Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 15
HỒI THỨ MƯỜI LĂM
Thái Sử-từ ham đánh Tiểu Bá-vương;
Tôn Bá-phù tợn giọt Nghiêm Bạch-hổ.
Cuối hồi trước, đang nói chuyện Trương Phi rút gươm ra sắp tự vẫn, Lưu Bị trông thấy vội vàng bước lên giật lấy gươm, vứt xuống đất rồi nói rằng:
- Xưa có câu rằng: “Anh em như chân tay; vợ con như áo mặc”. Áo mặc rách còn dễ may; chân tay gãy chắp sao được? Ba anh em ta kết nghĩa với nhau ở vườn đào, đã thề cùng sống chết với nhau[1]. Nay dù mất thành trì vợ con nữa, sao nỡ để anh em nửa đường chết đi cho đành. Phương chi thành trì không phải của ta; vợ con ta bị hãm ở trong thành, nhưng ta chắc Lã Bố không nỡ giết, cũng còn nghĩ kế cứu được. Hiền đệ nhầm một lúc, việc gì đã đến nỗi quyên sinh?
Lưu Bị nói xong rỏ nước mắt khóc. Quan, Trương cũng khóc cả.
Viên Thuật biết rằng Lã Bố đã cướp Từ-châu, sai người đến nói với Bố rằng: hễ Bố cùng giúp đánh Lưu Bị sẽ đưa cho năm vạn hộc[2] lương, năm trăm ngựa, một vạn lạng[3] vừa vàng vừa bạc, một nghìn tấm vóc nhiễu.
Bố ưng ý lắm, sai ngay Cao Thuận lĩnh năm vạn quân đến đánh mé sau Lưu Bị. Lưu nghe tin ấy, nhân khi mưa dầm rút quân bỏ Vu-thai chạy, muốn về lấy Quảng-lăng.
Khi Cao Thuận đến nơi, Lưu Bị đã đi rồi. Thuận vào ra mắt Kỷ Linh, đòi những đồ Viên Thuật đã hứa cho. Linh nói:
- Ông cứ về. Để tôi vào nói với chúa công tôi.
Thuận từ giã Kỷ Linh, về thuật lại với Lã Bố. Bố còn đang hồ nghi, chợt có thư của Viên Thuật đưa đến, trong thư nói rằng:
“Cao Thuận tuy có đến giúp, nhưng Lưu Bị chưa trừ được. Đợi khi nào bắt được Lưu Bị, bấy giờ tôi sẽ đưa các đồ đã hứa đến cho ngài”.
Bố giận lắm, cho Viên Thuật là đồ thất tín, muốn khởi binh sang đánh, Trần Cung can rằng:
- Không nên! Viên Thuật giữ Thọ-xuân, binh nhiều lương rộng. Chớ nên khinh địch. Không bằng mời Lưu Bị về đóng ở Tiểu-bái để làm vây cánh cho ta. Về sau sai Lưu Bị làm tiên phong, trước đánh Viên Thuật sau đánh Viên Thiệu rồi có thể tung hoành thiên hạ được.
Bố nghe lời, sai người đem thư đi mời Lưu Bị.
Bấy giờ Lưu Bị đã kéo quân về đông, lấy đất Quảng-lăng, bị Viên Thuật vào cướp trại, quân lính hao hụt quá nửa, gặp sứ của Lã Bố đến, đưa thư mời về Tiểu-bái. Lưu mừng lắm. Quan, Trương nói:
- Lã Bố là đứa vô nghĩa, không nên tin.
Lưu Bị nói:
- Nó lấy bụng tử tế đãi ta, việc gì phải nghi?
Ba anh em lại kéo quân về Từ-châu. Lã Bố sợ Lưu Bị còn nghi hoặc, trước hết sai người đưa trả lại gia quyến. Cam phu nhân và My phu nhân về gặp Lưu Bị, kể hết sự tình, nói rằng Lã Bố sai người giữ cửa nhà, cấm không cho ai được vào, lại thường thường sai thị thiếp đưa đồ ăn, thức dùng đến, không bao giờ phải thiếu thốn. Lưu Bị mới bảo Quan, Trương rằng:
- Ta đã biết Lã Bố tất không hại gia quyến ta!
Lưu Bị vào thành để tạ Lã Bố. Trương Phi không chịu theo vào, đem hai chị về Tiểu-bái trước.
Lưu Bị vào ra mắt lạy tạ Lã Bố. Bố nói:
- Tôi không phải muốn cướp thành. Bởi vì Trương Phi ở đây, hay say rượu giết người, tôi e rằng ngộ sự, nên tôi lại giữ hộ đấy thôi!
Lưu nói:
- Tôi vẫn muốn nhường anh đã lâu.
Bố giả dạng nhường lại cho Lưu Bị. Lưu nhất quyết không chịu, về đóng ở Tiểu-bái.
Quan, Trương trong bụng không bằng lòng.
Lưu Bị nói:
- Nhún mình yên phận, để đợi thời; không thể cưỡng nhau với mệnh được[4]!
Lã Bố thường thường sai người đưa lương ăn và vải lụa đến. Từ bây giờ hai bên lại hòa thuận với nhau.
Trong khi ấy thì Viên Thuật ở Thọ-xuân mở tiệc yến to, hội tướng sĩ lại ăn uống. Chợt có người báo rằng:
- Tôn Sách đi đánh thái-thú Lư-giang là Lục Khang, đánh được đã về.
Thuật gọi Sách đến. Sách lạy ở dưới thềm. Thuật hỏi han chuyện trò xong rồi cho Sách ngồi hầu yến.
Nguyên Tôn Sách từ khi bố mất[5], về ở Giang-nam kính người hiền, tôn kẻ sĩ, sau, nhân Đào Khiêm cùng với cậu Sách, là thái thú Đang-dương tên là Ngô Cảnh không hòa với nhau, Sách mới đem mẹ và gia thuộc về Khúc-a, mình thì sang ở với Viên Thuật.
Thuật yêu Sách lắm, thường vẫn than rằng:
- Giá ta có được đứa con như Tôn lang, chết cũng không ân hận gì nữa.
Thuật cho Sách làm hoài-nghĩa hiệu-úy, sai đem binh sang đánh Tổ Lang ở Kinh-huyện.
Sách đánh được.
Thuật thấy Sách giỏi, lại sai sang đánh Lục Khang cũng đánh được. Bấy giờ trở về.
Sách vào ăn yến. Khi cuộc yến đã tan, Sách về trại, nghĩ trong việc Thuật đãi mình khí ngạo bỉ một chút[6], trong bụng buồn bực, bèn lẩn đi bách bộ dưới bóng trăng ở ngoài sân. Nhớ đến sự ngày xưa, cha là Tôn Kiên thì anh hùng như thế mà minh thì lưu lạc thế này, bất giác hu hu cất tiếng khóc. Chợt có người ở ngoài đến cười to lên hỏi rằng:
- Bá-phù sao thế? Khi Tôn công còn, việc gì cũng dùng đến ta, nay anh có việc gì không quyết, sao chẳng hỏi ta mà lại khóc thế?
Sách trông xem ai, thì là Chu Trị, người ở Đan-dương; nguyên là tùng-sự của Tôn Kiên ngày xưa.
Sách gạt nước mắt mời lên ngồi nói rằng:
- Tôi khóc là vì tôi giận tôi không nối được chí cha tôi ngày xưa.
Trị nói:
- Sao không tới với Viên Công-lộ, mượn binh kéo sang Giang-đông, mượn tiếng là đi cứu Ngô Cảnh, nhưng sự thực là để mưu đồ nghiệp lớn, sao lại cứ chịu mãi ở dưới người ta?
Hai người đang bàn nhau, chợt lại có một người nữa ở đâu chạy vào nói rằng:
- Các ông bàn nhau việc gì tôi đã biết rồi, nay tôi có trăm quân tinh tráng, xin giúp Bá-phù một tay.
Sách nhìn xem ai thì là mưu sĩ Viên Thuật tên là Lã Phạm, người ở Nhữ-dương. Sách mừng lắm, mời cùng ngồi nói chuyện.
Lã Phạm nói:
- Tôi chỉ lo Viên Thuật không cho mượn quân.
Sách nói:
- Tôi có một vật báu để làm tin. Vật ấy là truyền quốc ngọc-tỉ của cha tôi để lại cho.
Phạm nói:
- Công-lộ thèm được ngọc ấy đã lâu.
Hôm sau Sách vào ra mắt Viên Thuật, khóc nói rằng:
- Thù cha tôi chưa báo được, ngày nay cậu tôi là Ngô Cảnh lại bị thứ-sử Dương-châu là Lưu Do bức bách. Mẹ già và vợ con ở cả Khúc-a, e rằng sẽ bị hại. Vậy tôi xin mượn tướng quân vài nghìn hùng binh để sang sông cứu nạn, và để thăm nhà. Sợ minh công không tin, tôi xin đem ngọc-tỉ của cha tôi để lại, để làm tin.
Thuật thấy ngọc-tỉ vồ ngay lấy xem, mừng lắm nói rằng:
- Ta không phải cầu chi ngọc tỉ của ngươi, nhưng hãy tạm để đây, ta cho mượn ba nghìn binh, năm trăm ngựa; khi nào bình định rồi phải về ngay. Vả ngươi nay chức nhỏ ngôi thấp khó giữ được quyền lớn, ta cất cho ngươi lên làm triết-sung hiệu-úy, điển-khấu tướng-quân.
Ngay ngày hôm ấy cho lĩnh quân đi.
Sách lạy tạ rồi dẫn quân mã, đem cả Chu Trị, Lã Phạm và tướng cũ của cha là Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Đương, chọn ngày khởi binh.
Đi đến Lịch-dương, gặp một toán quân, có một người đi trước, dáng điệu phong lưu, nghi dung đẹp đẽ, trông thấy Tôn Sách, nhảy xuống ngựa vái một cái.
Sách nhìn xem ai, thì là Chu Du, biểu tự là Công-cẩn, người ở Thư-thành, quận Lư-giang.
Vốn khi Tôn Kiên đánh Đổng Trác, Du đem gia quyến về ở Thư-thành. Du với Sách hai người cùng một tuổi, chơi với nhau rất thân, kết làm anh em. Sách hơn Du có vài tháng. Du thờ làm anh.
Chú Chu Du là Chu Thượng làm thái-thú ở Đan-dương. Bữa ấy Du sang thăm chú, đi đến đấy gặp Tôn Sách.
Sách mừng lắm, đem sự tình kể với Du. Du nói:
- Tôn xin hết sức khuyển mã, để cùng anh mưu toan nghiệp lớn.
Sách nói:
- Ta nay được Du, việc lớn tất phải xong.
Rồi bảo Chu Trị, Lã Phạm cùng đến gặp Chu Du.
Du bảo Sách rằng:
- Anh nay muốn làm việc to, có biết Giang-đông có hai họ Trương không?
Sách hỏi:
- Ai vậy?
Du nói:
- Một người ở Bình-thành, tên là Trương Chiêu, tự là Tử-bố; một người ở Quảng-lăng, tên là Trương Hoành, tự là Tử-cương. Hai người ấy đều có tài ngang trời dọc đất; nhân tránh loạn đến ở đấy, sao anh không đón mời hai người ấy.
Sách sai người đem đồ lễ đến mời Trương Chiêu, Trương Hoành. Hai người đều từ chối không đến. Sách phải thân đến tận nơi, cùng hai người nói chuyện. Sách rất lấy làm bằng lòng cố mời đi mời lại mãi, hai người mới chịu vâng lời. Sách cho Trương Chiêu làm trưởng-sử, kiêm chức phủ-quân trung-lang-tướng; Trương Hoành làm tham-mưu, chánh-nghị hiệu-úy.
Cùng nhau bàn mưu sang đánh Lưu Do.
Lưu Do, tự là Chính-lý, cũng là tôn thân nhà Hán, cháu quan thái-úy Lưu Sủng, em quan thứ-sử Duyện-châu Lưu Đại. Trước làm thứ-sử Dương-châu, đóng ở Thọ-xuân, sau bị Viên Thuật đuổi sang Giang-đông, cho nên đến Khúc-a ở.
Bấy giờ Lưu Do nghe thấy binh Tôn Sách đến, vội vàng họp các tướng để bàn.
Bộ tướng là Trương Anh nói:
- Tôi xin lĩnh một cánh quân, đóng đồn Ngưu-chử, quân giặc dẫu có trăm vạn cũng không dám đến gần.
Nói chưa dứt lời, dưới trướng lại có một người kêu to lên rằng:
- Tôi xin làm tiền bộ tiên phong!
Chúng tướng nhìn xem ai, thì là người ở Đông-lai, tên Thái Sử-từ.
Từ, tự khi giải được vây Bắc-hải cho Khổng Dung, sang với Lưu Do. Do giữ lại ở dưới trướng.
Do bảo:
- Ngươi còn ít tuổi, chưa nên làm đại-tướng, hãy nên ở tả hữu ta để nghe mệnh lệnh.
Từ không bằng lòng lùi ra.
Trương Anh lĩnh quân đến Ngưu-chử, chứa mười vạn hộc[2] lương ở Để-các.
Tôn Sách dẫn quân đến. Trương Anh ra địch. Hai bên hội quân ở trên bãi sông Ngưu-chử.
Trương Anh chửi mắng, Hoàng Cái ra đánh nhau với Trương Anh, chưa được vài hợp, bỗng thấy trong quân Trương Anh bối rối, rồi thấy nói: “Trong trại có người phóng hỏa!”.
Anh vội rút quân về. Tôn Sách thừa thế đánh dấn. Trương Anh thế cùng phải bỏ Ngưu-chử chạy trốn vào trong núi sâu.
Người phóng hỏa ở trong trại nguyên là hai viên kiện tướng. Một là Tưởng Khâm, tự là Công-địch, người ở Thọ-xuân, một là Chu Thái tự là Ấu-bình, người ở Cửu-giang. Hai người gặp phải thời loạn, tụ quân trong sông Dương-tử, cướp bóc kiếm ăn; vốn nghe tiếng Tôn Sách là người hào kiệt ở Giang-đông, hay cầu người hiền, vời kẻ sĩ, cho nên dẫn đồ đảng hơn ba trăm người đến theo. Sách mừng lắm, dùng làm trướng-tiền hiệu-úy, thu được cả tiền lương khí giới ở Ngưu-chử và ở Để-các, lại thêm được hơn bốn nghìn quân hàng, liền tiến binh lên đóng ở Thần-đình.
Trương Anh thua trở về vào ra mắt Lưu Do. Do giận muốn đem chém, lại có các mưu sĩ là Trích Dung và Tiết Lễ can mãi mới tha, sai Trương Anh đem quân đóng ở thành Linh-lăng để chống giặc, Do tự lĩnh quân ra mé nam núi Thần-đình cắm trại.
Tôn Sách đóng ở phía bắc núi ấy.
Hôm sau Sách gọi người ở đấy hỏi rằng:
- Ở gần đây có miếu nào thờ vua Quang Vũ chăng?
Người ấy thưa:
- Có miếu ở trên đỉnh núi.
Sách nói:
- Đêm ta chiêm bao thấy vua Quang Vũ gọi ta vào tương kiến. Ta định lên miếu ấy cầu.
Trưởng-sử là Trương Chiêu can rằng:
- Không nên đi! Mé nam núi này có trại Lưu Do. Ngộ nó có phục binh làm thế nào?
Sách nói:
- Ta đã có thần thánh phù hộ, việc chi còn phải sợ?
Nói xong liền mặc áo giáp, cầm giáo, lên ngựa, rồi đem bọn Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Đương, Tưởng Khâm và Chu Thái cả thảy 13 người cùng cưỡi ngựa lên núi. Đến miếu, xuống ngựa, vào thắp hương lễ bái, Sách quỳ xuống khấn rằng:
- Tôi là Tôn Sách. Xin nguyện rằng nếu lập được nghiệp lớn ở đất Giang-đông, khôi phục lại được cơ đồ của cha tôi ngày xưa, tôi xin sửa sang đình miếu bốn mùa lễ bái.
Sách khấn vái xong đi ra miếu, lên ngựa ngoảnh lại bảo chúng tướng:
- Ta muốn qua bên kia núi, dòm xem dinh trại Lưu Do đóng ra làm sao?
Các tướng ai cũng ngăn:
- Không nên!
Sách không nghe, cứ việc đi. Các tướng cũng phải đi theo. Đến phía nam núi, đứng trên trông xuống rừng rú và trại Lưu Do đóng. Có quân canh đường, chạy về báo với Lưu Do. Do nói:
- Đây hẳn là mẹo Tôn Sách đến dử mình đây, không nên ra đánh.
Thái Sử-từ nhảy lên nói rằng:
- Lúc này không bắt Tôn Sách thì còn đợi đến lúc nào?
Nói xong không đợi lệnh Lưu Do, tự mặc ngay áo giáp, lên ngựa, ra ngoài trại, hô lên:
- Ai có gan thì theo ta!
Các tướng không ai nhúc nhích. Chỉ có một tiểu tướng bước ra nói:
- Thái Sử-từ thế mới gọi là tướng giỏi. Ta nên đi giúp một tay.
Nói rồi lên ngựa đi theo Thái Sử-từ. Các tướng đều tủm tỉm cười.
Tôn Sách ngắm xem độ nửa giờ mới quay ngựa trở về. Vừa đi qua được đỉnh núi nghe thấy đằng sau có người thét:
- Tôn Sách đừng chạy nữa!
Sách ngoảnh lại thấy hai tướng cưỡi ngựa chạy đến. Sách đem 12 tướng sắp một hàng, còn mình cầm ngang ngọn giáo, cưỡi ngựa đứng đợi ở dưới núi.
Thái Sử-từ hỏi to:
- Người nào là Tôn Sách?
Sách hỏi:
- Mày là thằng nào?
Từ đáp:
- Tao là Thái Sử-từ ở Đông-lai, tao lại đây chỉ cốt để bắt Tôn Sách.
Sách cười nói:
- Đây! Tôn Sách đây! Cho cả hai thằng chúng bay lại đánh một mình tao, tao không sợ. Nếu tao sợ, sao gọi là Tôn Bá-phù?
Từ nói:
- Tất cả chúng mày đều đến, tao cũng không sợ.
Nói xong thúc ngựa múa kích vào đánh Tôn Sách. Sách vác kích lại địch. Hai ngựa giao nhau, đánh được hơn năm mươi hợp, được thua chưa phân, lũ Trình Phổ đứng ngoài khen thầm rằng giỏi. Từ thấy Sách đánh kích không hở miếng nào, giả cách thua chạy để dử cho Tôn Sách đuổi ra xa. Từ không đi đường cũ lên núi, lại rẽ về sau núi mà chạy, Sách vừa đuổi vừa thét to:
- Chạy không phải là hảo hán!
Từ trong bụng nghĩ thầm:
- Nó có 12 người đi theo ta chỉ trọi một mình. Ví dù bắt được nó, cũng bị chúng cướp mất. Phải dử cho nó đi một đường nữa, để cho chúng không biết đường nào mà tìm, bấy giờ ta sẽ ra tay.
Bởi thế vừa đánh vừa lùi. Sách cũng cứ đuổi, đuổi nhau mãi đến Bình-xuyên. Bấy giờ Từ mới quay lại đánh. Đánh nhau được 50 hợp nữa, Sách phóng một ngọn kích lại. Từ tránh ngay được, lại trở tay bắt được kích. Từ lại phóng kích lại, Sách cũng tránh được và giơ tay bắt lấy kích, rồi nắm chặt lấy. Từ chạy lại giằng kích về, hai người kéo co nhau rồi cùng nhảy cả xuống ngựa. Để ngựa chạy đi đâu không biết nữa.
Lôi kéo nhau chán rồi hai người cùng buông cả kích ra, túm lấy nhau mà đánh. Hai bên, bên nào áo chiến cũng rách tan nát. Sách nhanh tay vớ được cái kích ngắn gài ở lưng Từ; Từ giật ngay được mũ đâu-mâu của Sách. Sách cầm kích đâm Từ; Từ lấy mũ che đỡ.
Giữa lúc ấy có tiếng reo ầm ầm kéo đến, quân tiếp ứng của Lưu Do, ước hơn nghìn người.
Sách đã lấy làm nguy, may đâu bọn Trình Phổ 12 tướng cưỡi ngựa cũng vừa tìm được đến.
Hai người bấy giờ mới buông nhau ra.
Từ lên một con ngựa khác lại cầm lấy kích.
Ngựa của Tôn Sách Trình Phổ bắt được, Sách cũng nhặt lấy kích rồi lên ngựa.
Một nghìn quân Lưu Do cùng 12 tướng Tôn Sách hai bên đánh nhau. Đánh lần quanh mãi đến tận dưới núi Thần-đình.
Bấy giờ lại thấy tiếng reo, Chu Du kéo quân đến. Lưu Do lại dẫn đại quân xuống núi. Khi ấy trời đã vàng vàng tối, tự dưng nổi cơn mưa gió, hai bên cùng thu quân về.
Hôm sau, Tôn Sách dẫn quân đến trước trại Lưu Do. Do cũng đem quân ra đón. Khi hai bên bầy trận rồi, Tôn Sách lấy cái kích nhỏ rút được của Từ hôm trước, đem buộc ở đầu giáo, cầm ra giễu ở trước trận, rồi sai quân hô to lên rằng:
- Giá Thái Sử-từ không chạy mau chân thì đã bị kích này đâm chết.
Từ cũng đem mũ đâu-mâu của Sách ra trước trận, sai quân hô lên rằng:
- Đầu Tôn Sách đã ở đây rồi!
Hai bên nhạo báng lẫn nhau, reo ầm cả lên. Bên cậy khỏe, bên khoe tài. Thái Sử-từ phóng ngựa ra định cùng Tôn Sách quyết thắng phụ.
Sách sắp sửa ra, Trình Phổ nói:
- Chúa công lọ là phải khó nhọc. Tôi xin ra bắt nó.
Trình Phổ ra trận. Từ nói:
- Mày không đáng địch với tao. Về gọi Tôn Sách ra đây!
Trình Phổ tức lắm, vác kích xông vào đánh Từ. Hai ngựa giao đấu được hơn 30 hợp, bỗng thấy Lưu Do khua chiêng thu quân.
Từ hỏi Lưu Do:
- Tôi đã sắp bắt được tướng giặc sao lại thu quân về?
Do nói:
- Có người báo rằng: Chu Du đã đem quân đánh úp lấy Khúc-a, vì có người ở Lư-giang, tên là Trần Vũ tiếp ứng cho nó vào thành. Cơ nghiệp nhà ta đã mất, không nên ở mãi đây; phải kíp sang Mạt-lăng, hội cả quân mã của Tiết Lễ, Trích Dung lại để tiếp ứng.
Thái Sử-từ theo Lưu Do lui quân. Tôn Sách không đuổi cũng thu quân về. Trương Chiêu nói:
- Bên nó bị Chu Du lừa lấy Khúc-a, không dám ham đánh, đêm nay ta nhân thế nên đến cướp trại.
Sách ưng ý, đang đêm chia quân làm năm đường, kéo đến lấy trại Lưu Do. Quân Do thua to, chạy tán loạn cả, Thái Sử-từ một mình không chống nổi, dẫn hơn mười quân kỵ ngay đêm hôm ấy chạy sang Kinh-huyện.
Tôn Sách lại vừa được thêm một tay phụ-tá nữa là Trần Vũ, biểu tự Tử-liệt. Vũ mình cao bảy thước[7], mặt vàng, con ngươi đỏ, hình dung cổ quái. Sách yêu lắm cho làm hiệu-úy; sai đi tiên phong đánh Tiết Lễ. Vũ dẫn hơn mười kỵ mã, xông vào trong trận chém hơn năm mươi đầu giặc. Tiết Lễ thấy vậy đóng chặt cửa thành không dám ra nữa.
Sách đang đánh phá thành, có người báo rằng:
- Lưu Do hội với Trích Dung sang lấy Ngưu-chử.
Sách giận lắm, tự để đại-quân kéo về Ngưu-chử. Lưu Do, Trích Dung hai người cùng cưỡi ngựa ra đón đánh. Tôn Sách nói:
- Tao nay đã đến đây sao chúng bay không hàng ngay đi?
Ở sau Lưu Do bỗng có một người vác giáo cưỡi ngựa ra, là bộ tướng tên là Vu Mi, cùng Sách đánh nhau, chưa được ba hợp, bị Sách bắt sống rồi quay ngựa trở về trận. Tướng Lưu Do là Phàn Năng, thấy Vu Mi bị bắt liền vác giáo đuổi theo, ngọn giáo gần đâm đến sau lưng Tôn Sách, quân Sách thấy vậy mới kêu to lên rằng:
- Sau lưng có người đâm trộm!
Sách quay đầu lại, thấy Phàn Năng đã đến gần, quát to một tiếng, như tiếng sét. Phàn Năng khiếp đảm, ngã quay xuống vỡ đầu ra chết. Sách về đến cửa cờ, đem Vu Mi bỏ xuống đất, thì ra Vu Mi bị cắp ở nách đã chết kẹp từ bao giờ.
Trong một lúc, cắp chết một tướng, quát chết một tướng, từ đấy ai cũng gọi là Tiểu bá Vương (Hạng Võ ngày xưa gọi là Bá Vương).
Lưu Do thua to. Quân sĩ hàng Sách quá nửa. Sách lại chém được hơn một vạn cấp.
Do và Trích Dung chạy sang Dự-chương, đi theo Lưu Biểu.
Tôn Sách đem quân về lại đánh Mạt-lăng. Đến cạnh bờ hào, Sách đứng chiêu dụ Tiết Lễ hàng, chợt có một mũi tên ở trên thành bắn xuống trúng ngay vào đùi trái Tôn Sách. Tôn Sách ngã ngựa. Các tướng vội vàng đến cứu, nhắc Sách dậy đem về trại nhổ tên ra, lấy thuốc dấu dịt vào khỏi.
Sách nhân thể cho quân đi nói phao lên rằng bị tên bắn chết. Cả cánh quân làm lễ cử ai, nhổ trại kéo về.
Tiết Lễ tưởng Tôn Sách chết thật, đêm hôm ấy liền khởi cả quân trong thành cùng với kiêu-tướng là Trương Anh, Trần Hoành, kéo ra thành đuổi đánh. Bỗng đâu quân phục bốn mặt trổ ra, Tôn Sách đứng đầu đi trước gọi to lên rằng:
- Tôn-lang ở đây mà!
Quân giặc trông thấy mất vía vứt cả gươm giáo, phục xuống đất lạy. Sách truyền lệnh không được giết một người nào.
Trương Anh quay ngựa chạy về bị Trần Vũ đâm chết, Trần Hoành bị Tưởng Khâm bắn chết; Tiết Lễ chết ở trong đám loạn quân.
Sách vào Mạt-lăng, phủ dụ cho dân yên nghiệp rồi đem binh sang Kinh-huyện để bắt Thái Sử-từ.
Thái Sử-từ chiêu được hai nghìn quân tinh-tráng và quân cũ của mình, toan lại báo thù cho Lưu Do.
Tôn Sách với Chu Du bàn nhau kế bắt sống Thái Sử-từ.
Chu Du nói:
- Ba mặt đánh huyện, để chừa một mặt cửa đông cho Từ chạy. Cách huyện 25 dặm[8], phục binh ba nơi. Từ ra khỏi thành chạy được đến đấy, người mệt, ngựa mỏi, tất nhiên bị bắt.
Nguyên những quân của Thái Sử-từ dụ được quá nửa là người ở rừng núi, chưa biết kỷ luật nhà binh. Vả thành Kinh-huyện lại không được cao. Đêm hôm ấy Tôn Sách sai Trần Vũ, mặc áo ngắn cầm đao, trèo trước lên mặt thành đốt lửa. Từ thấy trên thành lửa cháy, lên ngựa chạy ra cửa đông. Tôn Sách đem quân lại đuổi, đuổi đến ba mươi dặm[9] thì thôi. Từ chạy được năm mươi dặm[10], người ngựa đều đã mỏi mệt, giữa lúc ấy trong đám cỏ lau bên đường có tiếng reo nổi lên. Từ vội chạy, hai bên đường chằng chịt những dây, ngựa vướng cẳng ngã gục xuống. Thái Sử-từ bị bắt sống, giải về trại Tôn Sách.
Lúc quân lính sắp giải Từ đến nơi, Sách biết trước ra tận cửa dinh, quát đuổi quân lính, tự ra cởi trói, rồi đem áo cẩm-bào mặc cho Từ, mời vào trong trại nói rằng:
- Ta biết Tử-nghĩa là một đấng trượng-phu. Bởi Lưu Do đứa ngu xuẩn, không biết dùng Tử-nghĩa làm đại-tướng cho nên đến nỗi có trận thua này.
Từ thấy Sách đối đãi mình tử tế, xin xuống hàng. Sách cầm lấy tay Từ cười nói rằng:
- Khi đánh nhau ở Thần-đình, giá thử ông bắt được tôi, thì có hại nhau không?
Từ cũng cười đáp rằng:
- Cũng chưa biết chừng!
Sách cười ầm lên, mời vào trướng, mời lên ngồi trên, sai mở tiệc yến khoản đãi. Từ đứng dậy nói rằng:
- Lưu-quân mới thua, lòng quân tan rã, tôi xin về để thu nhặt dư chúng, để giúp minh công. Không biết minh công có tin không?
Sách đứng dậy tạ mà nói rằng:
- Bụng tôi vẫn ước như thế, nay xin hẹn với ông bây giờ ông về bên ấy, trưa mai tôi xin đợi ông ở đây.
Từ vâng lời rồi đi.
Các tướng ngạc nhiên nói rằng:
- Thái Sử-từ đi chuyến này tất không trở lại đâu!
Sách nói:
- Từ là người tín nghĩa không trái ước với ta.
Các tướng chẳng ai tin. Hôm sau cắm một cây nêu để đo bóng mặt trời ở trước cửa trại, rồi các tướng cùng xúm cả chung quanh để đợi giờ ngọ[11]. Cây nêu vừa đứng bóng thì thấy Thái Sử-từ dẫn hơn một nghìn quân đến.
Chúng đều chịu Tôn Sách là biết người.
Tôn Sách tụ được vài vạn quân, bình trị được Giang-đông, vỗ yên dân chúng, người kéo về theo vô số. Dân Giang-đông ai cũng gọi Sách là Tôn-lang.
Quân Tôn-lang đi đến đâu, người sợ đến đấy, thế mà khi Sách đến nơi, tịnh không cho một người nào cướp bóc của dân, cho đến gà chó cũng không kinh động. Nhân dân thấy thế ai cũng mừng, đem trâu ngựa đến trại để mừng. Sách lại đem vàng, đem lụa ra trả lại. Tiếng vui mừng đầy khắp ngoài đường. Phàm những quân cũ của Lưu Do, ai muốn theo thì cho theo, ai không muốn theo thì cấp thưởng cho về làm ruộng.
Dân Giang-nam ai cũng khen Tôn Sách là người nhân đức. Bởi vậy quân thế mỗi ngày một thịnh.
Bấy giờ Sách mới rước mẹ, chú và các em cùng về Khúc-a; sai em là Tôn Quyền cùng với Chu Thái giữ Tuyên-thành. Sách thì lĩnh binh sang Nam để lấy Ngô-quận.
Bấy giờ Nghiêm Bạch-hổ, tự xưng là Đông Ngô Đức-vương, giữ ở Ngô-quận. Bạch-hổ sai bộ tướng giữ Ô-trình và Gia-hưng. Bấy giờ nghe tin quân Tôn Sách đến, Bạch-hổ sai em là Nghiêm Dư đem quân ra.
Hai bên gặp nhau ở Phong-kiều. Dư vác đao cưỡi ngựa đứng trên cầu. Sách muốn ra địch, Trương Hoành can rằng:
- Chủ tướng là vận mệnh của ba quân, ai cũng trông cậy cả vào, không nên khinh địch với quân tiểu-khấu. Xin tướng quân tự cẩn trọng.
Sách tạ nói rằng:
- Lời tiên sinh nói như vàng đá[12]. Nhưng nếu tôi không chịu xông vào mũi tên hòn đạn thì tướng sĩ ai chịu dùng sức!
Bèn sai Hàn Đương cưỡi ngựa ra.
Khi Hàn Đương đi lên đến cầu, đã thấy Tưởng Khâm, Trần Vũ bơi thuyền nhỏ theo bờ sông, lượn sang được bên kia cầu, bắn tên tua tủa lên quân đứng trên bờ, hai người nhảy lên đánh giết, quân Nghiêm Dư phải lùi chạy. Hàn Đương kéo quân thẳng đến cửa thành. Giặc chạy cả vào trong thành. Sách chia quân đường thủy đường lục cùng tiến, vây bọc cả lấy Ngô-thành. Vây luôn ba ngày không ai dám ra đánh.
Sách dẫn quân đến dưới cửa thành để chiêu dụ. Trên thành, một viên tỳ tướng, tay trái cầm chắc thanh ván đỡ tên, tay phải trỏ xuống chửi mắng.
Thái Sử-từ ngồi trên ngựa giương cung đặt tên xong rồi ngoảnh lại bảo chư tướng rằng:
- Xem ta bắn trúng vào tay trái thằng kia nhé!
Nói chưa dứt lời, dây cung tách một tiếng, quả nhiên trúng giữa bàn tay trái tên tướng trên thành, lại suốt qua tay cắm vững vào tấm ván.
Người trên thành dưới thành ai cũng reo ồ lên.
Chúng vội vàng cứu tướng ấy đem xuống thành. Bạch-hổ trông thấy thất kinh nói rằng:
- Quân nó có người tài như thế, ta địch sao được?
Bàn nhau muốn cầu hòa.
Hôm sau Bạch-hổ sai Nghiêm Dư ra thành vào ra mắt Tôn Sách. Sách mời Dư vào trướng uống rượu. Rượu đã say, Sách hỏi Dư:
- Ý lệnh huynh muốn thế nào?
Dư nói:
- Muốn cùng tướng quân chia đôi Giang-đông.
Sách nổi giận mắng rằng:
- Đàn chuột nhắt lại đòi ngang vai với ta à!
Mắng rồi thét đem Nghiêm Dư ra chém.
Dư rút gươm đứng dậy, Sách cầm thanh gươm ném ra, trúng ngay cổ Nghiêm Dư ngã xuống, cắt ngay lấy đầu, sai người đưa vào thành.
Bạch-hổ biết chừng không địch nổi, bỏ thành chạy. Sách kéo quân đuổi theo. Hoàng Cái đánh lấy được Gia-hưng; Thái Sử-từ đánh lấy được Ô-trình, mấy châu đều bình định cả. Bạch-hổ chạy về Dư-hàng, cướp bóc ở dọc đường, lại bị người thổ dân ở đấy tên là Lăng Tháo đem người làng ra đánh, Bạch-hổ phải thu quân về Cối-kê.
Hai bố con Lăng Tháo lại đi đón Tôn Sách. Sách cho làm tông-trinh hiệu-úy, cũng dẫn binh sang qua sông. Bạch-hổ tụ quân, dàn khắp ở bến Tây-tân. Trình Phổ đánh một trận, đuổi mãi đến thành Cối-kê.
Thái thú Cối-kê tên là Vương Lãng, muốn đem binh ra cứu Bạch-hổ, có người can rằng:
- Không nên cứu, Tôn Sách dùng quân nhân nghĩa; Bạch-hổ là một tướng bạo ngược. Nên bắt Bạch-hổ đem dâng Tôn Sách.
Lãng nhìn xem ai bàn kế ấy; thì là Ngu Phiên, tự là Trọng-tường, người ở Cối-kê, hiện đương làm quận-lại. Lãng giận mắng Phiên. Phiên thở dài trở ra.
Lãng đem binh hội với Bạch-hổ, dàn quân ở cánh đồng Sơn-âm; hai bên đối trận. Tôn Sách cưỡi ngựa ra bảo Vương Lãng rằng:
- Ta cất quân nhân nghĩa đi dẹp Tích-giang, sao mày dám tùng đảng với giặc?
Lãng mắng rằng:
- Bụng mày tham không có chừng, đã được Ngô-quận rồi lại còn muốn chiếm nốt bờ cõi ta. Nay ta báo thù cho họ Nghiêm cho mày biết tay!
Tôn Sách giận lắm, sắp ra đánh nhau thì Thái Sử-từ ra lúc nào rồi. Vương Lãng múa đao tế ngựa, đánh nhau với Từ chưa được vài hợp, tướng Lãng là Chu Hân nhảy ra đánh đỡ. Bên này Hoàng Cái cũng tế ngựa ra tiếp ứng, đánh với Chu Hân.
Hai bên trống đánh vang lừng, đánh nhau lộn bậy. Tự nhiên thấy đằng sau trận Vương Lãng bối rối. Một toán quân đâu từ sau lưng đánh lại. Lãng thất kinh kíp quay ngựa trở về.
Quân đánh tập hậu ấy là Chu Du và Trình Phổ, trong khi hai bên đánh nhau, đi tắt lẻn mặt sau.
Đằng trước đằng sau đánh dập lại. Lãng quân ít không chống xuể, cùng với Bạch-hổ, Chu Hân cố đánh để mở lấy một đường máu chạy vào thành, buông cầu xuống, đóng vững cửa thành lại.
Đại quân Tôn Sách thừa kế, xấn đến mãi dưới thành, chia quân ra bốn cửa. Vương Lãng ở trong thành thấy Sách đánh kíp lắm, lại muốn kéo quân ra quyết đánh một trận sống chết cũng đành. Bạch-hổ can rằng:
- Binh thế Tôn Sách to lắm, túc hạ chỉ nên thành cao hào sâu cho vững. Không đầy một tháng, quân kia hết lương tất phải chạy. Bấy giờ ta thừa thế ra đuổi, có thể chẳng phải đánh cũng phá tan được.
Lãng nghe kế ấy, cứ vững thành không ra.
Tôn Sách đánh luôn mấy hôm không phá được thành bèn cùng chư tướng bàn mưu kế. Tôn Tĩnh nói:
- Vương Lãng cậy hiểm giữ thành, khó phá ngay được. Tiền lương đất Cối-kê quá nửa chứa ở Tra-độc, đem binh giữ lấy Tra-độc trước. Trong binh pháp có nói rằng: “đánh chỗ vô bị, ra nơi không ngờ[13]” là thế đó.
Sách mừng nói:
- Mẹo hay của chú đủ phá được giặc.
Liền hạ lệnh sai các cửa thành đốt lửa giả cắm cờ hiệu để làm nghi binh, rồi đêm hôm ấy rút vây, kéo quân sang mặt nam.
Chu Du hiến một kế rằng:
- Chúa công kéo cả quân, Vương Lãng tất ra thành đuổi theo. Nếu nó ra ta nên dụng kỳ binh mà đánh.
Sách nói:
- Ta đã sắp sẵn cả rồi. Lấy thành chỉ nội đêm nay.
Bèn hạ lệnh cho quân mã đi.
Vương Lãng nghe tin báo Tôn Sách rút quân mã đi, liền dẫn quân lên Địch-lâu trông xem, thấy dưới thành khói lửa vẫn ngùn ngụt, tinh kỳ đâu vẫn đấy, trong bụng còn nghi hoặc, Chu Hân nói:
- Tôn Sách chạy rồi, bày ra mẹo này để đánh lừa ta đấy thôi, nên đem binh ra đuổi đánh.
Nghiêm Bạch-hổ nói:
- Tôn Sách chuyến này đi, dễ thường định đến Tra-độc. Tôi xin đem bộ binh đuổi theo.
Lãng nói:
- Tra-độc là chỗ ta chứa lương, cần phải đề phòng cẩn thận. Người đi trước, ta theo sau để tiếp ứng.
Bạch-hổ lĩnh năm nghìn quân ra thành đuổi theo.
Bấy giờ mới canh một[14]. Đi khỏi thành được hơn hai mươi dặm[15], bỗng đâu trong rừng rậm, có một tiếng trống nổi, rồi lửa đuốc sáng rực cả lên. Bạch-hổ thất kinh, liền quay ngựa trở lại, thì có một tướng chắn ngang đường.
Chính là Tôn Sách.
Chu Hân múa đao lại đánh, bị Sách đâm một mũi giáo chết. Quân thấy thế xuống hàng cả. Bạch-hổ cố chết mở một đường, rồi chạy về Dư-hàng.
Vương Lãng nghe tiền quân đã thua, không dám vào thành, dẫn bộ binh chạy ra góc bể đi trốn.
Tôn Sách thu quân trở lại, thừa thế lấy ngay thành trì, vỗ yên nhân dân.
Được mấy hôm có người mang đầu Bạch-hổ đến dâng. Tôn Sách nhìn người ấy, mình cao tám thước[16], mặt vuông, mồm rộng; hỏi tên họ là gì, thì người ấy xưng tên là Đổng Tập, biểu tự Nguyên-đại, người ở Cối-kê.
Sách mừng lắm cho làm biệt-bộ tư-mã.
Từ đó xứ đông bình định được cả. Sách sai chú là Tôn Tĩnh giữ ở đấy; còn mình thì thu quân về Giang-đông.
Em Sách là Tôn Quyền cùng với Chu Thái giữ ở Tuyên-thành. Chợt có giặc núi bốn mặt kéo đến. Bấy giờ đêm đã khuya, không kịp chống cự. Thái ôm Quyền lên ngựa để chạy. Giặc vác dao xông vào chém. Thái cởi trần ra, xuống ngựa đi bộ, cầm dao đánh nhau với giặc, một lúc giết luôn được hơn mười đứa. Sau có một tên giặc, tế ngựa vác giáo nhảy xổ vào để giết Chu Thái, Thái nắm ngay được giáo, rẩy giặc ngã xuống, cướp được ngựa giặc, đánh riết mở được đường ra, cứu được Tôn Quyền.
Giặc thấy vậy chạy cả. Thái bị cả thảy mười hai vết thương nặng, sưng lên, gần chết. Sách nghe tin lo lắm. Đổng Tập nói:
- Tôi đã nhiều phen đánh nhau với giặc bể, bị thương, may có một người quận lại ở Cối-kê, tên là Ngu Phiên tiến cử một thầy thuốc, chữa cho chỉ nửa tháng là khỏi.
Sách hỏi:
- Ngu Phiên có phải là Ngu Trọng không?
Tập thưa:
- Phải.
Sách nói:
- Người ấy là hiền sĩ, ta nên dùng.
Liền sai Trương Chiêu, Đổng Tập đến mời Ngu Phiên. Phiên đến. Sách thết đãi cực hậu, cho làm công-tào. Nhân nói chuyện thày thuốc, Phiên nói rằng:
- Người ấy là người ở Tiêu-quận, nước Bái, tên là Hoa Đà, tự là Nguyên-hóa; thực là thần y bây giờ, tôi xin đưa đến để yết kiến.
Được mấy bữa Phiên đem Hoa đà đến.
Sách thấy người mặt còn trẻ, mà tóc bạc phơ phơ, tựa như một ông tiên, tiếp đãi làm một thượng khách, rồi mời xem bệnh cho Chu Thái. Hoa Đà xem rồi nói: “Bệnh này chữa thực dễ”. Cho thuốc rịt một tháng Chu Thái khỏi hẳn.
Sách mừng lắm, hậu tạ Hoa Đà rồi tiến binh tiễu trừ giặc núi. Giang-nam bình định cả. Sách chia cho các tướng giữ các cửa ải, một mặt tả biểu tâu về triều đình, một mặt kết giao với Tào Tháo, một mặt đưa thư cho Viên Thuật để đòi lại ngọc-tỉ.
Viên Thuật từ khi nắm được tỷ-phù, có ý muốn giữ lấy để xưng hoàng đế, khi tiếp được thư Tôn Sách, liền đưa thư đáp lại tìm cớ thoái thác không trả, rồi kíp hội trưởng-sử là Dương Đại-tướng; đô-đốc là Trương Huân, Kỷ Linh, Kiều Di; thượng-tướng là Lôi Bạc, Trần Lan, cả thảy hơn ba mươi người, bàn với nhau rằng:
- Tôn Sách mượn quân mã của ta để khởi sự, nay đã lấy hết được đất Giang-đông, đã quên ơn ta, lại dám đòi lại ngọc-tỉ, thực là xấc láo, có phương kế gì trị nó đi chăng?
Dương Đại-tướng nói:
- Tôn Sách giữ hiểm sông Tràng-giang, binh giỏi, lương nhiều, cũng chưa dễ trị được. Nay ta nên hãy đánh Lưu Bị trước để báo thù xưa không dưng sang đánh ta đã. Rồi sau ta hãy sửa Tôn Sách, cũng không muộn. Nay tôi xin dâng một kế làm cho Lưu Bị phải bị bắt ngay bây giờ.
Thế là:
Chẳng tới Giang-đông tìm hổ báo;
Lại sang Từ-quận bắt giao long!
Chưa biết kế của Dương Đại-tướng hiến ra làm sao, xem tới hồi sau sẽ hiểu.
Chú thích
- ▲ Xem Hồi thứ nhắt.
- ▲ a ă Đơn vị đo cũ, một hộc tương đương với thể tích khoảng 20 lít.
- ▲ Đơn vị đo cũ, một lạng tương đương với khối lượng khoảng 37,8 gram.
- ▲ Ý nói ý trời đã sắp đặt thì không nên chống lại, tốt nhất là nhún nhường chờ thời cơ.
- ▲ Xem cuối Hồi thứ bảy.
- ▲ Ý là có ý khách khí, lịch sự.
- ▲ Một thước vào thời nhà Hán dài khoảng 23,1 cm. Bảy thước là khoảng 1,61 m.
- ▲ Một dặm vào thời nhà Hán dài khoảng 415,8 m. 25 dặm là khoảng 10 km.
- ▲ 30 dặm là khoảng 12,5 km.
- ▲ 50 dặm là khoảng 20 km.
- ▲ Trung Quốc xưa chia một ngày thành 12 giờ với mỗi giờ bằng gần 2 tiếng ngày nay, đặt theo tên 12 con giáp. Giờ ngọ là từ 12 đến 14 giờ, tức là lúc giữa trưa.
- ▲ Ý nói cứng và mạnh, cứng rắn.
- ▲ Đây là câu thứ 24, Chương 1 - Thiên Kế trong Binh pháp Tôn Tử, nguyên văn: Công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý (攻其無備出其不意).
- ▲ Ngày xưa một đêm được chia làm 5 canh gác, cứ qua mỗi canh lại có người đánh trống hoặc kẻng để báo hiệu, từ đó có đơn vị thời gian canh vào ban đêm. Canh một là khoảng từ 7 đến 9 giờ tối.
- ▲ Hai mươi dặm là khoảng 8.300 km.
- ▲ Tám thước là khoảng 1,85 m.