Bước tới nội dung

Biên dịch:Thư gởi các Mục sư - thư thứ bảy

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Thư gởi các Mục sư - thư thứ bảy
của Charles Grandison Finney, do Wikisource dịch từ tiếng Anh
Năm 1845 - 1846


Một sai lầm khác đã trở nên phổ biến đáng kể trong nỗ lực phục hưng hội thánh, mà tôi nhận thấy, là khuynh hướng khuyến khích việc kích động cảm xúc đến mức độ có thể xem là không lành mạnh. Lẽ thật cần được nhận biết và trân trọng như thế nào để có thể dẫn dắt tội nhân quay trở lại với Chúa, khi ấy chắc chắn họ xúc động. Dù vậy, cần phải luôn nhớ rằng, sự kích động, nhất là khi ở mức độ cao, sẽ khiến họ hoang mang. Tôn giáo bao gồm sự thuận phục từ tấm lòng đối với quy luật của trí tuệ, khác với việc bị tác động bởi cảm xúc hoặc nỗi sợ hãi. Một khi cảm xúc bùng nổ thì có phần chắc là ý chí sẽ bị bắt phục. Khi ấy tâm trí chúng ta không thể nào nhận biết đạo thật, vì khi bị tác động bởi cảm xúc thì khó mà biết chúng ta sẽ đi về đâu. Nếu linh hồn bị khuất phục bởi cảm xúc thay vì luật pháp và phúc âm của Thiên Chúa, tâm trí chúng ta không thể nào nhận biết đạo thật. Càng xúc cảm thì càng khó mà thuận phục quy luật của trí tuệ. Cảm xúc là quan trọng và cần thiết để chúng ta thực sự chú tâm vào lẽ thật, và chỉ vậy thôi. Khi để cảm xúc vượt quá ranh giới ấy, nó sẽ trở nên nguy hiểm, và chắc chắn sẽ lừa dối chúng ta. Chúng ta sẽ bị nhấn chìm trong cảm xúc, hành động theo cảm xúc, và chân thành tin tưởng rằng đó là đạo thật. Quả thật, nếu chúng ta để mình bị dẫn dắt bởi xúc cảm thay vì trí tuệ thì chẳng có chút tôn giáo nào hết trong trải nghiệm của chúng ta.

Đó là nguyên cớ của nhiều loại ảo vọng dễ dàng bắt gặp trong các cuộc truyền giảng phục hưng nhằm kích động cảm xúc. Khi người ta không chịu nhận biết nguyên cớ này mà lại kích động cảm xúc thay vì cố kìm hãm nó, và khi người ta xem việc kích động cảm xúc là đúng và nên làm, đó là lúc nảy sinh tội ác. Kích động cảm xúc thường len lỏi và bất ngờ bùng phát trong các buổi nhóm phục hưng chân chính. Tuy nhiên, nếu có thể duy trì sự chú tâm của người nghe, và để trí tuệ vận hành mạnh mẽ trên ý chí, thì không cần phải ngăn cản cảm xúc. Tôi vẫn thường chứng kiến những người bị kích động dữ dội đến nỗi tâm trí bị mụ mị và buông mình theo mọi sự ngoại trừ lý trí. Đó không phải là tôn giáo, mà là sự cuồng nhiệt, và như tôi sẽ trình bày sau này, là một loại cuồng tín.

Cũng nguy hiểm không kém là khuynh hướng chỉ trình bày nỗi sợ hãi và niềm hi vọng, với lập luận rằng bản chất con người là ích kỷ, do đó chẳng cần nói đến điều gì khác ngoài sợ hãi và hi vọng nhằm khiến họ chỉ vì quyền lợi bản thân mà thuận phục Thiên Chúa – một loại tôn giáo vị kỷ, theo đó người ta tiếp nhận Chúa chỉ để khỏi bị đoán phạt và mong đợi được ban thưởng. Đúng là Thiên Chúa có nói đến nỗi sợ hãi và niềm hi vọng, cảnh báo rằng họ sẽ bị trừng phạt nếu bất tuân. Nếu tội nhân yêu Ngài cách bất vụ lợi, và cung hiến mình cho sự tốt lành của nhân loại, Chúa hứa ban thưởng họ vì sự cống hiến bất vụ lợi ấy. Nhưng Ngài không hề hứa ban thưởng cho những kẻ theo Ngài chỉ vì bánh và cá. Theo Chúa như thế hoàn toàn là vì lợi ích vị kỷ mà thôi. Nếu tội nhân ăn năn, từ bỏ tội lỗi, cung hiến mình cách bất vụ lợi cho sự tốt lành của vũ trụ và sự vinh hiển của Thiên Chúa, Ngài hứa tha thứ tội lỗi của họ. Song lời hứa này không dành cho những ai từ bỏ tội lỗi chỉ vì mục đích vị kỷ. Bởi động lực vị kỷ, người ta có thể từ bỏ tội lỗi bên ngoài, nhưng tội lỗi từ trong lòng thì không bao giờ. Bởi vì tội lỗi xuất phát từ sự vị kỷ, cho nên nói đến chuyện từ bỏ tội lỗi bởi động lực vị kỷ thì thật là ngớ ngẩn và vô nghĩa. Mọi nỗ lực vị kỷ nhằm từ bỏ tội lỗi bên trong chỉ là củng cố cho sự vị kỷ mà thôi. Mọi nỗ lực từ bỏ tội lỗi chỉ vì sợ bị trừng phạt hoặc hi vọng được ban thưởng chỉ là đạo đức giả, củng cố và kéo dài sự vị kỷ bên trong...

Chúng ta nên trình bày tính cách của Thiên Chúa, quyền tể trị của Ngài, Chúa Cơ Đốc,Chúa Thánh Linh, kế hoạch cứu rỗi, là những điều có thể thu hút tội nhân khỏi đời sống tội lỗi, khỏi những ham muốn tư dục, và khuyến khích họ thực hành tình yêu bất vụ lợi dành cho mọi người. Mặt khác, cũng cần giúp họ nhận rõ rằng trong họ đầy dẫy những ý tưởng lệch lạc, ích kỷ, kiêu ngạo, tham vọng, thù hằn, dâm dục, ô uế, sự chết thuộc linh: bị câu thúc trong tội lỗi, cùng bản chất và mức độ trầm trọng của nó. Đối nghịch trực tiếp với tính vị kỷ, sự thù hằn, sự bại hoại của họ là tinh thần bất vụ lợi, tình yêu chân thật, lòng nhân ái vô hạn, sự khiêm nhường, lòng thương xót, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa phước hạnh. Cần giúp tội nhân chiêm ngắm những thuộc tính này của Thiên Chúa cho đến khi lòng họ tan vỡ. Càng giữ cho linh hồn tĩnh lặng khi ngắm xem những lẽ thật này, ý chí càng tự do tuân giữ các nghĩa vụ được soi tỏ cho tâm trí.

Hiển nhiên là có những chống đối không hợp lẽ nhắm vào cảm xúc; song, như tôi đã nói, trong nhiều trường hợp xúc cảm là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để cho cảm xúc bùng nổ thường xuyên là không cần thiết, và cổ vũ cho cảm xúc cực đoan sẽ gây ra nhiều tổn hại. Tôi từng chứng kiến những nỗ lực nhằm tạo ra càng nhiều cảm xúc càng tốt, cũng như có nhiều phương sách thường xuyên được áp dụng nhằm trấn áp ý chí, cuối cùng sản sinh một loại cuồng tín thông qua mãnh lực của cảm xúc cực đoan. Tôi không tin điều này là tốt lành và an toàn cho các cuộc phục hưng. Càng chứng kiến nhiều cuộc phục hưng tôi càng tin vào tầm quan trong của nỗ lực kìm hãm cảm xúc sao cho cân bằng với sự trình bày chân lý cách toàn vẹn, thấu đáo, và đầy sức thuyết phục.

Trong trường hợp xúc cảm nhanh chóng lan tỏa khắp hội chúng, và đây là lý do khiến chúng ta cần thường xuyên cảnh giác để hướng dẫn các buổi nhóm phục hưng với sự chín chắn và thận trọng. Một khi có người, do bùng nổ cảm xúc, khởi sự la khóc lớn tiếng, thì cần phải có sự phán đoán chính xác để kiểm soát tình thế sao cho không làm tổn thương bên này hoặc bên kia. Quở trách nghiêm khắc người bùng nổ cảm xúc sẽ khiến những người khác nghĩ rằng chúng ta đang dập tắt Thánh Linh. Mặt khác, nếu công khai khuyến khích họ và để cho ngọn lửa bị thổi bùng lên thì sẽ khiến cảm xúc bùng phát rồi khống chế toàn thể hội chúng. Nhiều người, có lẽ chỉ do xúc cảm, sẽ công khai tiếp nhận Chúa mặc dù hiếm có ai trong số họ có đủ tỉnh táo và sáng suốt khi xưng nhận đức tin, càng không đủ kiên định để tiếp tục duy trì đức tin ấy cho đến khi thực sự trưởng thành trong Chúa. Vẫn có lập luận cho rằng nếu cảm xúc sản sinh từ lẽ thật thì cảm xúc dù bùng phát mạnh mẽ đến đâu cũng không quan trọng. Vậy thì, nên biết rằng, khi cảm xúc phát triển đến một mức độ nào đó thì trí tuệ bị khống chế và trở nên mụ mị, cảm quan bị thiêu đốt, rồi thì cảm xúc bùng nổ, đó là lúc lý trí và sự hiểu biết bị bóp nghẹt và tàn lụi bởi cơn lốc xúc cảm. Đây cũng chính là môi trường hết sức tồi tệ cho sự quy đạo chân chính.

Từng chứng kiến nhiều lần, và trước khi nhận biết hậu quả của chúng, tôi đã nghĩ tốt, thậm chí đánh giá cao những trường hợp như thế. Nhưng sau khi xem xét chúng từ một góc nhìn khác, tôi cảm thấy tin tưởng nhiều hơn những trường hợp quy đạo xảy ra trong sự sáng suốt và điềm tĩnh. Mong anh em hiểu cho tôi. Không thể nói cảm xúc là hoàn toàn không cần có trong các buổi nhóm phục hưng, nhưng điều tôi muốn nói là không cần kích động cảm xúc vượt quá mức mà sự trình bày lẽ thật đầy sức thuyết phục tạo ra. Mọi biện pháp được dùng nhằm tập trung sự chú ý phải được điều tiết để chúng không thể làm rối loạn sự vận hành của trí tuệ hoặc khiến người nghe xao lãng khỏi lẽ thật, mà trọng tâm của sự giảng luận là khiến lòng họ đầu phục lẽ thật.

Tôi muốn nhắc lại rằng khi người ta cố công kích động cảm xúc để tạo ra các cuộc phục hưng thì khó có thể mong đợi sản sinh sự tin kính thật. Diễn giả chỉ nhắm làm cử tọa xúc động, và trình bày niềm hi vọng cùng nỗi sợ hãi, rồi khơi gợi lòng thương cảm và xúc cảm chứ không phải trí tuệ. Cơn lốc xoáy cảm xúc sẽ xuất hiện và dập tắt mọi quyết định sáng suốt đến từ tấm lòng. Ý chí bị quét sạch. Khi ấy trí tuệ bị thui chột và mụ mị. Rõ là chẳng có gì tốt có thể được sản sinh từ tình huống như thế...

Cũng cần phải nói đến sai lầm vẫn thường mắc phải trong nỗ lực chấn hưng tâm linh dành cho trẻ em. Khuynh hướng chung là kích động cảm xúc thay vì nhẫn nại dạy dỗ các cháu. Chúng bị ném vào cơn lốc xoáy của xúc cảm, nhiều cháu xưng nhận đức tin trong khi bị khống chế bởi cảm xúc mà không hề có sự phân biệt thấu đáo và có sự nhận biết sáng suốt nào về lẽ thật. Hậu quả là chúng sẽ trở nên những kẻ hoài nghi. Quả thật, điều này không chỉ đúng với trẻ em mà còn đúng với mọi lứa tuổi khác, khi họ bị biến thành mục tiêu của sự kích động cảm xúc tôn giáo mà không được hướng dẫn đầy đủ và cặn kẽ hầu có thể đến với Chúa bằng cả tấm lòng. Đây rõ là một trong những tai họa tồi tệ nhất vẫn xảy ra trong vòng chúng ta.

Xem thêm

[sửa]




 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này được phát hành theo Giấy phép Creative Commons Ghi công-Chia sẻ tương tự 3.0 Chưa chuyển đổi, cho phép sử dụng, phân phối, và tạo tác phẩm phái sinh một cách tự do, miễn là không được thay đổi giấy phép và ghi chú rõ ràng, cùng với việc ghi công tác giả gốc.

 

Tác phẩm này được phát hành theo các điều khoản của Giấy phép Tài liệu Tự do GNU.


Điều khoản sử dụng của Wikimedia Foundation yêu cầu văn bản được cấp phép theo GFDL được nhập sau tháng 11 năm 2008 cũng phải cấp phép kép với một giấy phép tương thích khác. "Nội dung chỉ khả dụng trong GFDL không được phép" (§7.4). Điều này không áp dụng cho phương tiện phi văn bản.