Đài gương kinh/30
30, — ĐỐI VỚI CON
2• — Có con bé
Đứa trẻ con từ lúc mới biết đi biết nói, cho đến tuổi lên chín, lên mười; trong khoảng ấy, sự khôn biết mới nhóm đầu, tính-chất dễ cảm nhiễm, mà phần gần mẹ hơn gần cha, cho nên công nuôi-nấng cùng sự dạy bảo của người mẹ rất thiết-hệ. Sự cho ăn có chừng mực, thức cho ăn có lành tốt thời không hay sinh độc; sự cho mặc có sạch-sẽ, việc tắm rửa có siêng-năng, thời không hay sinh bệnh. Những cái đó thuộc về bên công nuôi, nhiều người đã hiểu biết. Đến như sự dạy bảo, thật là một điều còn thiếu cho phần nhiều người đàn bà thường tự nghĩ mình là mẹ hiền.
Đàn bà nước ta, thường có chung một bệnh chiều con. Sự chiều đó tức là lòng yêu quá mà nhầm. Mẹ yêu con là tính giời, là nhẽ thuận, là đức hay; nhưng nếu đến nhầm mà ra chiều thời trái hẳn nghĩa chữ “yêu" mà nói quá như thể ghét. Nay kể rõ các tình-trạng làm hại con vì sự chiều.
Chiều cho ăn uống lam-lũ lắm thời đứa con ấy lúc nhớn lên, phi ăn mày ăn xin, cũng bô-xuyết bỉ-ổi; chiều cho chửi càn nghịch hỗn lắm thời đứa con ấy lúc nhớn lên, phi ăn trộm ăn cắp, cũng so-lá ba-que; chiều cho quấy rầy làm nũng lắm thời đứa con ấy lúc nhớn lên, phi bất hiếu bất mục, cũng cầm cửa bán nhà. Con giai mà chiều lắm, hư đi đằng con giai; con gái mà chiều lắm, hư đi đằng con gái. Một nhẽ đó thật rõ hơn các cái dở về sự nuôi, thật quả như cho trẻ con chơi dao; nhưng sự-thể còn hơi xa, không ở ngay trước mắt, cho nên ít người thấy.
Than ôi! Mẹ, ai không mong cho con hay, mà sao ngạn-ngữ có câu rằng: « con hư tại mẹ »?
Phương-ngôn: Yêu cho roi cho vọt; ghét, cho miếng ngọt miếng bùi.
NÓI RỘNG NGHĨA. — Mẹ đã hay chiều con, nhưng có cha hay anh thời đứa con ấy cũng đỡ hư. Hoặc như những người không may mà hóa sớm thời được lại chút con nào, quí-báu là phải; không cứ người mẹ, ông, bà, bác, chú trong một nhà, ai cũng sẵn một lòng thương quí, biết cái hư cũng chiều. Vậy làm cho đứa trẻ thật đáng thương đáng quí ấy, tất đến không thành người. Tiếc thay!
Một sự chiều con của đàn bà, tuy là việc riêng mà thực ra hại chung. Một người chiều con, làm hư một đứa con; trăm người chiều con, làm hư trăm đứa con. Trăm đứa con hư ấy, rồi sinh ra ăn trộm ăn cắp, đi lừa đi đảo, làm hại cho xã-hội biết bao nhiêu! Dẫu không thế mà ăn mày ăn xin, cờ gian bạc lận thời trong số quốc-dân cũng thiệt mất bấy nhiêu người ăn hại mà vô dụng. Cho nên thực là một sự đáng lo chung.