Bước tới nội dung

Việt Nam phong tục/III.6

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính
VI. CHỦ NHÀ, NGƯỜI Ở

VI.— CHỦ NHÀ, NGƯỜI Ở

Nhà phong lưu nuôi đến ba, bốn đầy tớ, nhà phú quí có khi nuôi đến vài chục người. Đầy tớ trai dùng để hầu hạ sai khiến gọi là thằng cam, thằng quít, thằng nhỏ, dùng để thổi nấu gọi là thằng bếp. Ở nhà quê cứ đến mùa cày cấy thì mới nuôi để làm ruộng, gọi là kẻ đi ở mùa. Đầy tớ gái già có tuổi gọi là vú già; người trẻ tuổi nuôi cho con bú gọi là vú em, những đứa nuôi để hầu hạ đàn bà gọi là con nhài, con nụ.

Bọn đầy tớ toàn là kẻ nghèo khó mới đi ở, tùy chủ nhà chi công tháng hoặc nuôi ăn, nhiều ít thế nào, miễn là đôi bên bằng lòng thì thôi.

Đầy tớ ở với chủ nhà phải thực thà, phải siêng năng, phải trước sau một lòng, mới là có nghĩa. Mà chủ nhà với đầy tớ thì nên ở cho có lượng khoan dung nhân từ, đừng cay nghiệt quá, đừng hành hạ quá. Khi kẻ ăn người ở có tật bệnh thì cũng nên trông nom thuốc thang cho nó, chớ đừng nên như câu tục ngữ: « Khỏe mạnh thì ở cùng bà, đau mình sốt mẩy đi ra ở cầu ». Khi nó có công việc hoặc có hoạn nạn gì thì nên giúp đỡ cho nó ít nhiều. Nó có lỗi to mới quở mắng trừng trị, nếu lỗi nhỏ thì nên ngơ đi cho nó, thế mới là lượng kẻ cả bao dung.

*

* *

Đầy tớ là kẻ chẳng may cô cùng sa sút, mới phải đi ở với mình, thì mình làm chủ nhà, phải có lòng thương nó chớ đừng nên khinh nó quá, mà ngược đãi làm chi. Lời phương ngôn: mất tiền mua mâm bà đâm cho thủng, mất tiền mua bát bà đập cho tan, là một điều rất ác-nghiệt, chớ nên bắt chước lời đó. Kẻ đầy tớ cũng phải nghĩ cái phận mình, chẳng may sinh vào cửa hèn hạ, hoặc cảnh khốn nạn phải đem thân làm tôi đòi người ta, mà lại gặp được chủ có lòng thương yêu, có lượng rộng rãi thì phải hết lòng mà ở với chủ. Nếu chỉ biết cơm nhà chúa múa tối ngày, hoặc chỉ ích kỷ sống chết mặc bây tiền thầy bỏ đẫy, thì là một kẻ bất nghĩa, mang tiếng chê cười. Còn kẻ lừa thầy phản chủ lại là kẻ tối bất lương, muôn đời ai ai cũng chửi.