Bước tới nội dung

Ân và tình

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ân và tình  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 116 (14. 1. 1932)

Vợ chồng hay là trai gái cũng chỉ có tình mà thôi, chớ chẳng có ân

Phụ nữ tân văn, số 114, nơi mục "Băng hồ Hàn vận", là mục dịch thơ Tàu của dịch giả Phạm Văn Nghị, bài thứ XI, như vầy :

Viên Thục Tú, người An Thuận, vợ chưa cưới của Tiền Hồng Đồ. Nàng 16 tuổi, Tiền sanh chết; tin đến, bèn nuốt thoi vàng là của sính lễ khi xưa mà tự tử. Thơ tuyệt mạng rằng :

Vị thủ kim hoàn ước,
Hoàn thương ngọc cảnh tình.
Vô tâm hoàn giữ cảnh,
Chỉ giác thử thân khinh.

Dịch ra như vầy :

Vòng vàng lời ước cũ,
Kiếng ngọc chút tình si.
Chẳng thẹn vòng với kiếng,
Thân nầy có kể chi !

Bài dịch ấy chưa được đúng nghĩa cho lắm. Nguyên văn hai câu đầu có ý là chưa nên vợ chồng mà chồng đã chết; hai câu sau nói mình bây giờ không còn lòng nào mong chuyện vợ chồng nữa, chỉ biết một cái chết mà thôi. Người dịch nếu dịch hay thì nên làm cho những chữ "vị thủ, hoàn thương, vô tâm, chỉ giác" nảy được cả ý ra thì mới đúng. Nay những chữ ấy đã chẳng nảy nghĩa thì chớ, người dịch lại đưa hai chữ "chẳng thẹn" vào làm cho lạc nguyên ý đi một đỗi rất xa. Đó là nhơn có sự cần phải nhắc tới bài thơ dịch đó mà tôi luôn thể nói kèm vào mấy lời để rõ nguyên ý của tác giả, chớ không phải là tôi cố ý đi chỉ trích của dịch giả làm chi.

Vì có người đọc bài thơ và cả câu chuyện trên đó rồi viết thơ hỏi chúng tôi, hỏi về cái bổn ý đăng bài thơ và câu chuyện ấy để làm gì, để khuyên phụ nữ thủ tiết như nàng Viên Thục Tú đó chăng? hay là có ý gì khác? Bởi cớ ấy mà người viết bài nầy phải phí mất một đoạn nhàn thoại trên kia.

Vị độc giả hỏi đó là có cớ. Vì trên tập báo nầy đã một đôi lần bàn đến chữ "trinh", mà chưa có lần nào khuynh hướng về cái thái độ quá khích như cô con gái nhà họ Viên đó; vậy mà bây giờ lại có cả câu chuyện cùng bài thơ như thế, cũng là một điều đáng nghi ngờ, cho nên hỏi là phải.

Chúng tôi xin đáp rằng mục thơ dịch "Băng hồ Hàn vận" đó chỉ như là mục Văn uyển, kể về văn chương mà thôi, chớ cái tư tưởng cùng sự thiệt trong đó hoặc vầy hoặc khác, xin độc giả chớ kể. Nó là một tập thơ dịch, thấy có nhiều bài được thì đăng, chớ không phải đem những sự thiệt và tư tưởng trong đó mà cổ động cho bọn gái ta đâu. Nếu nói về sự thiệt và tư tưởng thì chẳng những không kể đến thôi, chúng tôi còn phản đối nữa. Nhơn đó có bài đại luận nầy, ngoài sự trả lời cho người hỏi, chúng tôi còn muốn tỏ cho nữ lưu ta biết chữ tình chữ ân giữa vợ chồng, trai gái nên lấy nên bỏ là thế nào.

Cái chết của nàng Viên Thục Tú đó, theo ý chúng tôi, cho là cái chết không đáng, cái chết vô ý nghĩa cũng vô giá trị. Cái chết ấy lại còn làm nhục cho nữ giới nữa, vì tỏ mình ra là thuộc quyền sở hữu của phe đàn ông; chết như thế là làm hèn cái nhân cách mình đi, có thể kể cho là phạm một tội đi cũng được.

Truy nguyên cái chét của nàng Viên, chẳng qua vì cái học thuyết của Tống nho mà ra; cái học thuyết ấy đã thành ra phong khí, thành ra thói tục rồi, bọn nữ lưu thuở nhà Minh nhà Thanh tiêm nhiễm lấy mới khinh sanh đến như thế.

Nói cái học thuyết của Tống nho, tức là cái thuyết bắt đàn bà thủ tiết, không được tái giá sau khi chết chồng. Độc giả hãy soát lại trong Phụ nữ tân văn mấy số trước kia, có nhiều lần nói tới rồi, nay không kể rõ ra đây làm chi cho choán chỗ.

Cấm đàn bà tái giá, tức là thiệt hành cái luật "tùng nhứt nhi chung" mà còn nghiêm khốc hơn. Bởi vì trong Lễ tuy có nói tùng nhứt nhi chung, nhưng theo trường hợp chánh đáng cũng không cấm đàn bà cải tiết. Nay nhứt luật bảo rằng hễ chết chồng rồi thì không được lấy chồng nữa, thế chẳng khác nào chỉ định một người đàn bà nào đó làm của riêng của một người đàn ông nào đó, hễ người chủ mất rồi thì thôi, không được thuộc về tay ai. Nếu vậy thì đàn bà đã thành ra "cái vật" rồi, chớ không còn phải là "con người". Vả chăng, con người có ý chí tự do, khác với cái vật mà!

Đại phàm cái học thuyết nào đã thành ra phong khí thì người ta khuynh hướng theo một ngày một quá hơn mà vượt lên cái điều đã đề xướng từ đầu. Ấy là vì những sự khuyến khích bằng cách sinh biểu của nhà vua, vì những cái hư danh trong xã hội mà thiên hạ đua nhau làm cho kỳ được. Hồi nhà Tống, các nhà nho đề xướng cái thuyết đó, người ta có theo cũng chỉ đã làm vợ thiệt rồi mới thủ tiết cho chồng mà thôi; song đến sau lần lần, chồng chết thì chết theo, lại đến chồng chưa cưới, chết cũng chết theo nữa, thì còn cao hơn cái luân lý của Tống nho mấy từng nữa vậy.

Như nàng Viên đó, nghĩ mình dầu có sống, theo luân lý quá cao kia, cũng chẳng lấy chồng được nữa, mà chết đi thì lại được tiếng tiết liệt để đời, cho nên mới dạn dĩ mà quyên sanh. Nhưng không chịu dùng lý trí mà xét đoán thử mình chết như vậy là hiệp với cái lẽ gì; chỗ ấy có thể gọi là chỗ ngu dại của người đời cũng được vậy. Bởi vậy, cái chết ấy, chúng tôi cho là vì luân lý bó buộc mà chết, vì hư danh lừa gạt mà chết, chớ không có giá trị gì giữa loài người, mà lại còn làm sỉ nhục cho loài người nữa kia.

Đã biết rằng nàng ấy chỉ vì luân lý bó buộc, hư danh lừa gạt mà chết, nhưng nếu ta chỉ hẳn chỗ đó ra và nếu nàng Viên có biết, ắt nàng không phục tình. Một việc khinh sanh như thế, ai cũng phải cho mình là có ý cao thượng.

Thế thì ngoại cái đã chỉ đó ra, ta nên tìm thử nàng Viên chết là do cái ý gì. Theo cái điều ràng buộc giữa vợ chồng người Tàu và người Nam ta, có hai cái, người ta thường đem sánh ngang cùng nhau, là ântình, thế thì ta thử luận trong hai cái ấy.

Mà phải, nếu nói rằng chồng chết mà chết theo, thì còn chưa đủ lẽ. Phải nói đến cái chỗ chết theo chồng là vì lẽ gì, như thế thì lý sự mới phân minh. Vậy thì ântình, hai cái ấy, nàng Viên phải có lấy một.

Cái tình phát sanh ra giữa người nam với người nữ là bởi những gì? Theo thường, phải là hai người đã có quen biết nhau, chuyện trò cùng nhau, hay là đợi đến sanh con đẻ cái rồi mới phát sanh ra cũng có. Nay nàng Viên mới vừa hứa gả cho họ Tiền chớ chưa cưới, mà theo phong tục thời ấy, vợ chồng chưa cưới cũng không có phép gặp mặt nhau, vậy thì chắc không thể nào sanh ra cái tình được. Nếu nói nàng Viên vì tình mà chết, chắc không phải.

Kể những danh từ dùng mà chỉ sự quan hệ giữa vợ chồng hoặc trai gái, ngoài chữ tình ra còn có chữ ái, chữ nghĩa nữa; mà ba tiếng ấy cũng đều có để chữ ân lên trên: nói ân tình, ân ái hay ân nghĩa. Điều đó ai cũng cho là thường, cứ nói quen miệng mà không suy nghĩ, chớ nó vốn là một sự lạ. Bởi vậy, về việc nàng Viên đó, sau khi xét về cái tình (tình thì gồm có áinghĩa rồi), ta nên xét đến cái ân.

Tình, ái, nghĩa là nói chung, chớ ân thì chỉ nói riêng về bên người nam mà thôi, ân tức là cái của người nam ban cho người nữ. Cái nghĩa ấy ai ai cũng đều hiểu như vậy chớ không thể hiểu khác. Vậy thì ta thử hỏi, hai người trai gái gặp nhau, chỉ có lấy cái tình thương yêu nhau mà thôi, chớ lại có ân gì? Nếu có ân thì hai bên đều có, cớ sao lại riêng về một bên đàn ông? Bởi vậy mà ta phải lấy làm lạ!

Phải chi người đàn ông là ông vua, gặp một người con gái thì đùm bọc chở che cho cả nhà phú quý, hay là có sự quan hệ đặc biệt khác, thì kể là ân cho đáng. Cái nầy, hai bên đều là người thường như nhau cả, mới vừa quen nhau, một bên nọ liền nhận bên kia là ân nhân, là nghĩa làm sao?

Chẳng những vợ chồng, cho đến trai gái mới bắt tay nhau đã vậy. Cô Kiều mới vừa gặp chàng Kim đã vội bật ra câu: "Còn thân ắt cũng đền bồi có khi" rồi đến "Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai" nữa, mới thật là thái quá. Thứ một người đàn ông thương đến mình thì cũng như mình thương đến họ, chớ có phải cha mẹ banh dạ xẻ thịt đẻ ra đâu mà hòng toan báo đáp tới dường kia?

Hỡi người đời! Thử nghĩ mà coi thử cái ân ấy là cái ân gì? Nghĩ thử!

Nàng con gái họ Viên chết là chết vì cái ân ấy đó. Nàng chết là để báo đáp cho Tiền sanh đó. Phận nàng hèn hạ, kể với Tiền sanh như trời với vực, vậy mà Tiền sanh dủ lòng biết đến, ấy là cái ân tày trời tày biển rồi; cái ân ấy cũng như cái ân tri ngộ của tôi đối với vua, chỉ có làm cho mình thịt nát xương tan thì mới hòng trả đặng. Nàng "quyết đem gan óc đền nghì trời mây" chớ chẳng những "làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai" như cô Kiều mà thôi vậy.

Nam là tôn, nữ là ty. Người đàn bà là thuộc quyền sở hữu của đàn ông. Người đàn bà chẳng khác nào cái vật. Trong tâm lý người Tàu với người mình đã chứa sẵn những cái nhứt định như thế rồi, nên mới nhận cho sự người nam biết đến người nữ là một cái ân.

Đã mang ân thì phải đền đáp. Đền đáp bằng cái gì cho xứng đáng được, duy có cái thân thì mới xứng đáng mà thôi. Bởi vậy nàng con gái họ Viên mới chết, và có nhiều kẻ cũng đã chết như nàng ấy.

Tầm bậy! Chẳng có ân gì hết, vợ chồng cho đến trai gái gặp nhau cũng vậy, chỉ có tình mà thôi. Bên nầy và bên kia, mỗi bên lấy cái tình mà ràng buộc nhau, coi nhau là bình đẳng, chớ chẳng hề có ai ban ân cho ai hết. Mỗi một bên cũng đều có cái nghĩa vụ đối với nhau, theo nghĩa hỗ trợ, chớ chẳng hề có ai báo ân cho ai hết. Đừng nghĩ là ân mà chết để báo đáp, chết như thế là oan mạng, mà theo chủ nghĩa cá nhân đời nay cũng chẳng có danh gì.

Tử vì tình thì có, nhưng không ai dại mà tử vì ân bao giờ.

P. K.