thì Tấn công tất tha cho bệ hạ về Thục.
Hậu chủ nhớ thật kỹ câu ấy rồi trở vào tiệc. Rượu gần say, Chiêu lại hỏi rằng:
- Có nhớ gì đến Thục không?
Hậu chủ cứ theo lời Khước Chính dặn làm sao thì nói làm vậy, muốn khóc nhưng không có nước mắt, mới nhắm nghiền mắt lại.
Chiêu hỏi:
- Sao mà giống hệt lời Khước Chính thế?
Hậu chủ mở bừng mắt ra, hoảng sợ nhìn Tư-mã Chiêu rồi nói rằng:
- Quả có thế!
Chiêu cùng tả hữu cười ầm cả lên.
Chiêu vì thế thích hậu chủ là người thực thà, không nghi ngờ gì nữa.
Có thơ than rằng:
Hớn hở coi tuồng mở mặt cười,
Giang sơn nào quản tới tay người.
Mải vui quên hết niềm chua xót,
Hậu chủ người đâu mới lạ đời!
Đây nói, các đại thần trong triều nhân Tư-mã Chiêu có công lấy được nước Thục, muốn tôn làm vương, mới vào tâu với Ngụy chủ Tào Hoán. Hoán bấy giờ tuy làm thiên tử, kỳ thực không được chủ trương việc gì, quyền chính đều do họ Tư-mã cả. Bởi thế phải nghe theo và phong cho Tư-mã Chiêu làm Tấn vương. Chiêu bèn đặt tên thụy cha là Tư-mã Ý làm Tuyên vương, anh là Tư-mã Sư làm Cảnh vương. Vợ Chiêu là con gái Vương Túc, sinh được hai con: con cả là Tư-mã Viêm, mặt mũi khôi ngô, tóc dài chấm đất, hai tay dài quá đầu gối, thông minh, cứng cỏi, can đảm hơn người. Con thứ là Tư-mã Du, tính khí hòa nhã, kính cẩn thảo hiền. Chiêu có lòng yêu mến hơn con cả, nhân Tư-mã Sư không con, mới cho Du làm con nuôi anh, để kế tự.
Chiêu thường nói rằng:
- Thiên hạ nguyên là thiên hạ của anh ta. Bởi thế muốn lập Tư-mã Du lên làm thế tử.
Sơn Đào can rằng:
- Bỏ con cả lập con thứ, trái lễ không hay.
Giả Sung, Hà Tằng, Bùi Tú cũng can rằng:
- Con cả thông minh thần võ, có tài hơn đời. Uy vọng lẫy lừng, mà mặt mũi lại khôi ngô như thế, không phải là tướng làm tôi người khác.
Chiêu dùng dằng chưa quyết.
Thái úy là Vương Tường, tư không là Tuân Khải lại can rằng:
- Đời trước bỏ con lớn, lập con bé, thường hay sinh loạn, xin đại vương xét cho.
Chiêu mới lập con cả là Tư-mã Viêm làm thế tử.
Đại thần lại tâu rằn:
- Năm nay ở huyện Tương-võ, có một người từ trên trời sa xuống, mình dài hơn hai trượng, vết chân dài ba thước hai tấc, tóc bạc râu xanh, mặc áo mỏng, đội khăn vàng, chống gậy gỗ lê, tự xưng rằng: "Ta là vua dân đây, lại bảo cho chúng mày biết rằng thiên hạ có đổi chúa, mới được trông thấy thái bình". Người ấy cứ đi rong ngoài đường nói như thế ba ngày, rồi bỗng nhiên biến mất. Đó là cái điềm ứng vào điện hạ đấy. Điện hạ nên đội mũ miện mười hai tua, dựng cờ thiên tử, ra hàng cảnh, vào hàng tất, ngồi xe khảm vàng đủ sáu ngựa kéo, tiến vương phi lên làm vương hậu, lập thế tử làm thái tử.
Chiêu hởi dạ mừng thầm. Về đến cung, Chiêu sắp sửa ăn cơm, bỗng nhiên phải bệnh trúng phong, cấm khẩu không nói được. Qua hôm sau, bệnh tình nguy lắm. Các đại thần đều vào vấn an. Chiêu không nói được, chỉ lấy tay trỏ vào thế tử Tư-mã Viêm rồi chết. Bấy giờ là ngày tân mão tháng tám.
Hà Tằng nói:
- Công việc thiên hạ, ở cả tay Tấn vương nay nên lập thế tử nối vào chức ấy, rồi sẽ làm ma táng tế.
Ngay hôm ấy Tư-mã Viêm lên ngôi Tấn vương, phong cho Hà Tằng làm thừa tướng, Tư-mã Vọng làm tư đồ, Thạch Bào làm phiêu kỵ tướng quân, tôn tên thụy cha làm Văn vương.
An táng cha đâu đấy, Viêm vời Giả Sung, Bùi Tú vào cung hỏi rằng:
- Ngày xưa Tào Tháo có nói: "Nếu mệnh trời cho ta, thì ta cũng chỉ làm như vua Văn vương nhà Chu mà thôi". Quả có như thế không?
Sung thưa rằng:
- Tào Tháo đời đời ăn lộc nhà Hán, sợ người ta mai mỉa cái tiếng thoán nghịch, cho nên nói câu ấy là có ý để nhường ngôi thiên tử cho Tào Phi đấy thôi.
Viêm nói:
- Cha ta sánh với Tào Tháo thế nào?
Sung thưa rằng:
- Tào Tháo tuy có công to trùm thiên hạ, nhưng nhân dân chỉ sợ oai mà chưa mến đức. Đời con là Tào Phi nối nghiệp, việc sai dịch nặng nề, nhân dân hết phục dịch xứ đông, lại kéo đến xứ đoài, không được năm nào yên ổn. Sau đến Tuyên vương, Cảnh vương triều ta, lập được nhiều công to, ân đức tỏa khắp nơi, được lòng thiên hạ đã lâu. Đến Văn vương, lại lấy được Tây Thục, công trùm bờ cõi, Tào Tháo bì thế nào được?
Viêm nói:
- Tào Tháo còn biết nối ngôi nhà Hán, ta há lại không biết nối ngôi nhà Ngụy hay sao?
Giả Sung, Bùi Tú hai người cùng lạy mà thưa rằng:
- Điện hạ chính nên bắt chước việc Tào Phi nối nhà Hán khi xưa, cho đắp đàn thụ thiện, lên ngôi hoàng đế.
Viêm mừng lắm, hôm sau đeo gươm vào cung. Bấy giờ Ngụy chủ Tào Hoán tâm thần hoảng hốt, ngồi đứng không yên, luôn mấy hôm không ra coi chầu. Viêm vào thẳng hậu cung. Hoán vội vàng trụt xuống sập rồng đón vào. Viêm ngồi tử tế rồi hỏi rằng:
- Thiên hạ nhà Ngụy, do sức ai mà có?
Hoán nói:
- Đó là nhờ ơn của tổ phụ Tấn vương để lại cả đấy.
Viêm cười rằng:
- Tôi coi bệ hạ, văn không bàn được đạo lý, võ không sửa sang được việc nước. Sao không nhường cho người tài đức làm chủ có được không?
Hoán giật mình, lặng đi không biết nói lại làm sao.
Có hoàng môn thị lang là Trương Tiết đứng hầu cạnh, quát lên rằng:
- Tấn vương nói thế không được! Ngày xưa Võ tổ hoàng đế, đánh đông dẹp bắc, trải bao nhiêu công lao khó nhọc mới có được thiên hạ. Nay thiên tử nhân đức, không tội lỗi gì, can chi phải nhường ngôi cho ai?
Viêm nổi giận mà rằng:
- Xã tắc này là xã tắc nhà Đại Hán. Tào Tháo mượn tiếng thiên tử, sai khiến chư hầu; tự lập làm Ngụy vương, cướp ngôi nhà Hán. Cha ông ta ba đời giúp nhà Ngụy; nhà Ngụy được thiên hạ, không phải tài cán gì của họ Tào, thực là bởi sức họ Tư-mã ta cả; bốn bể đều biết cả. Ta nay há lại không nối được thiên hạ của nhà Ngụy hay sao?
Tiết lại nói rằng:
- Nếu làm thế, thì thật là bọn giặc cướp nước rồi!
Viêm giận mà rằng:
- Ta báo thù cho nhà Hán, có gì mà chẳng được.
Liền quát võ sĩ lôi Trương Tiết ra đánh chết ngay tại dưới điện.
Tào Hoán quỳ xuống khóc lóc kêu van. Viêm đứng dậy xuống điện đi ra.
Hoán bảo với Giả Sung, Bùi Tú rằng:
- Việc gấp mất rồi, làm thế nào bây giờ?
Sung nói:
- Số trời hết mất rồi, bệ hạ không nên cưỡng lại; hãy bắt chước việc vua Hiến đế khi trước, sửa sang lại đền thụ thiện, nhường ngôi cho Tấn vương. Như thế thì trên hợp lẽ giời, dưới thuận tình dân, mà bệ hạ cũng được an toàn, không ngại gì nữa.
Hoán nghe lời ấy, sai Giả Sung đắp đàn thụ thiện, kén ngày giáp tý tháng chạp năm ấy, Hoán thân bưng ngọc tỉ truyền quốc đứng ở trên đàn, đại hội trăm quan văn võ, mời Tấn vương lên đàn, làm lễ trao nhường, rồi xuống đất mặc áo chầu đứng hàng đầu các quan.
Có thơ than rằng:
Ngụy cướp Viêm Lưu, Tấn cướp Tào,
Số trời qua lại tránh làm sao?
Thương thay Trương Tiết trung vì nước,
Nắm đấm khôn che núi Thái cao!
Tư-mã Viêm ngồi cao chĩnh chện trên đàn, Giả Sung, Bùi Tú cắp gươm đứng hầu hai bên, bắt Tào Hoán ra lạy phục xuống đất nghe chiếu.
Giả Sung truyền rằng:
- Từ năm Kiến-an nhà Hán thứ 25, nhà Ngụy chịu ngôi nhường của nhà Hán, trải qua bốn mươi nhăm năm. Nay nhà Ngụy hết lộc, mệnh trời lại về nhà Tấn. Công đức họ Tư-mã trùm khắp trời đất, nên lên ngôi hoàng đế, nối vào nhà Ngụy. Vậy phong ngươi làm Trần lưu vương, cho ra ở ngoài thành Kim-long, hạn phải đi ngay lập tức, phi chiếu đòi, không được vào hầu.
Tào Hoán khóc, lạy tạ trở ra.
Thái phó là Tư-mã Phu khóc lạy trước mặt Tào Hoán nói rằng:
- Thần là tôi nhà Ngụy, thế nào cũng không bỏ nhà Ngụy đâu.
Viêm thấy thế, phong cho Tư-mã Phu làm An bình vương. Phu không nhận, lui ra. Văn võ trăm quan lạy ở dưới đàn, cùng reo vạn tuế. Viêm đổi quốc hiệu là Đại Tấn, cải nguyên là Thái-thủy năm đầu (265), đại xá thiên hạ.
Từ bấy giờ nhà Ngụy mất.
Tấn đế Tư-mã Viêm truy tôn Tư-mã Ý làm Tuyên đế; bác là Tư-mã Sư làm Cảnh đế; cha là Tư-mã Chiêu làm Văn đế. Lập ra bảy miếu thờ tổ tiên. Bảy miếu ấy thờ từ quan chinh tây tướng quân nhà Hán là Tư-mã Quân trở đi. Quân sinh ra thái thú Dự-chương là Tư mã Lượng; Lượng sinh ra thái thú Dĩnh-châu là Tư mã Tuấn; Tuấn sinh ra Kinh-triệu doãn là Tư-mã Phường; Phường sinh ra Tuyên đế Tư-mã Ý; Ý sinh ra Cảnh đế Tư-mã Sư và Văn đế Tư-mã Chiêu.
Việc lớn xếp đặt đâu đấy rồi, Viêm ngày ngày khai triều, bàn định kế đánh Ngô.
Đó là:
Giang sơn nhà Hán vừa khi đổ,
Thành quách bên Ngô cũng sắp tan.
Chưa biết đánh Ngô ra làm sao, xem hồi sau kể nốt.
- ▲ Hàn Tín giúp vua Hán Cao-tổ, Khoái Thông xin làm phản; Hàn Tín không nghe, về sau Tín bị giết ở cung Vị-ương. Đại phu Văn Chủng giúp vua nước Việt là Câu Tiễn đánh Ngô. Phạm Lãi rủ đi chơi năm hồ, Chủng không nghe, về sau bị Việt vương bắt phải tự vẫn.
- ▲ Xích tùng tử là một ông tiên. Trương Lương theo ông ấy học đạo thành tiên.