Vẽ rắn thêm chưn

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Vẽ rắn thêm chưn  (1930) 
của Huỳnh Thúc Kháng

Bài đăng trên Tiếng dân, Huế, đăng lại trên Công luận, Sài Gòn, số 1855 (23.8.1930)

Trả lời cho ông Phan Khôi về câu nói của ông Trần Chuy vu cho báo “Tiếng dân”

Chương Dân tiên sinh

Được thư reconmandée[1] của ngài gởi ngày 2 Aout nầy, có đính theo một mảnh tờ báo C.L. số 1833 ra ngày 26.7.30, trong có bài của ông Trần Chuy nào đó, có một đoạn nói bài ngài cãi về “Nam sử đoạn nước Pháp mới qua” mà báo Tiếng dân tôi trả lời có một câu “trách bạn đồng nghiệp sao dung chứa…”, tôi rất lấy làm lạ. Báo C.L. có đổi (echange) với Tiếng dân mà tới không liên tiếp, số báo ấy nhà báo tôi chưa nhận được, không rõ thất lạc hay sao.

Ngài thấy câu chuyện đăng trên báo như thế, chưa vội tin lời ông Trần Chuy mà viết thơ hỏi tôi, thế là ngài đã biết chắc tôi là một người đứng một mình không có dính với “phiệt” nào ; mà tờ báo tôi chủ trương cũng không khi nào nhân bàn việc học việc nước là việc chung, mà bươi chuyện riêng ra để nói xấu cho ai bao giờ.

Chỉ xem một điều ngài hỏi tôi thì đủ rõ con mắt một nhà có học thức, không giống như ai, mà tôi cũng có tự phụ con mắt thịt tầm thường của tôi, trước hai mươi mấy năm kia, trong học giới ta, đã có ngón tay đem được một người trong bọn thiếu niên, ấy quả là một tay kiện nhi trong văn giới vào khoảng quá độ ta ngày nay. Vậy nên tôi rất vui lòng mà trả lời cho ngài rõ câu nói ông Trần Chuy thiệt là vu.

Về đoạn lịch sử ta, khoảng triều Gia Long cầu viện nước Pháp mà Đông Pháp thời báo với Tiếng dân cãi nhau, Tiếng dân đứng về địa vị bị động ; tôi có viết hai bài trả lời ; một bài đăng trên báo Tiếng dân số 79 ra ngày 16 Mai 1928 đầu đề là “Nói điều lỗi ta là sự may cho ta” (Lời thâm cảm đối với mấy câu phê bình trong “Câu chuyện hằng ngày” đăng trên Đông Pháp thời báo số 714).

Bài Câu chuyện hằng ngày ấy, chính ngài viết. Trong ấy ghép mấy câu báo Tiếng dân, nhập với sách ông Nam Kiều kia mà nói chung, có một câu : “nhơ nhớp trên đường ngôn luận…” v.v…

Về phần Tiếng dân, không nhận tiếng “nhơ nhớp” bất nhã ấy nên phải đứng ra mà biện bạch. Bài ấy chính là trả lời cho ngài, trước cảm phục mấy lời chỉ trích, sau có cãi lẽ, như thư ngài đã nói. Đông Pháp thời báo có đăng bài trả lời ấy và hứa sẽ có bài phân giải.

Kế đó Đông Pháp thời báo lại đăng một bài của người nào đó, nói về chuyện ấy mà có lời tán ngài học rộng…, ngài có viết một bài cảm bội người ấy, cho là yêu chân lý... (cũng trong khoảng ấy, tôi không nhớ số nào).

Sau lại Đông Pháp đăng bài phân giải đã hứa trước, bài ấy phiên câu án trong bài trả lời của tôi mà nói : “giảng lịch sử, chính là phương pháp rất hiệu nghiệm cho sự chữa xấu hiện thời…” Khi ấy tôi viết một bài trả lời đăng báo Tiếng dân số 88 ra ngày 16 Juin 1928, đầu đề là : Cãi nhau chuyện cũ có phải là phương pháp chữa cái xấu hiện thời không ? (Lại mấy lời thâm cảm đối với bài phân giải đăng trong Đông Pháp thời báo số 725). Bài thứ hai nầy là tôi trả lời cho bài phân giải của báo ấy, đầu tiên tôi có nói tệ chung “sâu ăn chữ” trong học giới ta mà bác câu phiên án nói trên, có câu “câu phiên án của quý báo “giảng lịch sử chính là phương pháp chữa cái xấu hiện thời”, không phải làm một nơi sào huyệt cho bọn đó ẩn mình núp bóng hay sao ?” Có lẽ ông Trần Chuy nào đó xem văn không rành, căn cứ câu ấy mà vẽ rắn thêm chưn, cho là tôi trách nhà báo ấy dung chứa… như câu nói ông đã đăng trên tờ Công luận.

Câu đó là tôi nói chung cái tệ học giới, phạm vi chỉ ở trong câu phiên án nói trên chớ không chỉ riêng ai, và không trách bạn đồng nghiệp về sự dung chứa ai bao giờ mà nhứt là tiên sanh lại không sao can đến được. Cũng trong bài ấy, đoạn giữa tôi có câu : “Tôi nhận lầm, là chỉ nhận câu nói có lược, chớ không phải thấy ông C.D. chỉ trích mà đã vội làm con sâu nhái tiếng mà nói câu vi tâm, vầy hùa theo ông mà chối hẳn trên lịch sử ta không có chuyện ấy đâu !”

Xem câu đó C.D. hai chữ đã đứng ra ngoài phạm vi bài thứ hai của tôi, chữ “sâu nhái tiếng” đó rõ là nói chung, mà dầu cho có kẻ khắc luận cho có ý ám chỉ người nào (câu nầy ngoại luật) cũng là chỉ ai chớ không thể bắc cái cầu mấy nhịp mà kéo cho đến C.D. được (trừ ra ông C.D. tự hiểu lầm), vì đối với ông C.D. đã có một bài trả lời đặc biệt rõ ràng trước khi.

Ấy, về chuyện cãi nhau với Đông Pháp thời báo, tôi chỉ có hai bài đấy thôi, ngoài ra không có câu gì sốt. Hai bài ấy đăng trên báo Tiếng dân, mà lại đăng lên mục xã thuyết, rõ là hai bài luận thuyết chỉ tựu trong học giới và luận đề mà biện bạch, đường đường chính chính ở trước con mắt công chúng, thái độ quang minh lỗi lạc là dường nào ! Có đâu đem cái thói tiểu nhơn, nhân việc chung mà bươi việc riêng và lại trách nhà báo kia “dung chứa…” – như ông Trần Chuy nào nói đó đâu !

Không những thế thôi, biện luận sử học là một vấn đề việc chung mà chứa người trong nhà báo là một vấn đề việc riêng ; hai điều không lý gì nhập chung trong một luận đề được, điều đó cố nhiên, mà dầu cho ông Trần Chuy có nhân câu “sào huyệt”, “ẩn núp” làm căn cứ, lại càng sai nghĩa chính xa lắm !

Tôi nói câu phiên án làm nơi “sào huyệt…” thì sào huyệt là chuyên chỉ câu phiên án ấy chớ có phải chỉ nhà báo đâu ! Còn nói “ẩn núp” dưới câu phiên án ấy, thì bọn sâu ăn chữ, dầu ở đâu cũng ẩn núp được, có phải riêng người làm trong nhà báo ấy mới ẩn núp hay sao ?

Ấy đó, xem văn người ta mà bằng theo con mắt riêng của mình như câu ông Trần Chuy nói đó, không những sai ý nghĩa của tác giả, mà đem một câu lý thuyết chung ghép vào trong một việc đâm thọc riêng, thật là tâm lý khó hiểu.

Theo sở kiến của tôi, thì ông Trần Chuy thêu thùa câu nói của tôi mà bêu xấu cho ngài, hoặc giả một là thấy ngài gần đây hay viết bài công kích “phiệt” nầy “phiệt” nọ nên tìm một cái mối để khiêu khích cho ngài công kích tôi như mấy “phiệt”. Hai là thấy văn luận của ngài như dao sắc gươm nhọn, không ai cãi lại, nên khêu một mối để thêm phía đối địch với ngài, đặng chia sức ngài cho yếu bớt đi ; cái cách trổ đường phân mối để gây cho người ta hiềm thù nhau, cũng hiểm thật ! Nhưng mà ai kia chớ Huỳnh Thúc Kháng thì chỉ đứng một mình, không dính vào “phiệt” nào, mà đã trải đời lâu rồi, có làm điều gì chỉ theo mệnh lệnh ông thần lương tâm thôi, không khi nào vì những lời khiêu kích vụn vặt kia mà vội làm những câu chuyện đua nhau trong vách để bia cười cho kẻ khác đâu !

Câu chuyện trả lời bức thơ ngài đến đây là hết. Còn câu ông Trần Chuy thêu dệt, thì hai bài kia còn sờ sờ đó, ai có mắt cũng trông thấy, tôi không phải biện nữa. Nhan Hồi ăn vụng, Tăng Sâm giết người, xưa nay hiền triết bị vu cũng thường, huống trong đám văn sĩ ta ngày nay cũng thường thấy những lối nói vu ấy : “Dân lấy ăn làm trời” mà vu cho ông Mạnh Tử nói, câu đối “Hoài Việt thủy Yên Ngô thị sơn chi nhơn” mà vu cho cụ Ngô Đức Kế đặt, thì “trách nhà báo T.C. dung chứa ông Phan Khôi”, mà vu cho câu nói ấy là của Huỳnh Thúc Kháng cũng không lạ gì.

(hạ lược)[2]

HUỲNH THÚC KHÁNG

   




Chú thích

  1. Thư recommandée : thư bảo đảm
  2. Chữ "hạ lược" đặt trong ngoặc có lẽ của tòa soạn Công luận, ý nói báo này lược bớt đoạn cuối bài của Huỳnh Thúc Kháng