Bước tới nội dung

Đôi điều nên biết về Nho giáo

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Đôi điều nên biết về Nho giáo  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông tây, Hà Nội, số 100 (26.8.1931); số 102 (2.9.1931); số 103 (5.9.1931); số 108 (23.9.1931)

I. Cái thâm ý tôi định đem những điều ấy cống hiến cho học giới nước ta

Bắt đầu đã mười năm nay, tôi có ý viết ra một cuốn sách kêu là Nho giáo nguyên lưu, để dâng cho người nước ta, cả cựu học lẫn tân học, cái tri thức của tôi về Nho giáo. Trong cuốn sách ấy, tôi định kể rõ cái lịch sử của Nho giáo từ Khổng Tử đến các nho nhà Thanh: ban đầu sự sáng lập thế nào; kế đó, biến thiên thế nào; sau hết là đến ngày nay đây, cái địa vị của nó ra sao; tôi chỉ theo chứng cứ, dùng khách quan mà diễn thuật ra, chớ không làm như những người hiến mình ra mà phù trì thánh đạo, viết sách để bênh vực cho Nho giáo. Tôi muốn như vậy mà dần dà cho đến ngày nay vẫn chưa làm được.

Sở dĩ tôi chưa làm được là vì có nhiều cớ. Mà nhất là vì trong đó có nhiều chỗ tôi đương còn hồ nghi, phải nán đợi đến ngày nào đã giày công nghiên cứu, có thể giải quyết được những chỗ đó, tôi mới dám làm.

Trong khi chờ đợi, tôi muốn trước đem những điều tôi đã biết chắc rồi mà viết ra trên báo để chất chánh cùng bậc thức giả trong học giới, tức như năm 1929, tôi có viết trên báo Thần chung nhiều bài nói về cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta, đó là một thiên, định để cho vào cuối cùng cuốn sách Nho giáo nguyên lưu của tôi sau này.

Về Nho giáo, trong đó còn có nhiều điều nên biết mà tự hồ như ở ta đây số người biết hãy còn ít lắm. Bởi vậy, về vấn đề này, tôi định viết nhiều bài, mà lấy chung một cái đầu bài là Đôi điều nên biết về Nho giáo. Và, hôm nay bài thứ nhất, tôi xin phô bày cái thâm ý, sở dĩ tôi định đem những điều ấy cống hiến cho học giới ta là thế nào.

*

* *

Nhiều người thấy hiện giờ trong nước ta, chữ Hán bị bỏ, Kinh Truyện không đem dạy trong các nhà trường, thì sợ cho Nho giáo sẽ tiêu diệt có ngày. Nhưng, tôi thì không khi nào sợ như vậy. Trái lại, tôi chắc rằng Nho giáo từ rày về sau, ở trong nước Việt Nam này, trở lại thịnh hơn ngày trước.

Sự đó chẳng những là tự tôi ước ao, mà là tự tôi cầm chắc. Nhưng cái lý do tại làm sao, thì không có thể nói một vài lời ra đây mà hết, và cái ý ấy vào đây cũng không quan trọng lắm, nên cũng không cần giải thích làm chi.

Tôi chỉ nói gọn lại rằng: Một dân tộc sống trên thế gian, không phải chuyện cậy ở cơm hay bánh mà cũng cậy ở học thuật nữa. Nước ta hơn ngàn năm nay, nhờ Nho giáo mà sống cũng như nhờ cơm, thì rày về sau lại há có thể bỏ nó đi được hay sao? Cho nên tôi quyết rằng, mặc dầu có ai dứt Nho giáo ném khỏi dân tộc Việt Nam, là nó cũng vẫn tìm nhau mà trở lại, chỉ duy cái Nho giáo ngày nay với cái Nho giáo ngày xưa phải có thay hình đổi dạng đi mà thôi.

Tại sao mà phải thay hình đổi dạng? ấy là vì sự cần. Nếu chúng ta còn cứ sùng tín Nho giáo mà là cái Nho giáo ở nước ta hơn ngàn năm nay thì quyết chúng ta phải chịu phần liệt bại trong cái thế giới cạnh tồn nay, chớ không chạy chối đi đâu được hết. Chúng ta phải biến hóa mới được.

Cái Nho giáo ở nước ta từ đời Lê đến nay, xét cho kỹ ra, là cái Nho giáo của Tống nho, chớ không phải của Khổng Mạnh. Đó là còn chưa kể tới cái hại của tục học, tức là cái học khoa cử. Cái Nho giáo của Tống nho ấy bất lợi cho ta nhiều lắm, vậy mà lâu nay ta chưa hề phân biệt ra và cũng không nhìn đến cái hại của nó thế nào.

Đối với Nho giáo ngày nay, ta phải có cái quan niệm dứt khoát và cũng phải có cái cánh tay dứt khoát. Ta phải lựa ra từng cái, cái gì của Tống nho mà trái với Khổng-Mạnh, có hại cho ta, thì ta bỏ phăng đi. Đó là một việc: xô Tống nho ra hai bên để có đường tìm tới Khổng-Mạnh.

Khi ta lựa ra những cái gì là của Khổng-Mạnh được rồi, nhưng cái nào, thấy nó không hiệp với học thuật tư tưởng của thế giới ngày nay, có hại cho ta, thì ta cũng bỏ phăng đi nữa. Đó là một việc: làm mặt lạ với Khổng-Mạnh để nhìn quen với tư triều thế giới. Như vậy rồi những cái gì là tinh túy của Khổng-Mạnh, có bổ ích cho sự sống của chúng ta, nó sẽ được vững chắc và chói sáng trong học giới nước nhà, dân tộc ta sẽ nhờ nó mà sống, và sống một cách có giá trị hơn trước. Trên kia tôi nói Nho giáo ở nước ta về sau trở lại thịnh hơn ngày trước, là nghĩa như vậy.

Mỗi khi luận về văn hóa, người ta hay khai ra cái đơn thuốc điều hòa. Tôi rất không biểu đồng tình với cái đơn thuốc ấy. Tôi cho cái gì đồng chất thì mới điều hòa được, như nước lã với rượu, còn văn hóa Đông với Tây, tôi thấy nó khác chất, như nước lã với dầu, thì điều hòa làm sao? Mặc dầu ai trộn lẫn của Đông với của Tây, mất công và mất thời giờ đến đâu đi nữa, rồi cũng không khỏi dầu đi đằng dầu, nước đi đằng nước. Bởi vậy, nếu ai cho phép tôi cũng được lạm bàn về vấn đề văn hóa thì tôi không chủ trương điều hòa mà chủ trương cải tạo.

Việc cải tạo này cũng như làm cái nhà cũ ra nhà mới. Cái nhà cũ theo lối An Nam; tôi vẫn để ý, cả cái dáng trò của nó tôi không phá bỏ, song cây gỗ nào bị mối mọt thì tôi nhất định đem chụm đi không tiếc, thay gỗ mới vào; và, lối nhà ấy có cái thông bịnh, là tối và chật, thì tôi mở thêm cửa sổ và bớt cột đi. ý kiến tôi về vấn đề văn hóa hay học thuật, đại để như vậy.

Do cái ý kiến đó, trong những bài tôi hầu viết đây, là cốt muốn chỉ ra những chỗ chật và tối cùng cây gỗ nào mối mọt trong cái nhà Nho giáo cho bà con coi. Trước hết phải coi kỹ thấy những chỗ đó rồi sau mới đặt tay vào mà cải tạo được.

Tôi phải khai thực ra rằng cái quan niệm chung về Nho giáo của người nước mình nó chẳng ra làm sao! Ai có đời, nhiều cái đã thành ra vấn đề lớn trong Nho giáo, hoặc đã giải quyết rồi, hoặc còn lòng thòng chưa giải quyết, mà ta đây chẳng hề biết đến trơn! Lại có cái, ở bên Tàu người ta đã xóa bỏ rồi mà mình ở đây còn tín phụng! Học mà như vậy thì còn mong được chút thức dụng gì ư? Tôi viết những bài này, cốt ý phô những chỗ đó ra cho ai nấy cùng xem, nhưng lấy những điều tôi biết làm hạn.

II. Cái thuyết đạo thống đã bị đánh đổ

Chúng ta hồi còn học chữ Hán mà cho đến bây giờ, những người nào có ít nhiều tri thức về Nho giáo, cũng thảy đều tin cái thuyết đạo thống của Tống nho: tin rằng cái đạo lý giữa vũ trụ xưa nay riêng về một số người cầm giữ lấy, những người ấy tức là những thánh, hiền bên Tàu từ Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Vũ, Chu Công, Khổng Mạnh rồi đến Chu, Trình, Trương, Chu là các Tống nho vậy.

Cái thuyết ấy đời xưa chửa có, mới bắt đầu có từ Tống nho. Họ kêu đạo thống, nghĩa là cái mối đạo. Họ coi đạo lý giữa vũ trụ xưa nay như là cái mối giây, các thánh, hiền trong Nho giáo nối nhau cầm giữ lấy cái đạo ấy cũng như mối giây nối nhau, cho nên gọi là đạo thống.

Lúc Trình Hạo chết, Trình Hy là em ruột, làm bài hạnh trạng cho anh mình, xưng Trình Hạo là một người nối sau Mạnh Kha, cái thuyết đạo thống gây ra từ đó; rồi đến Chu Hy, cái thuyết ấy mới thành lập một cách chánh thức vậy.

Chu Hy làm bài ký Tam Tiên sinh từ, có nói rằng:

Từ Mạnh Tử mất mà cái đạo của thánh nhân không truyền nữa… Liêm Khê tiên sinh (Chu Đôn Hy) dấy lên ở dưới trăm đời, bắt đầu tìm được chỗ bí ảo của thánh hiền… Rồi đến hai anh em Trình tiên sinh (Hạo và Hy) nối lấy.…

Lại trong bài tựa sách Trung dung tập giải cũng nói:

Sách Trung dung… sau Mạnh Tử mất thì không có người để truyền cho… Đến bổn triều (Tống), Liêm Khê tiên sinh mới tìm được cái yếu lãnh của nó mà viết ra sách. Rồi hai anh em Trình phu tử lại phát huy thêm ra và cái học ấy được bủa ra trong thiên hạ….

Lại bài tựa Đại học chương cú cũng nói như vậy:

Mạnh Tử mất rồi cũng thất truyền đi… Hai anh em Trình phu tử ra đời bèn tiếp được cái truyền của họ Mạnh…

Lại bài tựa Trung dung chương cú cũng nói:

Đến Mạnh Tử mất mà rồi thất truyền đi… May nhờ còn có cuốn sách này cho nên hai anh em họ Trình ra đời mới có chỗ tìm xét để nối lấy cái mối đã mất đi đến một ngàn năm chẳng truyền cho ai…

Cứ như cái thuyết của Chu tử đó, thấy ra có hai điều vũ đoán. Một là: theo lời nhà Nho, đạo là cái đường mà thiên hạ chung noi (đạo giả thiên hạ cộng do chi lộ dã). Đã là cái đường chung, thì trong các tôn giáo triết học khác, há lại không có thánh, hiền của họ có thể cầm giữ đạo lý được, sao lại chỉ riêng cho các thánh, hiền bên Nho được cầm giữ? Hai là: Từ Mạnh Tử đến Tống nho, cách một ngàn năm, trong ngàn năm ấy há lại không có một vị nho giả nào có thể cầm giữ được mối đạo, mà lại phải đợi đến Tống nho?

Chu tử nói như vậy, chẳng qua là do tư ý. Đã có tư ý giành độc quyền cho Nho giáo, lại có tư ý giành độc quyền cho Tống nho là đảng phái của mình. Theo lẽ công bằng trong học giới ngày nay, nhất là theo cái khuynh hướng chư thánh bình đẳng của tôi, thì sự vũ đoán ấy, sự chiếm độc quyền ấy, không còn có thể dung được nữa, nghĩa là phải đánh đổ cái thuyết đạo thống đi mới được.

Cái đạo lý giữa vũ trụ hãy còn[1] ở trong màn bí mật, các thánh hiền xưa nay mỗi người tìm mỗi cách để mà dỡ cái màn ấy, nhưng đã có ai dỡ[2] được đâu? Vậy, kẻ học, như bọn ta, nên coi đạo nào cũng như đạo nào, phải có lòng chí công ấy thì họa may có ngày mới nhờ đó mà thấy được chân lý. Chớ còn giữ cái thói vào thày ra tớ[3], ưa Nho thì nói Nho là chánh thống, ưa Phật thì nói Phật là chánh tôn, đó là cái thái độ hẹp hòi của nhà tôn giáo, mà kẻ học như chúng ta không nên có vậy.

Trước đây hơn 20 năm, tôi thấy có Tây Hồ tiên sanh cũng không chịu cái thuyết đạo thống là phải. Tiên sanh thường nói với chúng tôi rằng: Bọn ta ngày nay làm học, phải tháo cái giây chuyền đạo thống ra, bỏ cả khúc trên khúc dưới mà lấy nội khúc giữa. Nói thế, nghĩa là tiên sanh muốn dẹp đổ Nghiêu, Thuấn đừng nói tới, cũng bỏ Tống nho ra, mà chỉ tới thẳng với Khổng Mạnh thôi.

Nhưng xét theo lịch sử học thuật bên Tàu thì thấy cái thuyết đạo thống đã bị đánh đổ hơn hai trăm năm nay rồi, mà ở ta đây chưa biết! Các nho giả nhà Thanh như Nhan Nguyên, Lý Cung, Đối Chấn, Hồ Vị, không kể hết được, đều là người phản đối Tống nho rất kịch liệt. Thanh nho làm ra không biết bao nhiêu là sách, công kích Tống nho để hồi phục lại cái chân tướng của Khổng, Mạnh, mà những sách ấy viết ra một cách rất đúng với phương pháp khoa học, cho nên rất hiệp với tỳ vị học giả Trung Quốc đời bây giờ. Nhờ đó, cái thuyết đạo thống đã tuyên cáo là bị đả đảo rồi.

Trong việc đánh đổ thuyết đạo thống, có hai cha con Phí Kinh Ngu (1599-1671) và Phí Mật (1625-1701) là thống khoái trực triệt hơn hết. Trong sách Hoằng đạo của ông Phí con, có nói rằng:

Cái thuyết đạo thống, Khổng Tử chưa hề nói. Chẳng những Khổng Tử chưa hề nói mà bảy chục đệ tử của ngài cũng chưa hề nói, cho đến học trò họ cũng chưa hề nói nữa; và sau đó một trăm năm, Mạnh Tử, Tuân Tử cũng chưa hề nói bao giờ… Lưu truyền đến đời Nam Tống, các ông bèn lập riêng ra đạo thống. Từ cái thuyết ấy xướng ra, rồi cái đạo của Phục Hy, Thần Nông, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang… ngày xưa dùng mà tài thành trời đất, vỗ an nhân vật, thình lình không thuộc về vua quan nữa mà thuộc về bọn nho sanh, khiến cho kẻ luận đạo đời sau, chốn thảo dã trở lại trọng hơn chốn triều đình, lời nói suông trở lại trọng hơn sự thực!…

Lại rằng:

Cầu lấy một trong trăm phần đạo đức của thánh hiền để mà tự sửa lấy mình, như thế thì được. Chứ còn đem những lời kinh truyện ra mà điên đảo đi, xuyên tạc đi, nói bướng là thánh nhân đã nói như mình vậy đó, mình học cùng thánh nhân mà sở đắc vậy đó; rồi cho xưa nay đều không có ai biết gì ráo, chỉ có một bọn đôi ba người họ ngồi lặng yên (tĩnh tọa, là một cách học của Tống nho) mà biết được đạo thôi: sự ấy thật đức Khổng chưa hề làm, cho đến Mạnh Kha, Tuấn Khanh cũng không dám nhận; vậy mà người đời sau (Tống nho) lại dám quách đi, có phải là cả gan không? Có phải là dối mình và dối đến tiên thánh không?

Cái án của cha con họ Phí đã kết cho Tống nho đó có ảnh hưởng trong học giới Trung Hoa rất lớn. Trong quãng hai trăm năm gần đây, người Tàu theo Tống nho là vì kiêng thế lực của triều đình Mãn, nhưng ở đâu cũng có học phái nghịch với Tống nho, không tin thuyết đạo thống, mà chỉ truy tôn một mình Khổng, Mạnh.

Cho đến ngày nay, bọn Trần Trọng Viễn, chủ trưởng Khổng giáo hội cũng đã đẩy Tống nho ra ngoài cửa Khổng rồi. Tôi nhìn cho sự ấy là một điều lợi cho học thuật, nên tôi cũng rao ra cho người Việt Nam ta biết: cái thuyết đạo thống đã bị đánh đổ!

III. Cái lý học của Tống Nho đã bị trọng thương

Trong Nho giáo, từ trước kia, Khổng Mạnh cho đến chư tử khác, nói nhân, nói nghĩa, nói lễ, nói trung thứ, nói lương tri lương năng, nói gì thì nói, chớ chưa hề nói lý bao giờ. Đến các ông Tống nho dấy lên, vẫn dựa theo Nho giáo mà lại mở ra một lối triết học mới, lấy lý làm trụ cột, kêu bằng Lý học.

Trong các Tống nho, ông Chu Hy xuất sắc hơn hết, người ta cho ông là tập đại thành của chư nho, nền Lý học cũng đến ông mới thành lập hoàn toàn. Nay xin cứ theo lời ông mà giải thích chữ lý ấy.

Nguyên ông Trình Hạo có nói rằng: Cái học của tôi tuy có chỗ truyền thụ, nhưng hai chữ thiên lý thì tự chính mình tôi thể nhận ra[4]. Chúng ta coi một câu đó đủ thấy cái Lý học của Tống nho thật không phải uyên nguyên từ Khổng Mạnh vậy. Đến ông Chu Hy, ông mới phát huy thêm cái nghĩa của Trình tử. Ông nói rằng:

Lý ở lòng người, ấy gọi là tính. Lòng, là cái chỗ thần minh hội hiệp, làm chủ tể cả một thân người ta. Tính, tức là bao nhiêu đạo lý ta nhận được ở trời mà đủ ở trong lòng[5].

Câu của Chu tử đó tức là chú thích hai chữ thiên lý của Trình tử. Đại ý cũng giống với cái thuyết tính thiện của Mạnh Tử, chỉ khác nhau là bên Tống nho có thêm ra một từng lý nữa. Mạnh Tử nói tính là tính, mà Tống nho nói lý là tính.

Tống nho đã lấy thiên lý làm cái quan niệm căn bản của cái học mình, cho nên đồng thời cũng phản đối nhân dục nữa. Nhân dục tức là cái cũng phát sinh từ trong lòng người ta, mà trái nhau với thiên lý là thiện mà nhân dục là ác.

Vậy thì học là gì? Theo Tống nho thì người ta học là cốt để trừ khử cái nhân dục ấy đi mà mọi việc đều làm theo thiên lý để trở nên thiện nhân, quân tử, vào cõi thánh hiền.

Nếu vậy thì cái Lý học của Tống nho chỉ mong cho người ta làm thánh hiền, có việc gì mà bị người sau công kích? Nhưng xét ra cho kỹ thì do cái quan niệm căn bản ấy Tống nho phải chủ trương nhiều điều quá võ đoán, không hiệp với lẽ thường trong sự sinh hoạt của người ta cho nên đến Thanh nho họ mới rủ nhau công kích, mà rồi Lý học như đã bị trọng thương.

Trong bài ngắn ngắn này, tôi không có thể đem cái lý của Tống nho mà so sánh với cái tính của Mạnh Tử để cho thấy chỗ trái nhau, hay là bàn rộng ra đến chỗ Tống nho đã nói về lý một cách hàm hỗn[6]. Trong bài này, tôi chỉ có ý báo cáo cái tin Lý học bị thương đã xảy ra vài trăm năm nay ở bên Tàu mà ta đây chưa biết, nên tôi chỉ nói sơ qua về một chỗ đó mà thôi.

Các nho nhà Thanh nhiều người phản đối Lý học, nhưng kịch liệt nhất là ông Nhan Nguyên (1653-1704) và học trò ông là Lý Cung (1659-1733). Nhan Nguyên chủ trương cái học thực dụng; đối với cái học Tống nho, chỉ dạy người sáng lý mà không dạy người tập việc, ông rất không vừa lòng. Đến Lý Cung tổ thuật theo lời thầy mình, lập ngôn lại càng rõ rệt lắm. Ông nói: Đạo chỉ là thông hành, lý chỉ là điều lý. Cái mà thông hành ở trời ở người, kêu bằng đạo; chớ còn lý, thì thánh kinh ít nói đến. Trung dung nói văn lý, Mạnh tử nói điều lý, đều tỏ ra cái gì có thứ tự, có đường đất rõ ràng thế thôi. Cho đến kinh Dịch nói cùng lý tận tính, chữ lý ấy cũng chỉ là điều lý mà thôi vậy.

Những lời ấy để tỏ ra cái lý là không phải cái mà Khổng Mạnh đã chú trọng, duy đến Tống nho mới lập nó lên, tức như Trình tử nói chính mình đã thể nhận ra vậy. Còn như chỉ ngay cái lý của Tống nho là có hại thì có những lời này.

Sau họ Nhan họ Lý, có ông Đối Chấn, cũng kêu là Đối Đông Nguyên (1724-1777), ông này chẳng những chăm phá hoại cái học của Tống nho, mà có ý lập ra một nền triết học mới cho Trung Quốc. Đối với Lý học, ông từng lên một cái án như vầy:

Trong Lục kinh cùng những lời của Khổng Mạnh ít thấy có nói đến lý. Hiện nay, dầu đến người chí ngu, trong khi xử đoán việc gì, cật trách người nào, hay xách lý ra mà nói, ấy là cái thói quen từ nhà Tống đến nay; họ vốn cho lý là cái nhận ở trời và đủ trong lòng mọi người, nhân đó họ lấy cái ý kiến riêng của mình rồi kêu phứt là lý đi. Đó rồi hễ ai có thế lực, có miệng lưỡi thì lý thẳng, còn ai yếu đuối, mở mồm không ra thì lý cong!… Ôi! đã cho lý là vật nhận được ở trời mà đủ trong lòng thì tự nhiên phải lấy ý kiến của mình mà cho là lý vậy!

Lại rằng:

Cái đạo của thánh nhân cốt làm thế nào cho trong thiên hạ chẳng cái tình nào chẳng thông, chẳng cái dục nào chẳng toại mà thiên hạ trị. Vả, cái tình mà đến chỗ không mảy mún nào khuyết hám, ấy là lý đó. Tống nho chẳng biết lẽ ấy, lại bày ra một cái lý bất cận với cái tình, chẳng khác nào thứ hà pháp của bọn khốc lại. Khốc lại lấy phép giết người, còn Tống nho lấy lý giết người; giết người không bằng phép mà bằng lý, người phải chết, không thể cứu được!… Chết bởi phép còn có kẻ thương; chết bởi lý, còn ai thương cho!…[7]

Chu tử cho "nhân dục là cái trái với thiên lý"[8] cho nên muốn "tồn thiên lý" thì phải "khử nhân nhục". Đối Chấn phản đối riết chỗ đó, nói rằng "Lý ấy là cái tình mà không sai sẩy" và rằng "Tình mà đến chỗ mảy mún không khuyết hám ấy là lý". Rồi kết luận rằng: Cái nhân dục không cần phải khử, chỉ quý cho có tiết độ và được quân bình. Như vậy thật chẳng khác gì với cái chủ trương của Mạnh Tử trong khi đáp các câu hỏi "hiếu sắc hiếu hóa" của Tề Tuyên Vương vậy.

Cái lý học bị trọng thương chính vì mũi giáo của họ Đối đó. Từ đó đến nay bên Tàu vẫn có kẻ nổi lên phản đối họ Đối mà binh vực cho Tống nho, nhưng chẳng có hiệu quả gì; đến ngày nay cái "lý" ấy càng có nhiều người không công nhận lắm.

Tôi tiếc rằng trong một bài ngắn này nói không được đủ hơn. Nhưng cốt ý chỉ báo một cái tin thì như vậy cũng gọi là dài rồi vậy.

IV. Gỡ cái lầm cho hai ông Lê Dư và Trần Trọng Kim

Đây cũng lại là một cái tin quan hệ nữa mà tôi đem báo cho anh em trong học giới hay, dầu muộn còn hơn nín bặt.

Trước đây trong bài Câu chuyện đọc thơ ông Trạng của ông Sở Cuồng đăng ở Đông tây số 89, ông nhận cho những lời sấm của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là có ích về thực tế, tôi thấy nói mà rụng rời, chẳng biết ông hiểu nghĩa hai chữ thực tế ra sao mà ông nói thế!

Vả cái việc suy biết sự tương lai, ở nhà tôn giáo thì cho nó là một sự bởi thánh linh mặc khải (inspiration), không phải do học mà biết, cố nhiên. Còn nó ở ngoài tôn giáo thì lại là một thuật số, chớ không phải là một cái học. Nó sắm ra như tuồng để mà chơi, cũng như các thứ chơi giải trí khác, lấy gì mà cho nó là có ích về thực tế?

Phàm cái gì mà nói rằng ích cho thực tế, chẳng khác nào nói rằng có ích cho sự sanh hoạt của loài người. Vậy thì, nếu quả có thiên số, nếu quả có thiên số nhất định rằng đất Cao Bằng đãi[9] họ Mạc được vài đời, rằng Đèo Ngang dung nhà Nguyễn đến vạn đại, mà ông Bỉnh Khiêm biết trước được, và lời tiên tri ông ứng nghiệm nữa, thì lại có tương quan gì với cuộc sinh hoạt của dân tộc Việt Nam từ bấy đến giờ đâu? Thậm chí, chính họ Mạc và nhà Nguyễn đã ứng lời sấm ấy thì cũng chỉ biết trước được sự tiền định đó thôi, nào có bổ cứu gì đến cuộc hưng vong mà cho là có ích về thực tế?

Trong sự tán dương quá đáng đó, tôi thấy ông Lê Dư có chỗ lầm rồi. Nhưng truy nguyên cái lầm ấy từ đâu, thì tôi biết rằng bởi cái học Tống nho đã hoán[10] trong tư tưởng của ông nên ông mới có cái lầm ấy. Hiện nay những nhà Hán học trong nước ta, còn sót lại hoặc mới dấy lên, tôi thấy ra cũng đều chịu ảnh hưởng của Tống nho hết, vậy thì đem cái tin này mà báo cho họ biết, giờ này cũng chưa phải muộn đâu.

Ông Lê nhận lời sấm của ông Bỉnh Khiêm là có ích về thực tế, bởi trước hết ông đã nhận cho cái thuật số của ông Bỉnh Khiêm là cái học. ấy chính cái lầm ở đó. Mà gốc nó là ở Tống Nho mà ra.

Tống nho như ông Chu Liêm Khê[11], Thiệu Khang Tiết, đều có tiếng là tinh kinh Dịch. Tự các ông cho là mình đã được cái mối xưa nay chưa truyền cho ai ở trong kinh tàn sách sót (đắc bất truyền chi tự ư di kinh), nhưng kỳ thực các ông đã đem của đâu đâu vào mà trộn bậy với của các thánh đời xưa.

Ông Thiệu Ung[12] lấy những Hà đồ, Lạc thư cùng Tượng số chi chi mà giải kinh Dịch. Rồi những cái cốt yếu của cái học Tống nho như là tâm, tính, lý, mạng cũng do đó mà ra nữa. Ông Thiệu thậm chí lấy những nguyên, hội, vận, khí, suy tính sự tuần hoàn của vũ trụ, cho là chỗ bí ảo của kinh Dịch đó, mà thực ra thì những điều ấy chưa hề có trong sách của các thánh đời xưa vậy.

Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm nước ta, theo lời sử chép, thì nhân ông nghiên cứu Thái ất thần kinh mà mới có được cái tài biết việc tương lai. Thái ất thần kinh tôi không biết cho rõ lắm, nói nó tức là Thái ất số của Tàu thì cũng là một nguồn với cái Dịch học của Tống nho vậy.

Hễ Tống nho cho đồ, thư, tượng, số là Dịch học của tiền thánh được, là cái mà tiền thánh đã dùng để khai vật, thành vụ, lợi dụng hậu sinh được, thì ông Lê Dư cho Thái ất thần kinh là Dịch học, và lời sấm của Trạng Trình là có ích về thực tế, há chẳng được hay sao? Cái lầm từ bên Tàu lầm qua, từ bảy tám trăm năm trước tới bây giờ.

Vả lại, nếu trong não ông Lê đã tôn sùng Tống nho, đã cho Dịch học của họ cũng như Dịch học của Văn Vương, Khổng Tử thì cái sự ông tán dương ông Nguyễn Bỉnh Khiêm như thế, cũng là sự thường.

Bởi vậy, hôm nay tôi lần lượt báo đến cái tin này, cho ông Lê cùng những ông nào tin như ông Lê biết rằng cái sự tiên tri của Trạng Trình đó chỉ là một cái thuật số mà thôi, và nói ngay ra, đừng để mất lòng chi hết, bảo nó là đồ vô dụng!

Cái Dịch học của Tống nho, đến nhà Thanh, cũng đã bị đánh đổ rồi nữa. Nó đã bị đả đảo hai trăm năm nay rồi, vậy mà ở xứ ta, trước đây mới 30 năm, vẫn còn đeo theo mà nghiền ngẫm, bởi đó cái lầm mới cứ mải miệt đến ngày nay!

Ông Cố Viêm Vũ (1613-1682) là tay tiên phong đánh phá cái thành lũy Dịch học của Tống nho, ông nói rằng:

Thánh nhân sở dĩ học Dịch, chẳng qua ở chỗ lời nói thường, việc làm thường, chứ không ở nói đồ, thư, tượng, số vậy. Ngày nay những kẻ xuyên tạc theo đồ tượng mà cho mình là tài giỏi, ấy là trái với thánh nhân!

Lại rằng:

Những đồ của Hy Di (Trần Đoàn), những thư của Khương Tiết (Thiệu Ung), ấy là kinh Dịch của nhà Đạo (một phái của Lão học). Từ cái học của hai người đó dấy lên mà rồi những kẻ dốt nát, những người quái lạ, đều ẩn bóng trong đó để vẽ vời kinh Dịch ra một đường, khi ấy nó trở thành ra thứ sách phương thuật, chứ không còn là cái học phản thân quả quá của Thánh nhân nữa!

Sau họ Cố, còn nhiều người phản đối Dịch học của Tống nho. Đến ông Hồ Vị[13] làm ra sách Dịch đồ minh biện. Thôi thì cái đại đồn Dịch học của ông Chu ông Thiệu như bị một trái phá thả vào, tan hoang chẳng còn gì hết. Học giới bên Tàu gần hai trăm năm nay đều công nhận như thế.

Dịch đồ minh biện, sách ấy, đại ý liệu rằng những Hà đồ Lạc thư truyền từ nhà Tống đến nay đó là của ông Thiệu Ung đem ra. Mà ông Thiệu chịu truyền bởi ông Lý Chi Tài, Lý Chi Tài chịu truyền bởi đạo sĩ Trần Đoàn. Những đồ thư đó không phải là của Hy, Văn, Chu, Khổng, và nó chẳng quan hệ gì với Dịch lý chút nào hết.

Trong sách Thanh đại học thuật khái luận của ông Lương Khải Siêu, có nói về cuốn sách này mà cho là một cuộc cách mạng lớn về tư tưởng lúc bấy giờ. Bởi vì cái học của Tống nho có một phần ở dịch lý của họ, nhân đó họ chiếm lãnh lấy cái đạo thống, làm như của riêng thuộc về mình. Nhờ có cuốn sách Hồ Vị ra, lấy kinh Dịch đem trả cho Phục Hy, Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử, lấy những đồ thư tượng số đem trả cho Tống nho. Như thế, làm cho kẻ học biết rằng Tống nho tự Tống nho, mà Khổng Tử tự Khổng Tự, không cần gì nương theo Tống nho mới tìm tới Khổng Tử được. Sự cách mạng là ở đó vậy.

Tôi nhờ cuốn sách của ông Lương nói trên đó và cuốn Đối đông nguyên đích triết học của Hồ Thích và văn tập Cố Viêm Vũ mà biết được cái tin như tôi đã báo trên này. Biết được cái tin ấy tôi tưởng là có ích cho sự học của chúng ta lắm. Xưa nay bao nhiêu những cái thuyết âm dương ngũ hành dựa vào Dịch học mà làm mê hoặc lòng người, có thể nhờ nó mà đánh đổ cả đi. Lại, chẳng những ông Lê Dư, mà ông Trần Trọng Kim cũng có chỗ lầm như ông Lê, vì trong sách Nho giáo của ông, ông đã đem cái vô cực của Chu Liêm Khê mà gán vào cho Khổng Tử. Xem đó thì như cả hai ông cũng chưa nghe qua cái tin này chăng. Nếu thế, thì sự báo tin này dầu muộn mấy cũng phải có.

Phan Khôi

   




Chú thích

  1. Bản gốc là "hãi còn"; ở đây sửa lại
  2. Bản gốc là "giở"; ở đây sửa lại
  3. Dịch nghĩa chữ "nhập giả chủ chi; xuất giả nô chi" của Hàn Dũ (nguyên chú của Phan Khôi) (cũng xem chú thích này ở bài Lại nói về tam cang với ngũ luân, Phụ nữ tân văn, số 89; 2/7/1931)
  4. "Ngô, học tuy hữu sở truyền thụ, thiên lý nhị tự khước thị tự gia thể hội xuất lai" (nguyên chú chữ Hán; ở đây ghi phiên âm)
  5. "Lý tại nhân tâm, thị vị chi tính. Tâm thị thần minh chi xá, vi nhất thân chi chủ tỉa. Tính tiệm thị hứa đa đạo lý đắc ư thiên nhi cụ ư tâm" (nguyên chú chữ Hán; lưu ý: từ thứ 14, xá, có thể bản gốc xếp lầm; theo câu dịch trong bài thì chỗ này là chữ hội mới đúng ?)
  6. Chỗ hàm hỗn tức như chỗ này : Chu tử đã nói : Lý tức là cái nhận được ở trời mà đủ trong lòng mọi người; lại còn nói : Mọi vật trong thiên hạ chẳng cái nào là không có lý (thiên hạ chi vật mạc bất hữu lý); lại còn nói : Bắt từng vật mà cũng xét cái lý của nó (tức vật nhi cùng kỳ lý); như vậy thì lý là cái chẳng những ở trong lòng người ta mà ở cùng khắp hết trong mọi vật. Nếu cái lý là vật minh mông như thế thì làm sao biết nó là chí thiện mà phải theo nó ? (nguyên chú của Phan Khôi)
  7. Đoạn này ám chỉ vào lời chết đói là việc nhỏ, thất tiết là việc lớn của Trình tử ? (nguyên chú của Phan Khôi)
  8. "nhân dục vân giả chính thiên lý chi phản nhĩ" (nguyên chú chữ Hán)
  9. Bản gốc là dài, có thể in sai, ở đây tạm sửa là "đãi"
  10. Hoán : thay đổi (có thể hiểu ý là : cái học Tống nho đã làm thay đổi, hoán chuyển tư tưởng ông); nhưng cũng có một khả năng đây là từ choán bị in sai, thiếu chữ cái c; choán là chiếm, từ này Phan Khôi thường dùng (ý sẽ được hiểu là : cái học Tống nho đã chiếm lĩnh, ngự trị trong tư tưởng ông ta)
  11. Chu Liêm Khê: tức Chu Đôn Di (1017-1073) nhà lý học hàng đầu thời Bắc Tống
  12. Thiệu Ung (1011-1077), nhà lý học lớn thời Bắc Tống; ông cùng Chu Đôn Di, Trình Hạo, Trình Di, Trương Tải được gọi chung là "Bắc Tống ngũ tử" (năm bậc thầy thời Bắc Tống)
  13. Hồ Vị (1633-1714) nhà kinh học, địa lý học đầu đời Thanh, Trung Quốc