Thư chiêu dụ tướng tá nhà Mạc

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Thư chiêu dụ tướng tá nhà Mạc  (1551) 
của Lê Bá Ly

Tháng 3 âl năm 1551, Lê Bá Ly cùng thuộc tướng qui phục Nam Triều. Tháng 4 âl năm 1551, Nam Triều phát binh đánh nhà Mạc, Lê Bá Ly viết tờ quốc thư bằng chữ Nôm để chiêu dụ các tướng tá nhà Mạc đi theo Nam Triều. Toàn văn tờ thư được ghi lại ở trang 223a, sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A.18. Phiên âm ra chữ Quốc ngữ trong sách Đại Việt thông sử, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2007.

"Các chức văn võ ở Sơn Nam, Sơn Tây, kính đạt tới dưới cờ các tướng quân Kinh Bắc:

Từng mảng rằng:

Dứt loạn có trị[1], xét cổ kim biết thửa[2] phế hưng; trở nguy làm yên, hay thời thế bởi chưng tuấn kiệt[3]. Lý thông chẳng mất, gương để khá soi. Bui[4] nhà ta, tự Đinh Lê Lý Trần đặng có phong cương, cùng Hán Đường Tống Nguyên đều làm quân trưởng. Đến nhẫn[5] Nhuận Hồ mạt vận, mười ba thu ngược chính phiền hà; cho nên ngoại quốc cất binh, dư hai kỷ[6] châu thành chiếm cứ. Nước xảy phải mỗ khi[7] truân bĩ, trời nau sinh[8] có chúa thánh minh. Vua Thái Tổ dấy nghĩa dẹp loạn, dân được thoát cơn đồ thán; vua liệt tổ lấy nhân là đức, người đều nhuận ở cơ phu[9]. Số truyền ước quá lịch Chu, gặp biến phút nhân ách Hán[10]. Thác thiên nhường[11] mà lấy thiên hạ, sự chẳng bình[12] tai mặt khôn che; còn duy trì bởi đức tiên vương, dân đoái cảm tơ hào nỡ phụ[13]. Xem nhân tâm khá hay thiên ý[14], suy thiên ý thực ở nhân tâm.

Chúng ta nay, chịu vóc trượng phu[15], tắm ơn Đại Việt. Có kẻ tự tài[16] tướng súy, lảu học thao kiềm[17] ; có người dựng nghiệp thi thư, ra đường khoa mục. Văn vũ tài dùng há mượn, kinh quyền đạo phải chẳng nề[18]. Hoặc đẹp duyên gặp phải Lê triều, có quan có lộc; hoặc đội nghĩa phò nhà Mạc thị, chịu tước chịu ơn. Hướng minh tuy nhẫn chẳng cùng, xử biến cho hay có khác[19].

Chưng thuở trước, thầy tớ Tử Nghi làm dữ[20], ta đã cùng lòng cùng sức dẹp yên; đến khi rầy, cha con Phạm Quỳnh mống gian[21], nó lại cải sách cải lèo[22] gây loạn. Làm uy phúc muốn về ở nghỉ[23], kết tội danh hòa hãm ép người. Xui ác đảng tuôn thổi phù ngôn[24], vu chưởng phả mống lòng tự lập. Đô đài làm quan nhĩ mục, ở doanh thành mà đón bắt làm sao; Thái tể bàn việc miếu đường, về kẻ chợ nỡ khua vậy mà dám[25]. Lật mặt sự làm nhẫn bấy, đầy triều ai có tỏng đâu[26]. Chúa Cảnh Lịch[27] luống giữ giống hư, chước nào khả chế; lòng Khiêm Vương[28] dễ nghe lời xiểm, trách ấy khôn từ[29]. Phép quốc gia chưa sáng hình chương, loài gian ác càng dông bạo ngược. Kinh ấp hai phường phố xá, đốt hết lâng lâng; quan cư mọi chốn nha môn, cướp không thảy thảy. Hòm đồ tịch[30] đầy vơi hoại hết, của kho tàng nhiều ít chở đi. Nỡ quét không dãy quế buồng tiêu[31], nào kiêng danh phận; tư dời hiếp xe rồng liễn phượng, bỏ lẽ thành trì[32]. Thống tốt đồ[33] dấy việc can qua, đẩy sinh linh tới nàn thủy hỏa. Những thói chuột quen nương xã, xã đã mất khôn nương[34] ; nào cốc nước hay lật thuyền, thuyền chẳng ngừa dễ lật[35] . Ếch dưới giếng cho choe xưng lớn, én trên rường rúc rích còn ăn[36] ...[37] nó lấy làm chơi, biến cả[38] ai hầu chịu thác.

Âu cây thấp ắt là bỏ rễ, thương vay tộ Mạc mau đời[39]; đến vận lành thực hệ ở trời, mừng lấy chúa Lê lại dấy. Vua Thuận Bình[40] thực dòng đế trụ[41], dưỡng sức Lam Sơn. Nối dấu Thiếu Khang[42], bởi Luân ấp Ngu ấp đặng đồ tái tạo; hết ngay Thần Mỵ[43], có Lương quốc Gia quốc[44] phò vận trung hưng. Được thời được chúa được tôi, có đất có người có của. Cõi Hoan Châu, cõi Ô Lý, trông đức giáo thuyền bể lội thông; trấn Thuận Hóa, trấn Tuyên Quang, mang ngọc bạch thê non[45] sum hợp. Binh ứng viện đã dẹp tan Ninh Sóc[46], thư qui phụ rày nhặt thấy[47] Lạng Sơn. Quận huyện đòi chốn[48] khua trừ, thủy bộ hẹn ngày thẳng tới. Ngựa làm cơ, voi làm trận, sáu quân đua khí mãnh hăm hăm ; bầu đem nước, giỏ đem cơm, muôn họ dốc lòng về số số[49] . Quan nghi cũ người đều mừng thấy, anh hùng nhiều ai chẳng phục đòi[50] . Đây đà biết thửa hướng minh, đấy khá toan bề qui thuận. Mựa[51] cậy trường giang, có phân nam bắc, mà lấy làm bền; dù mất đông ngu, còn thu tang du[52], nào rằng đã muộn. Gặp cơ hội đã đành chẳng lỡ, luận công danh chỉn thực phải thâu. Nhược lo nghĩa cả tòng quân, bao chẳng[53] tòng quân, nếu thuở Quang Thiệu, thuở Thống Nguyên[54] cho phải nghĩa ; tua[55] ắt học xưa trạch chúa[56], bao chẳng trạch chúa, bằng[57] ngươi Lý Thông ngươi Mã Viện[58] mới nên hiền. Khuyên mựa hồ nghi, kíp nên quyết đoán. Kìa Trương Lương[59] làm tôi Cao Tổ, bút sử thần tay chép còn khen ; nọ Phạm Chất[60] lại thờ Nghệ Tổ[61], nhân Cơ Tử ai rằng có kém[62].

Nhìn thư diển chẳng toan nẻo trước, dù sự nào ai trách chưng sau. Oai sấm dậy bởi trời, binh khỏe nỡ hùng bi ai địch[63] ; ngọn lửa lan khắp núi, thế cháy âu ngọc thạch đâu phân[64]. Nhớ nghĩa xưa cũng muốn về lành[65], ngỏ lòng thực xá tin nhắc bảo.

   




Chú thích

  1. Dứt loạn có trị : hết thời loạn đến thời thái bình
  2. Thửa : của nó (đại từ)
  3. Hay thời thế bởi chưng tuấn kiệt : chỉ có người tuấn kiệt là biết thời thế
  4. Bui : duy (Phát ngữ từ mở đầu một luận đoán)
  5. Nhẫn : tới
  6. Kỷ : 12 năm
  7. Mỗ khi : khi ấy
  8. Nau sinh: sinh ra
  9. Vua liệt tổ lấy nhân là đức, người đều nhuận ở cơ phu: các vua trị dân bằng nhân nghĩa, mọi người đều đội ơn sâu như thấm vào da thịt
  10. Số truyền ước quá lịch Chu, gặp biến phút nhân ách Hán : lẽ ra nhà Lê phải làm vua lâu ngang với nhà Chu ở Trung Quốc (nhà Chu làm vua gần 900 năm), nhưng gặp sự biến như chuyện nhà Hán bị Vương Mãng cướp ngôi
  11. Thiên nhường : nhường ngôi, chỉ việc Mạc Đăng Dung bắt vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi cho mình
  12. Chẳng bình : bất bình
  13. Dân đoái cảm tơ hào nỡ phụ : dân vẫn còn nhớ công ơn vua Lê
  14. Thiên ý : ý trời
  15. Chịu vóc trượng phu : mang thân làm kẻ trượng phu
  16. Tự tài (tự : nối, tài : tài năng) : ý nói con nhà võ tướng, có tài đánh trận giống cha ông
  17. Thao kiềm : Lục thaoNgọc kiềm thư là sách binh pháp thời cổ, ở đây chỉ binh thư nói chung
  18. Kinh quyền phải đạo chẳng nề : cứ theo đạo phải mà làm, không câu nệ là chấp kinh hay tòng quyền
  19. Hướng minh tuy nhẫn chẳng cùng, xử biến cho hay có khác: tuy sự hướng theo có khác nhau, nhưng xử trí khi gặp biến cố cho phải lẽ đâu có khác nhau, ý nói vẫn hết lòng vì chúa công)
  20. Chưng thuở trước, thầy tớ Tử Nghi làm dữ : Trong thời gian trước, Phạm Tử Nghi và thuộc hạ nổi dậy làm loạn, ý nói đến loạn Phạm Tử Nghi (1546 - 1549)
  21. Mống gian : mọc ra mầm mống gian tà
  22. Cải sách cải lèo ( cải : đổi ; sách, lèo : dây lái buồm ở thuyền) : thay đổi thái độ, trở mặt
  23. Làm uy phúc muốn về ở nghỉ : muốn cho quyền hành (làm uy làm phúc) về tất cả tay nó
  24. Phù ngôn : lời phao ngôn, bịa đặt
  25. Đô đài ; quan ngự sĩ, chỉ Nguyễn Thiến là thông gia với Lê Bá Ly, bị bọn Quỳnh, Dao vây bắt. Thái tể : chỉ Lê Bá Ly
  26. Tỏng : biết rõ
  27. Cảnh Lịch : niên hiệu của Mạc Phúc Nguyên, ở đây chỉ Mạc Phúc Nguyên
  28. Khiêm Vương : chỉ Mạc Kính Điển
  29. Trách ấy khôn từ : trách nhiệm ấy không thể chối cãi
  30. Đồ tịch : giấy tờ sách vở
  31. Quét không dãy quế buồng tiêu : vơ vét sạch của cải trong cung cấm. Chữ quét nguyên văn viết lầm ra chữ phù
  32. Tư dời hiếp xe rồng liễn phượng, bỏ lẽ thành trì : theo ý riêng bức bách nhà vua bỏ kinh thành ra đi
  33. Thống tốt đồ : thống suất quân lính
  34. Những thói chuột quen nương xã, xã đã mất khôn nương : chuột quen nấp ở hang lỗ trên nền xã, nhưng nền xã đã mất nên không còn nơi nấp lẩn
  35. Nào cốc nước hay lật thuyền, thuyền chẳng ngừa dễ lật (cốc : biết) : nào biết rằng nước có thể lật thuyền, thuyền không đề phòng dễ bị lật
  36. Én trên rường rúc rích còn ăn : con én làm tổ trên xà nhà, nhà đã cháy mà vẫn không biết nguy hiểm, còn ríu rít mớm mồi cho con (điển sách Luận ngữ
  37. Nguyên văn bỏ trống một khoảng, không biết là những chữ gì
  38. Biến cả : tai biến lớn lao
  39. Thương vay tộ Mạc mau dời : thương thay vận nhà Mạc nhanh bị nguy vong
  40. Vua Thuận Bình : chỉ Lê Trung Tông, niên hiệu Thuận Bình
  41. Dòng đế trụ : dòng dõi nhà vua
  42. Thiếu Khang : vua nhà Hạ, có công trung hưng lại đế nghiệp sau bốn đời bị rơi vào tay họ khác
  43. Hết ngay Thần Mỵ : tận trung như Thần Mỵ, là bề tôi của Thiếu Khang, có công phò chúa giành lại ngai vàng
  44. Lương Quốc : có lẽ là Lượng Quốc viết lầm, chỉ Lượng Quốc công Trịnh Kiểm. Gia Quốc chỉ Gia Quốc công Vũ Văn Mật
  45. Thê non : trèo núi
  46. Ninh Sóc : Thái Nguyên
  47. Nhặt thấy : thấy luôn luôn
  48. Đòi chốn : nhiều nơi
  49. Bầu đem nước, giỏ đem cơm, muôn họ dốc lòng về số số : nhân dân đem cơm nước đón tiếp quân Nam Triều
  50. Quan nghi cũ người đều mừng thấy, anh hùng nhiều ai chẳng phục đòi : mọi người đều vui mừng được thấy uy nghi ngày xưa ở quân Nam Triều và theo phục vua Lê
  51. Mựa : chớ
  52. Dù mất đông ngu, còn thu tang du : dù thời trẻ đã trót sai lầm thất bại, cũng còn hi vọng sẽ thu được thành công vào lúc tuổi già
  53. Bao chẳng : có lẽ là "bao giờ chẳng"
  54. Quang ThiệuThống Nguyên là hai niên hiệu của Lê Chiêu Tông Lê Cung Hoàng. Hai vua đều bị Mạc Đăng Dung giết
  55. Tua : nên
  56. Trạch chúa : chọn chúa (mà theo phò)
  57. Bằng : như
  58. Lý Thông Mã Viện đều là danh tướng đời Hán. Lý Thông trước theo Vương Mãng, sau bỏ Vương Mãng theo Hán Quang Vũ, lập nhiều chiến công, được vẽ tượng kỉ niệm ở Vân Đài. Mã Viện theo Ngỗi Hiêu làm loạn, rồi về với Hán Quang Vũ, đánh tan Ngỗi Hiêu, được trọng dụng
  59. Trương Lương : tướng của Hán Cao Tổ, từng làm quan cho Hàn Vương tên là Thành, sau đó theo giúp Hán Cao Tổ, có công lao lớn
  60. Phạm Chất : người đời Tống, thi đỗ và làm quan từ đời Ngũ đại nhưng khi Tống Thái Tổ lên làm vua, vẫn đi theo và được trọng dụng
  61. Tức Tống Thái Tổ
  62. Nhân Cơ Tử ai rằng có kém : có ai bảo rằng ông ta kém Cơ Tử về đức nhân đâu (Cơ Tử là tôn thất nhà Thương, vì can vua Trụ mà bị vào tù, sau khi nhà Chu thắng Trụ Vương, thả ông ra và phong làm Tống Công. Cơ Tử được người xưa coi là bậc thánh)
  63. Binh khỏe nỡ hùng bi ai địch : ai dám địch lại quân đội khỏe như hùm gấu
  64. Ngọn lửa lan khắp núi, thế cháy âu ngọc thạch đâu phân : ý nói nếu không liệu sớm, khi quân Nam Triều kéo tới thì có chết oan đừng trách
  65. Về lành : muốn theo điều tốt

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.