Thảo trạch anh hùng

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Thảo trạch anh hùng  (1931)  của Lê Dư
1

Phần 1 in trong Tạp chí Nam Phong số 163, phát hành tháng 6 năm 1931.

THẢO TRẠCH ANH HÙNG

Tục có câu: "Nước mô chẳng có anh hùng, nước mô chẳng có đứa khùng đứa điên." Thật vậy, nhưng những kẻ anh hùng hay là khùng hay là điên, thật là khó phân biệt ra lắm; vì có khi gọi là anh hùng cũng được, có khi gọi là khùng là điên cũng được, chỉ ta cho là anh hùng thì anh hùng, cho là khùng điên là khùng điên đấy thôi. Suốt cả thế giới không luận nước nào, đều có nhân vật ấy cả, nước ta cũng vậy, mà cái tước hiệu là anh hùng hay là khùng điên, vẫn cũng lộn xộn như các nước. Tôi cho thế là bất bình lắm, vậy nên tôi sưu tập hết cả những bậc anh hùng khùng điên của nước nhà từ xưa đến nay, biên thành một tập, danh là Thảo trạch anh hùng, để bảo tồn những dật sự và lịch sử của các bậc nhân vật ấy. Còn những chỗ thị phi thế nào, tôi chưa muốn hạ một câu định bình, xin để chất chính với các bậc cao minh.

Giặc châu chấu
(Truyện Cao Bá Quát)

Ông Cao Bá Quát hiệu là Mẫn hiên, lại hiệu là Chu thần, con một ông đồ người làng Phú thị, huyện Gia lâm, tỉnh Bắc ninh.

Ông với ông Cao Bá Đạt là anh em sinh đôi. Khi sinh ra thì ông Đạt ra trước, nhưng khi còn bé không chịu gọi ông Đạt là anh, ông thường nói vì ở trong bụng mẹ thì ông ngồi trên, nên ông mới ra sau.

Đến lúc lớn hai anh em đều thông minh lạ thường, mà ông lại có phần thông minh hơn, mới lên bảy tám tuổi đã nổi tiếng là thần đồng. Có một hôm ông đi tìm thấy đến học, gặp hôm ông thầy ra bài kinh nghĩa đầu đề là "Tử lại Tề văn thiều", ông thầy bảo ông làm, ông hạ bút làm xong ngay, có câu rằng: "Binh thủy tương phùng, tử thị tha hương chí khách; quan sơn nan việt, tử vi thất lộ chi nhân, cố tử lại Tề văn thiều." Trình lên ông thầy học rất khen ngợi. Năm ông mười ba tuổi, một hôm ra đồng chơi về, gặp các học trò ở trường về, ông hỏi rằng: "Hôm nay thầy ra bài gì?" Học trò nói: "Thầy ra bài phú Hàn Tín điếu ngư, lấy vần là thời vị ngộ hề." Ông về nhà liền cầm bút viết ngay một bài, bài phú ấy đến nay vẫn còn truyền tụng, mà cấc bậc danh nho đời bấy giờ, cũng đều phải phục là một bài kiệt tác.

Năm ông mười bốn tuổi, bấy giờ đương đời vua Thiệu trị, gặp có khoa thi hương, anh em ông cùng vào thi; lúc vào kỳ đệ nhất, làm văn chỉ một lát xong ngay, ra sân trường đá cầu chơi, quan trường thấy vậy, gọi mà bảo rằng: "Hôm nay là ngày tranh khôi đoạt giáp, mọi người ai cũng ngồi yên để làm văn, mà sao hai anh lại phóng đãng như vậy?" Ông thưa rằng: "Khoa này may được các quan ra đầu đề không lấy gì làm khó, anh em tôi đã làm xong cả rồi, vì cửa trường chưa mở, nên anh em tôi chơi cho đỡ buồn." Quan trường nghe nói lấy làm lạ, hỏi rõ gốc tích, rồi ra cho một câu đối rằng: "Nhất bào song sinh, nan vi huynh nan vi đệ", ông đối ứng khẩu ngay rằng: "Thiên tải nhất ngộ, hữu thị quân hữu thị thần". Quan trường kinh phục, lập tức sai mở cửa cho anh em ông ra. Khoa ấy hai anh em ông cùng đỗ cử nhân, hôm xướng danh người ta thấy ông đầu còn để hoa roi, ai cũng khen là hiếm có. Lẽ ra thì quan trường đã lấy văn của ông được đỗ Á nguyên, nhưng đến lúc xem vào Bộ duyệt, lại để ông xuống số cuối.

Đức Thiệu trị thường biết tiếng ông là bậc đại tài, vời ông vào Kinh, sai ông làm bài phú để thử tài, đầu đề là "Chu tuy cựu bang" lấy vần là "Chu tuy cựu bang, kỳ mệnh duy tân", ông cầm bút viết xong, dâng ngay lên vua, ngài khen là hay, muốn ân tứ cho ông là tiến sĩ cập đệ; nhưng các quan quyền thần can rằng: "Xin đợi đến chánh khoa sẽ lấy cho đỗ là phải".

Vài năm sau ông vào Kinh thi hội, lúc đi đến tỉnh Nghệ an, đi qua trường học của một ông tiến sĩ về hưu quan đang dạy học, ông cùng ông Đạt vái chào bước vào, rồi ngang nhiên đến ghế ngồi, gặp hôm ấy trong trường học đang bình bài phú "Ma trử thành trâm" có câu rằng: "Khả thung hốt nhĩ khả phùng, tin khả ma nhi bất lăn; chi độn phản thành chí mẫn, tri trực cửu nhi công thành". Ông tiến sĩ đang ngồi gật gù khen tấm tắc, anh em ông thấy vậy bịt mũi đi ra, các học trò tức giận toan đánh, ông tiến sĩ bảo rằng: "Không nên, những người này tất là bậc phi thường." Nhân sai người cố mời ông trở lại, anh em ông lại trở vào, ông tiến sĩ kia hỏi rằng: "Câu văn này từ ý rất hay, làm sao các quan bác lại cười?" Ông thưa rằng: "Cái công hiệu ma trử, không phải một ngày nên được, mà hai chữ "hốt nhĩ" thì rất sai văn lý," Ông tiến sĩ lấy làm phải, nhờ ông chữa lại cho. Ông liền đổi làm hai chữ "chuyển tác". Ông tiến sĩ bèn mời ông ngồi bàn luận văn chương, ông đối đáp thông hoạt như nước chảy, cả trường đều kinh ngạc; ông tiến sĩ rất kinh phục bảo rằng: "Văn lý của ông rất là mật sát, sau này vào quỳnh uyển ngọc đài, chả ông thì còn ai nữa."

Khi bất giờ có ông Nguyễn Siêu, hiệu là Phương đình, cũng là một bậc tài danh có tiếng, nên người đời bấy giờ truyền tụng là Thần Siêu Thánh Quát.

Có một khi ông Siêu phụng mệnh đề cái núi non bộ và cái bể cảnh, ông Siêu chưa biết nghĩ thế nào cho hay, bèn bảo ông đề giúp, ông đề rằng:

Sơn nhược hữu thần hô Hán tuế;
Hải như sinh thánh thiếp Chu ba.

Ông Siêu cũng phải lấy câu đề ấy là tuyệt bút. Lại một khi ông vào hầu cụ Bảng nhỡn trông thấy cụ đề cái cối giã trầu bằng ngà voi một câu rằng:

Tích vi sơn lâm khách,
Kim tác chảo nha thần.

Ông trông thấy mỉm cười mà đi ra, cụ Bảng sai học trò ra chạy theo hỏi ông, ông nói rằng: "Như vậy thì lấy cả con voi làm cối giã trầu ư?" Học trò bèn mời ông trở lại, cụ Bảng bắt ông đề thử xem sao, ông đề rằng:

Thượng tượng dĩ chế khí,
Một xỉ vô oán ngôn.

Cụ Bảng cũng chịu là hay chữ. Đời bấy giờ có ông Tùng quốc công và Tuy lý công là hai vị hoàng tử đời Minh mệnh, thơ văn hay có tiếng, hai ông thường mời ông vào làm thơ, trong ba đêm ông làm được ba mươi bài, mà đều đáng truyền tụng cả, lúc ông ra ngoài, nói chuyện với người ta rằng: "Đêm hôm qua ta đã áp đảo được cả ông Tùng ông Tuy rồi".