Bước tới nội dung

Tuyên bố Tầm nhìn chung Hoa Kỳ - Việt Nam

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tuyên bố Tầm nhìn chung Hoa Kỳ - Việt Nam  (2015) 

Tuyên bố ngày 7 tháng 7 năm 2015.

NHÀ TRẮNG

Văn phòng Thư ký Báo chí

DÀNH CHO ĐĂNG TẢI NGAY

7/7/2015

Tuyên bố Tầm nhìn chung Hoa Kỳ - Việt Nam

Nhận lời mời của Chính quyền của Tổng thống Barack Obama, Ngài Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), đã thực hiện chuyến thăm lịch sử đến Hoa Kỳ, chuyến thăm đầu tiên của một Tổng bí thư ĐCSVN. Nhân dịp này, trong đó có cả cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng ngày 7/7/2015, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ra Tuyên bố Tầm nhìn chung này.

Hoa Kỳ và Việt Nam ghi nhận những phát triển tích cực và thực chất trong nhiều lĩnh vực hợp tác trong 20 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, nhất là tăng trưởng kinh tế và hợp tác thương mại, hợp tác về xử lý các vấn đề di sản chiến tranh cũng như về khoa học và công nghệ, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh, nhân quyền, và gia tăng hợp tác khu vực và quốc tế về các vấn đề cùng quan tâm.

Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật kể từ khi hình thành Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam vào năm 2013. Đặc biệt, thương mại song phương và đầu tư tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng; Hiệp định “123” về Hợp tác Sử dụng Năng lượng Hạt nhân vì Mục đích Hoà bình đã có hiệu lực; Việt Nam thông qua Tuyên bố về Các nguyên tắc Cấm đoán của Sáng kiến An ninh Chống Phổ biến Vũ khí Huỷ diệt; Hoa Kỳ nới lỏng các hạn chế đối với việc bán vũ khí; Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng được ký kết; và gia tăng hợp tác về các vấn đề khu vực và đa phương. Các cuộc đối thoại và trao đổi lần đầu tiên từ trước đến nay giữa một bên là các đơn vị gắn với Đảng Cộng sản Việt Nam và bên kia là các tổ chức gắn với các Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ ở Hoa Kỳ cũng đã diễn ra, như đã được vạch ra trong Quan hệ Đối tác Toàn diện 2013.

Các thành tựu trong quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam có thể có được là nhờ các nỗ lực chung có tính xây dựng vượt lên trên quá khứ, khắc phục những khác biệt, và thúc đẩy các lợi ích chung hướng tới tương lai.

Tầm nhìn về Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam:  Làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác dài hạn

Hướng tới tương lai của mối quan hệ song phương và phát huy từ Quan hệ Đối tác Toàn diện, cả hai nước khẳng định tiếp tục theo đuổi một mối quan hệ sâu sắc, lâu bền và thực chất trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hiệp quốc, luật pháp quốc tế, và hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Hai bên cam kết tối đa hoá các lợi ích chung và sự hợp tác cả ở cấp song phương lẫn đa phương, vì lợi ích của cả hai dân tộc, góp phần vào hoà bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới.

Tăng cường quan hệ chính trị và ngoại giao, gia tăng các cuộc trao đổi cấp cao, và mở rộng các cuộc tham vấn song phương để tiếp tục xây dựng lòng tin và cải thiện quan hệ vẫn là các mối ưu tiên đối với cả Hoa Kỳ và Việt Nam, tương tự như vậy là việc củng cố hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư và làm sâu sắc hơn sự hợp tác về khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế, môi trường, và thực thi pháp luật. Hai nước công nhận thành công của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ và nhiều đóng góp của họ đối với sự phát triển của Hoa Kỳ và Việt Nam cũng như cho quan hệ song phương Hoa Kỳ - Việt Nam tốt đẹp hơn.

Hoa Kỳ và Việt Nam tái khẳng định tiếp tục hợp tác song phương về quốc phòng và an ninh, như đã được phác thảo trong Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng Hoa Kỳ - Việt Nam. Cả hai nước nhấn mạnh cam kết cộng tác xử lý các mối đe doạ an ninh phi truyền thống, hợp tác về an ninh hàng hải, giám sát mặt biển, thương mại quốc phòng và chia sẻ thông tin, tìm kiếm và cứu nạn, trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ, và trao đổi về công nghệ quốc phòng, bên cạnh các vấn đề khác. Cả hai nước hoan nghênh các nỗ lực chung nhằm xử lý các vấn đề di sản chiến tranh, trong đó có sứ mệnh nhân đạo về tìm kiếm hài cốt người mất tích (MIA), rà phá bom mìn chưa nổ và khắc phục hậu quả điôxin, và trợ giúp hơn nữa cho các nỗ lực nhân đạo này.

Hoa Kỳ và Việt Nam dự kiến sẽ làm việc với sự phối hợp chặt chẽ với các bên đàm phán khác để hoàn tất hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) toàn diện và đầy tham vọng càng sớm càng tốt và thực hiện bất kỳ cải cách nào cần thiết để đạt các tiêu chuẩn cao của hiệp định TPP, trong đó có liên quan đến các cam kết gắn với Tuyên bố 1998 của ILO về các quyền và các nguyên tắc cơ bản tại nơi làm việc. Cả hai nước cam kết về một hiệp định TPP chất lượng cao, cân bằng đáp ứng lợi ích của tất cả các bên và tạo ra một khuôn khổ có lợi chung và lâu dài cho hợp tác kinh tế và thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, cùng lúc mang lại lực đẩy mới cho hợp tác kinh tế khu vực và đóng góp cho hợp tác và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hoa Kỳ khen ngợi tiến bộ về cải cách kinh tế của Việt Nam và khẳng định tiếp tục ủng hộ và can dự có tính xây dựng với Việt Nam, và Hoa Kỳ lưu ý mối quan tâm của Việt Nam đối với việc đạt được sự công nhận về nền kinh tế thị trường.

Cả hai nước cam kết tiếp tục ủng hộ việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và ủng hộ duy trì đối thoại tích cực, thẳng thắn và có tính xây dựng về nhân quyền để cải thiện hiểu biết lẫn nhau, và giảm bớt sự khác biệt. Hai bên khuyến khích hợp tác hơn nữa để đảm bảo rằng mọi người, kể cả những người thuộc các nhóm dễ bị tổn thương, không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo, hay thiên hướng tính dục, và bao gồm cả những người khuyết tật, được hưởng đầy đủ nhân quyền của họ. Hoa Kỳ hoan nghênh các nỗ lực không ngừng của Việt Nam nhằm hài hoà các luật với Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế, mà Việt Nam nhận thực hiện vì sự phát triển toàn diện của mình, bao gồm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản. Hoa Kỳ hoan nghênh việc Việt Nam phê chuẩn Công ước Chống Tra tấn và các Hình phạt Độc ác, Vô nhân đạo hay Làm mất nhân phẩm khác và Công ước về Quyền của Người Khuyết tật, và hai nước mong được hợp tác kỹ thuật về lĩnh vực này.

Hoa Kỳ và Việt Nam dự kiến sẽ đẩy nhanh hợp tác giáo dục, kể cả thông qua các định chế như Đại học Fulbright Việt Nam và các chương trình liên kết đại học khác cũng như trong cộng tác về tiếng Anh. Việc thúc đẩy giao lưu nhân dân vẫn thật quan trọng. Hai nước dự kiến sẽ cân nhắc các biện pháp tạo điều kiện về visa để khuyến khích có nhiều hơn nữa du khách, sinh viên và khách thăm có mục đích công việc đến cả hai nước, và kêu gọi các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ và Việt Nam kết thúc càng sớm càng tốt một thoả thuận song phương về việc xây dựng các khu phức hợp mới của các phái bộ đại diện của họ, kể các các toà đại sứ.

Gia tăng hợp tác về các vấn đề toàn cầu và khu vực

Hoa Kỳ hoan nghênh chính sách hội nhập quốc tế của Việt Nam, và Việt Nam hoan nghênh chính sách tăng cường hợp tác với khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Hai nước khen ngợi lẫn nhau về đóng góp của mỗi nước đối với việc ủng hộ hoà bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực cũng như trên thế giới. Hoa Kỳ và Việt Nam cũng cam kết tăng cường hợp tác về các vấn đề khu vực và toàn cầu thuộc mối quan tâm và lợi ích chung.

Hai nước cam kết thúc đẩy hợp tác về phát triển bền vững, xử lý các mối đe doạ an ninh truyền thống và phi truyền thống, bao gồm thiên tai, buôn lậu các loài hoang dã, an ninh nước, và các đại dịch. Hai nước cam kết mở rộng cộng tác về các hoạt động gìn giữ hoà bình và chờ đón Hội nghị Thượng đỉnh An toàn Hạt nhân 2016 cũng như mong sẽ có các hành động quốc gia cụ thể để thúc đẩy an ninh hạt nhân. Hai nước cam kết mở rộng hợp tác về Nghị trình An ninh Y tế Toàn cầu (GHSA), kể cả hướng tới việc đạt được các mục tiêu GHSA càng sớm càng tốt.

Hoa Kỳ và Việt Nam cam kết củng cố hợp tác tại các diễn đàn khu vực, như diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, Diễn đàn An ninh Khu vực Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Sáng kiến Hạ vùng Mekong, và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, và ghi nhận tầm quan trọng của một khối ASEAN vững mạnh và đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh và chính trị khu vực, và Quan hệ Đối tác Chiến lược Hoa Kỳ – ASEAN.

Cả hai nước đều quan ngại về những diễn biến mới đây ở Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, và đe doạ phá hoại hoà bình, an ninh và ổn định. Hai bên công nhận sự cấp bách của việc duy trì các quyền tự do hàng hải và hàng không bên trên vùng biển được quốc tế công nhận; thương mại hợp pháp không bị cản trở, an ninh và an toàn hàng hải; kiềm chế các hành động làm tăng căng thẳng; bảo đảm rằng mọi hành động và hoạt động được tiến hành tuân thủ luật pháp quốc tế; và bác bỏ sự cưỡng ép, đe doạ, và sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực. Cả hai nước ủng hộ giải quyết hoà bình các tranh chấp phù hợp với luật quốc tế, bao gồm cả những gì được thể hiện trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 10/12/1982 (UNCLOS), và công nhận tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông, cũng như các nỗ lực hoàn tất Bộ quy tắc Ứng xử của Các bên ở Biển Đông.

Các thoả thoận và biên bản đã đạt được

Những thoả thuận và dàn xếp sau đây thúc đẩy việc phát triển quan hệ song phương Hoa Kỳ - Việt Nam và hình thành nền móng vững chắc từ đó sự hợp tác tương lai của cả hai nước sẽ tiếp tục phát huy, đó là:

  • Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về Tránh đánh thuế Hai lần và Chống Gian lận Tài chính liên quan đến Thuế và Thu nhập;
  • Biên bản Ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Quốc phòng Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về Hợp tác Gìn giữ Hoà bình Liên hiệp quốc;
  • Biên bản Ghi nhớ ký giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ về Chương trình Các mối đe doạ Đại dịch Mới nổi Nghị trình An ninh Y tế Toàn cầu;
  • Hiệp định Dự án Trợ giúp Kỹ thuật Hàng không Việt Nam giữa Cơ quan Phát triển và Thương mại Hoa Kỳ và Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam; và
  • Việt Nam cấp giấy phép cho trường Đại học Fulbright Việt Nam mới.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".