Vũ trung tùy bút/Chương XIX

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Đàn tế Giao nước ta lập ra từ đời nhà Lý, đến đời Lê đã trùng tu lại. Chính giữa đàn có một cái nền gọi là Chiêu Sự điện[1]. Nền điện cao độ một trượng, chung quanh xây bệ đá, bao lơn đá, chạm khắc rất khéo. Ở trong, có xây một cái bệ đá để hợp tế các thần Hiệu Thiên Thượng Đế, Hậu Thổ Địa Kì ; thứ đến hai bên tả hữu là Thừa Tướng đường, hai bên hành lang thì tế thần Đại Minh và Dạ Minh cùng các vị tinh tú ở trên trời. Tất cả các vị thần kì, các vị đế vương đời trước đều được bày hàng để tế theo vào đấy. Lần cửa thứ nhất về mé ngoài là nơi Hoàng thượng[2] thay áo, ở về bên tả ; ra đến lần cửa thứ hai, rẽ về phía đông nam, là nơi đức Vương thượng[3] ra ngự ; đến lần cửa thứ ba, bên ngoài có một ngôi nhà bảy gian là sở của phủ Tiết chế[4] đóng quân hầu. Lễ tế Giao về đời Lý, đời Trần thì không thể xét được. Đời Lê, cứ trong ba ngày tết nguyên đán, chọn ngày nào tốt thì làm lế tế Giao. Từ trung hưng trở về sau, quyền chính về cả chúa Trịnh, vua Lê chỉ ngồi giữ hư vị, duy tế Giao cùng ngày thi hội, vua ra ngự điện Giảng Võ, lúc bấy giờ mới dàn bày lỗ bộ, uy nghi rước xách, nhân dân truyền làm thịnh sự. Cứ lệ cũ thì tế Giao, phải chi ra một trăm bốn mươi lăm quan năm tiền năm mươi tư đồng. Bộ Hộ lĩnh món tiền ấy ở Hộ phiên rồi giao cho các viên giám thừa ở Tư Lễ cục biện lễ. Cứ lệ thì trước vị Thượng Đế, Địa Kỳ, bày lễ chay tam tài[5] và hoa quả chuối tiêu, còn đôi bên tả hữu hành lang, thì theo thứ tự giảm bớt dần, đỗ lễ không có ngọc liệu[6], sát sinh gì cả. Lúc tế thì đặt chỗ đứng của Hoàng thượng ở giữa ngự đạo trong điện đình, chỗ đừng của Vương thượng thì xích về bên tả ngự đạo, rồi đến chỗ đứng của quan Tiết chế. Các quan từ nhị phẩm trở xuống thì ở ngoài lần cửa thứ hai. Lúc tế rất giản lược, chỉ có lễ thượng hương rồi đọc tờ tấu, trước sau lạy tám lạy mà thôi.

Từ khi Trịnh Thịnh Vương (Trịnh Sâm) cầm quyền chính, thì lúc tế Giao, chúa Trịnh không dự làm bồi tế nữa. Khi bà Đại Hành Hoàng Thái hậu[7] mất, đức Hoàng thượng[8] đang phải cư tang, mới khiến quan Thủ tướng Nguyễn Hoãn vào thay làm mệnh bái. Đến năm sau, chúa Trịnh Thịnh Vương tự vào nhiếp tế [9]. Năm ấy thóc lúa mất mùa, giặc cướp tứ tung, thiên hạ ta thán đổ lỗi tại chúa Trịnh vào nhiếp tế. Xem thế đủ biết nhân tâm vẫn còn tôn nhà Lê. Đời Tây Sơn lấy Đông Kinh làm Trấn Bắc thành, lấy điện Kính Thiên làm Phản Vọng đài, lấy nền Nam Giao làm nền cầu đảo. Cứ họp các giáo phường và đội bả lịnh, ra đấy làm lễ đảo vụ hoặc rước tượng phật tứ pháp ra bày ở ngoài cửa lần thứ ba để cầu đảo ; lễ nghi rất là lỗ mỗ, không thể sao nói được.

Mùa hạ năm Tân Dậu (1801), vua Thiếu Chủ đời Tây Sơn (Quang Toản) bỏ Phú Xuân chạy ra Bắc Thành, đổi Bắc Thành là Kinh Bắc, cho đắp gò Viên Khâu ở ngoài cửa Liễu Thị, xây đàn Phương Trạch ở trên Tây Hồ, định cứ đến ngày đông chí, hạ chí thì tế thiên địa ở hai nơi ấy. Còn như Chiêu Sự điện ở nền Nam Giao thì cứ theo như lễ quang minh điện ở trung triều[10] để làm nơi cầu đảo cáo yết và khi nào đổi niên hiệu thì đến đấy làm lễ cáo tạ. Người ta thấy thay đổi như thế thì biết ngay là triệu Tây Sơn sắp mất.

   




Chú thích

  1. Điện làm vào năm Cảnh Trị nguyên năm (1663) đời Lê Huyền Tông, trước đó không có
  2. Vua Lê
  3. Chúa Trịnh
  4. Thế tử, con chúa Trịnh
  5. Lễ chay tam tài là lễ chay cúng trời, đất và nhân thần
  6. Châu báu
  7. Huy Nhuận Hoàng Thái hậu họ Đào, người xã Bảo Vực, huyện Văn Giang
  8. Lê Hiển Tông
  9. Năm 1776
  10. Tức Phú Xuân