Về việc Phan tiên sanh bị Đuốc nhà Nam phỉ báng

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Về việc Phan tiên sanh bị Đuốc nhà Nam phỉ báng  (1930) 
của Bùi Thế Mỹ

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6201 (21.7.1930)

Luôn trong hai số vừa rồi, bạn đồng nghiệp Đuốc nhà Nam đều có công kích một người viết bài giúp cho chúng tôi là Phan Khôi tiên sanh. Công kích bằng một cách tàn nhẫn lạ thường, đến nỗi trên kia tôi không muốn gọi là “công kích” mà gọi là “phỉ báng”.

Vả người ta chẳng phải vua Nghiêu vua Thuấn, thì sao được trọn lành, cho nên dầu cho có vì lẽ gì mà Phan tiên sanh bị công kích, sự đó tôi cũng không lấy làm lạ.

Tôi chỉ lạ sao đến cái năm “một ngàn chín trăm ba mươi nầy” mà trong báo giới Việt Nam chúng ta lại còn có kẻ nỡ đem những chuyện không đâu để bôi nhem vẽ nhọ cái danh dự của kẻ khác, tuồng như họ hiểu rằng sự tranh biện trong làng văn với sự khuynh loát cá nhơn, hai cái cũng là một.

Nếu chẳng thế thì sao trước khi viện dẫn những chuyện riêng tích vặt để vua cáo cho người ta, lại không chịu khó chống viết xuống bàn, gác tay lên trán mà thử hỏi lại lương tâm, – Lương Tâm là một vị quan tòa rất công chánh, - hỏi lại lương tâm thử mình định vu cho người ta như vậy là đáng hay không đáng ?

“Chơi dao có ngày đứt tay”, ngày nay mình lập tâm đem những chuyện mà chính mình vẫn biết là gian dối để hãm hại người ta, thì chưa chắc gì đã hãm hại ai được, nhưng nếu mai kia mốt nọ hoặc có kẻ khác cũng nhẫn tâm mà dùng cái thủ đoạn đê mạt ấy để đối đãi với mình, thì khi ấy trong bụng mình mới nghĩ ra làm sao ?…

Ròng rã mấy năm trời, chen lộn trong trường văn trận bút, tôi cũng biết rằng cái cách công kích dơ bẩn thấp hèn như thế, ba bốn năm về trước đây vẫn được sùng thượng bởi nhiều ông “ký giả” ở Sài Gòn ta lắm.

Song le, sao dời vật đổi, chỉ trong khoảng vài năm mà báo giới xứ ta đã bước được một bước dài ở trên con đường tiến bộ, chẳng những tiến bộ về hình thức, mà thật đã tiến bộ cả về tinh thần nữa.

Ấy là một cái triệu chứng mà gần đây có nhiều nhà thức giả ở trong xứ đã lấy làm mừng thầm.

Tức như cuộc bút chiến của quý báo Đuốc nhà Nam và tệ báo vừa rồi[1], nếu kể kịch liệt thì có kịch liệt thật, song mà trong sự kịch liệt thủy chung vẫn giữ được cái vẻ đúng đắn, phưởng phất giống với những cuộc tranh luận của những tờ đại nhựt báo để tuyên truyền chủ nghĩa của người Pháp hoặc của người Tàu.

Không dè đâu đương giữa cuộc tấu nhạc rất êm ái, điều hòa, bỗng dưng lại có kẻ “lạm vu” mà làm cho trống xuôi kèn ngược, thì tôi lấy làm lạ quá và tiếc quá !

Thật vậy, tự như con mắt tôi trông thấy, thì hai bài công kích đã đăng ở Đuốc nhà Nam vừa rồi, chẳng những lời lẽ không được thanh bai, mà lý sự lại càng có lắm chỗ sái hẳn với chơn lý.

Nhưng dẫu sao đi nữa, tôi tin rằng một ngòi bút vững vàng như ngòi bút của Phan tiên sanh, da dĩ lại nhờ có con mắt tinh đời như con mắt của các bạn độc giả bây giờ, thì trên chỗ mực đen giấy trắng, cũng đủ làm cho cái yến sáng của Chân Lý được thủng thẳng mà bày ra, dầu ai có muốn che lấp mà cũng không thể che lấp đặng.

Vậy đối với những chỗ sai lầm mà không dính líu với tôi, thì tôi hẵng không nói đến. Duy có một điều mà tôi cần phải cải chánh ngay, ấy là chỗ Đuốc nhà Nam nói về chuyện Phan tiên sanh và tôi ở Trung lập báo bây giờ và Đông Pháp thời báo khi trước.

Tôi xin nói mau rằng câu chuyện ấy tôi mới được nghe bạn đồng nghiệp nói ra lần nầy là lần thứ nhứt.

Tôi lấy làm lạ sao bạn đồng nghiệp lại biết rõ những chỗ ẩn vi trong tòa soạn báo Đông Pháp hơn tôi là kẻ đã ngồi ở trong tòa soạn ấy !

Bạn đồng nghiệp đã có lòng mét cho như vậy, tôi xin cảm ơn ; song tôi thề rằng tôi không thể tin được cái tâm lý ấy là tâm lý của Phan tiên sanh đối với tôi.

Đến như từ khi tôi đởm nhận công việc biên tập ở tệ báo đến giờ, thì Phan tiên sanh chỉ ngồi nhà mà viết giúp bài cho chúng tôi chớ không hề bước cẳng đến tòa báo. Như thế mà bạn đồng nghiệp lại khinh suất gia cho chúng tôi mấy chữ “tranh danh đoạt lợi” thì tuy không phải là bạn đồng nghiệp có ác ý gì với chúng tôi, song hẳn là bạn đồng nghiệp chưa rõ thấu cái tình cảnh (la situation) mà tôi vừa mới chỉ ra ở trên đó.

Vả “danh” gì đây ? “lợi” gì đây ? mà kêu rằng “tranh đoạt” chớ ?

Than ôi ! Nếu cái quan niệm về danh lợi của các bạn đầu xanh tuổi trẻ chúng ta mà chỉ đến như thế, thì chẳng cũng đáng buồn cho cái hậu vận của nước nhà lắm ru ?…

Bạn đồng nghiệp hãy xét lại.

BÙI THẾ MỸ

   




Chú thích

  1. “Tệ báo” là cách nói khiêm nhún về tờ báo của mình. Lúc này Bùi Thế Mỹ đang là Chủ bút Trung lập