Vả lại về đời nhà Nguyễn lúc bấy giờ, ở trong nước cũng không có người ngoại quốc ra vào buôn-bán, chỉ có người Pháp-lan-tây trước đã theo giúp vua Thế-tổ, rồi ở lại làm quan tại triều là Chaigneau và Vannier. Khi vua Thế-tổ hãy còn, thì Chaigneau có xin về nước Pháp nghỉ ba năm, đến năm tân-vị (1821), ông ấy trở sang thì lại nhận chức lãnh-sự và chức khâm-sai của vua Louis XVIII, đem đồ phẩm-vật và tờ quốc-thư sang điều-đình việc thông thương với nước Nam. Chaigneau sang đến nơi, thì vua Thế-tổ mất rồi, vua Thánh-tổ tiếp đãi Chaigneau cũng tử tế, và ngài sai quan trả lời cho Pháp-hoàng rằng nước Nam và nước Pháp không việc gì mà phải làm điều-ước về việc thương-mại. Việc vào buôn bán ở nước Nam, thì cứ theo luật nước Nam, không điều gì ngăn-trở cả.
Năm nhâm-ngọ (1822) có chiếc tàu chiến của Pháp tên là Cléopâtre vào cửa Đà-nẵng, người quản tàu tên là Courson de la Ville Héllio nhờ Chaigneau xin phép cho vào yết-kiến vua Thánh-tổ; ngài không cho. Tháng 7 năm ấy, có tàu Anh-cát-lợi vào Đà-nẵng xin thông thương, nhà vua cũng không cho.
Chaigneau thấy nhà vua càng ngày càng nhạt-nhẽo với mình, và cũng không làm được công-việc gì có ích, bèn cùng với Vannier xin từ chức, rồi đến cuối năm giáp-thân (1824), hai người xuống tàu đi qua Gia-định về Pháp.
Tháng giêng năm ất-dậu (1825), lại có thủy-quân đại-tá nước Pháp là ông Bougainville đem hai chiếc tàu chiến là Thétis và Espérance vào cửa Đà-nẵng, đem đồ phẩm-vật và quốc thư, xin vào yết-kiến vua Thánh-tổ. Ngài nói rằng nước Pháp và nước Anh là hai nước cừu địch, mà nước ta trước đã không tiếp sứ Anh-cát-lợi, lẽ nào nay lại tiếp sứ nước Pháp. Vả lúc bấy giờ Chaigneau và Vannier đã về cả rồi, ngài bèn sai quan đem đồ vật ra ban thưởng cho sứ nước Pháp và nói rằng ở trong Triều không có ai biết tiếng Pháp, cho nên không thể tiếp được.