Tiếng lóng nước nhà/Dạo ba bốn nhời
Tiếng lóng vừa là quốc-dân vừa là ngôn-ngữ ở dân-tộc, ở tiếng nói, vậy thì ta nỡ nào lại làm thinh mà không sét đến nhìn đến. Đã sét nhìn đến thì phải thăm-dò, lục-lọi, tìm-bới, sói-móc, cho đến tận đầu ngọn cuối sông. Xin các độc-giả chớ có vội chê những tiếng lóng là những tiếng cục-kịch, gai-góc, mà nỡ ngảnh mặt đi, nên biết rằng: tiếng lóng là một thứ tiếng có chi, có phái, có cao, có hạ, có từng hạng người, có từng bề thế, chớ nên câu-nệ, nhất giai cho hết thẩy tiếng lóng là tiếng tục; vì tiếng lóng là một thứ tiếng thâm-độc, ỡm-ờ, ghê-sợ, kinh- sởn, nếu ta không hiểu hết thì có khi nó làm cho ta phải quáng-lòa, u-ám. Nay ta lấy ánh sáng tư-tưởng mà chiếu vào nơi tiếng lóng, thì mới sẽ thấy nó như có vuốt nhọn, như có sừng nanh, như có nọc độc, hình nó như quăn-queo, như vặn-vẹo, như sù-sì, như gai-góc, như nối-chắp; mỗi một tiếng lóng nói ra, khác nào như có một bàn tay có lông có lá, móng nhọn sắc, cấu chí vào trong lời ngôn-ngữ thế-gian. Vậy thì việc tìm sét tiếng lóng chẳng là một việc bổ ích cho văn-hóa, cho xã-hội sao? Nay tôi không nề thô-thiển, dám lạm đem tai mắt ra nghe ngóng khá lâu được ít nhiều những tiếng lóng trong các hạng người nước ta, mà đem phô bầy lên mấy trang sách đây, mong rằng các độc-giả cũng biểu đồng tình mà nghe ngóng thêm vào, thì sự bổ ích cho văn-hóa, cho xã-hội chẳng cũng hơn bội thập phần ru? Mong thay!
Xin nói trước là trong này có ít nhiều tiếng tục của hạng mạt-lưu nói, nhưng độc giả nên sét mà thứ lỗi cho, vì có thế mới khảo được đủ dọng nói các hạng. Còn như hay khen hèn chê, yêu tốt ghét xấu, đó là tùy ở bụng nghĩ mỗi người, kẻ soạn sách này chỉ biết là làm một việc chưa ai làm, ngoài ra, ai bình phẩm, ai khen chê, chỉ xin đọc một câu thơ cổ: ... Trong thiên-hạ một trăm người, trăm chín mươi chín đường sở thích, Dù ai khen ai khúc-khích mặc thây ai, Đường nào đường thích ta chơi!...
Nhời dặn:
Những tiếng một sau đây, cứ nhớ, rồi chắp lại với nhau làm thành câu, sẽ nói được.