Đài gương kinh/21

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Đài gương kinh của Tản Đà
21. — Đối với chồng

21. — ĐỐI VỚI CHỒNG

4°. Chữ Trinh lúc thường

Tính-hạnh của người đàn bà có một cái trọng nhất là chữ Trinh; đạo người đàn bà đối với chồng có một cái trọng nhất cũng là chữ Trinh. Trinh, nghĩa là chính-truyên. Chính thời không có gian-tà, là giữ lấy tính-hạnh của mình cho nhất đức; truyên thời không có lòng nào với người khác, là giữ lấy tình nghĩa với chồng cho nhất tâm. Một chữ trinh của đàn bà, từ xưa đến nay, cả đông lẫn tây, đời nào cũng phải quí, nước nào cũng phải chuộng.

Chữ trinh đáng quí và đáng chuộng thời tự người đàn bà càng nên biết quí chuộng là phải. Ngọc lành đã được giá, nên phải giữ sao cho sạch vết, khỏi phụ lòng người mua. Trăm năm đà kết ngãi đá vàng, sông chưa cạn, đá chưa mòn mà nỡ đem một tấm lòng son, yêu riêng sẻ dấu thời soi gương thẹn với gương, xem hoa thẹn với hoa, đứng giăng thẹn với giăng, ngồi đèn thẹn với đèn, đêm nằm thẹn với chăn, ngày đi thẹn với bóng; trong đời người có một cái quí nhất mà dướch tình cho đang! Chẳng qua: cái ngòi vật-dục khêu ở ngoài, ngọn lửa tà-dục bốc ở trong làm cho một chút lòng trinh đương đỏ như son mà cháy ra than, tàn ra gio, tan ra khói. Tiếc thay!

Than ôi! Trâm cài lược giắt, ai kém chi ai; chút trinh kia nếu đã không còn thời thiên-hạ xem ra rẻ giá. Đàn bà muốn có giá, trước nên quí chuộng lấy chữ trinh.

Phương-ngôn: Chữ trinh đáng giá nghìn vàng.

NÓI VẬT-LÝ. — Con tầm, người ta hay ví với con gái.

Con tầm kia, từ khi ăn một, ăn hai, ăn ba, cho đến lúc ăn dỗi, biết bao công người hái dâu! Biết bao công giữ mưa gió! Đến lúc chín mà đem sang ở né, một tấm lòng son, ấy lúc vương tơ duyên. Nhưng nếu không gìn-giữ, để một con nhặng xanh trâm vào, thành ra cái vết đen thời mối tơ hồng vương không xong mà thân đến vất bỏ. Tiếc thay cho con tầm! Tiếc thay cho công người chăn tầm! Tiếc thay cho dâu gai!