Vũ trung tùy bút/Chương LXXVIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Bùi Huy Bích[2] có nói rằng "Họ Trịnh từ đời Nhân Vương (Trịnh Cương) (1709- 1729) trở về trước, còn giữ thần lễ. Các quan thuộc phủ chúa Trịnh chỉ mới đặt ra Hộ phiên, Binh phiên, Thủy sư phiên và Lịch sử phiên[3] mà thôi. Trong triều vua Lê, lục bộ còn chưa đến nỗi thất chức. Trăm quan vào tâu việc với chúa Trịnh thì xưng mình là ngu[4]. Chúa Trịnh có ra phủ đường coi chính sự, thì bách quan đội mũ bình đính, mặc áo xanh vào vái và đứng hầu. Quan đại thần ở phủ bộ vào bái yết xong thì lên chỗ ngồi. Đó là theo cái lệ vào tham yết ở chốn tướng phủ. Khi nào nhà chúa ra tiếp kiến tân khách, thì bách quan đội khăn lương, khăn đuôi én, mặc áo xanh, vào bái yết xong thì cứ theo thứ tự mà ngồi, khoản đãi trầu nước tử tế. Đó là theo cái lệ tướng phủ ra tiếp khách.

Khi ấy, nhà chúa có vào chầu vua Lê. Theo lệ, tuy đã miễn bái, nhưng khi chúa Trịnh nào được thụ sắc phong ra nhiếp chính thì cũng phải thân hành vào triều bái vua Lê. Đời vua Lê Hi Tôn (1676 - 1705) lên thượng thọ tám mươi[5], chúa Trịnh Nhân Vương cũng mặc triều phục vào đứng ở bên hữu long trì, tự mình đem trăm quan vào lạy mừng. Vua Lê sai trải bảy lần chiếu ở nơi đứng lạy của chúa Trịnh để tỏ ý biệt đãi. Đến khi Trịnh Thuận Vương (Trịnh Giang) (1729 - 1740) nối ngôi, mới đặt ra sáu phiên : Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công, cướp mất cả quyền quan lục bộ, lấy chức trưởng thự Tham Bồi[6] làm quan chính phủ đại thần. Từ đấy, chốn triều đường vaa Lê chỉ là hư vị. Các quan vào tâu chúa Trịnh thì đổi chữ ngu xưng là thần. Chúa Trịnh ra thân chính ở phủ đường thì gọi là thị triều, khi nào ra tiếp khách thì gọi là khách triều. Quan đại thần ở chốn phủ bộ, phải có chỉ của nhà chúa cho ngồi mới được ngồi, gọi là tọa đường. Còn lễ nhà chúa vào triều bái vua Lê thì bỏ hẳn không hỏi đến nữa. Nhà chúa có truyền chỉ ra, trước kia vẫn gọi là lịnh chỉ. Sau này, quyền chính đều ở về nhà chúa, hàng năm cứ đầu xuân ngày khai tỉ ấn, thì yết tờ lịnh chỉ mới ra ngoài phủ đường hoặc ngoài cửa các. Các chức võ quan, chức câu kê trong sáu cung đều phải có lịnh chỉ ban cho cả. Còn các việc khác do nhà chúa truyền ra thì xưng là chỉ truyền hay là chỉ dụ và thường xưng là ngự, là thánh, cũng không khác gì trong nội điện vua Lê.

   




Chú thích

  1. Nghĩa là lễ của kẻ thần hạ, bề tôi
  2. Xem bài Cuộc bình văn trong nhà Giám
  3. Trong sách Đại Việt sử ký tục biênKhâm định Việt sử Thông giám Cương mục đều chép rằng trước đời chúa Trịnh Cương chỉ đặt ba phiên mà thôi, không có Lịch sử phiên, sau năm 1718 mới đặt lục phiên
  4. Tôi
  5. Vua Lê Hy Tông (1663 - 1716) chỉ thọ 54 tuổi, không thể có thượng thọ 80 tuổi
  6. Tham tụng và Bồi tụng