Vũ trung tùy bút/Chương XI

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Ta thường xem bản đồ trong Nội các, mới biết hình thế non sông nước ta so với nước Trung Hoa cũng chẳng kém gì. Nước Trung Hoa, từ mạch núi Côn Lôn[1] chạy vào, chia làm ba cán long : một đằng theo sông Hoàng Hà[2] chạy về phía bắc là những tỉnh Cam Toàn[3], Sơn Tây, Sơn Đông, Trực Lệ[4] ; một đằng theo núi Mân Sơn[5] chạy về phía đông là những tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Hà Nam, Hồ Bắc, Giang Hữu, Giang Nam[6], Phúc Kiến và Tích Giang ; một đằng theo sông Hắc Thủy[7] chạy về phía nam qua Thổ Phồn[8] , Vân Nam, Diến Điện[9], Hà Tiên rồi chạy ra bể Nam Hải. Về cán long theo sông Hắc Thủy này, thì phía tây sông Hắc Thủy là đất Thổ Phồn, Tam Phật Tề[10], Chân Lạp[11], Diến Điện, Đại Thực[12], Phù Dư[13] , Tiêm La[14], Cao Man[15] ; phía đông sông Hắc Thủy là những tỉnh Vân Nam, Quý Châu, Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây và Lão Qua[16] kéo dài đến tận núi Tiểu Côn Lôn lại biệt làm một chi thiếu tô. Chạy sang nước ta, chi này lại chia làm ba : chi bên hữu chạy qua sông Đà Giang (sông Bờ) là những tỉnh Hưng Hóa, Sơn Tây, Sơn Nam thượng rồi chạy vào Hoan Châu (Nghệ An), Ái Châu (Thanh Hóa) cho đến Thuận, Quảng thì tản ra các cù lao gần bể. Cũng như bên Trung Hoa có một dải đất Vận Quí chạy ra đến tận đảo Quỳnh Nhai. Chi bên tả thì qua Tuyên Quang rồi chạy đến Cao Bình, Lạng Sơn, An Bang (Quảng Yên), lại qua đến bể là Hồng Đàm, đảo Đại Nhân, cũng như bên nước Trung Hoa có dải đất Cam Toàn, Sơn Tây mà chạy đến Đăng Lai. Còn chi giữa thì tự núi Tam Đảo trở xuống, mênh mông liên tiếp thành ra những tỉnh Thái Nguyên, Kinh Bắc, Trung Đô[17], Hải Dương, Sơn Nam và Sơn Nam hạ ; đất Thăng Long, đất Cổ Bi thì lại ở vào khoảng giữa, cũng như Trung Hoa có những tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Hà Nam và các tỉnh Kinh, Hồ. Về sông thì sông Hát chảy qua phía Nam, sông Xương chảy qua phía bắc, sông Phú Lương là một con sông lớn, ngoằn ngoèo chạy suốt khoảng nam, bắc, há chẳng giống Trung Hoa có những con sông Giang, Hà, Hoài[18], Tế đấy ư ? Vậy nên ta bảo rằng địa thế nước ta, toàn thể cũng giống nước Trung Hoa, chỉ có nhỏ hơn mà thôi.

Từ đời Lạc Hùng mở cõi trở về sau, đến đời nhà Lý thì phong thói chất phác, đời nhà Trần thì phong thói trung hậu, đời nhà Lê về năm Quang Thuận, Hồng Đức thì trị giáo xương minh[19], phong khí các đời trước còn có thể biết được. Lại còn các nhân vật, trung thành như Tô Hiến Thành ; học vấn như Chu Văn Trinh[20] ; văn chương như Nguyễn Trung Ngạn, Mạc Đĩnh Chi ; kinh tế[21] như Nguyễn Trãi, Nguyễn Duy Ỷ ; lý học như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan ; huân nghiệp như Lý Ông Trọng, Khương Công Phụ ; thần kì như Chử Đồng Tử, Đổng Thiên Vương. Lại còn dòng dõi thiền tôn ở chùa Trúc Lâm, Hương Tích ; đạo hành tu hành như An Kỳ Phạm Viên, đều là tinh anh của non sông đúc lại, các nhân vật ấy nay còn có thể kể biết được.

Lại xem như những giống san hô, đồi mồi, hạt trai, vân mẫu sản xuất ở bến bể ; nhục quế, trầm hương, hồ tiêu, ý dĩ sản xuất ở núi non ; giống củ mài ở Cổ Pháp (làng Đình Bảng), giống lệ chi[22] ở Siêu Loại, hương phụ ở huyện Giao Thủy, nhân sâm ở núi Hồng Lĩnh, sơn sống ở Sơn Tây, củ nâu ở Tuyên Quang, các thứ gỗ lim, gỗ sến ở Thanh Hóa, Nghệ An, vải nhỏ ở Vĩnh Lại, Tứ Kỳ, lĩnh the ở La Khê, Yên Thái (Bưởi) và các mỏ vàng, bạc, đồng, kẽm, các sản vật tôm cá, muối mắm ; trong các loài cầm thì có lông công, cánh trả, trong loài thú thì có sừng tề, ngà voi, cũng có thứ Trung Hoa không có mà nước ta lại có. Nếu người cầm quyền nước biết nhân cái sản vật tự nhiên mà khéo dùng nó, chế biến ra thành các thứ cần dùng, thì so với Trung Hoa, ta cũng chẳng kém gì mấy. Huống chi, khí trời vận chuyển bất thường, khi nước lớn mới yên thì thuế điền ở Duyên Châu rất nhẹ. Đến đời Tây Hán, đất Quan Trung phải chở thóc lấy tại Sơn Đông đem vào. Từ đời Tùy Đường trở về sau, địa thế mở mang dẫn mãi về phương nam, đất Giang Hoài mới thành ra đông đúc. Kịp đến đời Tống thì có ông Chu Khải Đình[23] sinh ra ở đất Tân An, ông Văn Sơn[24] sinh ra ở đất Cát Thủy, đời nhà Minh thì có các ông Quýnh Sơn, Cương Phong, Bạch Sa nối gót sinh ra ở đất Quảng Đông, Quảng Tây. Nay ở Dương Thành và Quỳnh Châu thì nhân vật phồn hoa đã dần dần bằng đất Tam Ngô, mà từ đất Hà, Tế trở về bắc, lại dần dần hóa ra cõi mọi rợ. Thử so sánh mà xem, khí vận nước ta sau này dễ lường được chăng ?

Ta thường muốn kén chọn những người thiếu niên anh tuấn ở những làng quen làm nghề nghiệp như làng La Khê, Yên Thái, Bát Tràng, Trúc Phê và các xã duyên sơn, cho cạo đầu hóa trang, theo khách buôn sang Trung Hoa đem tiền bạc đi mà học lấy những nghề khéo. NGười thì đến lò nung bát ở Hổ Giao, người thì đến phố dệt vóc ở Kim Lăng, cùng ở với người Trung Hoa, học lấy trí khôn nghề khéo của họ ; hoặc đi đến các tỉnh Mân[25], Tích, Kinh[26], Dương[27], mua lấy các thứ chè, các thứ thuốc, xét cách trồng trọt, xem thổ nghi ; khi nào xem xét đã tinh rồi thì trở về nước, phân cho mỗi người coi một việc mà chế tạo ra đồ dùng. Hết thảy các đồ ăn mặc đều cứ theo lệ ấy mà cho người đi học để phát minh thêm ra, tưởng độ mười năm thì người nước ta, về các nghề nghiệp, cũng đã tinh xảo. Song tiếc cho những kẻ gặp thời làm được lại không có chí, những kẻ có chí lại không gặp thời. Ta e rằng việc thiên hạ không phải là việc kẻ hèn mọn được nói leo.

Các nhà địa lý làm sách bảo rằng "Núi Côn Lôn chia làm ba cán long. Một cán long chạy theo sông Hoàng Hà, một cán long chạy theo sông Mân Giang, còn một cán long thì chạy theo sông Áp Lục[28]. Cứ như ta xét thì các cán long Hoàng Hà, cán long Mân Giang, nói thế là phải ; còn cán long chạy về sông Áp Lục thì không phải. Núi Côn Lôn chạy về phía tây nước Trung Hoa, chạy rẽ về phía đông là cán long Mân Sơn, rẽ về phía nam là cán long Hắc Thủy, rẽ về phía bắc là cán long Hoàng Hà, rẽ về phía tây là cán long Nhược Thủy, xét trong các sách vở địa đồ, đều rõ như thế cả. Nay lại phân ra thành ba cán long một cách võ đoán như vậy, thì có thể biết cái thuyết ấy kê cứu không được rộng. Huống chi sông Hoàng Hà tự núi Côn Lôn chạy về phía bắc hàng nghìn dặm, vòng quanh đất Hà Hoàng, phía đông đến Long Môn, rẽ về phía nam mới chạy vào Trung Hoa, qua núi Hoa Sơn lại rẽ về phía bắc là đất Thanh Tề, mông mênh đến vài bốn nghìn dặm. Còn như sông Áp Lục thì ở về phía đông nam núi Tràng Bạch, cách phía bắc sông Kiệt Thạch hơn ba nghìn dặm. Nếu nguồn sông ấy mà thực là phát nguyên từ núi Côn Lôn thì phải chạy về phía tây sông ấy, phía bắc sông Nhược Thủy, vòng quanh Tây Vực, Mạc Bắc, Đông Di rồi sau mới chảy ra bể, ước chừng qua ba phía : đông, bắc và tây nước Trung Hoa, tính ra dài gấp mấy sông Hoàng Hà, có phần hơn hai vạn dặm. Thời nhà Hán có người Trương Khiên đi thăm cùng nguồn sông ấy, người Vệ Hoắc vào mãi nước Hung Nô, đời nhà Nguyên lại tìm ra được nguồn sông ấy là chỗ Trương Khiên chưa đến nơi. Vua Thành Tổ nhà Minh đi sang đánh Mạc Bắc, quân đi chỗ nào trông ra bốn bên thì sao Bắc Đẩu đều ở phương nam. Năm Khang Hy đời nhà Thanh có người phụng sứ đi lên phía bắc, chỗ ấy thuộc về Bắc Hải, nước bể kết lại thành băng, trông hình như ngọc quỳnh dao, buốt đến tận xương, không thể đến gần được. Năm Càn Long, có quan Hùng Chủ sự đi khám xét đất Tây Vực, vòng quanh đến hàng dặm. Phàm những viết khám xét trên ấy, chưa từng nghe nói có đi qua sông Áp Lục. Mà trong các sách dịch về địa lý ở Tây Nhung, Bắc Địch, cũng không thấy có tên sông ấy. Chỉ có bộ Nữ Chân, bộ Thát Đát và nước Triều Tiên về phía bắc mới có con sông Áp Lục, thế thì sông ấy không phải phát nguyên tự núi Côn Lôn. Chỉ vì các đời Kim, Nguyên, Thanh gần đây, lấy núi Tràng Bạch làm tổ sơn, những nhà phong thủy tưởng rằng núi ấy, long khí chung đúc sinh ra những đấng quân chủ thống nhất được cả nước Trung Hoa, như thế không phải là một chi long tầm thường, nên mới ghi rằng mạch phát ra tự núi Côn Lôn, mà nước chảy theo núi.

   




Chú thích

  1. Dãy núi lớn nằm ở phía tây Trung Quốc, nổi tiếng trong thần thoại vì được tin là nơi ở của Ngọc Hoàng Thượng đế và Tây Vương Mẫu
  2. Con sông dài thứ hai ở Trung Quốc, bắt nguồn từ dãy núi Côn Lôn trên sơn nguyên Tây Tạng, đổ ra biển Hoàng Hải. Sông Hoàng Hà có vị trí quan trọng trong văn hóa Trung Hoa
  3. Chính là tỉnh Cam Túc
  4. Nay là tỉnh Hà Bắc, đổi tên từ năm 1928
  5. Hẻm núi giáp ranh giữa tỉnh Cam Túc và Tứ Xuyên
  6. Chỉ chỉ chung vùng đất trải dài ở phía nam sông Trường Giang, nay gồm nhiều tỉnh như Thượng Hải, Hồ Nam, Hồ Bắc, Hà Nam,...từ đời Hán đã nổi tiếng trù phú.
  7. Sông Hắc Thuỷ là cách gọi để chỉ sông Amur hay sông Hắc Long Giang, là biên giới tự nhiên giữa Nga với Trung Quốc, là một trong mười con sông dài nhất thế giới. Tuy nhiên, theo mạch văn và bản đồ thế giới thì ở đây có lẽ Phạm Đình Hổ đang nói về sông Mê Kông.
  8. Tên một vương quốc từng cai trị Tây Tạng, tồn tại từ TK VI đến TK IX
  9. Tức Myanma
  10. Tức Srivijaya, một liên minh nhà nước tồn tại từ TK VII - Tk XIII ở khu vực Đông Nam Á hải đảo. Có lẽ Phạm Đình Hổ nhầm lẫn gì chăng ?
  11. Tên một vương quốc trong lịch sử Cam-pu-chia
  12. Không rõ là nước nào
  13. Phải chăng là vương quốc Phù Dư trên bán đảo Triều Tiên ?
  14. Quốc hiệu của nước Thái Lan, dùng từ năm 1782 đến 1939
  15. Tức Cam-pu-chia.
  16. Tên một vương quốc tồn tại trong lịch sử Lào
  17. Tức Kinh thành Thăng Long
  18. Hoài Hà, con sông lớn thứ ba ở Trung Quốc
  19. Chính trị và giáo hóa đều rực rỡ
  20. Chu Văn An
  21. Kinh bang tế thế, chỉ tài trị nước
  22. Tức quả vải
  23. Tức là Chu Hy. Tuy nhiên, hiệu của ông phải là Khảo Đình mới đúng.
  24. Tức Văn Thiên Tường
  25. Mân Châu, nay là Phúc Kiến
  26. Kinh Châu, nay là Hồ Bắc
  27. Dương Châu, nay là tỉnh Giang Tô
  28. Ranh giới tự nhiên giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, bắt nguồn từ dãy núi Trường Bạch.