Bước tới nội dung

"Bạch Thái công ty thơ ký viên"

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
"Bạch Thái công ty thơ ký viên"  (1940) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Dân báo, Sài Gòn, số 201 (số tết 1940), trang 8, 16. 

[…………………………… ……………………………]

Ra tù từ năm 1911, cho đến năm 1917, chẳng có cơ hội nào cho mình vượt khỏi cổng làng. Điều ấy, tôi tự lấy làm uất ức đã đành, mà tiên quân tôi, người lại còn lo cho tôi hơn nữa. Muốn đi ra, cái chí của tôi ở chỗ khác; nhưng thầy tôi thì chỉ mong làm sao cho tôi có đường xoay xở hầu mau thoát cái lốt tù.

Vậy mà năm 1918 ra Hà Nội làm Nam phong tạp chí nửa chừng lại bỏ mà về; năm 1919 vào Sài Gòn, trước làm cho Quốc dân diễn đàn,[1] sau làm cho Lục tỉnh tân văn, không bao lâu bị giải chức. Những lúc ấy, về ở nhà, tôi đôi khi cũng nghĩ đến sự mình mà ân hận: Té ra tôi chẳng những là thằng người không biết chiều đời mà còn là thằng con không biết chiều cha.

Ở Sài Gòn về nhà đầu mùa thu năm 1919, nằm khèo cho đến mùa xuân năm sau, tôi thấy chán sự đeo đuổi theo đời, nhưng còn thấy chán hơn nữa là cái cảnh phẳng lỳ với vợ với con. Ấy thế mà mỗi khi bẩm mạng cùng thầy tôi xin lại đi nữa, thì người một hai ngăn trở không cho, lấy cớ rằng vận hạn của tôi còn xấu lắm, dẫu có đi cũng chưa làm gì được.

Tôi biết làm sao có được tự do như [….] đây. Xin phép mà không được là phải chịu. Suốt một mùa đông tôi ngày nào cũng phải nốc rượu và thường thường ban đêm trốn đi đánh cờ đánh kiệu ở nhà hàng xóm.

Tháng ba năm 1920, người con trai lớn của chú tôi, Phan Hạnh (anh ruột của Phan Thanh mới chết ở Hà Nội) chết ở Thanh Hóa. Tiếp được tin nửa đêm, tôi đi với chú tôi xuống Hội An để lo liệu công việc. Sau khi biết phải xử trí cách nào rồi, chú tôi trở về và ủy cho tôi lập tức đi ra Thanh.

Đến Thanh thì người bất hạnh đã được an táng. Còn những rương hòm để lại, tôi tính đem về đường bộ không tiện, chỉ có cách đưa ra Hà Nội, xuống Hải Phòng, theo đường biển mà chở về. Tôi làm như thế.

Đến Hải Phòng, gặp ông Dương Tự Nguyên.[2] [….] Dương đã kiếm được việc làm ở một nhà băng Ăng-lê tại đây rồi, rủ tôi cùng ở lại tìm chỗ làm, chơi cho vui. “Sĩ sanh ư thế, khả dĩ bách vi,[3] chúng ta bỏ nghề báo, qua nghề buôn, sao lại chẳng được?” – Ông Dương nói với tôi như thế lúc 12 giờ khuya trên cái ghế dài bằng xi-măng trước nhà hát lớn, là nơi hai chúng tôi hẹn gặp nhau từ lúc 9 giờ tối.

Có người mách cho tôi rằng ông Bạch Thái Bưởi chủ hãng tàu Bạch Thái đương cần dùng một người thơ ký viết thạo chữ Hán và Quốc ngữ, nếu biết chữ Pháp nữa càng hay, trả lương tháng chừng chỗ bốn năm chục. Tôi nghe thì bỏ bụng.

Theo thường mình muốn xin việc làm thì viết thơ cho chủ. Nhưng tôi không làm thế. Tôi viết một bức thư kể rõ sự tình gởi cho cụ Nguyễn Bá Học ở Nam Định, nhờ cụ tiến cử tôi cùng ông chủ công ty Bạch Thái.

Quả nhiên sau một tuần lễ, một ngày vào hạ tuần tháng tư tây, lúc ba giờ chiều, có người nhà ông chủ Bạch Thái đến nhà trọ tôi mời tôi đến phòng giấy ông. Tôi đến với y phục và dáng điệu nhà nho đặc. Tuy vậy ông tiếp tôi một cách vui vẻ lắm, như đã có quen biết nhau từ trước rồi.

Ông Bưởi hỏi tôi trước làm Nam phong một tháng bao nhiêu. Tôi nói thật ông rằng tôi chỉ ăn có hai chục, nhưng chuyện ấy cách nay đã ba năm rồi, vả lại tôi thôi ở đó cũng đã lâu rồi nữa, để cho ông thấy cái giá cũng không nên vịn. Rồi ông hỏi tôi bây giờ phải bao nhiêu. Tôi đòi năm chục. Ông mặc cả từ bốn chục cho đến bốn lăm đồng, về sau cũng đành chịu năm chục, nhưng phải mỗi tháng để lại mười phần trăm làm như tiền “ký quỹ”. Còn công việc tôi sẽ làm, theo ông nói, thì chỉ có viết thơ giao thiệp với các hàng hiệu hoặc Hoa kiều hoặc An Nam.

Ngày mồng một tháng năm tây năm 1920, tôi bắt đầu vào làm.

Cái gì thì không sao, chỉ có cái thì giờ tôi làm việc ở hãng Bạch Thái bấy giờ thật là cổ quái, không biết hồi đó làm sao mà tôi chịu nổi. Lệ trong bảng làm mỗi ngày 10 giờ: sáng từ 7 đến 12, chiều từ 1 đến 7, chủ nhật được nghỉ nửa ngày. Nhưng riêng tôi lại khác: sáng từ 8 giờ đến 1, chiều từ 3 đến 8. Ông cho tôi biết rằng đó là sự vạn bất đắc dĩ, tôi dốc lòng làm thì phải chịu khó, bằng không thì thôi. Để rồi sự thực dưới nầy sẽ cắt nghĩa câu nói của ông.

Mươi hôm đầu, quái lạ, tôi chẳng thấy có việc gì cho mình làm hết. Mỗi ngày chỉ viết một vài cái thơ, thứ đồ thơ trả lời cho những người xin việc, cái thì hứa hẹn, cái thì từ chối. Nhiều lúc tôi ngồi dưng đến buồn. Nhưng nửa tháng, rồi một tháng, dần dần người ta mới bắt tôi làm.

Cứ mỗi sáng, từ 8 đến 12 giờ, tôi phải làm những việc hôm qua còn lưu lại. Còn ông chủ, 9 giờ ông mới đến. Đến thì ông sai cắt công việc, đọc thơ tiếp khách cho đến 12 giờ. Lúc nầy ai nấy đã về cả, ông mới gọi tôi đến ngồi trước mặt ông. Đưa ra một mớ thơ mà ông đã đọc, rồi mỗi cái, ông bảo phải trả lời làm sao; tôi, mắt thì nhìn, tai thì nghe, tay thì ghi lấy. Có ngày thơ nhiều quá, một giờ rồi mà chưa xong thì cũng phải ngồi rán ít nữa.

Chiều đến phải viết những thơ ấy. Cái nào quan hệ mới giao cho người khác đánh máy. Rồi bốn giờ ông chủ lại. Làm việc của ông đến bảy giờ, ông lại gọi tôi vào làm việc như buổi mai. Vì mỗi ngày hai giờ ngồi cùng ông mà tôi phải ở trễ. Trong tám tháng ở nhà trọ, bữa nào tôi cũng ăn sau, ăn một mình và ăn cơm nguội.

Làm nhọc quá, không thể chịu dài ngày được, cho nên cuối năm tây tôi xin thôi. Tuy vậy, trong lúc còn làm, nhiều khi tôi cũng thấy vui thích lắm như là đi học ở một trường lớn.

Việc khác thì tôi không biết, chỉ trong những việc tôi cùng làm với ông chủ thì tôi thấy ông có nhiều [………..]

[………..] một trăm hai, ông muốn bước, vì xin thêm bằng số ấy ở Bạch Thái không được. Ông Bưởi biết ý, dùng kế nầy làm Đoàn phải ở lại.

Một hôm ông Bưởi sắp đi đâu đó, xe hơi đã dàn sẵn, kêu ông Dư ra, bảo đưa cho mình một ngàn bạc. Dư đưa và xin biên lai. Ông Bưởi quạu quọ: “Ông không thấy tôi bận thiếu điều xẻ lỗ mũi mà thở sao? Ông cứ ghi đó cũng được chứ”. Rồi đi thẳng.

Hôm sau về, Dư lại hỏi biên lai. Ông Bưởi cứ cười xề xề: “Biên lai gì? Biên lai gì?” Họ Đoàn ta hơi lấy làm chột dạ, nhưng cũng không nghĩ đến đó là cái tròng sắp tra vào cổ mình.

Đến cuối tháng, ông chủ bảo để sổ trong tháng lại cho ông coi thử. Thì một ngàn đồng bạc ấy, ông không nhìn.[4] Thế rồi, một đằng ông Dư viết giấy nợ công ty một ngàn đồng, một đằng công ty tăng lương ông ấy mỗi tháng hai chục nữa, và tháng tháng trừ hai chục cho đến hết.

Chuyện đó xảy ra trước tôi đến một năm. Ông Dư kể cho tôi nghe và nói rằng: “Tôi ở lại đây đã hơn một năm rồi, ông chủ đã hứa rồi đây ông sẽ hủy cái giấy nợ ấy cho tôi”.

Một hôm tôi có can ông Bưởi về sự hay đánh. Nhưng ông nói nếu không đánh thì không chạy việc. Rồi ông lý luận rằng: “Người An Nam, nhất là bọn hạ lưu, xưa nay họ quen chịu roi vọt mới làm phải chớ không làm phải vì biết tự trọng. Vậy bây giờ chỉ có theo thói quen ấy mà cai trị thì mới dễ, còn muốn đãi họ lấy nhân đạo thì phải đợi đến khi nào giáo dục lan khắp và đầy đủ, họ biết tự trọng hàng ngày. Tôi là nhà buôn tôi chỉ làm làm sao cho công việc chạy, chứ nói đến nhân đạo thì hỏng cả”.

Thấy ông đôi khi xử vô lễ với người làm, lúc mới vào tôi cho ông biết rằng tôi không chịu nhục được, ông đừng xử với tôi như thế mà sẽ sanh chuyện. Ông cười hả hả, hứa sẽ giữ lời dặn của tôi. Mà thật, trọn thời gian tôi ở đó, ông không hề nói với tôi một tiếng nặng.

Ông khuyên tôi mặc âu phục hầu có nhiều sự ích lợi trong công việc làm, cho công ty mà cũng riêng cho phần tôi nữa. Tôi từ chối vì không đủ tiền. Bắt đầu mùa lạnh, ông lại giục tôi, hứa cho tôi mượn trước vài trăm để may sắm. Nhưng tôi cứ không nhận, vì biết ngửa tay lấy tiền của ông là phải làm mọi cho ông suốt đời.

Cũng vào dạo ấy, viên tri phủ phủ tôi làm rắc rối, bẩm tòa bẩm tỉnh đòi tôi về, không cho ở Hải Phòng, lấy cớ tôi là tù mãn hạn bị quản thúc. Được tin ấy, tôi tự lo làm đơn gởi về đối phó chứ không cho ông Bưởi hay. Sau ông biết, bảo tôi lấy thầy kiện “bao tháng” của ông kiện lại viên tri phủ, nhưng tôi cũng khước đi, nói rằng: “Việc là việc riêng của tôi, tôi không muốn ông can thiệp vào”.

Những điều cơ cảnh ấy tôi biết […….]

[… ] sao một nhà nho lại có cái óc tây lạ!” Tôi vẫn biết ông càng khen mình chừng nào thì mình càng nai lưng ra làm cho ông chừng nấy, nhưng được có người thưởng thức cho, chẳng hơn không?

Sang đầu năm tôi có thể xin thêm lương lắm, nhưng nghĩ cái thời giờ khắc nghiệt ấy không thể nào theo nổi nên tôi cả quyết từ chức. Vả chính ông Bưởi cũng biết không thể cầm được tôi. Sang năm sau tôi ở Hà Nội viết báo Thực nghiệp có gặp ông giữa một buổi hội, ông nằn nì tôi trở về với công ty nhưng tôi hẹn rồi lơ luôn.

Tôi còn quên kể trước khi thôi, tôi phải gởi thơ bảo lãnh[5] cho ông mà xin từ chức trước một tháng. Tôi nếu không làm thế cũng khó mà thôi được. Rồi buổi chiều ngày 31 tháng 12 năm 1920, tôi sang bàn giấy ông từ giã; ông kêu người thủ quỹ lấy đưa cho tôi 35 đồng theo với tiền lương tháng ấy mà nói rằng: “Ông có ra, nhờ bảo cho người khác biết công ty Bạch Thái sòng phẳng lắm, không hề quỵt tiền ký quỹ của ai đâu!”

Sau tôi mới biết ra, lúc tôi định ở lại Hải Phòng làm việc, gởi thơ về nhà thì thầy tôi lấy làm phẫn khái lắm; sau khi xem thơ, thầy tôi bảo vợ tôi: “Làm gì thì làm chớ chi lại đến nỗi đi làm công cho Bạch Thái Bưởi là một thằng cha trọc phú!”

Năm ấy thầy tôi chưa đến sáu mươi tuổi, chính người thường viết thơ nhà cho tôi mỗi khi tôi ở ngoài. Thơ viết bằng chữ Hán đã đành, mà ngoài bì đề chữ Tây hay Quốc ngữ rồi, người cũng còn chính tay đề thêm mấy chữ Hán nữa mới chịu. Lần nầy, hỏi phải kèm chữ Hán ngoài phong bì thế nào, tôi viết về xin đề rằng: “Phan Khôi tiên sanh, Bạch Thái công ty thơ ký viên”. Trong ý tôi muốn nhờ những chữ “tiên sanh”, “viên” để tăng giá trị lên đôi chút cho cha mình bớt tủi vì con, có ngờ đâu vẫn chẳng có hiệu quả gì!

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Quốc dân diễn đàn: tuần báo xuất bản tại Sài Gòn, số 1 ra ngày 28/10/1918, số cuối cùng, số 47 (20/10/1919), chủ nhiệm Nguyễn Phú Khai.
  2. Dương Tự Nguyên (?-?) là con trai thứ ba của Dương Trọng Phổ (1862-1927), quê làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; là em Dương Bá Trạc (1884-1944), và là anh của Dương Quảng Hàm (1898-1946), Dương Cự Tẩm (? -?), Dương Tụ Quán (1901-69). Dương Tự Nguyên từng du học Nhật Bản (trong phong trào Đông du do Phan Bội Châu đề xướng), về nước có viết sách “Công việc nhà băng” (1931) và sáng tác tiểu thuyết “Cảnh thu di hận” (1926).
  3. “Sĩ sanh ư thế, khả dĩ bách vi” – đây là câu rút từ Hoàng Đình Kiên 黃 庭 堅, tự Sơn Cốc 山 谷, hiệu Sơn Cốc đạo nhân, một nhà thư pháp, nhà văn nổi tiếng về từ khúc thời Bắc Tống, Trung Quốc, đỗ Tiến sĩ năm thứ 3 niên hiệu Trị Bình (1066).  士 生 於 世, 可 以 百 為, 惟 不 可 俗, 俗 便 不 可 医  “Sĩ sinh ư thế, khả dĩ bách vi, duy bất khả tục, tục tiện bất khả y” (Kẻ sĩ sinh ra ở đời, có thể làm hàng trăm việc, nhưng không thể theo tục được, tục càng không thể chữa được). Đây là quan niệm làm từ của Hoàng Đình Kiên: trọng siêu tục, thoát tục, phản tục, kỵ tục trong sáng tác từ; từ của Hoàng rất nổi tiếng.
  4. “không nhìn” ở đây có nghĩa là không thừa nhận.
  5. gởi thơ bảo lãnh: ý nói gửi thư bảo đảm (registered letter).