Hoàng cao Khải đem quân đi đánh riết mấy mặt. Bọn văn-thân người thì tử trận, người thì bị bắt. Nguyễn thiện Thuật chạy sang Tàu, sau mất ở Nam-ninh, thuộc Quảng-tây. Đốc Tít ra hàng, phải đày sang ở thành Alger, bên Algérie. Đề Kiều và Lương tam Kỳ ra thú được ở yên. Cai Kinh bị bắt, Đốc Ngữ ra thú, Hoàng hoa Thám ở Yên-thế cũng ra thú, được giữ ở vùng ấy, mãi đến năm 1909 mới bị đánh đuổi, đến năm 1912 mới bị giết.
Hoàng cao Khải đi đánh-dẹp có công, về được chính-phủ bảo-hộ cho lĩnh chức Bắc-kỳ Kinh-lược-sứ.
8. VIỆC PHAN ĐÌNH PHÙNG. Từ năm kỷ-sửu (1889) là năm Thành-thái nguyên-niên cho đến năm quí-tị (1893) là năm Thành-thái ngũ-niên, đất Trung-kỳ không có việc gì quan-hệ lắm. Các quan cựu-thần, người thì về thú, người thì ẩn-nấp ở chỗ sơn-lâm. Riêng ông Phan đình Phùng thì về mở đồn điền ở Vũ-quang 武 光 về phía bắc huyện Hương-khê, thuộc tỉnh Hà-tĩnh, rồi cho người đi sang Tàu, sang Tiêm, học đúc súng đúc đạn, để đợi ngày khởi sự.
Ông Phan đình Phùng 潘 廷 逢 người tỉnh Hà-tĩnh, thi đỗ đình-nguyên về đời vua Dực-tông, quan làm đến chức ngự-sử bị bọn quyền-thần là Nguyễn văn Tường và Tôn-thất Thuyết cách chức đuổi về. Sau ông ấy đứng đầu đảng văn-thân để chống cự với quân Pháp. Ông không những là một người có tài văn-chương mà thôi, mà lại là một nhà có thao-lược, sửa-sang quân-lính có cơ-ngũ, luyện-tập tướng-sĩ có kỷ-luật, cho nên đại-úy Gosselin làm quyển sách « Empire d' Annam » có khen rằng: « Quan Đình-nguyên Phan đình Phùng có tài kinh-doanh việc quân-binh, biết luyện-tập sĩ-tốt theo phép Thái-tây, áo-quần mặc một lối, và đeo súng kiểu 1874, những súng ấy là súng của người quan Đình-nguyên đúc ra thật nhiều mà máy-móc cũng hệt như súng Pháp chỉ vì lòng súng không xẻ rãnh, cho nên đạn không đi xa được ».
Đến cuối trung-tuần tháng 11 năm quí-tị (1893), ông sai người đến vây nhà tên Trương quang Ngọc ở làng Thanh-