Bước tới nội dung

Yêu sách của nhân dân An Nam

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Yêu sách của nhân dân An Nam  (1919)  của Hồ Chí Minh, do No Name dịch
1

Yêu sách của nhân dân An Nam là bản yêu sách được gửi ngày 18 tháng 6 năm 1919, của Hội những người An Nam yêu nước, gồm tám điểm được viết bằng tiếng Pháp, được ký bằng cái tên chung là "Nguyễn Ái Quốc" và gửi tới Hội nghị Hòa bình Versailles.

Gửi đến Ngài, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại diện cho Hội nghị Hòa bình Versailles (Ngài Robert Lansing).

Thưa Ngài,

Chúng tôi xin mạn phép đệ trình đến Ngài bức thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam nhân dịp chiến thắng của phe Đồng minh. Chúng tôi tin vào lòng tốt và sự tôn trọng những lời thỉnh cầu của chúng tôi bằng sự ủng hộ của Ngài bất cứ khi nào chúng tôi có cơ hội. Chúng tôi mong Ngài độ lượng chấp nhận sự tôn trọng sâu sắc của chúng tôi.

Bởi chiến thắng của quân Đồng minh, tất cả các dân tộc thuộc địa đang thắp lên hi vọng với viễn cảnh về kỉ nguyên của chính nghĩa và công lí, được bắt đầu bằng lời hứa hẹn trang trọng về sự xác lập thế giới bởi những cường quốc khác nhau và hiệp ước giữa các cường quốc văn minh với các nước dân tộc còn lại.

Trong khi chờ cho nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực lý tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực do chỗ quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thật sự, nhân dân nước An Nam trước kia, nay là xứ Đông-Pháp, xin trình bày với các quý Chính phủ trong Đồng minh nói chung và với Chính phủ Pháp đáng kính nói riêng, những yêu sách khiêm tốn sau đây:

1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;

2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;

3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;

4. Tự do lập hội và tự do hội họp;

5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;

6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;

7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;

8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của "người bản xứ”.