Trăng

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trăng
của Lê Thánh Tông

I[sửa]

Khuôn cả[1] treo lên khéo hữu tình,
Hòa[2] cao, hòa sáng vuỗn hòa[3] thanh[4].
Gương giơ vằng vặc soi muôn dặm,
Bóng tỏ làu làu suốt mấy canh.
Ông nọ vì đâu xe chỉ đỏ[5],
Nàng nào chơi đấy rẽ mây xanh[6].
Ngẫm xem khí tượng hình dung ấy,
Chợt ló ra thì lạt chúng tinh[7].

II[sửa]

Thế giới đông nên ngọc mấy tầng,
Chín châu cùng thấy một vầng trăng.
Làu làu bóng sáng tư mùa có,
Dằng dặc dáng thanh, một vết chăng[8].
Hồ thuở thuyền chơi, lòng Phạm Lãi[9],
Đài khi câu rủ, thú Nghiêm Lăng[10].
Trong kho vô tận, đòi dùng đủ,
Ây gió thừa ra cũng của hằng[11].

   




Chú thích

  1. Khuôn cả: Bầu trời
  2. Hòa: Vừa
  3. Vuỗn hòa: Lại vừa
  4. Thanh: Trong
  5. Nguyệt lão có sợi chỉ đỏ (xích thằng) buộc chân trai gái với nhau thành chồng vợ
  6. Hậu Nghệ xin Tây Vương mẫu thứ thuốc bất tử, vợ là Hằng Nga lấy trộm và rẽ mây xanh trốn lên cung trăng
  7. Mặt trăng ló ra, làm lạt ánh sáng các vì sao
  8. Chăng: Không
  9. Phạm Lãi: Khách ẩn cư, du nơi hồ đẹp ngày xưa
  10. Nghiêm Lăng: Ẩn sĩ đời Đông Hán, thích câu cá ở sông Đồng
  11. Kho trời đất có trăng, gió... Gió thừa ra kia cũng là thứ thường hằng