Bước tới nội dung

Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích  (1934) 
của Lê Văn Trương

Lấy từ tập truyện ngắn đầu tay của Lê Văn Trương cũng với nhan đề Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích, gồm 11 tác phẩm, xuất bản bởi nhà in Trung Bắc tân văn, Hà Nội, 1934.

Trong phòng xem sách tại khách sạn Angkor-les-Ruines, đèn điện thắp sáng choang, những cánh quạt trần tung ra cái không khí mát mẻ, những cậu bồi mẫn cán quần áo sạch sẽ, cử chỉ lễ phép, đã khiến cho khách du quan đến trọ ở đây không phải phiền lòng về sự bỏ nhà ra thất nghiệp, được thảnh thơi mà xem xét những di tích lâu đài thành quách rải rác khắp chung quanh. Khách sạn này trước kia chỉ có mấy cái nhà gạch đơn sơ nhưng từ khi Chính phủ đặt ra phòng du lịch, nhờ về sự quảng cáo đắc lực mà khách phong lưu giầu có năm châu đến đây vãn cảnh một ngày một đông: khách sạn đã phải mở rộng ra: phòng ngủ, phòng ăn, phòng xem sách, phòng tiếp khách hàng ngang dãy dọc san sát qui mô rất to tát xếp đặt rất tối tân.

Hồi ấy về tháng sáu đang là vụ mưa nên khách du quan đến đây rất ít, có chăng chỉ một vài viên chức Nhà nước nghỉ phép, một vài nhà đại phu hiếu kỳ cũng đâm lo thủy quan, thừa lúc tầu đỗ bến Sài Gòn tiện thể lên thăm cổ tích mà thôi.

Trong phòng xem sách khách sạn, tối hôm ấy, chỉ có hơn một chục người vừa Pháp, vừa Nam. ở góc phòng bên trái, một thiếu nữ đang ngồi dựa lưng vào cái ghế xích đu nói chuyện với người hướng đạo (guide). Nàng trạc độ hai ba hai tư tuổi, ăn mặc rất lịch sự, quần cẩm châu trắng, áo cẩm quít màu da giời. Đôi bông tai, chiếc vòng ngọc và mấy sợi dây chuyền nạm kim cương phản chiếu ánh sáng đèn điện nẩy ra những tia sáng lóe mắt làm cho con người ngồi đó đã xinh lại càng thêm xinh. Một mái tóc cánh phượng đen nháy, một bộ mặt trái xoan nõn nà, một khổ người óng ả, điểm thêm nụ cười tươi tỉnh: đó là cái biểu hiệu cho vẻ đẹp của đàn bà xứ Nam. Nàng chẳng những kiều mị lạ thường, lại nói năng rất hoạt bát, cử chỉ rất lịch thiệp chẳng có vẻ rụt rè, e lệ của người xứ Bắc. Nhưng đừng thấy thế mà đã vội bảo nàng có vẻ lả lơi tầm thường đâu. Không, nàng có vẻ trang nghiêm, sắc sảo khiến ta trông thấy phải đem lòng kính nể.

Tờ báo La Tribune indigène ở trên tay ngọc ngà kia đủ tỏ cho ta biết rằng nàng chẳng phải là người vô học, mà trông cách phục sức, cách đi đứng ta có thể đoán được rằng nàng không phải là kẻ mới ra đời vậy.

Nàng chính tên là Bella Như Nhang, nhưng đám phong lưu công tử đất Sài Gòn lại đặt cho cái huy hiệu "Cô ba Cần Thơ" vì nàng chính quê ở Cần Thơ và lại là con thứ hai. Ai có qua con đường Legrand de la Liraye ở Sài Gòn, mà chẳng phải dừng chân lại, nhìn tòa nhà ba từng nguy nga ở đầu phố. Trong bảy năm giời lăn lộn với đời, nàng đã dùng cái sóng khuynh thành kia đạp đổ bao nhiêu cơ nghiệp để lấy tiền tậu ngôi nhà lộng lẫy ấy.

Trong cái đội tình nhân của nàng (nói cho đúng những người mê nàng) quan sang có, điền chủ có, hiệu chủ có, nàng chẳng hề yêu ai, mà thứ nhất đối với những hạng công tử xác thì dẫu xinh xắn như Phan An, tài tình như Tương Như, nàng cũng chẳng thèm để mắt đến bao giờ. Nàng chỉ coi bọn phú quý kia như những cái máy đúc tiền cho nàng, mà hạng công tử xác kia, nàng chỉ coi như những vật vô dụng vậy thôi. Một cuộc thí nghiệm rất đau đớn về tình ái xưa kia đã làm cho thui cái mầm tình ái nó sắp nẩy nở ở trong lòng nàng. Nàng bước chân vào cõi phong tình đã bảy năm giời nay mà tự thân mình chẳng hề vướng víu, nhưng khách tài hoa đã vướng víu vì nàng chẳng phải là ít. Nàng đã làm nghiêng ngửa bao nhiêu cơ đồ, tan nát bao nhiêu gia đình!!!

Một vài thí dụ trong nghìn việc đã xẩy ra đủ khiến cho ta biết nàng là hạng người thế nào.

Ông điền chủ họ Nguyễn ở Bặc Liêu là một trang thiếu niên rất lanh lợi đã đem một tấm tình si yêu nàng. Ông bỏ vợ dại, con thơ, bán hết điền sản lên ở Sài Gòn cho được gần gũi nàng. Không đầy một năm giời, cái gia tư mấy chục vạn kia đã thành ra luồng khói: tiêu tan trong cuộc đổ bác, cuộc vui chơi cả. Lúc biết ông đã hết tiền, nàng liền cự tuyệt ngay. Ông bèn năn nỉ mà rằng: quá vì yêu em mà ra cái thân thế dường này, nếu em dứt tình cùng qua thì thà rằng qua chết trước mặt em, chứ qua không đành lòng mà xa em đâu. Ông vừa nói, vừa rút súng ra. Nàng thấy thế cứ điềm tĩnh mà bỏ đi. Hai phát súng lục đinh tai cũng không làm cho nàng quay đầu lại.

Dư luận ở Sài Gòn đã một phen sôi nổi. Tuy pháp luật có can thiệp vào nhưng vì chẳng đã chứng cớ nên không kết án nàng được. Từ đấy người ta đặt cho nàng cái biệt hiệu "Con cọp cái". Tuy biết chắc là "Con cọp cái" nó ăn thịt người đấy mà bọn phong lưu tài tử cũng vẫn tranh nhau lăn mình vào.

Lại một lần nàng nhận được một bức thư:

Sài Gòn, ngày...

Cô Ba,

Tôi là học trò kiết mà lại muốn ăn ngon, muốn gái đẹp, muốn có tiền tiêu, nhưng tự xét mình chẳng có một cái tài năng gì để làm cho thỏa được những điều sở nguyện, vậy xin mong ở tấm lòng nghĩa hiệp của cô.

Phạm Bích Ng...

Nàng xem xong, viết giấy hẹn ngày, mời lại chơi nhà.

Đúng hẹn, anh chàng vác cái "mặt dày" lại. Sau một bữa tiệc đủ cả rượu ngon, vật lạ, nàng giữ "cu cậu" ngủ lại một đêm. Sáng dậy nàng cho một tấm giấy phiếu ngân hàng mà bảo rằng:

- Từ nay thày đừng có trở lại đây nữa nhé.

Nàng lại cho gọi hết gia nhân đầy tớ đến mà dặn rằng:

- Hễ từ nay chúng bay thấy người này lại, cứ việc đuổi cổ ra, không cần phải hỏi han gì. Phải nhớ lấy nghe không...?

Cái bản lĩnh nàng đã như thế thì bọn nam tử trong con mắt nàng chẳng qua là những "bồ nhìn" mà thôi. Mà ngày nay nàng đã trở nên giàu có, chẳng cần phải lợi dụng bọn si tình nữa, thì cái giá trị của bọn đàn ông đối với nàng, ta chẳng cần phải nói cũng đủ biết là thế nào rồi vậy.

Ngày nay, nàng lại xem chùa Đế Thiên Đế Thích, trong khi nàng biết chắc rằng đương vụ mưa này, ít kẻ đến, cũng là muốn tìm lấy cái thú tịch mịch, để được thư lòng xem xét những dấu vết của một nền văn minh rực rỡ mà nay đã mai một đi, mà có lẽ vì nàng đã chán cảnh ngựa xe huyên náo đất Sài Gòn rồi.

Trong khi nàng đang ngồi nói chuyện với người hướng đạo, thì cái sắc đẹp của nàng đã làm cho bao nhiêu người Pháp ngồi đấy phải ước vọng, mắt nhìn chầm chập mà bàn ra nói vào. Nếu ta để tai nghe thì thấy tiếng xì xào:

- Morceau de roi (Đồ ngự của vua) - Extra chie (Lịch sự quá) Trop sérieuse (Đứng đắn quá) - Ce n'est pas à vendre, c'est dommage (Thế mà không đem bán, tiếc nhỉ?)

Những cái nhìn sống sượng ấy, những câu nói vô lễ ấy, chẳng hay nàng có biết không, nhưng xem ra nàng cũng chẳng thèm để ý đến, coi như là bọn họ không có mặt ở trong phòng vậy. Nàng chỉ chăm chú nói chuyện với người hướng đạo để hỏi về lịch sử các di tích mà nàng đã được xem qua. Nhưng nếu ta để tâm xét kỹ thì cuộc hỏi chuyện người hướng đạo khúm núm ở trước mặt nàng chẳng qua là một cái "cớ", chứ nàng vẫn chú ý nhìn một thiếu niên ngồi tít ở đầu phòng, nhưng tiếc thay, thiếu niên cứ cặm cụi xem sách tưởng chừng như không có nàng ngồi đấy. Mà nào anh chàng ta có đẹp đẽ gì cho cam, nhưng nàng sở dĩ nhìn, chẳng phải là nhìn về sự đẹp đẽ của anh chàng.

Thiếu niên người dong dỏng cao, mặt mũi gân guốc, phỏng độ hai sáu hai bảy tuổi mà nét mặt trông đã già cằn. Trông da chỗ đen, chỗ trắng, ta có thể đoán ngay chẳng phải lúc sinh ra đã thế, có lẽ trong đời dầm mưa dãi nắng nhiều, nên mặt phong trần đã phải nắng sạm mầu dâu vậy. Toàn thể con người, trông chẳng có cái vẻ gì là đặc sắc, đại để có vẻ rắn rỏi lanh lẹn mà thôi, nhưng ta nhìn kỹ, ta sẽ thấy hai con mắt sáng quắc như sao. Nếu bảo rằng có thể đoán sự thông minh của con người ta bằng hai con mắt, thì thiếu niên chắc là thông minh lắm. Hai lưỡng quyền thật cao nó biểu hiệu cho sự nghị lực, sự can đảm; một cái mồm thật rộng, hai làn môi mỏng dính. Ta trông thấy cặp môi ấy, cái mồm ấy, trên khuôn mặt lạnh lùng ấy, ta tưởng tượng rằng dễ suốt đời thiếu niên, không cười bao giờ, nhưng nếu việc đáng cười mà đã làm cho cười được thì ta sẽ thấy một cái cười cay độc, chua chát, một cái cười hoài nghi về thế sự, về nhân tình.

Ta đừng thấy thế mà đã vội cho là vô duyên đâu, cái duyên của con người quắc thước là ở chỗ quắc thước. Thiếu niên mặc một bộ áo trắng rất xoàng nhưng toàn thể có thể tỏ cho ta biết được con người lịch sự, con người hành động tuy ngang tàng mà lễ phép, nghiêm nghị mà dễ dàng.

Chàng đến đây đã ba hôm nay, sáng nào cũng đi xem phong cảnh mãi đến bữa cơm tối mới về.

Tuy lúc ra vào, có được gặp Bella Như Nhang luôn, nhưng chàng cũng chẳng hề để ý đến, chẳng qua theo phép lịch sự, khi nào gặp thì hoặc ngả mũ, hoặc cúi đầu chào đó mà thôi.

Về phần Bella Như Nhang tuy là người đã lịch duyệt thế cố chẳng còn mong mỏi gì về nhân tình nữa, tuy sự từng trải đã đúc cho nàng một quả "tim sành", mỗi đoạn trường đã làm cho nàng lạnh lùng như đá, nhưng dẫu sao, cũng vẫn là đàn bà, mà đã là đàn bà thì không sao thoát khỏi cái khuôn sáo của tạo hóa được, mà thứ nhất đối với một người đàn bà đẹp thì cái luật thiên nhiên kia lại càng chặt chẽ lắm.

Xét tâm lý, người đàn bà đẹp, ai cũng tưởng tượng rằng cái sắc đẹp của mình là trung tâm điểm của vũ trụ, mà mọi sự hành vi của nhân loại cũng chỉ vì cái sắc khuynh thành ấy mà ra cả. Thì như Bella Như Nhang kia, lúc đi sắm đồ ở hãng Charner, lúc đi chơi chợ phiên, lúc đi xem diễn kịch, hàng vạn con mắt bọn nam nhi chẳng đổ dồn vào mình nàng là gì? Những cái lườm, cái nguýt của bọn chị em chẳng là những cái tang chứng ghen tỵ vẻ kiều mị của nàng là gì? Mà bao nhiêu lũ "con đen" lìa vợ, lìa con phá gia, phá nghiệp khuân tiền đến cho nàng tiêu, cũng chẳng là vì một nụ cười của nàng sao?

Bella Như Nhang xưa nay vẫn yên chí như thế, nay bỗng gặp một người, chẳng những không thèm để ý đến cái sắc đẹp của mình, chẳng những không thèm nhìn đến những đồ châu ngọc mình trang sức mà lại hình như không biết mình ở đấy nữa, thì thế tất nhiên là nàng phải để tâm đến "anh chàng" chẳng thèm để tâm đến nàng vậy.

Ấy bọn phụ nữ thường hay yêu những người không yêu mình.

Oái oăm thay là ông Tạo vật!

Những trang sắc nước hương trời đã in sâu vào óc cái tư tưởng:

Sắc bất ba đào dị nịch nhân.

Mà nay bỗng gặp một người không chịu say đắm vì mình, lẽ tất nhiên là phải để tâm đến cái "chỗ" không say đắm ấy.

Lúc Bella Như Nhang nhìn thiếu niên thì thiếu niên chỉ nhìn sách. Một lúc lâu chàng đánh diêm hút thuốc lá rồi móc túi lấy ra bức thư mà chàng vừa nhận được lúc ban chiều. Phong thư đóng dấu nhà bưu điện Nam Vang (Phnompenh) của phòng luật sư gửi cho M. Hoàng Cương ở Battambang, rồi sở bưu chính Battambang lại gửi theo đi (réexpédié) tới Angkor-les-Ruines.

Phnompenh ngày 2 tháng 8 - 1930

Thưa ngài.

Theo như ý muốn của ngài, tôi đã cho mời các chủ nợ đến điều đình, họ đều không bằng lòng cho giả dần mà gay go nhất là nhà Đông Pháp ngân hàng. Họ đã đầu đơn ra tòa án xin phát mại sản nghiệp của ngài.

Cứ theo giá trước kia thì cái đồn điền 600 mẫu tây đất ấy cùng các đồ nông khí có thể bán được tới hơn 60.000$00. Nhưng nhất đán đem phát mại trong lúc đồng tiền đang khan này thì vị tất đã có kẻ dám mua tới 20.000$00. Mà để như thế thì sợ tiếng tăm, có điều trở ngại cho sự doanh nghiệp của ngài sau này. Vậy tôi đã hết sức điều đình với ông Mahomed Chettyar, ông ấy đã thuận mua tới 25.000$00. Trừ 4.000$00 tiền nợ, ông ấy còn phải trả lại ngài 21.000$00. Số tiền ấy chỉ đủ trang trải các món nợ khác và tiền bút giấy mà thôi. Tôi lấy bổn phận là người biện hộ và cái danh dự là bạn của ngài trong sáu năm giời nay mà khuyên ngài bằng lòng đi, vì làm như thế thì ngài sẽ toàn danh dự mà danh dự trong sạch vị tất đã không phải là cái lợi khí cần dùng nhất cho cuộc tương lai sau này. Định kiến ngài thế nào xin cho biết ngay.

Một người bạn rất trung thành của ngài:

Maitre Tromeur

Cái thư "ghê gớm" ấy, Hoàng Cương xem đi đọc lại chẳng đổi sắc, trên cái vẻ mặt nghiêm nghị rắn rỏi như tạc vào đá kia, ta không thấy một cái triệu chứng gì nó biểu lộ cho ta biết được rằng con người mà cái thân thế, cái sự nghiệp có can thiệp với bức thư kia đã vì những nỗi éo le ấy mà cảm động. Đối với những người gan góc ấy thì sự khó khăn, đau đớn vị tất đã làm cho núng chí được mà đến ngay sự phú quý vinh hoa vị tất đã làm cho động lòng được.

Ở trong cái đời nhục thể này, đã bao kẻ, hễ hơi có một sự gì buồn - vị tất đã đáng buồn - thì mặt nhăn mày nhó, mà hơi có một sự gì vui - vị tất đã đáng vui - thì hí ha hí hởn. Những kẻ đó đều là thiếu can đảm thiếu nghị lực cả. Cuộc đời đã là một cuộc phấn đấu mà cái công lệ thiên nhiên đã phải tiến lên mãi thì cơ tồn vong, sự thành bại chẳng qua là những bài học của Hóa Công, hà cớ gì mà phải quan tâm; cuộc đời đã là một trường huyết chiến thì dẫu khóc than cũng chẳng ích gì, âu là ta cứ gia công rèn luyện cái bản ngã của ta cho ngày một cứng cáp, nên chăng thì ta biết với ta, thế chẳng cũng là quá đầy đủ rồi sao?

Hoàng Cương vừa nhìn bức thư vừa ngẫm nghĩ... Cái cảnh tượng tan tành ngày nay đã bắt ký ức của chàng phải quay đầu lại.

Chàng hồi tưởng lại xưa kia, chàng chỉ đem một bầu nhiệt huyết, một tấm lòng kiên nhẫn rời bỏ quê cha đất tổ là xứ Bắc Kỳ tốt tươi kia mà vào xứ Cao Mên nóng nực này. Nếu nhất đán có phải giở về chốn cũ thì cũng vẫn một bầu nhiệt huyết ấy, một tấm lòng kiên nhẫn ấy, nào có thiệt gì đâu, chẳng qua tay trắng mà đi thì lại tay trắng mà về. Chàng ngẫm nghĩ đến đấy xoa tay rồi vùng cười xòa.

Tiếng cười chua chát, cay độc, tiếng cười lạnh gáy, ghê mình khiến cho Bella Như Nhang nghe tiếng mà phải giật mình, tờ báo đương cầm ở tay bỗng rời ra: những khách xem sách ở trong phòng đều phải sửng sốt quay đầu nhìn chàng. Tiếng cười kia có khác chi lưỡi dao cực sắc nó đã đâm toang cái màn yên tĩnh che phủ phòng xem sách nhà khách sạn Angkor les Ruines lúc bấy giờ.

Hoàng Cương biết mình sơ ý bèn bỏ chỗ ngồi đứng dậy ra hiên.

Đêm ấy là đêm rằm.

Trên vòm trời trắng toát, gương nga đưa đẩy, tỏa xuống dưới trần muôn nghìn đạo hào quang, khi mờ khi tỏ, bao phủ những đỉnh lâu đài cao chót vót, rải rác khắp chốn danh lam thắng tích này. Cây si cổ thụ mấy người ôm ở đằng trước khách sạn kia (mà có lẽ cũng là ở trước chùa Angkorwat nữa vì chùa với khách sạn đối diện nhau) nó rườm rà, tha thướt, lù lù như một bức Vạn lý tràng thành đắp ngược chặn lấp phía trời Tây không cho chàng thấy các đỉnh lâu đài điện Angkorthom và các đỉnh chùa tản mác ở phía ấy.

Không biết vì lẽ gì nhà Viễn Đông Bác Cổ chủ trương trông coi những di tích Đế Thiên Đế Thích (Ruines d'Angkor) lại cấm không cho khách sạn làm nhà gác. Giả thử có một nhà lầu cao ngất thì ta đứng lên đấy, tầm con mắt có thể bao quát được hết cái đai cương của các đống đá đổ nát mà người ta gọi là những kiến trúc vĩ đại của nền văn minh ấn Độ kia. Các di tích ấy rải rác khắp trong một khu vực hơn mười cây số vuông.

Tiếng cắc kè kêu ở các kẽ hộc (có thể gọi xứ Cao Mên là xứ cắc kè được vì đi đến đâu cũng chỉ nghe tiếng cắc kè) hòa lẫn với tiếng cây reo, họa nên những khúc nhạc rất khắc khoải, rất thê thảm riêng cho xứ Cao Mên.

Bóng giăng vằng vặc chiếu xuống, một cảnh bí mật êm đềm như giục lòng khách...

Hoàng Cương lần theo bóng giăng, vừa đi vừa ngắm cảnh...

Suốt một góc trời Tây, lố nhố những đỉnh lâu đài cao vòi vọi, đột khởi ở trong đám rừng cây cối đen xì...

Cái trạng thái ấy đã gây cho vùng Đế Thiên Đế Thích một cảnh tượng hùng vĩ lạ thường.

Nếu ta muốn tưởng tượng cái hùng vĩ của nó thì tất cả nhà cửa thành phố Hà Nội đem dỡ ra, chất thành một đống gạch, mới gọi phác ra được đôi ba phần. Nhưng cách kiến trúc kia còn có vẻ mỹ thuật, lộng lẫy biết là bao, mà những di tích ấy lại chen chúc vào trong những rừng cây bát ngát thì còn có vẻ mỹ quan hơn nhiều.

Hoàng Cương noi theo một con đường thật rộng, lát toàn những tấm đá to bằng cái mặt bàn, qua mấy dẫy hành lang, trèo mấy lần thềm đá, mới lên đến chỗ chính điện cao nhất chùa Angkorwat.

Chùa này làm toàn bằng đá, nóc đá, vách đá, cột đá, chạm trổ rất cầu kỳ. Hoàng Cương đứng ở đấy nhìn khách sạn Angkor les Ruines thấp lẹt đẹt nhỏ tí tẹo, đối với chùa này chỉ như một chiếc thuyền nan đứng cạnh một chiếc tầu bể to lớn vậy. Nhưng trong nhà khách sạn đèn thắp sáng choang, nó biểu hiệu cho sinh hoạt mà chùa này thì bốn bề tường đá im lặng như tờ, nó bảo cho khách biết rằng: cái di tích hùng vĩ này chỉ còn là một nơi hoang phế mặc cho gió dập mưa vùi. Bóng nga phản chiếu, bao la sắc đá trắng nhạt một mầu, trong cái cảnh hùng vĩ lạnh lùng ấy như hiện ra một vẻ thê lương thảm đạm khiến cho lòng khách giang hồ phải ngậm ngùi về nỗi "sao dời, vật đổi" luống lại ngao ngán cho thân thế nổi chìm.

Này Angkorwat, nọ Angkorthom cùng bao nhiêu lâu đài, bao nhiêu chùa, miếu xưa kia lộng lẫy, nguy nga biết là bao mà nay chỉ còn là những đống đá xanh ngổn ngang chồng chất!

Đế Thiên Đế Thích xưa kia cổ nhân đã tốn bao công phu, trải bao thế kỷ mới xây đắp nên ngươi, nay ngươi chỉ còn là một vật kỳ quan bí mật nó khêu gợi tấm lòng tò mò của khách năm châu.

Song những du tử đến đây, chẳng biết có hiểu thấu cho rằng mỗi một hòn đá này là một mạng người, mỗi một giọt nước ở hồ kia là một giọt máu đào không???

Chẳng biết khách có biết cho rằng chốn này xưa cũng là một đế đô phồn thịnh của một dân tộc, chốn này xưa kia đã nung đúc nên biết bao nhiêu bực anh hùng cái thế làm vẻ vang cho giống cho nòi, chốn này xưa kia đã trải qua một thời kỳ khói hương sầm uất, ngày nay chỉ còn lạnh ngắt như tờ không?

Bao nhiêu thảm trạng tranh quyền cướp nước, bao nhiêu "ân ái éo le" đã làm cho chìm đắm biết bao nhiêu trượng phu hào kiệt, thục nữ thuyền quyên, mà ngày nay... ngày nay thì dẫu đến nắm xương tàn ta cũng không còn trông thấy nữa!!!

Đế Thiên, Đế Thích, ngươi là một nguồn học vô tận cho nhà khảo cổ, một mối tiêu sầu thú vị cho khách năm châu, nhưng đối với ta, ngươi chỉ là cái tang chứng hiển nhiên của cuộc đời dâu bể, ngươi chỉ là một mối não nùng ai oán cho cảnh phù du.

Hoàng Cương nghĩ đến đấy muốn hét lên một tiếng: "Ai ngờ"? Ai ngờ đâu những công trình lao khổ của mấy mươi triệu con người trong bao nhiêu thế kỷ, những chí khí vĩ đại oanh liệt của bao nhiêu bực anh hùng, ngày nay chỉ còn là một đống đá rêu!!!

"Hữu hình tất hữu hoại", ngán thay! Cái thời gian vô tình kia đã xây đắp nên thì cái thời gian cay nghiệt kia lại đạp đổ đi, thế thì đời người thấm thoát, trăm năm nào có ra gì!!!

Ôi! Gương kim cổ rành rành ra đó, khách phù du sao cho khỏi ngậm ngùi!

Hoàng Cương hồi tưởng lại xưa kia lúc còn măng sữa, cha yêu mẹ quý, sung sướng biết là bao, nhưng chẳng may thông huyên sớm vội lánh trần, tấm thân "tầm gửi" nhờ người, đã phải chịu bao nhiêu chiều cay đắng. Gặp đến lúc, thân đã lớn, trí đã thành, những tưởng đem một bầu nhiệt khí chống chọi với ông xanh già để chiếm lấy một ghế ngồi trong vũ trụ, cái chí nguyện bình sinh tưởng chừng như vượt qua muôn trùng sóng gió, giầy đạp chông gai mà bước lên, chứ có ngờ đâu đến cái quang cảnh ngày nay!

Chàng lại hồi tưởng khi mười tám tuổi đầu, lìa phần mộ, lìa quê hương mà đến xứ này; nào khi doanh nghiệp bôn ba, cái thân thế tang bồng nay đây mai đó, khi Vọng Các (Bangkok), khi Sài Gòn; nào lúc trèo đèo lặn suối, mặt phong trần đã bao phen giãi gió dầm mưa, nay núi Đậu, mai Biển Hồ. Dẫu cực khổ mà chí chẳng chùn, gian nan mà lòng chẳng đổi, bao nhiêu năm giời thân cò lặn lội, mới gây được một cái cơ nghiệp cỏn con, ngày nay bỗng bị ngọn trào "kinh tế" nó cuốn hút ra tận bể khơi, tan tành man mác còn có gì đâu!

Chàng càng ngẫm nghĩ lại càng chán nản cho đời, ái ngại cho thân, nhưng trông thấy những đống đá lù lù trước mặt, nó như nhắc nhở lại cuộc tang thương, nó như vẻ mỉm cười chế nhạo mà bảo rằng:

" - Sao anh không trông tôi đây?"

Phải, bể dâu dù biến đổi, đá kia vẫn đứng trơ trơ:

Gan lì, già sọc có non gì mà sợ cóc chi ai.

Chàng bùi ngùi cho cảnh vật, xót xa cho thân thế, luống lại chạnh niềm nhớ tới người xưa. ừ mà, tướng quân Marius khi xưa đã bao phen đạp xương tắm máu, xông pha trong bãi chiến trường, lập nên những đại kỳ công làm vẻ vang cho xứ La Mã (Romé). Đã bao phen nắm cái uy quyền "trấn quốc" ở trong tay, thế mà khi tám mươi tuổi, tóc đã bạc, lưng đã còng, chân đã mỏi còn phải lênh đênh cơ khổ lẩn lút xứ người. Tuy vậy mà chí chẳng chùn, gan chẳng núng, sau lại khôi phục được cơ đồ nghiêng ngửa. Cổ nhân thì mãnh liệt hùng dũng như kia, sao mình lại yếu đuối hèn nhát thế này. Nghĩ đến đấy, Hoàng Cương đã thấy phấn khởi trong lòng, dận mạnh gót chân xuống đá mà nói to lên rằng:

- Cho người về bảo chủ ngươi: có thấy Marius Tướng quân ngồi trên di tích đổ nát thành Carthage.

Chàng nói vừa dứt lời thì nghe có tiếng người hỏi:

- Thầy Hai nói chi mà coi bộ giận dữ vậy?

Rồi một cái bóng xanh xanh, trắng trắng, thướt tha, phảng phất như một cái hồn ma mới chui ở dưới đá lên, mà hiện ra trước mặt. Hoàng Cương định thần nhìn kỹ thì là Bella Như Nhang. Chàng đương bàng hoàng chưa kịp giả lời thì nàng lại hỏi:

- Có phải thầy Hai đến thăm Đế Thiên Đế Thích này cũng có một mối cảm tưởng như Marius Tướng quân, hồi trốn tránh đến thành Carthage không?

- Thưa cô, tôi đâu dám ví mình với cổ nhân.

- Cổ nhân thì cũng là mình chứ ai, cũng gan ấy, cũng óc ấy, cũng cùng phải chịu một cái cảnh tình ấy, thì cũng cùng phải đeo một mối cảm hoài ấy, có khác gì đâu. Phải, Marius Tướng quân xưa kia, tỉ cái thân thế mình khi oanh liệt cũng như thành Carthage lúc cường thịnh, mà lúc thân thế gian nan, cũng như thành Carthage khi đổ nát. Tướng quân cám cảnh chạnh lòng mà phát lộ ra nhời ấy. Nhưng sau khi Marius Tướng quân lại hiển hách trở về thành La Mã chẳng biết còn có nghĩ gì thương đến thành Carthage đổ nát kia không?

- Thưa cô, người là người, vật là vật, sức người há chống chọi được với búa giời ru? Thánh Carthage kia cùng chùa Đế Thiên Đế Thích này há chẳng là phải chịu chung cái công lệ thiên nhiên mà đào thải theo thời gian sao? Cơ trời đã dĩ nhiên như thế, thì ta dù có thương xót chẳng qua cũng là thương xót cho cái thân thể phù du, chứ đã tắm bụi trần ở trên mặt đất, há canh cải được những quy tắc thần bí của Hóa công sao?

Nguyên Bella Như Nhang từ khi Hoàng Cương bỏ phòng sách ra ngoài hiên, nàng tò mò muốn biết con người kỳ lạ ấy bèn theo ra định bụng lân la làm quen hỏi chuyện. Nhưng khi ra đến nơi, đã không thấy chàng đâu. Nàng vừa muốn quay về phòng ngủ thì vừng giăng sán lạn, cảnh vật thanh u như gợi ra trong lòng nàng một mối cảm hoài vô hạn, nàng bèn lần theo bóng giăng mà đi... cũng ngẫu nhiên mà vào Angkorwat, cũng ngẫu nhiên mà được nghe câu nói, song nàng đã định bụng im đi, nhưng không biết một cái sức mạnh thần bí gì nó buộc nàng phải hỏi.

Hai người vừa đi vừa nói chuyện, phút chốc đã ra khỏi mấy lần cung điện.

Gió thổi... những lá cây dừa cao chót vót ngất nghểu ở trước sân chạm nhau kêu sột soạt; những tiếng dế cùng những tiếng của bao nhiêu con vật vô hình nó ẩn nấp ở dưới đất pha lẫn với nhau mà nổi lên một thứ âm hưởng bi ai thảm khốc như tiếng khóc than rền rĩ của hồn ma, bóng quỷ phảng phất ở đâu đây. Những bông hoa rừng chen chúc ở trong kẽ đá xông ra mùi hương ngào ngạt. Mùi đá, mùi rêu, mùi đất, mùi cây hòa lẫn với nhau tỏa ra bầu giời một thứ hương lạ lùng "khác tục"; luồng gió mát mẻ thơm tho như cuốn cuộn hai người vào một cõi bồng lai tĩnh mịch; gương nga chênh chếch như bao bọc hai người vào trong vòng hào quang ấm áp...

Cái vẻ mặn mà khả ái của cảnh vật như giời chỉ dành phần riêng cho khách giang hồ du tử.

Bước xuống đến thềm, Bella Như Nhang lại hỏi:

- Thày Hai ôi, đã biết đạo giời là như thế mà sao người ta vẫn cứ thi nhau sáng tạo, xây đắp nên những "cái" mà đã biết chắc sau này sẽ phải tan tành, mà đã biết thế sao còn lăn lóc sống chết vì danh lợi là những cái "hư vô" nhỉ?

- Người ta lúc mới sinh ra đã biết chắc rồi sẽ phải chết, sao mà vẫn phải sống, mà cho dẫu đến phút cuối cùng vẫn chứa chan những hy vọng về sự sống. Giả dụ ông Hóa công khắt khe kia, lúc sinh ra người, lại in ngay cái "tử kỳ" vào mặt thì cõi đất sẽ không phải là cõi đất ngày nay nữa. Thế giới ngày nay sở dĩ là thế giới ngày nay là vì con người ta, ai cũng có một "vũ trụ hi vọng" ở trong lòng. Đã đeo nặng cái hi vọng ấy, lẽ tất nhiên là phải lo hành động cho đạt những điều sở nguyện. Chẳng qua phép giời là phải "động" luôn. Kìa, cố trông cái tinh tú trên giời, có lúc nào ngừng không? Nếu ngừng lại thì cái thế giới này sẽ phải diệt vong vậy. Tuy rằng "động" luôn như thế mà vẫn phải theo một cái khuôn phép, nghìn muôn năm cũng thế mà thôi. Ví dụ nếu các tinh tú mà "động" ra ngoài khuôn phép, thì vị nọ thế tất nhiên sẽ đụng phải vị kia, mà đụng nhau thì... Nói đến đấy, hai người nhìn nhau cả cười.

Gương nga vẫn vằng vặc sáng tỏ một góc giời...

Bella Như Nhang lại nói:

- Nghe thầy nói, như được nghe những nhời bàn xác đáng của một nhà triết lý. Còn tôi thì vừa ngu, lại vừa ít học, thành thử tuy là có óc mà cũng như không.

- Cô đã đọc qua sách của Plutarque tiên sinh thì sao gọi là ít học được. Cô đọc đến "Đời Marius Tướng quân" mà có còn nhớ câu châm ngôn kia, chắc là lúc đọc đến đoạn ấy, cô cũng xúc cảm mà để tâm suy xét, đã thế sao gọi là ngu được?

- Thầy Hai, cứ nói tốt cho tôi làm gì? Chẳng qua đọc thì nhớ lõm bõm đó mà thôi, chẳng qua như nước mặt hồ kia, bóng giăng chiếu xuống thấy mình sáng thì biết rằng mình sáng đấy thôi, chứ nào có biết tại làm sao mà mình sáng đâu?

Nàng vừa nói vừa chỉ tay xuống mặt hồ...

Một làn nước bạc trắng phau, phẳng lờ như một tấm thảm. Lâu lâu, một luồng gió thoảng qua làm cho mặt nước lăn tăn biến hóa ra muôn nghìn con rắn trắng đuổi nhau trên mặt sóng... Dưới đáy nước, một vừng giăng trắng xóa như một cái đĩa bạc...

Nhìn bức tranh tuyệt xảo của Hóa công; đứng trước một cảnh tượng nên thơ của Tạo vật, chạm trán với một vấn đề huyền bí của vũ trụ, hai người bỗng xúc cảm mà đem lòng nghĩ ngợi...

Trầm ngâm một lát lâu, Bella Như Nhang mới hỏi chàng:

- Tại sao giời lại sinh ra mặt giăng nhỉ? ừ thì giời sinh ra mặt giời đã đành rằng để cho người ta được sáng sủa làm lụng để nuôi sống, cho cây cỏ hấp thu lấy khí ấm áp mà sinh chồi nẩy lộc. ừ thì giời sinh ra ban đêm để nghỉ ngơi, để di dưỡng lấy sức khỏe, lấy tinh thần. Nhưng đã ngủ thì thôi chứ. Cớ chi giời lại sinh ra giăng rằm nhỉ? Sao lại sinh ra cái hiện tượng nửa tỏ, nửa mờ thế; mà sao những cảnh tượng đêm giăng lại êm đềm, đẹp đẽ thế này?

Hoàng Cương nghe nàng nói mà bàng hoàng, không ngờ một người con gái lại có cái kỳ tưởng suy xét đến thế, đeo một mối cảm tình nồng nàn đến thế. Câu hỏi khó giả nhời thay! Chàng tự xét cũng không biết Hóa công đã sinh ra đêm giăng để làm gì?

Hai người vừa đi vừa ngẫm nghĩ, nặng trĩu một tấm lòng thơ, thì vừa lúc ấy, ở trên con đường đá trắng xóa kia, hai vợ chồng người quản lý nhà khách sạn đang dắt nhau vừa đi vừa cười về phía cổng chùa, hình như ông Hóa công sai đem câu giả nhời có sinh hoạt đến cho hai người, hình như ông Hóa công muốn đem gói ghém cặp vợ chồng kia vào trong tấm màn "băng" để cho cái khí vị nồng nàn, ấm áp của ái tình nó khỏi tan đi vậy.

Bella Như Nhang trông thấy thế, nhìn Hoàng Cương mà sửng sốt, mà bối rối nhưng chàng vẫn bình tĩnh như thường. Hai người lững thững giở về, khi chàng từ giã nàng để về phòng ngủ, nàng còn dặn với:

- Tôi nghe nói thầy ở Cao Mên lâu năm, thầy lên đây vãn cảnh luôn, thông thuộc vùng này lắm, vậy sớm mai thầy làm ơn đưa tôi đi xem và giảng cho tôi nghe nhé.

Bella Như Nhang về buồng trằn trọc không sao ngủ được, những cảm tưởng hồi vừa qua bắt thần trí nàng phải suy nghĩ...

Nàng nghĩ đến biết bao kẻ nam nhi xưa kia chỉ một cái liếc mắt, một cái mỉm cười của nàng cũng đủ làm cho bó tay chịu trói mà sao cái anh chàng gặp gỡ này lại gan lỳ thế được? Nàng lại nghĩ đến những di tích nàng đã xem qua, xưa kia, lộng lẫy biết bao, mà nay chỉ còn là một đống đá. Thế thì cuộc phú quý vinh hoa ở trên đời này phỏng có ra gì! Nàng lại nghĩ bấy lâu nay nàng nằm trên đống tiền, nàng đã được hưởng những lạc thú gì? Một vành lược bạc, gẫy tan nhịp gõ, một mảnh hồng quần hoen ố rượu rơi, thì dấn mình vào cõi yên hoa chẳng qua là: "Gặp thời thế thế thì phải thế" chứ đồng bạc trắng kia nào đã đem lại cho khách má đào được một chút "chân lạc thú" nào đâu! Nghĩ đến đấy, nàng thấy trong mình lạnh lùng, trống trải hình như thiếu thốn một "thứ" gì. Các nhà tiểu thuyết thường nói: "ân ái là nguồn lạc thú mà chốn gia đình là cõi tiểu thần tiên". Nhưng nhìn quanh mình thì thấy trái hẳn. Biết bao nhiêu bạn gái đã phải chịu trăm chiều cay đắng về nỗi chồng con. Nàng đã biết thế mà chính thân mình khi đào còn tơ, liễu còn yếu cũng đã qua cầu ấy, nên từ bấy đến nay, nàng vẫn giữ mình, chẳng để cho vương víu. Còn như nói ân ái là nguồn lạc thú thì đấy, những kẻ bấy lâu nay lăn lóc sống chết vì nàng chẳng là cái gương phản trái lại ư ? Nào đã thấy ai tìm được một chút hạnh phúc gì đâu? Hay chỉ mua lấy cái vạ: nghiệp đổ nhà tan. Nàng ngẫm nghĩ đến đây rồi lại tự hỏi: nhưng ngoài chốn gia đình, ngoài sự ân ái ra thì trong đời người đàn bà còn có việc gì đáng để tâm nữa không? Nghĩ đến đấy, nàng sửng sốt, bàng hoàng toát mồ hôi...

Ngoài những "cái" ấy ra thì đều là "hư vô", đều là mộng, đều là "không không" cả. Thế ra từ bấy đến nay nàng đã lăn lóc về những cái "hư vô", nên sắc có mà hình không! Nàng lại thấy một tiếng gọi ở trong bể lòng nó đột khởi lên, rồi muôn vật hình như bảo nàng phải "yêu" để sống, phải "yêu" để cầu lấy chân lý sự sống, rồi nàng thấy một cái buồn rầu vô hạn nó bao la ở trong cái lạc thú vô hạn hiển hiện ra bởi cái ái tình vô hạn...

Ngọn đèn điện le lói... Nàng nhìn xuống chiếc nhẫn kim cương, chiếc vòng kim cương lóng lánh như sao mà nàng buồn, mà nàng giận, mà nàng mắng:

"Cái ánh sáng khốn nạn của bay đã làm cho ta lóe mắt mà đi sai đường lạc lối, bay có biết không?"

Rồi nàng nhìn qua cửa sổ, những đỉnh chùa Angkorwat như chỉ rõ cho nàng biết cái "hư vô" của nhục thể, rồi nàng nghĩ: ừ, đã đành rằng ngoài nguồn tình ái, thì ở đời "sắc, ưởng" đều không cả, ừ đã đành rằng bể tình là bể khổ mà ta vẫn phải dấn mình vào mới tìm thấy sự lạc thú, nhưng ta biết yêu ai bây giờ? Ta tìm đâu cho thấy một người đáng yêu để... Nghĩ đến đây thì hình ảnh của Hoàng Cương như hiển hiện ra ở trong thần trí nàng; một nguồn sinh hoạt mới mẻ thơm tho như theo cái hình ảnh kia đến mà nhập vào thân thể nàng vậy. Rồi, nàng phải tự nhận rằng nàng đã yêu Hoàng Cương, nàng yêu thực, nàng yêu lắm. Có lẽ nàng đã bị "một tiếng sét của ái tình" nó đánh phải, nhưng một tiếng sét mới êm đềm thú vị làm sao!

Trong một đời người, mà chưa có một tiếng sét ấy, chưa đủ gọi là một đời người vậy.

ái tình! ái tình! Nó có phép thần thông rất quảng đại, thuật biến hóa rất nhiệm mầu. Nó làm cho kẻ dại nên khôn, kẻ ngu nên trí, nó khiến cho kẻ đại gian đại ác thành ra đại nhân đại nghĩa. Nó bắt ta phải lo sợ, buồn rầu, nhưng lo mà vẫn vui, buồn mà vẫn thú.

Nó tức là ngọn thần đăng soi sáng cho ta trong bước đường đời tối tăm này vậy.

Bella Như Nhang nghĩ đến Hoàng Cương thì nàng thấy nàng "sống" một cảnh đời mà xưa nay nàng chưa từng "sống", nàng thấy một cái ánh sáng hi vọng nó đột khởi lên. Nhưng nàng lại lo:

"Không biết cái anh chàng mặt sắt lạnh lùng kia có lòng yêu đến ta chăng? Không biết...?

Nàng ôn lại trong trí nàng những cách cử chỉ của Hoàng Cương mà nàng phải áy náy. Nhưng áy náy cũng là áy náy vậy thôi, chứ nó cũng không sao làm cho bế tắc được nguồn lạc thú bồng bột ở trong lòng nàng lúc bấy giờ.

Nàng trông bó hoa hồng đang phô thắm ở trên mặt bàn như có vẻ ghen tị sự sung sướng của nàng, nhưng quay lưng lại nhìn đến chiếc giường lò xo rộng rãi, chiếc gối trơ trọi lại ra chiều mai mỉa.

Rồi, không biết... không biết tại làm sao nàng bỗng bưng mắt khóc.

Từ xưa đến nay, bao kẻ chết vì nàng, nàng không khóc, bao kẻ điêu đứng vì nàng, nàng không khóc, ngày nay nàng đi khóc một cái vô hình... Mà con người đá ấy đã phải khóc, ắt sự chẳng vừa. Nàng nghĩ đến tấm thân ngọc ngà đem ra làm mồi thơm cho ong bướm, làm cái cạm để bẫy tiền mà nàng tự mình lại "ghê tởm" cho cái thân mình. Ôi! Ví dụ Hoàng Cương yêu ta thì ta chỉ đem hiến cho người yêu một tấm thân hoa tàn nhị rữa này, thì nhục nhằn biết là bao! Nhưng trái tim nóng nó đập thình thịch ở trong ngực nàng hình như nhắc nhở cho nàng biết: ta đây mới là vật đáng kể, còn những bộ phận khác đều là những cái bỏ đi. Ta đây thì dẫu bể dâu biến đổi cũng vẫn trơ như đá, vững như đồng, chứ những "cái" kia có chống chọi được với thời gian cay nghiệt đâu. Nghĩ đến đấy nàng lại tự nhủ nàng:

- Biết đâu Hoàng Cương chẳng cũng nghĩ như thế.

Sáng mai, nàng dậy thật sớm, ra công trang điểm cho thiệt đẹp. Nàng đã đẹp lại muốn đẹp thêm, đẹp nữa, để cho ai phải để ý đến. Trong cái rương áo của nàng thôi có thiếu gì mà nàng chọn mãi chẳng được cái nào vừa ý, sau mãi nàng mới mặc tạm cái áo nhiễu trắng.

Nàng nhìn vào gương đứng thấy hiển hiện ra một cô thiếu nữ lộng lẫy như ngọc, trắng trẻo như ngà mà nàng tự nghĩ: "Nếu về đất Sài Gòn ta chỉ hô lên một tiếng, còn biết bao nhiêu kẻ sẵn lòng chết vì ta, nhưng chẳng biết cái anh chàng họ Hoàng kia có để ý gì đến cái đẹp của ta không?"

Nàng đến phòng ăn thì còn sớm lắm, chưa ai đến. Nàng bảo bồi dọn chung, để nàng cùng ngồi ăn điểm tâm một bàn với Hoàng Cương. Nàng lại cho thu xếp đồ ăn để nàng đem đi ăn buổi trưa vì nàng định đi chơi đến chiều mới về.

Nàng ngồi chờ mãi, đến hơn bẩy giờ, Hoàng Cương mới đến, tay cầm cái ống nhòm. Nàng liền vồn vã hỏi:

- Sao thầy Hai ngủ trưa dữ thế, đem ống nhòm đi để làm gì?

- Không, tôi dậy đã lâu, nhưng tưởng cũng như mọi ngày cô dậy trưa, nên còn ngồi xem sách mãi, ("à thế ra từ trước đến nay, chàng cũng vẫn để ý đến ta", nàng nghĩ mà mừng thầm). Hôm nay, tôi định đưa cô lên trên lăng ở đỉnh núi Phnompakhean, đứng đấy có thể trông thấy rõ Biển Hồ mà nếu dùng ống nhòm thì lại càng tỏ ra lắm.

Cái xe hòm rộng rãi êm ái đã chờ ở cửa. Mọi ngày nàng đi chơi đâu vẫn cầm lái lấy, nhưng hôm nay nàng thấy tinh thần dường như vơ vẩn, không chú ý được, sợ có điều bất trắc, bèn sai tài xế cầm.

Lúc ra đến xe, Hoàng Cương vừa định trèo lên ngồi đằng trước với bác tài thì nàng vội nắm áo mà bảo rằng:

- Thầy Hai ngồi dưới này nói chuyện với tôi cho vui. Một người như thầy mà còn e lệ những điều tiểu tiết ấy sao?

- Đối với tôi thì có hề gì, nhưng sợ có điều bất tiện cho cô.

- Bất tiện gì, tôi thân cô, thế cô, một mình trơ trọi ở trên đời này, thầy tính còn ai để tâm gì đến mình mà hòng...

Nàng vừa nói, vừa để ý nhìn Hoàng Cương xem chàng có ái ngại cho thân thế nàng không, nhưng bộ mặt gân guốc già cằn kia vẫn lạnh lùng như tuyết, nàng thấy thế mà buồn.

Lăng Phnompakhean ở trên một ngọn đồi cao, cách khách sạn độ gần một cây số. Vụt chốc xe đã đến nơi. Đường lên rất dốc, thật khó đi, nàng vừa đi, vừa thở hổn hển, lắm lúc giả đò như muốn ngã, xem anh chàng kia có lại gần đỡ cho nàng không, nhưng anh chàng cứ khom khom rảo bước chẳng để ý gì đến. Nàng thấy thế mà thất vọng, nhưng lại tự nghĩ:

- "Ở đời có chí thì nên; dẫu sự tình ái cũng phải có công phu mới có kết quả được, ta đã vội gì mà nản lòng"

Xứ Cao Mên, tuy về đêm mát mẻ, nhưng ban ngày thì nóng bức lắm. Vì mưa luôn, đất ướt, đường lại trơn, trèo lên là vất vả, Bella Như Nhang lên đến đỉnh, đã mệt thở không ra hơi, mồ hôi ra ướt đầm cả áo. Nàng phải ngồi nghỉ ở trên tảng đá "Vết chân Bụt." Vết chân Bụt này rộng độ hơn một cái nong. Dưới bàn chân, có thích chữ Cao Mên. Hoàng Cương chăm chú đọc. Bella Như Nhang thấy thế bèn hỏi:

- Thấy Hai cũng biết chữ Cao Mên à?

- Có, tôi làm đồn điền, thường hay giao thiệp với người Cao Mên, cũng phải biết.

- Sao tôi nghe người ta nói thầy là người buôn bán?

- Có, ngoài vụ kia thì tôi đi buôn.

- Tôi đi qua Nam Vang (Phnompenh), Gò Sật (Pursat), Dũng Sa Nang (Kompong chnang) thấy các người buôn bán toàn là các Chú cả.

- Thế thầy giao thiệp với họ, thầy có biết tiếng họ không?

- Tôi cũng có biết, người Bắc Kỳ tôi, lúc nhỏ thường ai cũng học chữ Hán, nên học tiếng Khách cũng dễ.

- Thầy biết nhiều thứ tiếng cũng thú nhỉ?

- Thú gì? Tôi chỉ vì biết lắm thứ tiếng mà suýt nữa mất mạng đấy.

Hoàng Cương nói xong biết mình lỡ lời, vội im đi, nhưng Bella Như Nhang cứ gặng hỏi đầu đuôi mãi, thành thử chàng không muốn nói mà phải nói:

- Đầu đuôi có gì đâu! Một hôm tôi có việc đến nhà một người bạn ở một xứ đồng rừng kia. Vì mưa không về được, y rủ tôi đến nhà Bang trưởng đánh mã chược. Cái nghề đánh bạc, cô tính ai lại muốn thua bao giờ, tôi ngồi đánh đầu cánh trên lão Bang, đánh "đì" dữ lắm. Lão ta không ù được. Lão ta tức. Gia dĩ các Chú ở xứ này giao thiệp với người ngoài thường hay dùng tiếng Cao Mên, nên lão ta cũng không biết tôi nói được tiếng Khách. Lão ta nói nhiều câu thô bỉ lắm, tôi vẫn làm lơ như không biết, nhưng sau lão ta nói đến câu "ố nàm chày sẩy lửa" (An Nam tử khốn nạn), không đừng được, tôi bèn vùng dậy, nắm cổ lão ta mà hỏi:

- Anh thử đứng với tôi, coi ai nhớn hơn? Sao anh khinh người thế, anh có biết Nhật Bản nó gọi anh là giống gì không?

Lão ta tưởng tôi đánh lão, kêu cứu ầm ỹ, một lũ đầy tớ lão xông ra đánh tôi. Cùng thì phải tính, tôi liền thuận chân đạp lão ta ngã chúi xuống và nhấc cái ghế ngồi, đánh lung tung. Nhưng "mãnh hổ bất như quần hồ" tôi vừa đánh, vừa đỡ, vừa lui. Lùi ra đến cửa, cửa khóa! Đã tưởng mình phải chết thì vừa may, mấy đứa đầy tớ Cao Mên đi theo tôi ở nhà bên cạnh, thấy tiếng ồn ào, liền chạy sang phá cửa, xông vào cứu được tôi ra. Từ đấy, tôi thề không học thêm thứ tiếng nào nữa.

Bella Như Nhang nghe chàng kể chuyện đến chỗ nguy hiểm, lòng nàng bồn chồn lo sợ thay cho chàng tưởng chừng như nàng đang mục kích tấn kịch kia vậy. Lúc chàng nói dứt, nàng mới hỏi:

- Thế thầy có bị vít (thương tích) nào không?

- Có, cái sẹo ở trên đầu này là một cái tang chứng nguy hiểm cho những người biết lắm thứ tiếng đây.

Hoàng Cương hồi tưởng đến việc ấy cũng tủm tỉm cười, nhưng Bella Như Nhang thì mặt có vẻ ái ngại, rồi bỗng nhiên nàng đứng dậy, chạy lại, chẳng nói năng gì lật mũ chàng ra xem. Thấy cái sẹo to tướng nó rành rành ra đó, nàng rươm rướm nước mắt, rồi nàng lấy tay vuốt mái tóc chàng. Lúc bấy giờ nàng mới biết sự lạc thú của cái khóc, nàng thấy trong mình khoan khoái như một người mẹ vuốt mái tóc đứa con cưng bị ngã mà lại có vẻ mặn nồng hơn; như một người yêu vuốt mái tóc của người yêu vậy.

Hoàng Cương thấy nàng cử chỉ sỗ sàng thế, có vẻ bất bình. Chàng có biết đâu cách cử chỉ mà bề ngoài chàng cho là sỗ sàng ấy có ẩn một mối tình yêu vô hạn ở trong.

Bella Như Nhang dường như biết ý bèn nói chữa:

- Tôi vừa muốn học tiếng Cao Mên nhưng ngày nay tôi cũng theo thầy mà không học một thứ tiếng gì nữa. Thầy bảo đứng dậy trông thấy Biển Hồ, nào có thấy đâu?

- Muốn thấy thì phải trèo lên gác sân ở đỉnh lăng kia chứ.

Rồi chàng đưa nàng vào trong lăng.

Lăng này ở đỉnh núi, cao lắm. Nhà Viễn Đông Bác Cổ có làm một cái thang sắt để trèo lên sân gác. Thành thang nhỏ rất khó đi. Bella Như Nhang vốn người nhanh nhẹn bạo dạn, xưa nay chẳng biết sợ là gì, nhưng nàng muốn đem dốt Hoàng Cương vào trong lưới tình, bèn dùng những bí quyết mà xưa nay nàng đã làm cho chìm đắm bao nhiêu nam tử, nàng làm ra bộ sợ sệt mà rằng:

- Trời ơi! Thang cao thế này, bực nhỏ thế này, tôi trèo làm sao được? Nhưng đã lặn lội lên tới đây, mà không được coi những cảnh đẹp ấy chẳng cũng là uổng lắm sao?

Cái "tiếc", cái "muốn" của phụ nữ chẳng đã làm nghiêng đổ bao nhiêu cơ đồ!!!

- Được, cô bỏ giầy ra, cứ mạnh bạo trèo lên, tôi đỡ.

Nàng trèo lên trước, chàng trèo lên sau, thỉnh thoảng lấy tay đỡ chân nàng. Đến lưng chừng, Bella Như Nhang lại giả đò run sợ, không trèo nữa khiến Hoàng Cương phải tiến lên mấy bực, lấy tay choàng vào lưng nàng, nưng lên. Bella Như Nhang thấy một nguồn sinh thú lạ thường ở bàn tay kia nó chạy vào mình nàng, nhưng lên gần đến nơi nàng nghiệm ra rằng cái bàn tay sắt kia không phải là bàn tay thịt, nó không có cái vẻ run rẩy ấm áp của ái tình. Nàng thấy thế mà đau điếng người đi, chân không buồn bước nữa, nàng chỉ cầu thầm cho bực thang gẫy ngay xuống, cho được cùng chết với người yêu. Nhưng sự thực là đó; cái bàn tay sắt nó cứ bám chặt lấy mình nàng mà đưa lên như một pho tượng vậy.

Lên đến đỉnh lăng, nàng buồn bã chẳng thiết gì nhìn cảnh vật nữa, nên khi Hoàng Cương đưa cái ống nhòm cho nàng, nàng nói:

- Thầy hãy xem trước đi, tôi còn mệt hoa cả mắt.

Hoàng Cương liền ra tựa vào lan can lấy ống nhòm nhìn... ngắm...

Nàng thấy chàng đứng lắt la lắt lẻo ở lưng chừng giời, những muốn chạy lại du cho chàng ngã xuống. Nhưng nghĩ đến đây, nàng lại thấy đau đớn lạ thường, tưởng chừng như cái chết của con người đứng kia tức là cái chết của mình vậy. Nàng lại muốn chạy lại ôm lấy Hoàng Cương bế vào lòng mà hỏi:

- Pho tượng sành! Pho tượng sành! Lòng người sắt đá chi mà không biết ta yêu, ta quý ngươi?

"Pho tượng sành" vẫn đứng sừng sững. Chán thay!

Trên từng mây trắng xanh, con "rồng lửa" phun nhiệt khí bức bối ra vũ trụ...

Cây cối núi non uể oải như ngây ngất ở trong lò.

Bella Như Nhang thấy lòng mình ngây ngất hơn cảnh vật. Nàng thấy một cái "khó" nó nổi lên ở trong đời nàng. Cái khó ấy là sự chiến đấu với thời gian để giật lấy "quả tim vàng" nó ẩn ở trong cái "ngực sắt" của con người đứng trước mặt.

Hoàng Cương cứ điềm tĩnh đứng nhìn phong cảnh, một "thế giới cảm giác" sôi nổi ở chung quanh chàng, chàng có biết đâu.

Biết những cái "khó" đã là một sự khó. Nhưng "biết rằng khó" tức là cái nguồn sinh ra những sức mạnh để làm những việc khó vậy. Mà ở đời này có khó mới quý, chứ những "cái" ta chỉ dang tay ra là được thì đối với ta chẳng thiết tha quý báu gì.

Bella Như Nhang nghĩ như thế lòng thấy phấn khởi. Nàng liền chạy lại gần Hoàng Cương, nghển trán lên, áp má vào má chàng, như muốn nhìn chung cái ống nhòm với chàng. Nàng thấy má bên trái nóng như lửa đốt, thân thể âm ỷ như than vùi. Nhưng dù có phải cháy thiêu đi, nàng cũng mong được như thế mãi mãi. Khá tiếc thay, Hoàng Cương lại vội nhường cái ống nhòm cho nàng, đứng né ra một bên lấy tay chỉ trỏ mà bảo nàng:

- Kìa, cô Ba trông, Biển Hồ như một tấm thảm bạc trải bên đống cỏ xanh rì, kìa nhà cửa tỉnh Siemréap như trăm nghìn đứa bé tí hon mặc áo trắng, áo đỏ ngẩng đầu lên nhìn chúng ta, kia, những di tích lâu đài nho nhỏ lố nhố như những thằng lùn nó vây bọc lấy hai anh Khổng lồ là chùa Angkorwat và điện Angkorthom, kìa cung ông vua cùi (ruines du roi lépreux), kìa hồ đông Barai, kia hồ tây Barai, kìa núi Pnom koulen mà người ta lấy đá để xây những lâu đài thành quách này, kìa núi Dangrek uốn éo như một cánh cung, hai đầu ở Xiêm mà thân cung thì ở Cao Mên, kìa cô trông bãi tầu bay là chỗ để cho khách năm châu rẽ mây mà đến, cưỡi gió mà về, cô trông: nước mây man mác, rừng núi bao la...

Khốn nạn, những phong cảnh đẹp đẽ như thế, nào nàng có thấy gì đâu. Nàng chỉ thấy trong ống kính trắng trắng xanh xanh, mờ mờ, tối tối. Nàng đã để hết thần trí nghe chàng nói. Nàng xét ra những tiếng nói kia nó cứ từ từ mà gieo xuống, lạnh lùng như hạt sương sa, chẳng có vẻ gì là sốt sắng đầm thấm, có lẽ chàng chỉ muốn vì cảnh vật mà phô bầy vẻ đẹp, chứ chẳng có vị gì nàng. Nghĩ đến đấy thì thấy hình như có vật gì, nó chẹn lấy họng, thở không được, nàng liền đưa trả cái ống nhòm mà bảo:

- Tôi xem chán rồi, thôi ta đi chỗ khác.

Lúc xuống thang, nàng đã chán nản, chẳng còn muốn cho Hoàng Cương đỡ nàng nữa, nhưng Hoàng Cương cứ tưởng rằng nàng có tính nhát, liền xuống trước giơ tay đỡ lấy chân nàng.

Độc địa thay ông giời già, ông thường hay chơi khăm như thế. Lúc mà ta tưởng: "Thôi đến đây là hết" thì chính là lúc ta thấy những sức mạnh vô hình, "nó làm cho ta không tự chủ được" lại cuồn cuộn ta đi.

Thang thì hẹp, chỉ vừa một người trèo, mà lại dốc ngược, nên phải xuống giật lùi. Bella Như Nhang đã ngao ngán, thất vọng, tưởng chừng như cuộc tình duyên đến lúc này là kết liễu, là đoạn tuyệt, mà chính nàng, nàng cũng chẳng còn thiết gì nữa, nàng chỉ cầu cho chóng chóng được xa con người "độc ác" kia thôi. Nhưng khi cái bàn tay sắt kia nắm vào cổ chân nàng, thì ngọn lửa lòng đã sắp tắt như lại bùng lên, nàng muốn xuống thật lâu để kéo dài cái "phút hạnh phúc" ấy ra vậy.

Ở đời, cuộc rượu vui đến đâu cũng có lúc tan, cuộc cờ đánh mãi rồi cũng tàn, thì xuống mươi lăm bực thang kia chẳng phải là "một thế kỷ" mà một thế kỷ trong con mắt bọn khách tình, cũng còn là ngắn ngủi lắm!

Lúc xuống núi, tuy dễ hơn lúc lên, nhưng vì đường dốc lại trơn, người đi như muốn bổ nhào ra.

Hoàng Cương liền đưa cái ba toong đầu bịt sắt cho nàng chống, nhưng nàng lại muốn được hơn nữa...

... Thày Hai ơi, đường trơn dữ quá, thày cho tôi vịn vai, không thì té chết. Chàng chưa kịp giả lời thì nàng đã dang tay nắm chặt lấy vai chàng. Nàng dựa mình vào chàng, hai mắt lim dim, một luồng điện bí mật như đã thu hết sự sinh hoạt của nàng. Chân nàng chẳng buồn bước, chỉ theo cái dịp chân của người bên cạnh mà bước thôi.

Anh tài xế đứng ở dưới chân núi trông lên thấy cái tình cảnh ấy cũng lấy làm lạ mà tự hỏi:

"Chủ mình xưa nay đối với bọn đàn ông coi như cỏ rác, mà sao đối với nhà thày này lại ra vẻ quý yêu thế kia"?

Hoàng Cương lại đưa nàng đi xem điện Angkorthom, có cái giếng nhỏ chỉ bằng cái nia mà sâu vô kể, ném hòn đá xuống lắng tai nghe mãi mới thấy tiếng động.

Đến cung ông vua cùi, thấy ngổn ngang những cung điện đã đổ nát mà có lắm tòa đã sụt xuống, đất phủ lấp cả. Nhà Viễn Đông Bác Cổ bây giờ mới đang cho người đào lên và sửa sang lại.

Lúc ấy đã hơn mười một giờ trưa, nàng thấy đói, bảo chàng nghỉ để ăn cơm. Chàng bèn nói:

- Tôi biết một chỗ ngồi ăn mát lắm mà thú lắm, chúng ta chờ đến đấy sẽ ăn.

Nhà Viễn Đông Bác Cổ có đắp hai con đường vòng chung quanh Đế Thiên Đế Thích. Nếu đi khắp hai con đường ấy, có thể thiệp liệp xem hết các nơi được. Di tích Đế Thiên Đế Thích rải rác hàng bao nhiêu nơi, chứ có phải chỉ chùa Angkorwat và điện Angkorthom mà thôi đâu. Con đường vòng nhớn thì dài độ mười cây số, con đường vòng nhỏ dài độ sáu cây số. Hai con đường ấy thông với nhau mà chỗ cung điện vua cùi cạnh Angkorthom chính là chỗ hợp lại của hai con đường ấy.

Xe hơi rẽ sang con đường vòng nhớn qua nhiều nơi di tích, rồi đến một chỗ mà người Cao Mên gọi là cái "bể tắm của bà Hoàng hậu".

Bể này vuông độ một mẫu đất xây từng ngăn như hình chữ điền. ở giữa là nhà thủy tọa nhỏ, có cây. Bốn ô ấy, nước thông ra, tháo vào được mà những cái ống thông nước lại là những con voi đá xây rất tỉ mỉ ở dưới thành ngăn. Giêng, Hai thì bể cạn khô, nhưng lúc này vì mưa luôn, bể đầy ắp.

Hoàng Cương đưa Bella Như Nhang vào nhà thủy tọa, nàng liền bảo tài xế đem thức ăn lại. Nàng lấy cái khăn nhỏ trải ra mặt đất, bầy biện các thức ăn. Trông cái cách nàng cắt bánh, trông cái tay nàng xé thịt, cùng một trăm cách cử chỉ khác rất thường mà ngọn bút không thể tả ra được, ta có thể đoán:

- Nếu nàng muốn - thì nàng sẽ là một tay nội trợ rất khéo léo, đáng yêu, vì nàng đã sẵn có lịch duyệt và có biệt tài về khoa trị gia.

Nàng tuy đói mà không ăn được mấy chỉ những nhìn Hoàng Cương ăn mà no. Nàng ước gì được tự tay cầm bánh, thịt mà bón cho chàng như một người mẹ cho con ăn.

Nàng tưởng tượng thế mà trong mình sung sướng lạ thường.

Hôm ấy nàng có đem theo một chai rượu chát, Hoàng Cương uống vài cốc thấy trong người vui vẻ, chàng trỏ tay vào bể mà bảo nàng:

- Người Cao Mên nói chuyện với tôi rằng cái bể này nguyên trước kia có một ông vua vì yêu Hoàng hậu mà xây đắp ra để khi trời nóng nực, Hoàng hậu ra đấy tắm táp. (Nàng nghe chàng nói mà ước gì chàng cũng đem cái lòng vua yêu Hoàng hậu mà yêu nàng). Kể cách chơi ấy thì đế vương thực, nhưng ngày nay...

Chàng nói đến đấy thì nàng bèn lấy cái cảm tưởng của nàng lúc bấy giờ mà nói tiếp:

- Ngày nay nó là cái gương thiên cổ chỉ rõ cho ta biết rằng cuộc vinh hoa phú quý ở trên đời chẳng qua như một giấc mộng hoàng lương, trăm năm còn có gì đâu? Có còn thì là còn tấm lòng vua yêu Hoàng hậu, cùng là tấm lòng Hoàng hậu yêu vua mà thôi.

Nói đến đoạn dưới, nàng dằn từng tiếng, đôi con mắt phượng thì nhìn Hoàng Cương một cách rất tình tứ như muốn tỏ cho biết nỗi lòng.

Nhưng những hạng người như Hoàng Cương nào có hiểu một chút gì đâu!

Những hạng ấy là những hạng người rất đáng thương; lúc bé đã sớm mất một người mẹ là người đã lấy cái tình mẫu tử rất ấm áp để khêu gợi những nguồn cảm giác rất êm đềm nó còn ẩn hình náu bóng trong lòng ta, cập đến lúc mới nhớn lên, liền đã phải lăn lưng ra giành giật với đời; vì sớm trải mùi đời đen bạc, sớm nếm cái thế vị chua cay, lòng dạ thành ra khô khan, cháy sém như một bãi sa mạc, mà một trận mưa xuân lác đác không thể làm cho nảy nở ra những đồng cỏ xanh rì được.

Chàng nghe nàng nói, nghe cái giọng nói rất thấm thía của nàng mà chàng vẫn thản nhiên, chẳng hề động tâm.

Khốn nạn thay, những con voi đá nó lập lờ ở dưới đáy nước trong veo kia trông thấy vẻ mặt rền rĩ của nàng lúc bấy giờ cũng dường như cảm động, huống hồ là người!

Mà có lẽ Hoàng Cương là những hạng người lòng gan dạ sắt xưa nay chưa hề quan tâm đến sự buồn rầu đau đớn của mình nên không thấu những nỗi buồn rầu đau đớn của kẻ khác: Có lẽ, chàng chỉ mải nghĩ đến sự lập thân, lập nghiệp, chứ chẳng hề bao giờ nghĩ đến sự "yêu đương". Mà đã không nghĩ đến thì còn biết làm sao hiểu được các trạng thái cùng các triệu chứng của nó.

Ôi, đáng tiếc thay! Đáng tiếc thay!

Giời mùa hạ ở xứ Cao Mên như thiêu như đốt, người và vật như nung nấu ở trong lò.

Những đàn khỉ khát nước chạy ra uống ở chung quanh bể. (ở đấy có lệ cấm bắn các giống cầm thú, nên chúng dạn người lắm.)

Bella Như Nhang lấy thịt và bánh còn thừa ném cho chúng. Trước chúng còn chạy tán loạn, sau rồi đổ xô cả lại, tranh nhau, cắn nhau, giành giật nhau...

Nàng bèn trỏ tay vào đàn khỉ mà bảo Hoàng Cương rằng:

- Đấy, thầy Hai coi, người ta cũng như đàn khỉ kia, cấu xé nhau, chém giết nhau cũng chỉ vì miếng ăn, lúc tỉnh ngộ ra thì đã muộn quá rồi, ngán thay!

- Tuy thế thì dã man thật, nhưng không thế thì không được, ngôi bá chủ ở trong vũ đài chẳng là chỉ để dành riêng cho những kẻ nhanh chân nhẹ bước sao?

Lúc ăn cơm xong, Hoàng Cương thấy trong mình nóng bức lạ thường, bèn bảo nàng:

- Cô cứ ra xe trước chờ tôi, tôi tắm cho mát một chút rồi sẽ ra sau, chứ không nóng bức không chịu nổi.

Vô lễ thay, bất nhã thay!

Nhưng xét cho kỹ ra thì những người vô tình như Hoàng Cương họ không có phân biệt nam nữ nên chàng coi Bella Như Nhang cũng như một người bạn giai mà thôi. Nói rằng chàng là kẻ vô giáo dục thì cũng khí quá, nhưng nói rằng chàng thiếu cái "xã giao giáo dục" thì cũng không phải là oan. Một người như thế, không có thể bảo là một kẻ vô giáo dục, nhưng đối với đàn bà mà sỗ sàng như thế, thì cũng không tránh khỏi cái tội vô lễ. Có lẽ từ trước đến nay con quái vật "doanh nghiệp" nó đã nuốt hết thời giờ của chàng, không còn để cho phút nào nhàn rỗi mà trau dồi lấy phép lịch sự của "xã hội giao tế".

Đối với những hạng ấy thì người cũng như mình, nói là nói, làm là làm, không có sự gì là khuất khúc, là biết thớ lợ cả. Kể thì cũng đáng ghét thay mà cũng đáng yêu thay.

Bella Như Nhang nghe chàng nói như thế, chẳng những không giận mà lạ thay, nàng lấy thế làm lo. ấy thường tình con người ta vẫn thế, ghét nhau thì những cái lỗi bé bằng con mò cũng thành ra to như núi mà đã yêu nhau thì những cái tội to như núi, cũng không trông thấy nữa. Nàng thấy chàng mồ hôi nhễ nhại lại say rượu, những muốn can không cho tắm, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, chỉ lo thầm trong lòng mà chẳng dám nói ra.

Khi Hoàng Cương tắm xong giở ra, lại đưa nàng đến xem một cung điện, xưa kia chắc là to tát lắm, nhưng nay đã đổ nát hết cả.

Đường đi vào thật dài thật rộng, hai bên hè mỗi bên có đến năm mươi pho tượng đá to bằng ông Hộ pháp, tay đều ôm mình một con rắn chín đầu, dài dằng dặc.

Bella Như Nhang trỏ vào những bức tượng ấy mà hỏi:

- Sao bên này thì ngó ông nào ông ấy mặt mũi tươi tốt quá, mà bên kia thì đều như mếu cả?

- Ấy, một bên tượng khóc, một bên tượng cười đấy, đại để cũng là những chuyện li kì không thể tin được như những chuyện nhịn ăn mà mặc, nhịn mặc mà ăn ở chùa chiền ta vậy.

Rồi chàng trông những pho tượng khóc, mỉm cười mà hỏi đùa:

- Sao ông lại khóc thế hả ông?

Nàng nghe chàng hỏi mà tự nghĩ: "Còn một người khóc thầm trong bụng đứng ngay bên cạnh chàng, chàng có biết đâu".

Hai người còn đi xem xét mấy nơi cổ tích nữa nhưng đến chiều, thì Hoàng Cương thấy trong mình khó ở, đầu choáng váng, chân tay nặng nề chẳng buồn bước nữa. Bella Như Nhang thấy chàng hai má đỏ gay, mắt lờ đờ bèn bảo:

- Tôi coi bộ thầy Hai mệt lắm, thôi ta về nghỉ, mai sẽ đi nữa.

Chín giờ đêm, chuông báo hiệu ăn đã nổi, trong phòng ăn, khách đã đến đủ. Bella Như Nhang ngồi chờ mãi mà chẳng thấy Hoàng Cương đến, bèn sai bồi đi gọi. Một lúc lâu người bồi lại bảo nàng:

- Thầy ấy nóng sốt dữ lắm, nằm ngủ li bì tôi hỏi mãi mới tỉnh. Thầy ấy nói không muốn ăn cơm.

Nàng thoạt nghe biến sắc, chẳng nề hà gì, vội chạy xuống phòng ngủ hỏi thăm.

Xét tâm lý những kẻ chung tình thì đại phàm, những đàn bà bình nhật, dù nhút nhát đến đâu, đến khi đã yêu cũng trở nên bạo dạn mà coi thường những điều tiểu tiết, còn như bọn nam tử dù bình nhật thì mạnh bạo biết bao, cái khí tượng anh hùng tưởng chừng như vào trong rừng bắt cọp cũng không màng, thế mà khi đứng trước mặt người yêu để tỏ bầy tâm sự cũng đều run như cái dẽ mà những tay xưa nay biện thuyết giỏi như Tô, Trương cũng đều ấp úng như cậu học trò nhỏ không thuộc bài đứng trước thầy giáo vậy. Lạ thay, những cái hiện tượng trái ngược, huyền bí ấy có chăng chỉ ông Thần ái tình mới có thể giảng cho ta hiểu được mà thôi.

Bella Như Nhang vào đến phòng thấy Hoàng Cương nằm mê mệt ở trên giường, sờ đến trán, nóng như lửa đốt. Nàng bèn bảo người quản lý nhà khách sạn gọi dây nói về Siemréap mời thầy thuốc.

Tỉnh Siemréap cách Angkor-les-Ruines có sáu cây số, nên một giờ sau một y sĩ đến, xem bệnh xong, ông nói:

- Thầy ấy cảm cũng nhẹ thôi. Nếu điều dưỡng thì vài ngày có thể khỏi được, nhưng tối nay thế nào cũng lên cơn sốt dữ lắm, vậy cô phải ở đây trông nom cho thầy ấy luôn, nếu có mỏi, phải gọi người khác thế. (Y sĩ cứ tưởng nàng là vợ người bệnh nằm đấy). Lát nữa tôi cho người đem thuốc đến, cứ hai giờ lại đổ cho thầy ấy một thìa.

Hoàng Cương một là vì đang lúc say rượu mà tắm, hai là trong lòng nhiều mối ưu tư nên thụ bệnh. Chàng sốt nóng cả đêm, lúc mê lúc tỉnh: đến nửa đêm lại thổ, dơ bẩn bắn đầy vào mình Bella Như Nhang, nàng chẳng lấy thế làm gớm. Nàng thức suốt đêm mà chẳng biết mỏi mệt là gì. Ngày nay nàng mới biết đến sự lạc thú: săn sóc cho một người. Nàng chỉ cầu cho bệnh nhân cứ ốm thế mãi để nàng cứ được ngồi ở đầu giường này mà trông coi cho chàng mãi, dẫu chẳng được chàng thương yêu đến, nhưng thế cũng là quá đủ rồi.

Yêu để mà yêu, thương để mà thương mới là tuyệt đích của ái tình. Đó mới là cái biểu hiệu của tấm lòng Đức Phật thương chúng sinh, Đức Thiên Chúa yêu con chiên. Còn yêu để cầu người yêu giả, thương để cầu người thương lại, chẳng là còn thấp kém lắm sao, chẳng là một việc cầu "lợi" cho mình sao? Nếu đã vì "lợi" mà có, thì cũng có lúc vì "lợi" mà tan. Nhưng ở buổi đời này tìm đâu cho thấy được hai người có được quả tim như Bella Như Nhang. Chẳng biết kể bệnh nhân rền rĩ ở trên giường kia có biết hay không. Nhưng biết ra thì càng hay, mà chẳng biết ra thì cũng thôi. Nàng chỉ biết mình yêu chàng chứ có biết tại làm sao mà yêu chàng đâu. Tấm lòng yêu nó đã biển hiện ra tựa như gió mát, như giăng trong thì còn cần gì phải hỏi nó tự đâu mà lại. Mà có một tấm lòng yêu như thế, chẳng cũng là đầy đủ sự thần tiên lạc thú rồi sao? Mà dù kẻ nằm kia sau này mà chẳng yêu nàng nữa, thì nàng có vì lẽ đó mà dứt lòng yêu chàng được chăng?

Biết bao kẻ nói rằng yêu người yêu mà còn muốn dò xét về quá khứ, toan tính về tương lai, như thế sao gọi là yêu được. Yêu là hiện tại, nhìn vào nó mà tin về quá khứ, dựa vào nó mà vững lòng về tương lai, "Một túp lều một tấm lòng" không phải là chỗ thấy biết của loài người máu thịt, mà ta có thể nói rằng Bella Như Nhang lúc này không phải là người của cõi trần này vậy.

Nàng ngồi nhìn bệnh nhân rền rĩ ở trên giường, tâm can nàng hình như cùng rền rĩ với bệnh nhân. Nàng trông trên bàn thấy một phong thư còn bỏ ngỏ, nàng cầm lấy, xem gửi cho ai thì chưa có chỗ ở, (có lẽ bệnh nhân lúc viết xong thư thì vì cơn sốt đến mà chưa kịp đề). Nàng lại đặt xuống, đã định không xem, nhưng bức thư bí mật - những thư chưa đề chỗ ở đều bí mật cả - nó cứ nằm lì lì trên bàn như một hòn đá nam châm hút hết thần trí nàng vào. Địa điểm! Nếu cái thư kia mà có đề địa điểm rồi thì có lẽ cũng làm cho nàng khỏi phải mang một mối ngờ trong lòng mà tránh được cái xấu: xem thư trộm.

Một phút nghi ngờ nhưng ta có thể nói là một thế kỷ bởi vì trong một cái thời khắc rất ngắn như thế, bao nhiêu là tư tưởng đã chớp nhoáng đảo nhoàng qua óc mà làm cho lòng phải sôi nổi: Vui đấy, buồn đấy, thất vọng đấy lại có hi vọng ngay đấy. Những cảm giác ấy cứ theo làn tư tưởng mà thay đổi, mà cuộc vấn đáp thầm trong trí nàng nó là những cái khuôn đúc nên những cảm giác ấy.

- Chàng sở dĩ lãnh đạm cùng ta, là vì chàng có vợ rồi? - Không, những người làm công ở khách sạn này quen biết chàng đã lâu, đều nói rằng chàng chưa có vợ con gì. Hay là chàng đã yêu ai mà thơ kia là thơ viết cho người yêu của chàng? - Không có một cái tang chứng gì chứng thực rằng chàng đã có "người yêu" rồi, ta xét cách cử chỉ, ngôn ngữ chàng cũng đủ biết.- Hay ta xét nhầm? - Không, ta xưa nay xét người tinh lắm, không có thể nhầm được. Hay là...?

Còn bao nhiêu là cái "hay là" cứ nổi lên ở trong trí tưởng tượng của nàng rồi bị bao nhiêu là cái "không, không" làm cho tiêu tán ngay đi. Nhưng rút cục lại, phong thơ bí mật nằm kia vẫn là một vấn đề mà cuộc "vấn đáp ngầm" kia không giải quyết được, rồi một cái sức mạnh vô hình bắt nàng phải lấy mà xem.

Siemréap-Angkor, ngày 13 Aoút 1930

Kính trình luật sư Tromeur

Mấy hôm nay, tôi đã nghĩ kỹ rồi. Nếu ông Mahomed Chettgar thuận mua cái đồn điền của tôi 25.000$ thì xin ông nhận lời bán đi mà trang trải công nợ cho tôi. Phải, tôi cũng nghĩ như ông, người ta ở đời quý nhất là danh dự. Danh dự trong sạch có thể làm ra đồng tiền, chứ đồng tiền không có thể làm ra được danh dự trong sạch.

Kính chúc vạn an,

Hoàng Cương

Nàng đọc xong bức thơ ngoảnh nhìn kẻ viết bức thơ kia đang quằn quại trên giường bệnh mà tấm lòng yêu quý lại theo tấm lòng kính phục mà tăng tiến lên - ta có thể nói rằng không có sự kính phục, không có ái tình bao giờ.

Đêm đã khuya, khí giời lạnh lẽo. Nàng rón rén lại bên giường định lấy chăn đắp lên mình cho Hoàng Cương. Chăn lại ở phía trong đầu giường, nàng phải giơ tay qua mình chàng mới với được. Trông thấy bộ mặt khảng khái kia, dẫu ông thần bệnh cũng không làm cho giảm vẻ nam nhi được, nàng động lòng ái mộ bất giác sẽ đặt làn môi son lên trên trán... Bệnh nhân vẫn mê man chẳng biết gì, nhưng cái hôn - mà ta có thể cho là cái "hôn trộm" kia - thì dẫu đến chết nàng cũng chẳng quên vậy.

Sáng hôm sau, Hoàng Cương đã tỉnh, lúc mở mắt ra đã thấy Bella Như Nhang ngồi đấy mà người bồi thì đang quét dọn. Chàng nói:

- Kìa cô Ba, sang thăm tôi lúc nào mà tôi không hay, tôi sốt quá, cứ nằm lì ra, chẳng biết gì, thật vô lễ quá.

Anh bồi ton hót:

- Suốt đêm hôm qua, cô Ba thức săn sóc cho thầy, vì thầy sốt mê man nên chẳng biết, chứ có phải mới đến đâu.

Bella Như Nhang ngồi im, mặt đỏ gay, Hoàng Cương bèn ngỏ nhời cảm ơn nhưng một cách "cảm ơn" điềm đạm của con người biết ơn, của một người bạn thân, chứ không phải cái "cảm ơn" rất nồng nàn, rất thấm thía của kẻ tình chung. Nàng nghe mà ngao ngán bèn nói:

- Thầy nói quá lời chi vậy, thầy chẳng nề khó nhọc mà đưa tôi đi xem chốn này, chốn khác thì trong lúc ốm đau, thầy không có người nhà ở đây, tôi trông nom cho thầy là việc bổn phận, có gì mà ơn với huệ.

Hoàng Cương thấy đói, bèn đòi ăn. Nàng sai bồi pha một cốc sữa bưng lên. Chàng còn run lẩy bẩy ngồi chưa vững, nàng bèn đứng dậy lấy gối xếp ở sau lưng cho chàng dựa. Uống hết cốc sữa, trong người đã tỉnh táo, chàng bèn nói:

- Tôi tiếc vì mệt mà hôm nay không đưa cô đi xem núi Koulen và Biển Hồ được. ở vùng này còn nhiều cảnh đẹp lắm. Năm nào tôi cũng đến đây xem mà không biết chán. Chốn này cũng dạy ta được lắm bài học hay. Người nào giầu sang, kiêu căng đến đây, trông thấy những thành quách lâu đài kiên cố thế kia mà còn phải đổ nát thì phỏng sự giầu sang đã chắc chắn gì? Cứ nghĩ thế mà lòng kiêu căng cũng dẹp bớt đi. Kẻ thất vọng đến đây thấy những đống đá kia, dẫu trải bao phen mưa gió mà vẫn cứ trơ trơ ra đó thì lòng cũng thấy bớt buồn rầu mà phấn khởi lên.

Nàng nghe chàng nói mà muốn hỏi lại chàng:

- "Còn kẻ này xưa nay rất khinh bỉ ái tình mà đến đây cũng phải đem lòng yêu chàng, chàng có biết chăng?"

Nghĩ bụng thế mà thẹn thùng chẳng dám nói ra.

Hoàng Cương lại nói:

- Tôi rất tiếc chưa đưa cô đi xem hai cái hồ nhân tạo là Đông Barai cùng Tây Barai. Hồ bên Đông thì rộng bằng hồ Lãng Bạc ngoài Bắc Kỳ tôi còn hồ phía Tây thì rộng hơn nhưng bây giờ đất xô xuống gần lấp hết. Nghĩ cho kỹ ra, nếu con người ta mà cứ ro ró ở nhà chẳng đi đến đâu thì cảnh đời chẳng qua cũng như cảnh nhà nông, mà người đời, tôi tính cũng như bác thợ cầy kia, buổi sáng cứ cắm cúi, nào bừa, nào cuốc, một vũ trụ bao la đẹp đẽ chung quanh mình chẳng nhìn gì đến!

Bella Như Nhang nghe chàng nói mà chẳng có ý gì muốn đi xem những phong cảnh chàng đã kể. Cái vũ trụ của nàng chẳng là người ngồi trước mặt đấy sao, lọ là còn phải đi tìm ở đâu?

Nàng nghĩ đến bức thơ nàng đã xem trộm, nàng nghĩ đến cảnh éo le của chàng, bỗng phát khởi lên tấm lòng bác ái, nàng muốn cho cái vũ trụ của nàng được tươi tốt mà trổ ra bông thơm cỏ lạ, không muốn cho nó phải rầu rĩ với tang thương, bèn nói:

- Tôi coi bộ thầy mấy hôm nay lo nghĩ một việc gì có phải không? Đã chẳng biết nhau thì thôi chứ nếu biết nhau rồi thì cái bổn phận là phải giúp nhau. Hoặc giả thầy có cần tiền...

Nàng nói đến đây, Hoàng Cương vội gạt đi mà rằng:

- Không, tôi có lo việc gì đâu, làm thân con người ta, thì cái nghĩ là việc thường ngày, hà cố phải lo, mà có lo thì cũng tự mình lo lấy. Tuy cô có bụng tử tế mà nói thế, nhưng tôi xét làm nam tử mà phải hệ lụy đến ai, kẻ trí giả rất lấy thế làm nhục. Tôi tuy chẳng ra gì, nhưng tự xưa nay vẫn cố giữ cho mình được thanh thản khỏi phải hàm ân ai. Tiền bạc dẫu nợ nhiều đến đâu, nếu có chi, cũng có ngày giả xong, chứ tôi thiết tưởng một cái ân thì giả biết kiếp nào cho hết. Đã biết là giả không hết thì đừng vướng vào là hơn. Tôi là người buôn bán, xưa nay vay mượn người ta cũng nhiều, nhưng những kẻ cho tôi vay cũng là vì lợi, thì không có ân. Tôi đã là người thì đối với tấm lòng quý hóa của cô sao tôi lại không biết cảm kích, vậy tôi xin đa tạ. Còn tiền thì tôi không dám vay, cũng chẳng cần dùng gì mà vay. Những lời tôi nói với cô đây là lấy cái tình thực mà nói, cô đừng phiền nhé.

Nàng thấy chàng nói thế không dám ép nữa, nhưng biết bao nỗi âu sầu, bi ai nó âm ỷ ở trong lòng.

Thuốc sẵn, thầy hay mà lại có một nữ khán hộ trông nom cho chu đáo như thế, dẫu bệnh gì cũng phải khỏi.

Bốn hôm sau, Hoàng Cương đã thiệt mạnh, chàng bèn trở lại buồng Bella Như Nhang để từ giã vì mai có việc phải về nhà. Lúc mới bước chân đến cửa buồng, nghe có tiếng đờn cầm thánh thót ở trong. Chàng dẫu tự xưa đến nay chẳng có thời cơ nào mà học những món tiêu khiển thanh tao ấy, nhưng thấy tiếng đàn nó não nùng ai oán cũng phải đứng lại nghe.

Tiếng vàng xen tiếng sắt, réo rắt thanh tao như đưa người vào cõi thần tiên mê mộng... Tiếng tơ pha tiếng trúc, rền rĩ nỉ non như ru người vào chốn sầu thành chất ngập. Nếu kẻ biết nghe đàn thì có thể đoán là một khúc "Hoàng cầu phượng" chứ không phải "Phượng cầu hoàng".

Rứt tiếng đàn theo tiếng khóc. Dẫu nó nhỏ như sợi tơ, nhưng cũng có thể tỏ cho chàng biết: Con người đang khóc kia phải đeo một mối sầu vô hạn. Bella Như Nhang sở dĩ tủi thân mà khóc chỉ vì cách đối đãi lạnh lùng của Hoàng Cương trong mấy ngày nay đã làm cho nàng phải tuyệt vọng.

Trước kia, chàng đối với nàng cũng như khách qua đường chẳng qua gặp đồng bào ở nơi quê người đất khách thì trò chuyện đấy thôi. Dần dần thấy nàng có kiến thức hơn người, cử chỉ lỗi lạc, cũng đem lòng kính nể. Nhưng từ khi ốm đến giờ, thấy nàng xử với mình tử tế quá, chàng cũng rất lấy làm cảm kích. Nên ngày nay, nghe tiếng khóc não nùng kia chàng mới tỉnh ngộ, chàng hiểu... biết...

Biết rằng yêu chàng, nhưng chàng xét ra chàng chẳng yêu nàng một chút nào cả; thế thì không có thể mang một cái đời hành động tự do trói vào một sợi tơ lòng mà tự mình chẳng muốn mang. Chàng cũng phải cho chàng là thông minh, nhân, trí nhưng những cái nết ấy có đủ đâu? Phải có một tấm lòng yêu, phải có một tấm lòng tín ngưỡng về ái tình, mà chúng đều không có cả! Chàng tự nghĩ: ở đời quý nhất là tấm lòng; một tấm lòng đã chết thì sống cũng như không, có xác mà không hồn, có ảnh mà không hình. Cái thân thể ta ngày nay cũng ví như kẻ thuyền chài kia, ở nơi biển cả mênh mông, bỗng gặp cơn bão táp, ta có thể nản chí mà buông tay chèo lái được không? Nam nhi chi, nam nhi chi, cái bảo vật vô giá ấy sao ta nỡ hoài! Đã thế thì ta không thể dối người, dối mình mà coi thường cái đời ta, cái đời nàng được. Nàng đã là người lịch duyệt tài hoa thì cái cách giả ơn người tri kỷ là phải nói thực cho nàng, phải nói thực cho nàng biết thân ta còn nhiều trách nhiệm phải gánh vác... Cái thân làm giai này còn nặng nợ non sông... không thể không giả được...

Chàng gõ cửa vào, thấy dung nhan nàng có vẻ tiều tụy, cũng ái ngại bèn nói:

- Tôi trông cô hình như mỏi mệt lắm, hình dung sút kém lắm, cô phải nên tĩnh dưỡng để bảo trọng lấy sức khỏe. Sức khỏe quý lắm, cô nên nhớ lấy lời một người bạn rất trung thành của cô. Rồi chàng tủm tỉm cười mà nói tiếp: Giữ được non xanh đó lo gì không có củi đun. Người ta còn sống một ngày nào, còn có quyền được hy vọng ngày ấy. Cái hy vọng ngày nay nó tiêu tán đi thì ngày mai lại có một cái hy vọng khác nổi lên.

Hoàng Cương nói thế là có ý khuyên nàng quên chàng đi, bảo nàng đổi ý kiến đi. Nhưng quên thù, quên oán, quên nhục, quên vinh, chứ quên người yêu thì quên làm sao? Đổi nhà, đổi đất, đổi ruộng, đổi vườn, chứ đổi lòng là một việc mà kẻ tình chung không sao làm được. Nhưng những quan niệm ấy một người chưa biết sự yêu đương như Hoàng Cương nào có biết đâu.

Bella Như Nhang cứ lặng im, Hoàng Cương nói tiếp:

- Trong khi tôi ốm đau, cô có lòng hạ cố đến, thật rất lấy làm cảm khích. Ngày mai tôi phải về nhà, vậy xin có lời thành thực...

Chàng nói đến đấy thì nàng vội nói:

- Ngày mai thầy về rồi!

Lúc ấy giá có ai rạch máu ra mà thề rằng yêu chàng, chàng cũng không tin bằng câu nói kia vậy. Câu nói kia không phải là câu nói ở cửa miệng, nó là cái vang của trái tim đỏ yêu đường đột xuất ra.

- Vâng, mai tôi có việc phải về, có lẽ từ nay, mây ngàn hạc nội biết bao giờ cho được gặp nhau nữa, vậy tôi xin có mấy lời đa tạ cái thịnh tình cô đã có lòng săn sóc đến tôi, mà những ngày tôi được gần cô là những ngày sung sướng nhất trong đời lưu lạc của tôi, tôi không bao giờ quên, mà...

Một tiếng khóc chuyển đá vang lên. Bella Như Nhang tiến lại dang hai cánh tay ngọc ngà ra ôm chặt lấy cổ Hoàng Cương mà nói:

- Anh Hai, anh Hai, em nói với anh một lời này mà em xin thề rằng từ trước đến nay em chưa hề nói với ai mà có lẽ từ đây em cũng không nói với ai nữa: em yêu anh, anh có biết chăng. Có lẽ cái thân em đã rạc rầy nhưng...

Nghe đến đấy, Hoàng Cương liền lấy tay bịt miệng nàng không cho nói nữa mà rằng:

- Em Bella, nếu anh yêu em thì cần gì phải biết đến lai lịch em, cần gì phải quan tâm về việc quá khứ. Một cái mình ngọc này, một tấm lòng vàng này, chẳng đủ hay sao, nhưng anh xin thú thực với em rằng: tuy anh có quý em, nhưng không yêu em một chút nào cả. Nếu nhất đán thành vợ thành chồng, em đem một khối chung tình độc nhất vô nhị mà yêu anh, nhưng trong khi sánh vai kề má, em thấy lòng anh lạnh như băng giá như tuyết, em thấy anh chỉ thương em, quý em mà không yêu em như thế chẳng là đau đớn cho em lắm sao. Nếu anh nghe lời em thì anh sẽ làm khổ cho em sau này vậy. Có lẽ: em nói em yêu anh, chẳng cần anh phải yêu trả lại, nhưng còn như anh, trong lúc em đem cái khí vị rất nồng nàn ấm áp của ái tình bao bọc lấy anh, anh tự thấy lòng mình lạnh lẽo khó khăn, chẳng cũng là khổ tâm cho anh lắm sao. Gia dĩ thân anh còn lắm nợ nần... Anh không thể đem một đời hữu dụng, một tấm lòng son mà khinh suất dùng vào một việc chưa đáng dùng được. Em Bella, em Bella; nếu em có thật yêu anh, em nên nghĩ đến chỗ khổ tâm ấy, nên nghĩ đến cái phận sự làm giai của anh.

Ôi! ích kỷ thay kẻ vô tình!

Mà cũng kỳ quái thay kẻ "trọng nghiệp vong tình!"

Họ coi chữ tình như một món hàng vậy, họ nói chuyện về tình ái như ta bàn những việc doanh thương kế lợi vậy. Họ tưởng ở trên đời còn có những việc đáng thiết tha hơn ái tình!

Thảm thay cho họ! Mà cũng ái ngại thay cho họ. Nhưng một điều ta có thể tha thứ cho họ được, là họ biết quý sự thực, dám nói sự thực.

Bella Như Nhang nghe chàng nói đến đấy rú lên một tiếng mà ngã lăn ra...

Một tuần lễ sau khi về đến nhà, Hoàng Cương nhận được một bức thư, một mớ tóc, một cái ngân phiếu 25000$.

Thư rằng:

Hoàng Lang rất yêu mến của em.

Dẫu chàng chẳng nhận thiếp làm vợ, mà tự thiếp thiếp coi chàng như một người chồng muôn năm của thiếp vậy. Khi chàng nhận được bức thư này thì thiếp đã là người thiên cổ, ôm một khối tình chung vô tận xuống chốn tuyền đài. Thiếp xét ra sống ở cõi trần ai nhục thể này mà không được lòng chàng yêu đến thì chẳng còn lẽ gì đáng sống mà cũng không sống được nữa. Thôi kiếp này, phận chẳng lành, duyên chẳng đẹp, thiếp xin cầu đến kiếp sau. Nhưng trước khi thiếp chết còn mong cho người yêu của thiếp được thư tâm mà lo về sự nghiệp. Vậy gọi là món tiền nhỏ mọn, của ít lòng nhiều, cúi xin chàng đoái thương đến thiếp mà nhận cho để cho thiếp được thỏa hồn nơi chín suối.

Sau xin chàng đừng bi tâm gì về cái chết của thiếp, thiếp thật đã vui sướng mà chết, thật đã vui sướng được hy sinh cái đời vô dụng này cho khỏi bận chí trượng phu vậy. Sau này lúc sự nghiệp đã thành, chàng có giở mớ tóc mây, chạnh lòng nhớ đến thiếp lại qua thăm Đế Thiên Đế Thích, chàng trông đống đá xanh trập trùng mà ái ngại cho "hòn máu đỏ", than cho một câu: ở chốn này đã có một người quá yêu ta mà chết: Thế là hồn thiếp đã được ngậm cười ở nơi chín suối rồi đấy.

Bella

Hoàng Cương xem xong bức thơ, ruột đứt ra từng khúc, chàng phát run cả người như trong khi giời đông gió rét, ai đem chậu tuyết mà đổ vào người chàng vậy. Chàng muốn mọc cánh mà bay ngay về Đế Thiên Đế Thích.

Lúc bước lên xe chàng còn hy vọng: May ra thì nàng chưa chết.

Xe chạy như bay, ném lại những đồng cỏ mênh mông mà cuốn lấy con đường vô tận...

Lúc bước chân lên thềm khách sạn Angkor-les-Ruines, người bồi chạy ra rầu rĩ mà kể cho chàng nghe:

- Thầy đi được ba hôm thì cô Ba đi xem Phnompakhean, chẳng may trượt chân ngã chết rồi. Thầy tính, gieo mình từ trên đỉnh ấy xuống thì còn gì? Khốn nạn, con người đẹp đẽ như thế, lúc người ta khiêng về, tay chân, mình mẩy nát dừ chỉ còn là một đống thịt đỏ lòe! Con người tử tế, phúc hậu như thế mà chết một cách thảm thiết như thế, ai mà chẳng phải xót thương.

Người bồi nói xong, khóc nức nở; Hoàng Cương nghe xong câu chuyện choáng váng tê tái cả người như ai đem chiếc búa cái đập lên đầu chàng vậy. Chàng rít lên một tiếng "ta giết nàng" rồi gục xuống, thổ huyết ra lênh láng...

Lúc tỉnh ra, Hoàng Cương bèn sai người bồi đi mua vàng hương rồi bảo đưa ra mộ. Chàng trông thấy nấm đất còn ướt, những cuống hương đỏ thắm như máu còn cắm ở trên mà chàng như ngây như dại. Ngoảnh nhìn những đỉnh lâu đài lố nhố ở chân giời như những cái dấu hỏi to tướng của thời gian hỏi người trần thế mà chàng tự hỏi: "Ta sống làm gì? Có phải xây đắp những tòa lâu đài nguy nga kia cho ông tạo vật vô tình sau này đạp đổ đi không?"

Chàng nghĩ đến đấy mà chàng phải cảm cảnh cho cái thân thế mình, luống lại ngậm ngùi cho cái số phận con người bạc mệnh nằm kia. Rồi nỗi: thương, tiếc, quý, yêu, sôi nổi trong chốn bể lòng... Chàng phục xuống trước mồ khóc không ra tiếng.

Những giọt nước mắt thấm đất kia chẳng là những hạt ngọc vô giá của thần ái tình đã bao công mài giũa mới có được sao?

Những giọt nước mắt kia chẳng là những giọt máu đào cuồn cuộn ở chốn bể lòng mà tung tóe ra sao?

Giời nắng chang chang, bao la sắc lửa một mầu; bốn bề yên lặng, cảnh tiêu sơ như nặng trĩu một gánh sầu vô hạn...

Trên từng mây xanh biếc, đôi chim giời tung cánh cùng bay mà ở dưới trần...

Chàng thì từ nay lẻ bạn...

Từ nay, chàng phải đeo một trái tim "dập nát" sống ở đời với bọn người vô tình, lãnh đạm...

Từ nay trong trái tim đầm đìa những máu kia, luôn luôn hiển hiện cái hình ảnh rất yêu mến của Bella cũng như cái tinh thần tàn phá rất khốc liệt của Hóa công lúc nào cũng in sâu ở di tích đổ nát thành Đế Thiên Đế Thích kia vậy.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)