Trần ai tri kỷ

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trần ai tri kỷ  (1924) 
của Tản Đà

局書修沱傘

書叢


TRẦN-AI TRI-KỶ

(Truyện Thế-gian)

TẢN-ĐÀ

NGUYỄN-KHẮC-HIẾU

SOẠN


HÀ-NỘI
ĐÔNG-KINH ẤN-QUÁN
Phố hàng Gai, số 80-82
1924


TRẦN-AI TRI-KỶ


Tous droits réservés


TRẦN-AI TRI-KỶ

Giăng tà bóng nhạt,
Cầu cao gió đưa,
Ngang cầu điểm điểm hạt mưa,
Tình đà nặng gánh, giời vừa rạng đông.

— Lại đắc cú gì mà ngâm thế?

— À, tôi đương chép cái truyện này.

— Truyện gì, lại Thế-gian phải không?

— Phải, chỉ truyện Thế-gian là có thú hơn nhất.

— Truyện gì đấy? hay lại « Cô ba nào »?

— Ai làm gì có lắm truyện cô ba thế. Cái truyện này tôi nghe đã lâu, bây giờ mới đem ra để viết.

— Đã viết được ít nào đấy, thử đưa cho xem nào.

— Tôi hãy nói qua cái gốc truyện để bác nghe đã, rồi hãy xem vào truyện. Nguyên cái truyện này của một người thợ giặt ở Nam-Định nói ra, một người bạn tôi nghe thật rõ, lại thuật lại cho tôi nghe và bảo tôi nên chép ra làm truyện. Cứ người bạn tôi thuật lại cho tôi nghe, cũng đã đến mấy năm nay rồi; còn như người thợ giặt ở Nam-Định thời bây giờ là ai, tên là gì, còn hay không, không biết rõ.

— Cần gì phải biết rõ người ấy?

— Biết rõ được cũng hay, vì người thợ giặt ấy không những là người nói truyện, lại có quan-hệ đến trong truyện. Để tôi hãy nói qua truyện về người thợ giặt ấy để bác nghe:

Nguyên ở Nam-Định có một người thợ giặt ở về bến đò Trè; hắn dẫu là có hiệu giặt, nhưng ngày vẫn làm cùng các thợ bạn. Trong nhà người thợ giặt ấy có một người đàn-bà, đã già mà mù, ngày chỉ ngồi trong giường, những việc như đong đấu gạo, mua bó rau cũng không hề bận đến. Ai không biết, đều nghĩ cho là mẹ người thợ giặt, nhưng chính thực là vợ. Những người đã biết rõ là vợ người thợ giặt thời ai cũng phải lấy làm lạ, vì trông người đàn-bà ấy không ra cách người vợ tao-khang, chỉ là một người đã ăn chơi giang-hồ mà nay giở về già; thế mà người thợ giặt kia rất là chiều chuộng, trong nhà không có tiếng bất-hòa bao giờ.

— Nghĩ cũng hơi lạ thật. Thế cái truyện của người thợ giặt ấy nói ra làm sao?

— Cứ người thợ giặt nói thời tôi không được nghe; cứ người bạn tôi thuật lại, cũng đã lôi-thôi dài lắm. Nay tôi muốn cứ chép theo nhời người bạn tôi thuật, nhưng cũng linh-tinh từng đoạn một, chưa xếp được thành truyện.

— Thế đã chép ra được đoạn nào chưa?

— Tôi mới thảo ra thôi.

— Đâu? Đoạn thứ nhất đâu?

— Đây, để tôi đọc bác nghe:

« Lúc ấy đã đến một giờ sáng, Thị Hai nằm sắp ngủ, lại thấy có người gọi cửa thời tức là bác Cả. Nghĩ bác Cả vừa ở đây ra về, tại làm sao lại đến? Đến lúc bác Cả vào thời trông mặt như người thất-hồn, không hiểu là vì sao. Hai người lại cùng nhau ngồi trong một cái buồng riêng nói truyện.

Bác Cả nói: Tôi không chắc có sống được nữa không!

Thị Hai: Tại làm sao thế?

— Đánh mất trộm hết cả tiền của ông chủ rồi.

— Mất ra làm sao?

— Lúc tôi ở đây về đến nhà, thấy cửa mở ngỏ, vội chạy ngay vào chỗ tủ để bạc thời tủ cũng đã ngỏ mà tiền mất sạch cả.

— Chết! chỗ tiền ấy vào bao nhiêu?

— Có đến hơn hai nghìn; còn giấy má lung-tung, có mất gì nữa hay không thời tôi chưa kịp xét đến.

— Thế bây giờ anh định nghĩ ra làm sao?

— Tôi không biết nghĩ ra làm sao cả; chỉ vội chạy lại đây nói truyện, xem mình có cách nào nghĩ cứu tôi được không.

— Anh còn không biết nghĩ thế nào được; huống-hồ tôi là một người đàn-bà, còn biết làm thế nào mà cứu anh được.

Bác Cả khi ấy ngồi rũ đầu ở dưới ngọn đèn, không có một câu gì nữa. Thị Hai nghĩ một lúc, rồi bảo người tình-nhân khốn-nạn ấy rằng:

— Từ khi anh có lòng yêu mà đi lại đây với tôi, những tiền anh cho tôi, tôi cũng không sắm-sửa gì, vẫn còn để dành cả, để đợi có một ngày ra khỏi đây thời lấy tiền để làm vốn. Số tiền của anh cho mà tôi để dành lại đến nay, tất cả cũng được đến bẩy chục bạc. Bây giờ tôi cho lại anh cái tiền ấy, cùng là cả cái thân của tôi nữa, anh muốn nghĩ làm thế nào cho thoát nạn được thời làm. Thế là tôi ở với anh thật hết tình, không còn có tiếc một tí nào nữa.

Bác Cả nghe nói, như cũng hơi mừng mà rồi lại càng buồn, nghĩ dẫu thế cũng không tính thế nào được; ngồi chỉ thở dài mà điếu thuốc cũng không muốn hút nữa. Ôi! lầu xanh là chỗ để cho những người trong làng chơi đến giải chí, sao lại có người làng chơi như bác Cả đó, đến đó mà năn-nì thảm-đạm như thế ru? Nửa gian nhà cỏ, một ngọn đèn xanh, hai người gục đầu ngồi đối nhau, trong tình-giới đến như thế là u-tình? hay thảm-tình?

Thị Hai lại nghĩ một lúc nữa, rồi lại bảo bác Cả rằng:

— Tôi đã cho anh cả người tôi lẫn của, tôi lại nghĩ hộ anh như thế này, nếu anh mà không làm được nữa thời tôi cũng thật chịu.

— Như thế nào?

— Bây giờ đưa nhau đi hẳn một nơi thật xa, anh nhận tôi là một người em gái, số tiền này anh lấy may cho tôi một bộ cánh, rồi tìm một ông chủ nào có thể nương tựa được mà gả tôi cho ông ấy, anh lại ở hầu ông ấy nhân thể. Như thế thời hãy tạm qua được trong lúc này, còn sau này ra làm sao thời đến lúc nào, ta sẽ hay lúc ấy.

— Câu truyện nói đến đấy, đã gần bốn giờ sáng. Bác Cả cũng đành lấy làm phải, rồi bỏ liều không dám quay về đến nhà nữa. Thị Hai thời vội đi lấy số tiền của mình cất dấu một chỗ, quần lĩnh áo hoa đều để lại giả nhà chủ, chỉ mặc một cái áo vải nâu non ra ngoài cái áo cánh, cùng nhau sấn đêm chốn ra đi, qua cầu Nhị-hà sang Gia-Lâm, để đến sáng đi chốn chuyến xe nhất « Giăng tà bóng nhạt, cầu cao gió đưa, ngang cầu điểm điểm hạt mưa, tình đà nặng gánh, giời vừa rạng đông. »

— Họ đem nhau đi, rồi ra làm sao?

— Còn dài lắm. Để tôi đi tìm rượu uống mấy chén với lạc chơi, rồi ta lại sẽ nói truyện.

· · · · · · · · · · · · · · · · · · · · · · · ·

« Năm...., ở thành-phố Hải-Phòng có một nhà, không phải là nhà giầu mà ăn tiêu như một nhà thầu-khoán nhớn, không phải là nhà quan mà dậm-dịch như một dinh ông quan lớn thì xưa, không phải là nhà cho vay lãi mà cũng nhiều kẻ sang người trọng đến quỵ-lụy. Trong nhà, đồ dùng cách ăn, tựa theo như của người tây; chủ-nhân đi ra ngoài thời xe cao-xu độc-mã. Ai có hỏi nhau rằng ông chủ cái nhà ấy làm nghề nghiệp gì thời nguyên không có nghề-nghiệp gì; nguyên là chức vị gì thời cũng không biết có chức-vị gì cả; quanh năm vợ chồng chỉ ăn chơi, đàn hát, khách khứa; mùa hè thời nay Đồ-Sơn, mai Tam-Đảo. Lạ thay! người ta ở trong đời, thường có hai hạng: phi lao-lực thời lao-tâm; vậy mà sao có người như ông chủ-nhân cái nhà đó, con tạo-hóa chiều riêng một cách đến như thế ru? Khách cũng có nhiều người hiếu-sự đến khuyên bảo chủ-nhân những nhẽ phải: những người khuyên về đường lợi thời có người bảo nên tậu lấy một cái đồn-điền, vừa là làm giầu mà cũng là cảnh chơi thú; có người bảo nên mở một hiệu buôn to ở Hải-Phòng để cạnh-tranh thương-quyền với những các khách trú; có người bảo nên mở một sưởng làm đồ để cạnh-tranh với ngoại-hóa; có người bảo nên mở một cuộc cho vay lãi mà lấy nhẹ lãi, cũng là lợi mà cũng có đức-trạch. Có người khuyên về đường danh thời bảo nên mua lấy phẩm-hàm. Có người khuyên về công-ích thời bảo nên mở một trường học, đón thầy dạy cho những trẻ con ở phố học. Những người có lòng tốt mà đến khuyên bảo như thế, chủ-nhân đều lấy làm phải mà đều có nhời từ-tạ, lại đều có khoản-đãi mỗi người một món tiền ít nhiều gọi là. Bởi thế cho nên những người đến khuyên cũng mỗi ngày mỗi nhiều. Ấy là những người có bụng tốt mà túng-kiết. Lại những người giầu có sang-trọng thời có người đến rủ bỏ chung vốn để thầu-khoán; có người đến rủ bỏ chung vốn để mở hiệu; có người đến rủ bỏ chung vốn để chưng rượu; cũng có người lập hội công-ích mà đến rủ vào nhiều cổ-phần. Chủ-nhân cũng đều lấy làm phải mà đều có nhời từ-tạ cả. Lạ thay! người ta ở trong đời, cảm-tình của người đời đối với mình, thường có hai hạng: có người yêu, cũng có người ghét; vậy mà sao có người như ông chủ-nhân cái nhà đó, người đời thiện-cảm đến như thế ru? Danh-thiếp thỉnh-thiếp của những người khác gửi lại cho chủ-nhân, bỏ đầy chật một cái ngăn tủ mà tự chủ-nhân thời không từng có in một tập danh-thiếp nào; trong nhà chủ-nhân không mấy khi không có khách ăn tiệc uống rượu mà tự chủ-nhân không từng có đi ăn tiệc uống rượu của ai mời khi nào. Lạ thay! người ta ở trong đời phải có thù ứng, nhất vãng nhất lai; vậy mà sao có người như ông chủ-nhân cái nhà đó, vụng cách giao-tiếp đến như thế ru? Nhà người ta thường có khi vợ ghen chồng, chồng giận vợ, quát mắng đầy-tớ, chửi đánh om-sòm; trong nhà chủ-nhân đó thời xuân-phong hòa-khí xuốt quanh năm. Lạ thay! người ta ở trong đời, sự bất-như-ý mười phần thuờng có đến tám chín; vậy mà sao có người như ông chủ-nhân cái nhà đó, thật được vạn sự như ý đến như thế ru? Cùng là cái hoa mà cái hoa ở trong vườn nhà ấy như tươi hơn; cùng là cái đồng-hồ mà cái đồng-hồ ở trong nhà ấy như nhàn hơn. Tự người ngoài mà nghĩ về cái nhà đó, chỉ như con tạo-hóa đã bầy ra cái bể khổ thời trong cái bể khổ cũng phải có một cái cù-lao cực-lạc; nghĩ về hai vợ chồng ông chủ-nhân cái nhà đó, chỉ như có đút-lót riêng gì với tạo-hóa mà chiếm được nhiều những cái sướng về phần của kẻ khác trong thế-gian. Cuộc đời bể dâu, giầu sang mây chó... »

— Đây một đoạn văn này là thế nào?

— Đấy cũng vào cái truyện này đấy.

— Thế cái chủ-nhân ở cái nhà này là thế nào?

— Hai vợ chồng chủ-nhân cái nhà ấy tức là Bác Cả với Thị Hai ấy đấy.

— Tại thế nào mà rồi đến phú quí như thế?

— Ấy cũng còn phải gian-truân mất một phen. Khi đem nhau đến Lao-Cai, anh chàng nọ lo quá mà rồi thành ra ốm nặng; chị kia còn phải nuôi mãi; sau đến lúc khỏi ốm thời cái tiền bẩy chục bạc đã tiêu mất quá nửa. Rồi sau mãi tìm vào được một ông tây thầu-khoán, được y như cái nhời của Thị Hai bàn khi trước, từ đấy mới yên thân. Sau ông chủ ấy về Tây, có cho chị ta nhiều tiền của và một cái tòa nhà ở Hải-Phòng. Từ đấy anh chị lấy nhau, chỉ ăn chơi cho thích chí?

— Thế còn cái sự đánh mất tiền của ông chủ trước thời rồi thế nào?

— Anh ta hầu ông chủ sau này, cũng được chủ yêu; lại được có Thị Hai ở đấy, cho nên cũng kiếm được khá tiền. Một hôm, anh ta mới thưa rõ cái sự-tình ở với ông chủ trước mà đánh mất trộm là sự vô-ý, xin nhờ ông chủ sau nói lại cho và xin giả dần lại cái số tiền mất truớc, cứ vài tháng nộp lại một bận. Lại được ông chủ trước cũng có lượng, xét ra cái tình thực của hắn, cũng không nỡ bắt đền cả, bảo hắn giả được bao nhiêu thời giả, còn thời cũng thôi. Sau anh ta lại vẫn có đi lại.

— Thế ở Hải-Phòng rồi ra làm sao?

— Ở Hải-Phòng được gần hai năm, rồi lâm vào công nợ, phải bán cả nhà đất để trang giả, đồ-đạc cũng bán đi hết. Giả nợ xong, còn thừa được bốn năm trăm bạc, đem nhau đi chơi các cảnh-thắng, như chùa Hương, chùa Thầy, cùng những động ở trong Ninh-Bình. Sau còn có hơn một trăm bạc, mới đem nhau về Nam-Định mở hiệu giặt.

— Thế tức là anh thợ giặt ấy?

— Phải, chính hắn lại tự nói truyện. Nghe hắn vẫn tự đắc rằng ở đời được một người tri-kỷ là vợ, cho nên chị kia dẫu già, mù mà anh ta lại càng quí lắm.

— Như thế kể cũng tri-kỷ thật. Không cứ lúc ở Hà-Nội chốn đi, lúc nuôi nhau ở Lào-Cai; lại như lúc giầu có ở Hải-Phòng mà ăn chơi cho hết nghiệp, rồi cùng đi chơi tiêu-dao với nhau, chỗ đó mới thật là tri-kỷ: chưa thấy có người đàn-bà nào coi rẻ sự giầu có đến như thế. Nghe cái truyện anh thợ giặt này, lại nghĩ đến câu: « Tráng bất như nhân, không phụ thử giang hồ chi khí; thế tồn tri-kỷ, hoặc tại hồ chi phấn chi hương ».

— Ừ, hai câu ấy vào anh thợ giặt này được.

— Thế, truyện này Bác định đề là gì?

— Tôi định gọi là « Trần-ai tri-kỷ », lấy hai chữ « tri-kỷ » của anh thợ giặt nói ra.

— Độ bao giờ Bác soạn xong?

— Cứ kể thời chỉ có bốn hồi: hồi thứ nhất là ở Hà-Nội; hồi thứ hai là ở Lao-Cai; hồi thứ ba là ở Hải-Phòng; hồi thứ tư là ở Nam-Định; nhưng soạn cho ra truyện được, cũng thấy khó lắm.

— Dẫu viết thế nào thời cái truyện nó cũng chỉ có thế. Tôi cứ những đoạn văn của Bác đã chép đây, cùng là nhời Bác nói truyện, để rồi tôi thử vịnh chơi một bài thơ; Bác xem liệu có dùng được thời bao giờ Bác soạn xong truyện mà đưa in, in chơi vào sau truyện, làm thơ của thế-gian cho vui.

Thế-gian thơ rằng:

Luân-thường đổ-nát, phong-hóa suy;
Tiết-nghĩa rẻ-rúng, ân-tình ly.
Vợ chồng kết tóc chưa khăng-khít.
Nhân-tình nhân-ngãi còn kể chi.

Trần-ai tri-kỷ ai với ai,
Chăng là Bác Cả với Thị Hai.
Nào ai khuê-tó, ai tài-tuấn,
Lầu xanh gặp-gỡ người làng chơi.

Nửa gian nhà cỏ ngọn đèn xanh;
Mấy gịp cầu cao một gánh tình.
Bể khổ đà qua cơn sóng gió,
Giầu sang mây chó kiếp phù-sinh.

Cái nợ phong-lưu giả đã thừa,
Qua trải hồng-nhan mấy nắng mưa.
Hương phai phấn nhạt, duyên càng thắm,
Lòng chàng khi cuối, thiếp khi xưa.

Tri-kỷ xưa nay dễ mấy người,
Trần-ai nào đã ai với ai.
Nhắn khách dai-nhân với tài-tử,
Ngồi buồn xem truyện Thế-gian chơi.




Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộngHoa Kỳ vì nó được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929.


Tác giả mất năm 1939, do đó tác phẩm này cũng thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyềncuộc đời tác giả và 80 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn. Tác phẩm này có thể cũng thuộc phạm vi công cộng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyền dài hơn nhưng áp dụng luật thời hạn ngắn hơn đối với các tác phẩm nước ngoài.