Thảo luận:Gia Định phú

Nội dung trang không được hỗ trợ ở ngôn ngữ khác.
Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Gia Định phú (tên do Vương Hồng Sển đặt) là một bài phú Nôm, không rõ tác giả. Căn cứ theo lời giới thiệu của học giả Trương Vĩnh Ký ghi ở bên dưới, thì đây là một bài văn rất có giá trị trong kho tàng văn học Việt Nam.

*Văn bản: Hiện có ba bản:

1/ Bản Nôm chép tay trong cuốc Tập Thành của Vương Hồng Sển, đầu đề là Gia Định phú, gồm 46 câu và một bài thơ thất ngôn bát cú.
2/ Bản phiên âm của Trương Vĩnh Ký trong cuốn Saigon dautrefois, đầu đề là Cổ Gia Định phong cảnh vịnh, gồm 23 câu.
3/ Bản phiên âm do Nguyễn Tuấn Anh sao lục trong Nam Phong tạp chí số 77 (tháng 11 năm 1923), đầu đề là Bài phú Cổ Gia Định, gồm 43 câu và có lời ghi chú của người sao lục.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, có lẽ bài này ngày xưa chỉ có tên là "Gia Định phú". Một thời lâu sau, Gia Định bị quân Pháp chiếm đóng, rồi bị phá để xây dựng lại một thành phố mới, thì bài phú ấy mới trở thành bài "Cổ Gia Định phong cảnh vịnh" hay "Bài phú Cổ Gia Định" (trích Lời giới thiệu “Gia Định phong cảnh vịnh”, sách ở mục tham khảo, tr. 133).

Ở đây căn cứ theo bản in trong Sài Gòn - Gia Định qua thơ văn xưa, từ trang 261 đến 265 để giới thiệu với các bạn đọc.

*Tác giả: Bản do Trương Vĩnh Ký sưu tầm, có kèm theo lời giới thiệu của ông như sau:

"Cái điệu vịnh Gia Định không rõ là của ai làm, làm có đối đáp, song quan, cách cú, gối hạc tất đủ nói về địa cảnh đất Sài Gòn thuở trước Tây (Phú Lang Sa) chưa lấy, bất nội Bến Thành, Chợ Sỏi vô tới Chợ Lớn, Chợ Gạo, Lò Gốm, Cây Gõ, Phú Lâm, Cầu Bông, Thị Nghè, Gò Vấp, đường sá, xóm làng nhà cửa phố phường chùa miếu, lại thú người trên bộ dưới thuyền đủ cả. Nói cho đến Tây Mô ô, tàu bè các nước tới lui nuôn bán thuở ấy nữa. Đặt văn đã hay mà lại kể tích cũ tận xưa cũng nêu dấu tích để truyền lại cho người sau nhớ. Có kẻ nói cái vịnh này là của ông Ngô Nhân Tĩnh ở ngụ xứ Trà Luộc làm ra mà chơi. Nhưng vậy chẳng biết thật hay không?"

Theo nhóm tác giả Sài Gòn - Gia Định qua thơ văn, thì danh sĩ Ngô Nhân Tĩnh mất khoảng năm 1813, mà trong bài phú lại có nói tới nhiều việc xảy ra sau đó, như con Kinh Mới thì đến năm 1819 mới đào, ngôi miếu Bà Chúa Thai Sanh mãi đến năm 1839 mới dựng. Điều này có nghĩa "bài phú này không thể ra đời trước năm 1839" (sách ở mục tham khảo, tr. 257), tức Ngô Nhân Tĩnh không thể là tác giả.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu thì giả thuyết tác giả bài phú là Ngô Nhân Tịnh vẫn chưa được dứt khoát bác bỏ. Ông viết đại ý như sau: "Con kinh mới tức kinh ruột ngựa (Mã Trường), Trịnh Hoài Đức (mục “Trấn Phiên An”) đã nói rõ là do Nguyễn Cửu Đàm đào vào năm Nhâm Thìn (1772), tới nay (1819) đã đào thêm sâu rộng. Và năm 1839 là năm xây mới hay chỉ sửa đền Bà Chúa Thai Sanh ở trong Tam Hội Miếu? Trịnh Hoài Đức viết năm 1820 là Tam Hội Miếu đã có từ lâu rồi. Vả lại, nếu bài phú này làm sau năm 1839, tại sao không nói tới thành Phụng (1836 - 1859), mà chỉ nói đến thành Quy (1790 - 1835)[1].

Chính vì chưa được rõ ràng, nên nhà văn Sơn Nam cũng chỉ viết rằng bài phú này còn có tên là Gia Định hoài cổ vịnh của một tác giả khuyết danh, soạn ra trước khi Lê Văn Khôi khởi binh (1833), tức thuở Quy Thành hãy còn nguyên vẹn (Bến nghé xưa, tr. 42).

Các chú thích được rút ra từ các tài liệu tham khảo:

Tài liệu tham khảo[sửa]

  • Bản đồ Sài Gòn do Trần Văn Học vẽ năm 1815.
  • Bản đồ Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản Hồng Đức, tháng 7 năm 2007.
  • Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, các phần: Trấn Phiên An, Thành Trì ChíSản Vật Chí . Bản in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam (tập 3), Nxb Thanh Niên, 2011.
  • Thanh Nghị, Việt Nam tân từ điển. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh tái bản năm 1991.
  • Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1991.
  • Vương Hồng Sển, Sài Gòn tạp phín lù. Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, 1998.
  • Nguyễn Đình Đầu, phần Địa lý-lịch sử in trong Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (tập 1. Trong bài viết gọi tắt là Địa chí tập 1). Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1987.
  • Nguyễn Đình Đầu, Lời giới thiệu “Gia Định phong cảnh vịnh” in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam (tập 4), Nxb Thanh Niên, 2011.
  • Huỳnh Minh, Gia Định xưa. Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, tái bản năm 2006.
  • Sơn Nam, Bến Nghé xưa. Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1981.
  • Nguyễn Thị Thanh Xuân-Nguyễn Khuê-Trần Khuê, Sài Gòn-Gia Định qua thơ văn xưa. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1987.

Bùi Thụy Đào Nguyên (thảo luận) 23:30, ngày 28 tháng 6 năm 2012 (UTC)[trả lời]

  1. Trích Lời giới thiệu của Nguyễn Đình Đầu cho phần Gia Định phong cảnh vịnh, sách ở mục tham khảo, tr. 133.