Bước tới nội dung

Vì nghĩa quên tình/Chuyện đêm xuân

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
CHUYỆN ĐÊM XUÂN

Trên một cái gác cao ở phố Gia-long trông ra đường, bốn bề kín cửa. Ba gian rộng-rãi, theo lối cổ xưa, giữa kê một cái bàn ngang, chồng-chất sách Tây sách Tầu, báo mới báo cũ, truyện cổ truyện kim, nào sách triết-học, sách chính-trị, nào báo quốc-văn, báo ngoại-quốc, nào tiểu-thuyết nôm, tiểu-thuyết các nước; dĩa nghiên lọ mực, ống bút hộp ghim, tập giấy viết thư, bể đựng danh-thiếp, ngọn đèn Tây trùm cái « a-ba-dua » ngũ-sắc in vào gác, nhìn thấy thế cũng biết ngay rằng chủ-nhân là một nhà văn-học ở nước Việt-Nam trong buổi đời này.

Nhận quanh tường thấy tranh chấm phá, đối liễn hoa, cùng những bức ảnh các bực hào-kiệt vĩ-nhân, thời ta cũng biết ngay chủ-nhân là một người phong-nhã, khảng-khái.

Đêm xuân êm-ả, những chậu cây bình hoa hớn-hở, chủ-nhân gặp được bạn tâm-giao cùng nhau pha ấm chè hương, khêu ngọn đèn sáng, nói chuyện quốc-văn.

Khách tên họ là gì?

— Trần-Quốc-Cán, sinh-viên trường Cao-đẳng, vừa tuần tháng trước hỏng thi tốt-nghiệp, vốn người Nam-kỳ.

— Mà chủ-nhân là ai?

— Lưu-Thời-Dược, thiếu-niên tân-văn-ký-giả ở Bắc-kỳ.

Hai người đối-diện chung nhau một quyển sách, mà cùng ngâm cùng đọc, những tiếng ngâm đọc sen lẫn với những tiếng mưa xuân tí-tách mái ngoài, gió đông lay động lá sấu rào-rào, xe đi người lại, chó xua gà gáy cùng muôn vàn am-ưởng ở lưng trời và giữa khoảng trần-gian. Đọc hết văn đến báo, xem xong báo đên chuyện, đồng-hồ nhà thờ đạo Gia-Tô phố Chẩm-cầm đã đánh hai giờ khuya, thời vừa xem quyển « Hoa-tiên » đến quãng Ngọc-Khanh deo mình xuống sông tự-tử:

« Nguyên vì cha mẹ Ngọc-Khanh trước kia đã đính-ước gả nàng cho Lương-Diệc-Thương, chàng đi đánh giặc có tin đồn bậy rằng chết. Cha mẹ mới định gả nàng Ngọc-Khanh cho công-tử họ Tiền, không cho nàng giữ tiết. Nàng đã nói rằng:

— Phàm con gái không có hứa mình hai bận, xin để tang chồng mà tòng-nhất nhi-chung.

Cha mẹ Ngọc-Khanh không nghe, mà nàng đành phó thác xuống sông theo chàng. Thế nhưng không biết rằng chàng Diệc-Thương mê người con gái khác là Giao-Tiên, chàng đi đánh giặc cứu cha tình-nhân mà bị vây trong trận ».

Đọc đến đấy thời Trần-Quốc-Cán ngừng lại, thở dài mà nói với bạn rằng:

— Khen thay! Người con gái cao-thượng thật, không nỡ hứa với hai người, cốt lấy tiết-trinh làm quí. Đọc truyện này, tôi nghĩ lại bồn-chồn tấc giạ. Anh thử nghĩ xem, không biết con gái nước ta bây giờ họ xem truyện này họ có muốn theo gương tốt cổ-nhân không nhỉ? Thế mà cô ả......

Nói đến đấy thì lại ngừng, mặt trái-xoan, da đen-đen đổi ra hồng-hồng sam-sám, hai mắt đỏ ngầu lên, chắp hai tay lên gáy, gục đầu xuống bàn mà thổn-thức không nói ra lời.

Vốn xưa nay Trần-Quốc-Cán là một người ít nói, nhân xem truyện cổ cảm-súc mạnh quá buột miệng ra, nói ra rồi lại nghĩ ngượng, ngượng miệng nên lại chẳng muốn nói ra.

Chủ-nhân biết ngay rằng chắc tình-duyên lại bị lật-lường chi đây, thôi đêm đã khuya rồi thời hãy mời bạn đi ngủ, để tìm lời khuyên-giải cho nguôi tấm lòng.

Hai người chung gối, chung giường, chung chăn, chung đệm, màn the buông nhủ, hoa cúc hương đưa, cái tình chi lan nghĩa Lưu-Bình Dương-Lễ dễ đã có vui bằng Lưu-văn-sĩ cùng Trần-sinh-viên này chửa?

Chủ-nhân cố tìm chuyện nói cho bạn khuây mà bạn thời gượng nói gượng đáp, trằn-trọc đến ba giờ rưỡi đồng-hồ, nhà thờ khua vang, tiếng gà quanh vùng đã gáy giục vẫn chưa thôi nỗi bực-tức.

Chủ nhân im chuyện để ngủ, ngủ mà thấy bạn thở ngắn thở dài bên cạnh sao nhắm mắt được yên, nên mới liều hỏi ngay rằng:

— Vậy thời, chẳng hay sao mà ngô-huynh đa-cảm nhường này? Đáng lẽ tiểu-đệ cũng không dám hỏi chi cái bí-hiểm riêng ở trong lòng bạn e phạm lỗi thóc-mách không phải, song chỗ đôi ta cái tình « giường treo », « đàn gẩy »: Từ, Trần, Chung, Bá sánh tầy, dám phiền ngô-huynh ngỏ nỗi giọc-ngang, may ra có phương nào giúp được nhau trong vòng u-uất này chăng?

Khách thấy chủ-nhân nói vậy, đương trùm đầu trong chăn, nhò cổ ra ngoài, ngoảnh mặt đối nhau mà thưa rằng:

— Giấu nhau thì không phải đạo bè-bạn thân-yêu, nói ra thời mang tiếng bêu xấu người cố-cựu, để lòng thời bực-tức khôn mang, thôi thà đeo cái lỗi còn hơn chựu cái khổ! Thưa với anh, tôi xin thú với anh rằng vì tình mà tiểu-đệ đây ảo-não can-tràng đó mà thôi.

— Trong bài tựa cụ án Trinh đề trên quyển Kiều rằng: « Tôi vốn đa-tình, cảm người đồng-điệu », tôi xin lấy câu đó mà nói với anh rằng: « Cái mê vô-tích mê mê giại mê giại mà mê mãi chẳng thôi » là tả những kẻ đa-tình đã mắc vào thời lụy, đã lụy thời sầu; tiểu-đệ đây cũng đã nhiều phen rơi lụy về tình, nghĩ đến những bực thánh-hiền chính-đính, soi gương mình thẹn cho mình, bị « ngũ-trọc » sai khiến, mà « tâm vi hình dịch »; thương vay khóc mướn, cười hão vui phèo, Cụ Khổng-tử đã phải kêu rằng: « Chưa thấy ai hiếu-đức như hiếu-sắc », thời mới biết « thành nghiêng quán đổ tan-tành » là thường, chắc anh lại bị ngõ liễu đường hoa, ai lừa ai dối đó hẳn thôi?

— Không phải là ngõ liễu đường hoa, « những con người ấy ai cầu mà chi. » Số là khi tôi mới bước chân lên đất Bắc-kỳ này, học cùng với anh ở trường Bảo-hộ cho đến khi học ở Pháp-chánh, tôi được cái hân-hạnh mà quen biết mấy cậu ấm con quan lớn Án kia. Lân-la biết đến cả nhà, bà-lớn Án coi tôi như vàng nén, trao cho tôi dạy mấy cậu trai cùng mấy cô gái học Pháp-văn. Tôi thành-tâm dạy bảo, ai cũng chóng hay cả. Thật tôi thề, tôi mà có đem lòng gì khêu hoa ngợi nguyệt để làm bại-tiết người ta thì tôi không phải là người nữa. Tự-nhiên thấy bà-lớn Án hỏi tôi đã có vợ chưa. Tôi cứ thực nói rằng còn đợi ở trường Đại-học ra sẽ định, hỏi thăm nhà cửa tôi cũng bảo thường thường có tiếng mà không miếng, tuy đeo cái danh thế-phiệt mà cũng chẳng được lộng-lẫy bạc vàng như người, bà liền hẹn gả cô Bảo-Tuệ cho tôi. Nghĩ mình đã lớn, nay mai mãn-hạn ra trường, lại được bà lớn đem mắt xanh mà tặng vị thiên-kim-tiểu-thư, cảm-tình vô-hạn. Đinh-ninh vinh-qui cùng với vu-qui một ngày, thời cũng mãn-nguyện. Bởi thế mới liền viết giấy về trình ba má tôi ở Vĩnh-long. Rồi mà rơm lửa gần nhau, cô Bảo-Tuệ cùng tôi thật là hiên Lãm-thúy, vườn Tụ-hiền, chốn Tây-sương, cũng đà thề-thốt dưới trăng. Không ngờ rủi tôi bị hỏng kỳ thi tốt-nghiệp vừa rồi, mà bà Án đã đem gả cô ả cho một cậu con ông cự-phú ở tỉnh Hải-phòng rồi...

— Thế đã cưới chưa?

— Cưới tháng một năm ngoái, đi toàn bằng ô-tô cả; anh không biết ư? Để vậy tôi kể nốt anh nghe. Khi bà nhận nhời người ta bà lại nói với người bạn tôi rằng: « Tưởng nhà cậu Cán người Sài-gòn thời giầu, chẳng là cũng nghèo. Không đỗ thời làm trò-trống gì! » Tôi không chấp chi bà cái lỗi quên lời hứa với tôi; tôi chỉ nghĩ đến lời bà mà tôi bỉ. Tôi riêng bực vì nỗi cô Bảo-Tuệ, chính cô đã học tôi, đã yêu tôi, đã hẹn-hò với tôi, mà công mình đắp nấm trồng tranh, ăn quả chẳng được vin cành cũng không? Đối với nhà ra người nói phách, đối với bạn ra đứa khoe càn, đem hết tâm-sự kể cả với tình-nhân, tình-nhân lại về tay người khác. Mình không muốn phạm tội trăng hoa, quyết định bách-niên giai-lão, mà người khiến mình thành ra kẻ đăng-đồ, trai Trinh Vệ.....

— Than ôi! Anh tính đại-gia thế-phiệt bây giờ nói làm chi cho ngứa gan nóng mặt. Phong-hóa suy-đồi rồi! Nhân-tâm bại-hoại rồi! Bùn dưới đáy ao đã lên cả mặt nước ao rồi! Danh-nghĩa bây giờ họ coi là một đồ vất bỏ, bạc vàng ngày nay chúng lấy làm một thứ thánh-thần. Các cô tiểu-thư thời này cũng đến « đồng tiền », vòng hoa nhẫn hột, thấy ai túi nặng là yêu. Ngày trước đã có người đăng báo nói « khuê-các » với « bình-khang » chỉ khác nhau có cái tiếng gọi, thực là người biết đời lắm. Buổi giao-thời nghĩ lắm nỗi thương-tâm: người trong nước nhặt-nhạnh được dăm ba cái bã-giả văn-minh, một vài cái cấu-cặn tự-do, chẳng còn nhìn đến liêm-sỉ nữa. Những kẻ tu-my nam-tử ngày nay biết cầm ngòi bút viết câu văn còn chỉ vì đồng tiền mà bỏ cả cha, rẫy cả vợ, gọi kẻ nọ là cha, gọi người kia là cụ, chẳng là con gái, như cô Bảo-Tuệ ấy thật nhiều, nở mũi ra đã thơ thơ, giấy giấy, tình tình, ngãi ngãi, kể từ lúc biết xuân cho đến khi xuất-giá, thề-thốt cũng được dăm chàng, chung-chạ cũng được vài kẻ, trai khôn bây giờ mười người đến tám chín người phải lấy vợ thừa thế-gian. Hỏng từ trên hỏng xuống, giai cũng như gái, trẻ cũng như già. Than ôi! trong một nước đã không còn biết danh-dự là cái gì nữa, tài-hoa là cái gì nữa, chí-khí là cái gì nữa, chỉ tối mắt cả vào « xu » mà thôi, thật là một cái nước đảo-điên bại-hoại lắm. Trách chi bà Án tham của, giận chi Bảo-Tuệ lỗi nguyền, đeo làm gì cái khổ-não, xin cùng nhau ta cùng xám-hối, cố gọi hồn liêm-sỉ lại, làm sao cho nhân-tâm được thuần-chính, danh-dự được xương-minh, phong-hóa được lương-thiện, kẻ làm quan người làm báo làm sách, đôi bên cùng hợp nhau lại ta cùng làm, vất cái tình ái-luyến đi mà thi-hành cái nghĩa cao-thượng, cho non sông hoa cỏ nên vẻ-vang cùng với hoàn-cầu. Bọn mình mà còn phóng-khí trách-nhiệm, nay than nỗi phụ-tình, mai sầu đường duyên-bạc, thời trong nước còn ai là đứng trượng-phu?

Đồng-hồ đánh bốn giờ khuya hai người trằn-trọc cả hai không sao yên ngủ...

Vừa chợp mắt đã thấy tiếng xe rầm đường cái, bừng mắt ra sáng bạch rồi, giậy rửa mặt uống nước, hai người cùng nhau trò truyện, một lát, đồng-hồ đánh 7 tiếng, khách chào lui về.

Chủ-nhân ngồi bàn cất bút làm văn.

Viết năm 1918.