Bước tới nội dung

Ông Tú Xương với thi cử

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ông Tú Xương với thi cử  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6430 (Phụ trương văn chương, số 1, thứ bảy 2.5.1931)

Ông Tú Xương, thi nhân Bắc kỳ, đã nổi tiếng hay thơ trước đây vài mươi năm, chẳng phải những là một tay có thi tài mà thôi, cũng lại là người có chí khí, có tư tưởng nữa. Trước kia ông đã có dịp làm quen với cụ Phan Sào Nam, từng gởi cho cụ một bài thơ rằng:

Mấy năm vượt biển lại trèo non.
Em hỏi thăm qua bác vẫn còn.
Mái tóc Giáp Thìn đã nhuộm tuyết,
Điểm đầu Canh Tý chửa phai son.
Phướn trời gặp hội mây năm vẻ,
Lấp bể ra công đất một hòn.
Có phải như ai mà chẳng biết,
Giang tay chống vững cột kiền khôn.

Thấy nói bài thơ ấy ông Tú Xương gởi cho cụ Sào Nam hồi còn ở nhà mà đã đỗ thủ khoa rồi. Cụ đậu thủ khoa năm Canh Tý cho nên câu 4 mới nói như vậy. Cụ Phan vốn có chí về quốc sự từ hồi còn làm học trò, từ hồi thi đậu ấy, mà không mấy người biết. Vậy mà ông Tú Xương biết và nói ra trong câu 6 và 8 đó, đủ thấy ông cũng là người có tư tưởng khá lắm, chớ không phải chỉ chuyên một nghề ngâm vịnh mà thôi.

Ông Tú lại có một bài thơ nữa, đề là Tương tư, người ta nói rằng bài ấy cũng là bởi ông nhớ cụ Phan khi xuất dương rồi mà làm ra thơ như vầy:

Ta nhớ người xa cách núi sông,
Người xa, xa lắm, nhớ ta không?
Đã từng vui lắm, thêm buồn bã,
Vừa mới quen nhau hóa lạ lùng.
Khi thấy thấy gì trong mộng mị,
Nỗi riêng riêng cả mảnh tình chung.
Tương tư lọ phải là trai gái,
Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng.

Bài ấy có câu 7 tỏ ra là không phải thơ tương tư trai gái rồi, nhưng nói rằng nhớ cụ Sào Nam thì cũng chẳng lấy gì làm đích xác, duy có bốn chữ "người xa xa lắm", cho là chỉ kẻ đi trốn ra nước ngoài, không mong về được thì hoạ chăng có lẽ mà thôi. Song có người biết việc lúc bấy giờ, nói ông Tú Xương làm bài ấy là ngụ ý nhớ cụ Phan thật, có điều giấu đi mà không đặt đầu đề rõ ràng, chỉ dùng chữ tương tư đó thôi.

Dầu thế nào nữa, chúng ta cũng có thể nói quyết rằng ông Tú Xương là người có chí, có tư tưởng quốc gia, còn có bài thơ khác làm chứng.

Đại phàm người đã có tâm sự riêng như vậy thì thường không kể cái hư danh ra gì. Dầu đến sự thi cử là sự sĩ phu hồi xưa lấy làm trọng lắm mà cũng coi là khinh rẻ. Cho nên ông Tú Xương lại có bài nầy, đề là Khoa thi:

Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
Trời thôi sĩ tử vai đeo lọ;
Ậm ẹo quan trường miệng thét loa,
Xe kéo rợp trời quan sứ đến;
Vây lê phết đất mụ đầm ra.
Sao không nghĩ đến điều tu sỉ?
Ngoảnh cổ mà trông lại nước nhà!

Đến bài ấy thì cái ý của ông rõ ràng lắm. Hồi bấy giờ các quan Tây đã dự đến việc thi cử, ngày vào trường hay là yết bảng đều có quan Tây đến chứng giám. Các bà đầm cũng tới nơi, cũng chỗm chuệ ngồi chung với các quan, là sự cố nhiên. Những điều đó làm cho tác giả nghĩ chuyện xa xuôi, rồi bảo ai nấy phải ngoảnh cổ trông nước nhà, tự nhiên hiểu được cái vinh hạnh đó ở trong không toàn là vinh hạnh.

Ý ông Tú Xương rõ ràng như vậy thì ông không đi thi mới phải, sao ông lại cũng đi thi và cũng khuyên người ta đi thi?

Bài Đi thi:

Tấp tểnh người đi tớ cũng đi,
Cũng lều cũng chiếu cũng đi thi.
Tiễn chân cô mất hai tiền lẻ,
Rờ bụng thầy không một chữ gì.
Lộc nước cũng nhờ thêm giải ngạch,
Phước nhà may được sạch trường quy
Ba kỳ trọn vẹn thêm kỳ nữa,
 ă u ư ngọn bút chì.

Lại bài Khuyên học trò đi thi:

Nhà nước còn thi hãy cứ thi,
Việc gì mà chẳng rủ nhau đi?
Sử đề theo sách quan Ngô Giáp;
Toán pháp thêm bài hội Trí Tri,
Muốn sống phải chăm mài bút sắt,
Cho mau chớ chậm đổ hòn chì
Đỗ đâu hết cả nhà thông ký,
Phận của nhà nho có một ly.

Có hai bài đó có những chữ bút chì, toán pháp tỏ ra mấy khoa thi sau chót, nghĩa là khi ông đã làm quen với cụ Sào Nam rồi, có tư tưởng quốc gia rồi, biết điều tu sỉ rồi, mà ông cũng còn đeo đuổi theo khoa cử và bảo người đeo đuổi theo khoa cử nữa.

Cũng có lẽ trong lúc đó, sợ mang tiếng lập dị, đi thi mà chơi chớ không cố chi đậu, song ông Tú Xương không phải vậy, thật tình ông rớt ông lấy làm tức lắm, coi như bài nầy:

Hễ mai tớ hỏng tớ đi ngay,
Cúng giỗ từ đây nhớ lấy ngày!
Học đã sôi cơm nhưng chửa chín;
Thi không ăn ớt thế mà cay!…

Lại bài:

Bụng buồn còn muốn nói năng chi?
Đệ nhứt buồn là cái hỏng thi,
Một việc văn chương thôi cũng nhảm
Trăm năm thân thế có ra gì!…

Xem hai bài đó thì thấy ông thật tình lấy sự thi rớt làm cay, làm buồn lắm, mà hai bài ấy cũng làm trong khi ông rớt khoa chót hết, nên bài sau câu kết mới có nói: Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy.

Cứ theo mấy bài thơ của ông đó mà xét thì chúng ta sẽ biết ông Tú Xương đối với khoa cử có thái độ mồ hồ khó thấy lắm. Làm sao một người có chí, có tư tưởng, khinh bỏ sự hư vinh, nhớ đến điều tu sỉ, mà đến lúc có khoa, lại cũng mang lều mang chiếu như người khác? Thứ nhứt khó hiểu là sau khi thi rớt cũng lại buồn rầu bức tức, đến nỗi than van rằng Trăm năm thân thế có ra gì! Nếu vậy ông Tú Xương cũng chỉ nhìn có một đường khoa cử là đủ lập thân mà thôi, ngoài ra không còn cách gì để đứng vững ở đời hay sao? Lấy nghiêm cách mà nói, thì cái thái độ của ông lại mâu thuẫn nữa.

Người ta nhiều khi ở ngoài vòng danh lợi thì coi nó là bạc song đến khi vào trong rồi thì cũng mê đi mà lấy đắc thất làm quan hoài như kẻ khác. Hoặc giả ông Tú Xương cũng vậy.

Thế thì, theo tư tưởng của mình, ông duy có đừng đi thi mà thôi. Hễ đã đi thi thì tự nhiên phải lấy cái hỏng làm cay.

Nếu có phải vậy thì mới có thể cắt nghĩa cái chỗ mâu thuẫn của ông Tú Xương được.

C. D.