Bước tới nội dung

Việt Nam phong tục/II.15

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

XV.— LỆ KÍNH BIẾU

Việc sự thần, khi tế tất, đồ lễ vật đem ra, trước hết làm phần biếu các hạng, còn đâu mới phá ra làm cỗ làm phần, cả làng đồng hưởng.

Đại để bò lợn thì biếu tiên chỉ cái sỏ, hoặc cái khoanh bí (cái cổ bò, cổ lợn), gà thì biếu một đùi. Tế cỗ chay thì biếu một cỗ xôi hoặc một cỗ bánh chính hiến (cỗ tế thần chính vị).

Còn thứ chỉ và các hạng khoa trường chức sắc dưới tiên chỉ thì biếu cái khoanh bí hoặc cái giò lợn hay là cái bắp bò. Nếu trong làng không có ai là khoa trường chức sắc thì biếu nhất nhị hạng kỳ mục hoặc người thượng hạng bô lão.

Mỗi lễ biếu phải có một đĩa xôi, chục miếng trầu hoặc năm, ba quả cau.

Có nơi chỉ người đỗ đại khoa và người làm quan tam tứ phẩm trở lên mới được ăn biếu sỏ bò, sỏ lợn; đỗ trung khoa và lục thất phẩm trở lên mới được ăn biếu khoanh bò, khoanh lợn, đỗ tiểu khoa và cửu phẩm trở lên mới được ăn biếu giò lợn, bắp bò. Nếu không có hạng nào thì thứ ấy để chung cả quan viên cộng hưởng, mà nếu khoa trường chức sắc nhiều quá thì cũng ăn chung trong các phần ấy mà thôi. Ví dụ trong làng có một ông nghè thì một mình ăn một cái sỏ, độ ba ông nghè thì cũng ăn chung một cái sỏ ấy, một ông cử thì một mình ăn một cái khoanh, độ ba, bốn hoặc nhiều người thì cũng ăn chung một cái khoanh ấy, v.v...

Người vào tế chủ và người tả văn, trừ ra hạng khoa trường chức sắc còn chỉ được ăn biếu một miếng thịt hoặc dăm, ba quả cau.

Các người dự vào hàng trợ tế, được ăn biếu chung một miếng thịt bụng, gọi là miếng nầm, hoặc được biếu chung một vài cỗ.

Hàng lý dịch kỳ cựu ai làm đủ lệ làng, cũng được biếu miếng thịt hoặc năm, ba miếng trầu.

Hàng lý dịch đương thứ thì được biếu chung một vài cỗ. Các người binh đinh, các người khách ngoại có lễ vật đem đến lễ thần, mỗi người cũng được biếu một miếng thịt nhỏ, hoặc một phẩm oản, hoặc một vài quả cau tùy tục riêng từng làng.

Các làng nhiều người được ăn biếu, có khi biếu hết quá nửa sính lễ, còn cả làng chỉ được ăn một nửa mà thôi.

*

* *

Xét cái tục kính biếu của ta cũng là để tỏ cái lòng kính trọng người có danh giá, nghĩa là muốn làm cho hậu phong tục mà để khuyến khích người khác. Vậy thì cái đùi gà, cái má lợn của dân làng, tức là cái lòng tôn quí của dân làng. Cho nên lắm ngưòi coi miếng thịt biếu dù to dù nhỏ thế nào cũng là quí. Hễ được biếu thì lấy làm vinh, mà không được thì lấy làm sỉ nhục. Chẳng những bọn ngu si tranh giành nhau từ quả cau miếng trầu, mà dẫu đến người có học thức, cũng chưa khỏi được tranh hơi tranh khí với đám hương thôn, ấy cũng là một thói xấu vậy.

Lại còn lắm làng bày ra nhiều cách biếu xén, nào biếu sỏ, nào biếu khoanh, nào biếu đùi, biếu thịt, có nơi biếu đến hai ba mươi người, đàn anh xâu xé nhau ăn quá nửa, ấy lại là một tục rất nhảm nữa.

Trong dân xã theo tục đã quen, lệ kính biếu cũng chưa có thể bỏ ngay được, nhưng tưởng nên dùng cách nào cho thanh lịch, cốt để tỏ cái lòng kính trọng của làng là đủ, hoặc năm mười quả cau, hoặc một vài phẩm oản cũng được, mà biếu thì chỉ nên biếu một hai người tiên thứ chỉ, còn hàng dưới thì mỗi người một miếng trầu cũng xong. Sự ăn uống nên giảm bớt đi, cho con em đỡ phải khổ sở về đóng góp, mà cũng khỏi mang tiếng rằng chỉ vì nắm xôi miếng thịt mà tranh nhau.

Vả lại người kiến thức, nên để lòng nghĩ đến điều cao xa, chớ quản gì tục nhỏ nhen, dù biếu dù không, có quan hệ gì đến danh dự. Làm đàn anh trong làng, chỉ nên trù nghĩ cách nào cho dân đàn em được yên nghiệp làm ăn, dân làng được giàu thịnh, chỉnh đốn làm sao cho được theo đời các cách văn minh, ấy thế mới là danh dự, ấy thế mới đáng là đàn anh.