"Việt sử độc hội" của người Nhật Bản ở Sài Gòn
Đầu năm 1935, một hôm, đi lần thứ nhất trên xe hỏa từ Quảng Ngãi ra Tourane, tình cờ tôi gặp một người đàn ông Nhật Bản đã đứng tuổi. Hình như bởi thấy trên cái va-ly của tôi có đề chữ Người làm báo, người Nhật bèn đến gần bên tôi gạ chuyện.
Bắt đầu, ông hỏi tôi ở đâu, về đâu, và tàu mấy giờ đến, đều là những câu chuyện thường mà ông dùng thứ tiếng Pháp còn bỡ ngỡ như mới học nói. Rồi sau, rút một tập sổ con trong túi áo ra, lấy bút chì viết bằng chữ Hán, ông hỏi tôi có biết thứ chữ ông đương viết đó không. Tôi đáp bằng bút rằng có. Khi ấy người Nhật tỏ ý vui mừng như gặp được người bạn tri kỷ.
Kế đó, chúng tôi lại bắt đầu nói chuyện với nhau về lịch sử Việt Nam bằng lối bút đàm.
Ông Nhật phàn nàn với tôi rằng mình đến nước Nam nửa năm nay cố ý đi tìm mua những pho sử Việt cũ chép bằng chữ Hán mà mua chưa được. Rồi ông nhờ tôi kê ra cho ông những sách sử hoặc sách thuộc về loại sử Việt Nam mà tôi biết.
Muốn thừa dịp để khoe với người ngoài rằng nước mình cũng là nước văn hiến, tôi bóp trán kể tất cả ra được hơn mười thứ. Ngoài những bộ có giá trị nhất như Ngự phê Cương mục của triều Tự Đức, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, tôi cũng kể nốt đến những Việt sử tiêu án của Ngô Thời Sĩ, Việt sử giảng bình của Nguyễn Đức Đạt, Việt sử khảo dị của Nguyễn Thông nữa.
Kể xong, ông Nhật ra ý mừng rỡ lắm, và nói cảm ơn tôi nhiều lần. Ông cho tôi biết rằng những sách tôi kể ra đó phần nhiều ông chưa nghe đến tên.
Câu chuyện đương làm cho tôi được thể diện trước mặt một người ngoại quốc thì bỗng dưng cái kết luận lại đưa tôi đến chỗ chẳng vẻ vang tí nào hết!
Ông ấy hỏi tôi muốn có những sách ấy thì mua ở đâu.
Một sự khuẫn bách đến cho tôi!
Ngẫm nghĩ lưng nửa phút, tôi phải nói thật rằng những sách đó bây giờ đều đã tuyệt bán. Trừ ra một bộ Ngự phê Cương mục có thể in ở Sử quán được nhưng phải chờ cơ hội; còn những bộ kia, phải tìm tòi mà mua như mua đồ cổ!
Sau cuộc đàm luận, tôi lấy làm thẹn, lại lấy làm ngờ vực cho cái văn hiến nước mình. Người ta hỏi mua những sách về lịch sử mà mình không chỉ ra được chỗ bán: Cái nước như thế còn khoe là văn hiến với ai?
*
* *
Cách sau đó vừa hơn một năm, ngày tháng ba năm nay, trong lúc ở chơi Hà Nội mấy hôm, thình lình gặp một vật mà tôi cầm như tôi được gặp lại cái ông Nhật Bản ấy.
Tôi gặp tại nhà một người bạn, một tập nguyệt báo bằng chữ Nhật in ở Đài Loan mà phát hành ở Sài Gòn, vì nó là vật xuất bản của Việt sử độc hội của người Nhật ở Sài Gòn.
Nhờ tập nguyệt báo ấy và nhờ ông bạn mách thêm, tôi mới biết rằng người Nhật ở Đông Pháp có lập một hội tại Sài Gòn mà mục đích chỉ để nghiên cứu sử Việt Nam.
Việt sử độc hội là cái tên của hội ấy, cái tên chỉ ngay công việc của cái hội, chẳng có chi khác hơn là để đọc sử Việt.
Tập nguyệt báo mới là số 1, ra tháng Janvier 1936. Trong đó có nhiều bài nghiên cứu về sử nước ta, và có in ba trang dạng bản của bộ Ngự phê Cương mục, vào khoảng nhà Trần, chỗ nói về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đi đánh giặc Nguyên.
Đầu tập báo có một bài nói về sự thành lập của Việt sử độc hội. Ông bạn cắt nghĩa cho nghe, thì ra phần nhiều người Nhật ở xứ ta đều có vào hội ấy cả; và những hội viên đều có nghiên cứu sử Việt cả. Họ ở mỗi người một nơi, ai tìm được cái gì có quan hệ với Việt sử thì viết bài gửi về cho hội rồi đăng trong nguyệt báo ấy.
Tôi sực nhớ lại và tin quyết rằng cái người Nhật tôi gặp năm ngoái, thế nào cũng là một hội viên trọng yếu của hội này. Một người gặp trên xe hỏa và một tập báo gặp ở nhà người bạn, đã chỉ cho tôi thấy người Nhật chú ý đến lịch sử Việt Nam, nước của chúng ta, một cách đặc biệt.
Trong khoảng thời gian tôi ở Hà Nội đó, tờ Sông Hương này đã đưa giấy xin phép và không ngày nào là tôi không nghĩ đến cái nội dung của nó sẽ có. Có lẽ cũng vì những cái bắt gặp nói trên đây nó đã gợi ý cho tôi mở mục "Sử học" trong Sông Hương.
Các bạn hẳn cũng như tôi, phải lấy làm ngạc nhiên về sự người Nhật chăm đọc sử ta đến thế. Đọc sử của một nước mà đến phải lập ra một cái hội, xuất bản một tờ báo, ấy, cái điều chúng ta đáng ngạc nhiên là ở đó.
Nếu cái trình độ văn hóa của chúng ta mà bằng người Nhật thì chúng ta cũng phải có một hội để nghiên cứu sử Nhật, tên nó sẽ là Nhật sử độc hội. Nhưng, người nước mình, chính sử nước mình còn không biết, huống chi là sử ngoại quốc! Như vậy, có lẽ chúng ta lại nên mong cho có một Việt sử độc hội của người An Nam!...
Rốt lại là một câu chuyện đáng thương tâm!...
PHAN KHÔI