Bước tới nội dung

Việt Nam phong tục/III.8

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

VIII.— NHO GIÁO

Nước ta sùng trọng nhất là Nho giáo. Nguyên ủy Nho giáo lưu truyền kể cũng đã lâu: Bắt đầu từ vua Phục Hy chế ra bát quái, vua Hạ-Vũ dựng ra cửu trù, đã là gốc triết học của Nho giáo; Điển, mô, huấn, cáo là những lời khuyên răn của Đại-Vũ, Cao-Dao, Y-Doãn, Phó-Duyệt, đã là gốc luân lý học của Nho giáo; Nghiêu, Thuấn đặt ra điển hình, Châu-Công chế ra lễ nhạc, đã là gốc chính trị học của Nho giáo.

Đến đời Xuân-Thu có Đức Khổng phu Tử, ngài góp nhặt các lời lẽ, văn chương của các tiền thánh để dạy thiên hạ, từ đó mới thành lối học riêng gọi là Nho giáo. Mà muôn đời về sau, ai ai cũng suy tôn Ngài là Tiên-thánh, Tiên-sư.

Ngài húy là Khâu, biểu tự là Trọng Ni, Thánh phụ là Khổng-gia-Phủ, tự là Thúc-Lương-Ngột, làm quan nước Lỗ. Thánh mẫu là Nhan Thị, cầu tự ở núi Ni-sơn mà sinh ra ngài. Ngài sinh ngày hai mươi bảy tháng tám năm Canh Tuất là năm thứ hai mươi mốt đời vua Linh Vương nhà Châu, trước Thiên Chúa giáng sinh 445 năm, sinh tại làng Xương-bình huyện Khúc-phụ, nước Lỗ.

Ngoại thư chép rằng : Khi ngài mới sinh, có năm ngôi sao hiện làm năm ông già xuống sân mà thăm ngài, lại có ba con rồng phủ quanh nhà. Lời ấy là lời tục truyền, chắc là của người suy tôn đạo ngài, bày ra một điểm linh dị, để phân biệt với người thường.

Hồi ngài còn nhỏ, hay chơi những đồ biển đậu (như các thức đèn nến trẻ con chơi). Ngài bẩm tính sinh tri, thiên tư rất thông minh, học rộng kiến văn nhiều, biết thấu lẽ huyền diệu của tạo hóa. Vua nước Lỗ, nghe tiếng ngài là bực hiền thánh dùng ngài làm quan Tư-khấu (coi việc hình) và đã dùng ngài làm tướng, song chẳng bao lâu, vua nước Lỗ đam mê về vũ nhạc, trễ nải việc triều chính, ngài can ngăn không được mới xin từ chức.

Từ đó ngài đi chu du các nước chư hầu như: Tề, Vệ, Sở, Tống, v.v... Ngài mong đem đạo học của ngài để cứu đời, nhưng đi đến nước nào vua nước ấy cũng không biết tin dùng ngài. Đến khi ngài già, trở về nước Lỗ, mở trường học ở nơi Hạnh Đàn để dạy học trò. Ngài san định lại kinh thi, kinh thư, kinh dịch, kinh lễ, kinh nhạc, kinh xuân thu, gọi là lục kinh (sáu bộ sách). Ngài dạy người ta cốt nhất là những điều hiếu, đễ, trung, thứ, tu, tề, trị, bình. Hiếu để thờ cha mẹ cho có lòng thảo thuận, đễ để ở với anh em cho có lòng hòa thuận, trung để thờ vua cho hết lòng, thứ để ở với người ngoài cho biết suy bụng ta ra bụng người, tu là sửa cái nết trong mình, tề là đạo tề gia, trị là đạo trị nước, bình là đạo trị thiên hạ.

Tám điều nói đó là tôn chỉ của đạo ngài. Ngài lại dạy người ta lấy lục nghệ (sáu nghề). Lục nghệ là: Lễ (lễ nghi), nhạc (âm nhạc), xạ (phép bắn cung), ngự (phép cưỡi ngựa), thư (phép viết), số (phép tính). Lễ tức là một cách để giao thiệp, nhạc để dưỡng tính tình, xạ, ngự tức là các thể thao, số tức là toán pháp.

Học trò ngài đông tới ba ngàn người mà vào bực cao hiền được bảy mươi hai người. Trong bọn cao hiền lại duy có Nhan-Hồi, Tăng-Xâm là giỏi hơn hết.

Ngài thọ 73 tuổi thì mất, bấy giờ là ngày 18 tháng hai năm Nhâm Tuất là năm thứ 41 đời vua Kính Vương nhà Châu trước Thiên Chúa giáng sinh 373 năm.

Ngài mất rồi, thì học trò lập đền thờ ngay ở chỗ nhà ngài. Thầy Tăng Tử chép lời ngài soạn ra sách Đại Học, các học trò ghi chép lời ăn nết ở của ngài soạn ra sách Luận Ngữ, để truyền đạo giáo của ngài. Kế đến cháu ngài là thầy Tử Tư soạn ra sách Trung Dung, cách đời ngài 110 năm lại có thầy Mạnh Tử soạn ra sách Mạnh Tử cũng toàn là phát minh thêm đạo ngài, để truyền bá đi thiên hạ mà dạy người.

Từ đó thì đạo Nho mỗi ngày lưu truyền một rộng. Đến đời vua Cao-Tổ nhà Hán, mới lên ngôi vua, trước hết dùng lễ thái lao (một con trâu, một con bò và một con dê) thân đến tế ngài tại nơi nhà thờ. Các vua sùng đạo Nho từ trước đấy. Đến đời vua Vũ-Đế, đặt quan Bác sĩ đem năm kinh của ngài ra để dạy thiên hạ (vì kinh Nhạc đã mất từ khi nhà Tần đốt sách, cho nên chỉ còn năm kinh). Lại chuyên tôn đạo Khổng Tử mà bỏ cả sách vở của các nhà (như Lão Tử, Trang Tử, Dương Tử, Mặc Tử, v.v...) vì thế đạo Nho lại thịnh hơn nữa, mà từ đó mọi cách chính trị, đạo luân lý, khoa triết học của Tàu, nhất thiết đều tuân theo đạo Nho.

Trên thì có nhà vua tôn sùng, dưới thì có các nhà hiền triết đặt ra lời bàn câu nói, soạn ra sách nọ sách kia, đều để phát minh thêm cái nghĩa đạo Nho. Như là nhà Hán thì có Đổng Trọng Thư, Giả Nghị, Lưu Hướng, Trịnh Khang Thành; nhà Đường thì có Hàn Dũ, Liễu Tôn-Nguyên; nhà Tống thì có Chu Liêm Khê, Trình Minh Đạo, Trương Hoành Cử, Chu Khảo Đình, v.v... Các bậc ấy đều là danh nho một đời, có công duy trì đạo thống rất nhiều.

Nguyên, Minh trở về sau: đạo Nho lại càng thịnh hành. Quận ấp nào cũng có miếu thờ ngài gọi là Văn Miếu. Đâu đâu cũng tôn ngài là Chí thánh tiên-sư.

Nho giáo thịnh hành ở Trung-quốc rồi truyền gần khắp Á-đông; mà nước ta từ lúc nội thuộc nhà Hán, người Trung-quốc như ông Sĩ-Nhiếp, ông Tích-Quang đã đem đạo Nho mà rải rác sang nước ta. Đến đời vua Thánh Tôn nhà Lý mới lập Văn miếu (tức đền Giám Hà-nội bây giờ) thờ Tiên thánh; thờ kèm thầy Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử, gọi là Tứ phối; bọn thầy Tử-Cống, Tử Hạ cả thảy mười người, gọi là Thập triết. Ở ngoài hai bên tả mạc hữu mạc, thì thờ các vị cao hiền và thờ các bậc tiên hiền tiên nho từ đời nhà Hán, Đường cho đến nhà Nguyên, Minh. Các người ấy toàn là người Tàu, người nước ta thì sau mới thờ thêm ông Chu-văn-An là người làng Thanh-Liệt, huyện Thanh-Trì, ở về đời nhà Trần.

Văn miếu là một nơi duy trì đạo thống cho trong nước. Vua mỗi năm hai kỳ xuân thu dùng trọng lễ thân ra tế để tỏ lòng tôn sùng đạo ngài. Lại dùng kinh, truyện để thi học trò, dùng Nho thuật để trị thiên hạ. Các đời vua về sau, mỗi ngày mở mang thêm sự văn hóa thì đạo Nho lại mỗi ngày một thịnh thêm.

Vài chục năm nay nước ta tiêm nhiễm lối Âu-học, xem ra nhiều ý tưởng cao lạ, và nhiều sự thực nghiệm. Đạo Nho tuy cũng còn nhiều người sùng mộ, nhưng cũng nhiều người tùy thời mà theo về lối Âu-châu. Mà trong việc học hành chữ Nho cũng không được thịnh như trước nữa. Ở Sài gòn thì bây giờ không còn mấy người tinh thông chữ Nho, ở Bắc-kỳ ta có lẽ vài chục năm nữa cũng vậy. Ấy cũng là một cơ hội xoay đổi quan hệ đến vận nước hay dở mai sau.

*

* *

Đạo nho là một đạo bình thường giản dị, thuận lẽ tự nhiên của tạo hóa, và hợp với tính tình đương nhiên của người ta, ai cũng có thể noi theo được. Người mà có Nho học, thì nên một người có nết na, có phép tắc, có lòng nhân ái. Nước mà dùng Nho đạo, thì nên một nước có kỷ-cương, có thể thống; dễ cho việc cai trị, mà nhân dân cũng được hưởng hạnh phúc hòa bình.

Duy có một điều triết-lý thì nhiều điều viển vông, mà khiến cho người ta khó hiểu, thủ lễ thì lắm sự câu thúc, mà khiến cho người ta khó theo. Tính tình thì chuộng một cách êm ái hòa nhã, khiến cho dân khí nhu nhược, không được hùng dũng hoạt động như tính người Âu-châu, nhu dụng thì chuộng một cách tiết kiệm tầm thường, khiến cho kỹ-nghệ thô sơ, không được tinh xảo phát đạt như các nước Thái-Tây. Nói rút lại thì đạo Nho là một đạo tự trị thì rất hay, mà đem đối với đời cạnh tranh thì không mạnh. Còn như các thói hủ bại, phần nhiều là bởi tự người làm nên tệ, chớ không nên đổ cho tại Nho-giáo.

Tuy vậy, nước ta cũng nhờ có Nho học, mới theo được các cách văn minh của Tàu, mà nên một nước có văn chương, có chính trị, có luân thường, có học thức. Nếu trước khi chưa có Âu học, mà lại không có Nho học, thì nước ta chẳng qua cũng là một nơi mọi rợ mà thôi. Vậy thì công Nho giáo truyền sang nước ta rất to, dẫu khi nào nhờ được Âu-học mà nên một nước thịnh vượng hơn trước, ta cũng không nên quên cái công ấy. Vì cái công ấy đã mở mắt trước cho ta, ví như đứa trẻ thơ, trước nhờ một ông thầy dạy bảo cho mở một đôi chút trí khôn, về sau dẫu có nhờ được ông thầy khác, học được thêm khôn thêm khéo, thì cũng không nên quên hẳn công ông thầy trước.

Vả cứ theo đạo Nho mà dùng cho khéo, bỏ những điều câu thúc hủ bại, mà đem cách trí, tư tưởng mới để bổ vào những nơi khuyết điểm thì cũng nên được một nước phú cường thịnh vượng, mà có lẽ lại hay hơn nữa.

Tôi thấy gần nay các ông cựu nho, thở vắn than dài riêng với nhau rằng đạo Nho ta suy đồi, sắp đến ngày tuyệt diệt.

Tôi thiết tưởng vật gì lâu ngày cũng phải mục nát, mà đạo nào có lúc thịnh cũng có lúc suy. Huống chi một thời biến đổi, là một cơ hội của tạo hóa xoay vần, cái nền cũ có đổ nát, thì mới gây nên được cái nền mới. Vậy thì hội này chính là dịp tấn hóa của nước ta vậy.