Bước tới nội dung

Ông Thông Reo tiết lộ việc bí mật của ông Phạm Quỳnh

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ông Thông Reo tiết lộ việc bí mật của ông Phạm Quỳnh  (1930) 
của Ngô Tất Tố

Bài đăng trên Phổ thông, Hà Nội, số 83 (9.10.1930)

Nói sau thì mang tiếng nói đuôi, chớ cái việc nhà học giả Phạm Quỳnh muốn làm thượng thư bộ Học thì mình cũng biết đã lâu.

Biết từ khi thấy Phạm Quỳnh vô cớ cho Nam phong tạp chí tắt nghỉ mấy tháng, thảo ra hiến pháp cho Trung Bắc kỳ, rồi đến khi quan Khâm sứ Trung kỳ diễn thuyết ở viện Dân biểu trong ấy, thì ý ngài cũng dưa dứa nhà học giả họ Phạm, chỗ đó khiến cho mình phải phục cái tài tiên tri về luồng gió chính trị của ông chủ Nam phong, chẳng khác chi các nhà thiên văn trông thấy những luồng bão biển.

Tuy biết mà chưa muốn nói, vì mình nhát, sợ rằng nói ra thì tiên sinh họ Phạm lại hỏi vặn sao dám tuyên tiết bí mật của ngài, như hôm nọ ông Vĩnh đã dắt ngài ra mà hỏi ai tuyên tiết điều lệ lập đảng là điều lệ bí mật của ông ấy, thì mình chẳng biết đằng nào mà trả lời.

Té ra bàn tay không che kín mặt trời, mình không nói người khác cũng nói.

Ông Thông Reo người viết báo Trung lập, hôm vừa rồi đã bô bô đem việc ấy nói toẹt lên báo rồi, mà nào có nói êm đềm, nói một cách quả quyết rằng, nếu sau này Trung Bắc kỳ thành lập hiến pháp mà nhà học giả không được kêu bằng cụ thượng học thì cứ đem ông ta ra mà chém.

Lấy cớ gì mà ông Thông Reo cam đoan ghê gớm như vậy ? Vì ông ta thấy tiên sinh Thượng Chi vẫn tuyên bố không phải nhà chính trị mà lại nhè dịp sắp có việc cải cách, xướng ra việc hiến pháp là việc chính trị to như trời, vả lại hiến pháp không phải là hiến phép trơn, hiến pháp có đèo thêm việc giáo dục, lại nói vào cái đuôi bảo tồn chữ quốc ngữ để phá ngầm việc sửa đổi chữ quốc ngữ của ông Vĩnh.

Ấy đó cái chí muốn làm thượng thư bộ Học của nhà học giả họ Phạm nó lồ lộ ra đó, ông Thông Reo trông thấy một cách rõ ràng, cho nên mới dám cam đoan bằng đầu, chớ cũng không phải có can đảm như ông Vĩnh cam đoan hôm xưa.

Cái cam đoan này chẳng nguy hiểm, nếu có ai treo giải cho người nói trúng, thì mình cũng cam đoan chơi với ông Thông Reo. Bởi vì về việc ông Quỳnh muốn làm thượng thư bộ Học, mình còn biết hơn ông Thông Reo một tin đồn nữa.

Nhưng cái tin này mình cũng không muốn nói, không nói nhưng cũng không muốn mách cho ông Thông Reo biết.

Đây là cái tin đồn ấy đây.

Cũng một ông họ Phạm, tên là Văn Quảng, dân biểu Trung kỳ mới rồi không biết vì việc gì mà ông này đi đi lại lại ở hai viện Dân biểu Trung và Bắc nhiều lần lắm. Đến khi chức nghị trưởng Bắc Kỳ về ông họ Phạm tên Lục, thì ông họ Phạm tên Quảng có thò một bản hiến pháp kêu là “quan dân cộng sự”, quan chứ không phải quân (?) có chữ ký của nhiều ông nghị Trung kỳ, rồi bảo 45 ông nghị Bắc kỳ ký theo, bấy giờ ông nghị Quỳnh ký trước, rồi đến 42 ông nghị khác, còn hai ông nữa không ký.

Nếu quả như vậy thì chức thượng thư bộ Học của ông Quỳnh chắc như lèn rồi, chẳng những thế, Quỳnh tiên sinh còn kiêm cả chức tổng trưởng bộ Lập pháp nữa kia.

THIẾT KHẨU NHI