Thơ Tản Đà/13

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Đời đáng chán......

Người đời, thử ngẫm mà hay:
Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê!
Còn ai, ai tỉnh hay mê?
Những ai thiên cổ đi về những đâu?

Đời đáng chán, hay không đáng chán?
Cất chén quỳnh, riêng hỏi bạn tri âm.
Giá khuynh-thành nhất tiếu thiên kim[1]
Mắt xanh, trắng[2], đổi nhầm bao khách tục.

江 河 日 下 人 皆 濁
Giang hà nhật hạ nhân dai chọc,
天 地 鑪 中 孰 有 情
Thiên địa lô trung thục hữu tình[3].

Đón đưa ai gió lá chim cành?
Ấy nhân-thế phù-sinh là thế thế.
Khách phù-thế chửa rướch câu phù-thế,
Người phong-lưu càng đượm vẻ phong-lưu.

Bức khăn hồng nâng đỡ hạt châu,
Truyện kim cổ một vài câu phải trái.
Châu Nam-hải, thuyền chìm sông Thúy-Ái,
Sóng Tiền-Đường, cỏ ái bến Ô-giang[4].
Ngẫm nghìn xưa, ai tài hoa, ai tiết-liệt, ai đài-trang,
Cùng một giấc mơ-màng trong võ trụ.
Đời đáng chán, biết thôi là đủ;
Sự “chán đời” xin nhủ lại tri âm:
Nên chăng? nghĩ lại kẻo nhầm.

  1. Nhất tiếu thiên kim 一 笑 千 金 là một cái cười giá đáng nghìn vàng.
  2. Nguyễn-Tịch, người đời nhà Tấn ở bên Tầu, làm được ra hai thứ con mắt, mắt xanh và mắt trắng; gặp người như ý thời đãi bằng mắt xanh, gặp người không như ý thời đãi bằng mắt trắng.
  3. Hai câu thơ này, câu trên nghĩa nói: Giang hà đến lúc ngày càng kém thời người ta đều bỉ-tục; câu dưới nghĩa nói: Người ta ở trong lò của giời đất đúc ra, nào ai là có tình.
  4. Hai câu này tất cả bốn điển: 1• Châu Nam-Hải là điển nàng Mỵ-Châu. Mỵ-Châu là con gái vua nước Thục, bị người chồng là Trọng-Thủy (con vua Triệu) lừa đảo, rồi đem quân sang đánh. Mỵ-Châu cùng bố chạy ra đến miền bể nam, bị bố chém chết ở đó, máu chôi xuống bể; những con trai ở bể ăn cái máu ấy mà thành ra có ngọc trân-châu. — 2• Thuyền chìm sông Thúy-Ái là điển bà Phan-thị-Thuấn. Phan-thị-Thuấn là ái-thiếp của ông Ngô-cảnh-Hoàn là tướng-quân đời cuối Lê. Cảnh-Hoàn chết trận ở bến sông Thúy-Ái; thị Thuấn dìm thuyền để chết theo. Ấy hai điển ở sử ta. — 3• Sông Tiền-Đường là điển nàng Tây-Thi. Nàng Tây-Thi nguyên là con gái nước Việt, vua nước Việt đem cống sang nước Ngô; vua nước Ngô, vì yêu nàng Tây-Thi mà mê chơi quá độ, sau bị quân Việt đánh mất nước. Vua nước Việt đã đánh được nước Ngô rồi, sai đem vướch nàng Tây-Thi xuống khúc sông Tiền-Đường. — 4• Cỏ ái bến Ô-giang là điển nàng Ngu-Cơ. Nàng Ngu-Cơ là ái-cơ của vua Hạng-vương. Vua Hạng-vương bại trận ở Cai-Hạ, nàng Ngu-Cơ tự vẫn chết, chôn ở gần bờ sông Ô-giang; bờ sông đó thành ra nhiều thứ cỏ gọi là cỏ Ngu-mỹ-nhân. Ấy hai điển ở sử Tàu.