Đài gương kinh/22

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Đài gương kinh của Tản Đà
22. — Đối với chồng

22. — ĐỐI VỚI CHỒNG

5°. Chữ Trinh lúc biến

Khó nói thay!

Cảnh-ngộ trong một đời người ta, rất là không có thường. Cảnh-ngộ không có thường mà đức-hạnh giữ được thường thời chỗ đó mới là chỗ hơn người mà trong nhẽ đáng quí càng đáng quí. Bởi thế cho nên chữ trinh đến lúc biến, khó nói thay!

Chữ trinh trong lúc thường, những người làm mất thật là kém; nhưng các người giữ được, cũng chỉ vào hạng đáng quí chuộng mà chưa lấy gì làm hơn ai. Ai hơn ai, xem nhau ở lúc biến.

Đời người mà phải có lúc biến, thực rất là không may; nhưng gió cả biết cây cứng, mềm, thời chữ trinh đến lúc ấy mới càng tỏ. Than ôi! Chỉ thắm trăm năm, chưa se đã đướch; đầu xanh đôi lứa, đương họp mà tan. Dẫu luật-lệ của vua chúa chưa từng buộc người lấy chữ trinh; lễ-pháp của thánh-nhân chưa hẳn ép người lấy chữ trinh. Nhưng khuyên ai gượng mối tơ lòng, ngọc càng chuốt, gương càng trong, chữ đồng càng sáng! Làm người nên biết nghĩa “ngàn thu” là quí, đàn bà chỉ có một chút đó có thể sánh được với cái trung, cái hiếu, cái anh-hùng bên con giai. Nghĩ sao cho được hơn người, tiếng thơm để lại muôn đời ngượi khen.

Phương-ngôn: Gái chính truyên lấy một chồng.

DẪN TRUYỆN. — A. Kim-thị, vợ chưa cưới của Trương-văn-Bảo. Văn-Bảo ốm sắp chết, Nàng nghe tin, xin với bố mẹ muốn đi thăm. Bố mẹ nói: « Hắn đã có vợ lẽ lấy trước, người họ Bao, đã có thai. Nay hắn lại sắp chết, con đi làm gì! » Kim-thị: « Sắp chết, mà không đi, thời lúc nào đi? Họ Bao có thai, khác gì thai của con. » Cứ cố xin. Bố mẹ phải cho đi. Lúc đến nơi, mới tiếp mặt mà Văn-Bảo chết ngay. Kim-thị làm ma, giữ tang, như vợ chồng đã lâu. Họ Bao sau đẻ được con giai, nhà nghèo, không đón được thầy học. Kim-thị tự dạy cho học sách, rồi đứa con ấy đỗ Tiến-sĩ, làm đến chức quan to. Kim-thị đến khi ấy, nhân làm bài thơ để nói chí-thú rằng:

« Ai bảo thiếp không chồng?
« Thiếp còn được thấy chồng đương chết.
« Ai bảo thiếp không con?
« Vợ lẽ đẻ con cũng như thiếp.
« Con đọc sách,
« Thiếp dệt gai;
« Đêm đêm tiếng quạ kêu ngoài buồng không.
« Con đã làm nên, thiếp đứng hóa;
« Hồn ai chín suối yên chăng tá? »

B. — Đời Lê, một quan tương-quân là ông Ngô-cảnh-Hoàn, đánh nhau với quân Tây-Sơn, chết ở bến Thúy-Ái. Tin báo về đến nhà, cả nhà thương khóc, duy người vợ lẽ là Phan-thị-Thuấn, tuổi mới ngoài hai mươi, người đẹp, chưa có con; nghe tin, cứ tự-nhiên như thường. Đến khi làm lễ trăm ngày xong, Nàng ấy ăn mặc rất trang-điểm, sai bơi thuyền ra chỗ chồng tử-trận, dìm mình để chết theo. Dân sở-tại đấy là làng Thúy-Ái huyện Thanh-Trì có lập đền lên thờ. Đến đời vua Tự-Đức ta có ban sắc phong là “Tiết-nghĩa-phu-nhân” và sai dựng bia đá.

Đền bà Phan-thị có nhiều bài thơ hay của các quan tầu, quan ta đề vịnh, nhưng đều là chữ nho, nên không tiện chép. Nay kính phụng một bài thơ, luật tầu, chữ quốc-văn:

Chồng trung cho thiếp mới nên trinh;
Nửa vị giang san, nửa vị tình.
Mặt phấn môi son, lòng nước biếc;
Gan vàng dạ ngọc, đá bia xanh.
Sô gai thiên-hạ âu thừa nhỉ;
Gió bụi nhân-gian chẳng bợn mình.
Qua lại thuyền ai sông Thúy-Ái,
Còn chăng sóng gợn với hương thanh?»