Bước tới nội dung

Tiết Trùng Dương uống rượu cúc

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tiết Trùng Dương uống rượu cúc
của Lê Thánh Tông

Trùng Dương: Mồng 9 tháng 9 âm lịch. Theo thuyết âm dương đời cổ, thì số 9 thuộc về dương, hôm ấy ngày và tháng đều số 9, nên gọi là tiết Trùng Dương.

Gặp tiết trùng dương rượu cúc vây[1],
Bao nhiêu tri kỉ mấy hàng cây.
Ngàn nhàn dầm chén hoa vàng luột[2],
Thẻ diễn[3] nghiêng hồ tiệc ngọc chầy.
Kẻ hái giậu đông[4] chân bén tuyết,
Người lên lầu bắc[5] mặt trông mây.
Thù du cài tóc[6] càng yêu nữa,
Lọ hỏi tiên ông[7] đến cõi Tây[8].

   




Chú thích

  1. Vây: Họp
  2. Luột: Thắm
  3. Thẻ: cái cột nhỏ đựng trong cái hồ bằng đồng, khắc vạch chỉ giờ: Ý câu thơ: mực nước trong cái hồ đã dời xa độ số ghi ở trên cột
  4. Kẻ hái giậu đông: Đào Tiềm có câu thơ: "Thái cúc đông ly hạ", nghĩa là hái hoa cúc ở chân giậu phía đông
  5. Người lên lầu bắc: Vương Xương Linh đời Đường tiết Trùng Dương gặp cảnh đẹp lên chơi lầu phía bắc
  6. Thù du cài tóc: Hoàn Cảnh theo Phi Trường Phòng học phép tiên. Một hôm Phi bảo Hoàn rằng: "Mồng 9 tháng 9 nhà anh sẽ xảy ra tai nạn, anh phải về ngay, bảo người nhà cầm cây thù du, lên chỗ cao, uống rượu cúc mới tránh được nạn". Hoàn theo lời đem người nhà lên núi, đến chiều trở về thì thấy gà, chó, trâu, dê đều chết cứng
  7. Tiên ông: Chỉ Phi Trường Phòng
  8. Cõi Tây: Tây Thiên, Thiên Trúc (Ấn Độ), đất Phật