Bước tới nội dung

Việt Nam phong tục/III.37

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

XXXVII.— CÁCH PHỤC SỨC

Cách phục sức của ta, phần nhiều là theo lối nước Tàu, từ đời Hán, Đường đến bây giờ.

Vua quan có phẩm phục, binh lính có nhung phục, thường dân có lễ phục. Phẩm phục mặc những khi triều hạ lễ bái, nhung phục mặc những khi chiến trận thao luyện, lễ phục mặc những khi tế tự. Ngoại giả là những thường phục, mặc các ngày thường.

Phẩm phục mũ áo, đai, mãng, xiêm, ủng, từ vua chí quan, tự nhất phẩm chí cửu phẩm, đều có phân biệt màu sắc và từ vàng bạc gấm vóc tơ lụa cho chí kiểu vẽ sợi thêu cũng khác nhau. Nhung phục của các quan võ thì cũng tùy phẩm tước mà phân biệt, còn binh lính toàn mặc một đồ áo nỉ, có bác cổ bác tay và có nẹp quanh áo, cũng chia ra các màu sắc. Lễ phục của thường dân thì mũ ô-sao áo giao-lĩnh, hia ủng vải, mà thứ gì cũng toàn sắc thâm.

Còn như thường phục thì ai ai cũng đội khăn, mặc áo chẽn, đi giày mà thôi.

Thường phục của ta khi xưa cũng có phép, như quan viên mới được mặc đồ gấm vóc tơ lụa, thường dân chỉ được mặc đồ vải. Bây giờ không cứ gì cả, ai muốn ăn mặc thế nào cũng được.

Lối thường phục hiện bây giờ, trừ ra ít người ăn mặc theo kiểu Tây, còn kiểu mẫu riêng của nước ta, thì suốt nước già trẻ, đàn ông, đàn bà toàn theo một cách, chỉ khác nhau dài hay vắn, rộng hay hẹp và khác nhau bằng tơ lụa hay bằng vải, mầu thâm hay mầu trắng mà thôi.

Đàn ông phần nhiều là đội khăn lượt thâm. Trời rét bịt thêm khăn nhiễu quàng đầu quàng cổ. Áo trong có áo cánh lót thịt, áo ngoài dùng toàn mầu thâm, trời nóng mặc áo sa, the, lụa, xuyến, hoặc vải nâu, trời rét mặc áo kép, áo bông, hoặc bằng vải, chỉ dùng một mầu trắng, mà phần nhiều là quần vải cát bá, dây lưng phần nhiều bằng sồi, hoặc lượt, hoặc nhiễu; giầy thì hết thảy là giầy hở gót, mũi nhái, da láng hoặc da me. Nón đội thì là nón dứa, nón sơn, nón lông, ít nay thì che ô nhiều.

Đàn bà vấn khăn thâm, hoặc lượt, hoặc nhiễu, hoặc vải nâu, trời rét bịt thêm cái khăn vuông bằng vải nâu, hoặc bằng xuyến thâm. Ở Trung-kỳ và Nam-kỳ thì đàn bà bới tóc bịt khăn vuông, chớ không vấn khăn như người Bắc-kỳ. Yếm cổ xây hoặc cổ viền, dùng mầu trắng nhiều hơn cả; người Nam-kỳ không mặc yếm, có áo nịt lót thôi. Áo cũng dùng mầu thâm hoặc mầu nâu nhiều, duy người ăn chơi hoặc con hát mới mặc các thứ mầu xanh đỏ. Quần phần nhiều mặc quần sồi, lĩnh thâm, đôi khi cũng có người mặc quần nhiễu đỏ; ở Nam-kỳ và Trung kỳ thì người phong lưu mặc quần nhiễu trắng, chốn quê mặc quần vải xanh, Nam Trung-kỳ và các nơi phường phố, đàn bà thường hay mặc áo cài khuy, ít thắt lưng; ở nhà quê thì thường thắt lưng ra ngoài áo, bỏ xuống hai múi dài. Giầy dép, người phong lưu đi hài thêu, hoặc giầy nhọn mũi, người thường đi dép cong sơn bóng bọc nhung, hoặc guốc sơn dầu sơn đen, kẻ hà tiện đi dép quai một. Nón thì đội nón Nghệ quai thao là quí nhất, còn thường thì đội nón bẻ, nón lòng chảo, cũng nhiều người đã che ô.

Ấy là đồ thường phục; còn đồ hiếu phục thì khăn áo dùng đồ sô gai chàm, xám, ít nay nhiều người dùng vải thâm, vải trắng để thế đồ chàm xám cũng tiện.

Còn về đồ trang sức thì đàn ông đôi khi mới có người đeo nhẫn vàng ngón tay, hoặc một bộ khuy áo vàng. Về phần đàn bà thì tai đeo vành khuyên, hoặc nụ thông, cuống giá, cổ đeo chuỗi hạt huyền, hoặc hạt vàng, hoặc vòng kiềng, hoặc dây chuyền, các ngón tay đeo nhẫn khẩu, nhẫn lá hẹ, cổ tay đeo xuyến, hoặc vàng, hoặc bạc mạ vàng, hoặc để trơn, hoặc trổ chạm, hoặc ráp thêm mặt kim cương, mặt thủy xoạn; ở dưới dây lưng lại đeo bộ xà tích bạc.

Trẻ con thường hay cho đeo vòng cổ vàng hoặc bạc, lại kèm thêm cái khánh khắc bốn chữ « tràng sinh bản mệnh », hoặc cái khóa bạc nhỏ, hoặc tiền vàng tiền bạc, một vài cái vuốt cọp nạm bạc hoặc đeo cái lưỡi tầm xét đồng v.v... Vòng tay vòng chân thì thường đeo kèm thêm quả bầu nhỏ.

*

* *

Trong cách ăn mặc của ta, không kể gì bằng vóc nhiễu hoặc bằng vải bông, cũng không kể gì dầy hay mỏng, đó là tùy nơi hàn nhiệt, tùy người giàu nghèo mà khác nhau, chẳng có hề gì. Song cứ coi cái dáng dấp, trừ ra quen mắt cho là được thì thôi, chớ nói đến sự gọn gàng, sự hoa mỹ thì chưa được. Quần áo cốt cho hợp cách vệ sinh, lại phải cốt cho gọn gàng dễ làm việc. Ta ăn mặc một cách lụng thụng lướt thướt, tuy trong mình thư thái dễ chịu nhưng thực là không tiện cho những việc làm ăn, và lại làm mất cả cái dáng hùng dũng của đàn ông nữa. Đàn bà thì chí cho bằng xinh xang lấy dáng, mà ta thì chỉ đến cái khăn vận cho xinh, cái áo mặc cho gọn, cái đường ngôi rẽ cho thẳng, cái mái tóc chải cho trơn là cùng, chớ không còn cách nào trang sức cho lịch sự hơn nữa.

Thử coi các nước, có nước nào ăn mặc như ta không? Nước nào thì đàn ông cũng áo phải ngắn, quần phải hẹp thì mới gọn, mới ra dáng khỏe mạnh; đàn bà thì quần áo phải hoa mỹ, phải xinh xang, thì coi mới đẹp mắt. Thiết tưởng cũng có một khi nên cải lương cho hợp với trình độ văn minh hoàn cầu.

Còn như nón đội, giầy dép đi, tưởng cũng nên đổi dần kiểu cách khác thì mới tiện, chớ đội nón bẻ, nón Nghệ, lù lù như cái nong trên đầu coi khí ngộ quá đi, đi dép bụi lấm chân, kéo lê một cái thì đứt quai, mà đi không khéo thì vấp ngã, cũng là chưa tiện.

Song trước khi cải lương, tưởng lại có người học được nghề dệt vải thuộc da của Âu-châu thì mới có cơ đổi được.

*

* *