Thư cho chị

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Thư cho chị  (1940) 
của Nguyễn Bính

In trong tập thơ Lỡ bước sang ngang do nhà xuất bản Hương Sơn ấn hành.

Viết cho chị cánh thư này,
Một đêm lữ thứ em say rượu cần.
Nhớ người cách một mùa xuân,
Hình như người đã một lần sang sông.
Ồ! Say! Thương nhớ vô cùng,
Rượu hay lệ ướt khăn hồng chị ơi!
Làm sao giấc ngủ không dài?
Mà đêm không ngắn, mà trời cứ mưa?
Làm sao em sống như thừa?
Cố đem men rượu tẩm vừa lòng đau.
Kể từ hai đứa thôi nhau,
Em thường chả có đêm nào không say.
Sao em đơn chiếc thế này?
Sao em lại khóc như ngày chị đi...?
Ở đây còn có vui gì!
Vườn dâu xa lắm! Lối về chị xa.
Con đường sang xóm Trữ La,
Cách một ngày ngựa, cách ba ngày đò.

         *

Lúc này em nghĩ mà lo,
Cứ thương nhớ mãi thì cho hết đời!
Hôm qua có chuyến đò xuôi,
Toan về Hà Nội lại thôi không về.

         *

Em trồng được một cây lê,
Hẹn bốn năm nữa thì về hái hoa.
Nhưng là vườn đất người ta,
Mình là khách trọ một vài đêm thôi.
Sáng mai có lẽ em xuôi,
Nếu không đãng trí và trời không mưa.
Nhưng mà khăn gói gió đưa,
Lại về Hà Nội thì chưa muốn về.
Đò thuê, ngày ngựa cũng thuê,
Sang nhìn qua kẻ lỗi thì sang sông.

         *

Ồ say! thương nhớ vô cùng!
Rượu hay lệ ướt khăn hồng chị cho?

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)