Bước tới nội dung

Đóa hoa tàn/Chương IX

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Ông y khoa Tấn sĩ Lê Vĩnh Trị mướn ba căn phố dọn ở phía sau chợ Châu Đốc, một căn để làm phòng khám bịnh, còn hai căn để làm biệt xá.

Cô Túy Nga lên tới Châu Đốc lối ba giờ chiều. Cô hỏi thăm nhà ông Lê Vĩnh Trị rồi ngồi xe kéo đi lại đó. Khi cô xách vali bước vô cửa thì cô thấy thím biện Yến ngồi trong nhà. Cô liền để vali ngoài hàng ba rồi đi riết vô và khóc và hỏi rằng: "Thím biện, anh Bác vật bớt hay không? Ảnh nằm đâu?”

Thím biện Yến lắc đầu, rưng rưng nước mắt mà đáp rằng: "Nó ở trong núi, chớ đâu có ở đây. Tại cô mà bây giờ nó phải mang bịnh hoạn nhiều quá cô Ba ôi!”

Cô Túy Nga ngồi dựa bên thím biện Yến mà khóc, không nói được một tiếng chi hết. Thím biện Yến thấy vậy thím cảm tình, nên thím cũng khóc chớ không nỡ trách nữa.

Hai người tỏ dấu sầu não về cái họa chung một hồi, rồi cô Túy Nga mới hỏi bịnh của Hải Đường phát hồi nào, chứng bịnh ra làm sao, tại sao lại vô trong núi mà ở. Thím biện Yến cũng nói y như bài trong nhựt trình: Hải Đường không kết duyên cùng Túy Nga được thì chàng thất tình xin đổi lên Cao Miên mà làm việc. Tưởng đi cho xa đặng nguôi bớt nỗi sầu, nào ngờ sự buồn thảm vấn vít theo hoài đêm ngày làm việc mệt nhọc hết sức mà cũng không nguôi được. Chừng cùng thế bèn mượn rượu mạnh mà giải khuây, uống nhiều quá nên phải sanh bịnh con mắt rồi luôn tới trái tim nữa. Chàng mới xin nghỉ ra nằm nhà thương Nam Vang mà dưỡng bịnh. Ông Bác sĩ Trị hay tin ấy mới lật đật lên rước đem về mà cho thuốc. Vả bịnh phải trị lâu ngày, mà nhứt là cần phải ở chỗ yên tịnh mát mẻ. Sẵn ông Bác sĩ Trị có cất một cái nhà mát ở trên triền núi Sam để hứng gió, nên ông đem Hải Đường để ở tạm nhà mát ấy rồi mỗi ngày ông vô tuần mạch mà cho thuốc.

Túy Nga nghe rõ đầu đuôi rồi cô mới hỏi rằng:

- Vậy mà từ ngày ông Bác sĩ rước về cho thuốc đến nay, thím coi bịnh có giảm chút nào hay không?

- Khá lắm. Mấy bữa rày nó không còn mệt nữa. Ông Bác sĩ coi mạch hồi trưa, ổng nói trái tim nó bớt nhiều, song ổng căn dặn đừng có chọc cho nó giận, bởi vì hễ nó giận thì sợ bịnh phát lại rồi khó trị.

- Còn con mắt bây giờ ra thể nào?

- Cặp con mắt thì ông Bác sĩ ổng lo lắm. Ổng nói với tôi, ổng sẽ hết lòng lo cứu chữa, song ổng sợ nó phải chịu tật; như Phật Trời có phò hộ thì hoặc may nó thấy lờ mờ vậy thôi, chớ khó tỏ rõ như hồi trước được. Hổm nay ổng băng con mắt nó bì bịt, có thấy đường đâu, ăn cơm phải đút, ra vô phải dắt, chớ nó không thấy chi hết.

Túy Nga nghe lời đó thì nước mắt tuôn dầm dề nữa. Thím biện Yến hỏi rằng:

- Ông bà dưới nhà mạnh, cô Ba hả?

- Thưa, mạnh.

- Sao cô hay nó đau?

- Tôi coi nhựt trình tôi mới hay.

- Còn sao cô biết tôi ở đây nên lên đây mà kiếm?

- Cũng nhờ xem nhựt trình mới biết.

- Cô đi lên đây ông bà hay hay không?

- Thưa, hay. Tôi có xin phép thầy má tôi rồi mới đi đây. Nhà nầy phải là nhà của ông Bác sĩ hay không?

- Phải.

- Ổng đi đâu vắng?

- Hồi trưa ổng vô trỏng ổng xem mạch cho nó, rồi tôi đi theo xe ổng ra đây mà lấy thuốc. Té ra xe về tới thì có người trực rước ổng, vì có bịnh gấp. Ổng lật đật đi coi bịnh dưới Cỏ Tầm Bon, ổng dặn tôi chờ ổng về rồi ổng sẽ soạn thuốc cho tôi đem về trỏng mà cho nó uống. Tôi rầu lắm, cô Ba ôi! Vợ chồng tôi có làm việc gì bất nhơn thất đức đâu, mà sao trời đất lại hại con tôi như vầy không biết. Nếu con tôi có bề nào chắc là tôi phải chết theo nó, chớ sống sao cho được.

Thím biện Yến tủi phần con nên thím khóc nữa. Túy Nga thấy vậy cô càng thêm ăn năn, nên cô cũng chảy nước mắt mà nói rằng: "Anh Bác vật bịnh hoạn như vậy, tôi có tội nhiều lắm. Đã biết tôi không làm cho ảnh bịnh, nhưng mà cũng tại cử chỉ của tôi nên anh thất chí rồi mới sanh bịnh. Vì vậy nên hay tin thì tôi lo sợ buồn rầu không biết chừng nào. Tôi lên đây là tôi quyết hy sanh cái danh giá của tôi, quyết thí thân tôi mà nuôi dưỡng săn sóc cho tới chừng nào ảnh lành mạnh rồi tôi mới trở về. Nói cùng mà nghe, ví như trời đất không thương bắt ảnh phải chết, thì tôi cũng khó sống được. Vậy tôi xin thím tha lỗi cho tôi, và vui lòng cho tôi ở mà nuôi ảnh. Tôi phải chịu cực khổ với ảnh thì hoặc may tôi mới chuộc tội của tôi được”.

Thím biện Yến thở ra mà đáp rằng:

- Bây giờ cô biết thương nó rồi, cô nói như vậy, thì có lẽ nào tôi đi ngăn cản.

- Tôi cảm ơn thím. Tôi sẽ thế cho thím mà nuôi ảnh.

- Cha chả! Mà nó phiền cô lung lắm. Từ ngày nó đau cho tới bây giờ hễ nói tới tên cô thì nó nổi giận nó rầy quá. Tôi sợ nó không chịu cho cô ở gần nó chớ.

- Tôi sẽ hạ mình mà xin lỗi ảnh. Tôi ăn năn rồi, không lẽ ảnh không dung chế. Tôi muốn xin thím dắt tôi đi liền vô núi đặng tôi giáp mặt coi bịnh tình thế nào.

- Không được. Tôi phải đợi ông Bác sĩ đặng lấy thuốc rồi về mới được chớ. Cô chờ một chút, đã quá bốn giờ rồi, có lẽ ông Bác sĩ cũng gần về.

- Anh Bác vật đau như vậy mà ảnh ăn ngủ được hay không?

- Ăn được mà nó ngủ ít lắm.

- Ảnh ốm hay không?

- Ốm hơn hồi trước nhiều.

- Thím đi đây rồi ai ở nhà với ảnh?

- Có mướn một đứa nhỏ mười bốn tuổi, mướn để nó ra vô lấy thuốc. Tôi đi thì nó ở nhà, chớ có ai đâu.

Hai người nói chuyện tới đó thì xe hơi của ông Bác sĩ Trị về tới. Ông Bác sĩ bước vô thấy cô Túy Nga chào ông, thì ông hỏi thím biện Yến vậy chớ người đó là ai. Thím biện đáp rằng: "Cô Ba đây là con của ông Tổng Bình ở dưới Vũng Liêm. Cô là người mà thằng con tôi nó muốn kết duyên, song muốn không được nên nó rầu buồn mà phải sanh bịnh đó".

Ông Bác sĩ chưng hửng. Ông đứng ngó cô Túy Nga trân trân, sắc mặt nghiêm nghị, làm cho phải kiêng nể mà cúi đầu.

Ông hỏi cô rằng:

- Cô lên đây có việc chi?

- Thưa, em coi nhựt trình, em thấy anh Bác vật đau, nên em xin phép thầy má em mà lên đây.

- Anh Bác vật nặng tình với cô, mà cô không biết thương xót ảnh, vậy thì cô lên đây làm chi?

- Thưa, việc riêng của em khó nói cho ông hiểu được. Em thương hay là không thương chỉ có em biết bụng em mà thôi.

- Cô nói thế ấy nghe ra cô thương anh Bác vật. Thương sao lại đối đãi với ảnh lợt lạt, làm cho ảnh thất tình đến nỗi phải bịnh hoạn dường ấy. Tôi nói cho cô biết, nếu anh Bác vật có bề nào, thì cô mang tội lớn lắm. Theo lời anh nói chuyện với tôi thì tôi biết ảnh đối với cô, ảnh có một cái tình sâu sia nặng nề lắm. Có lẽ cô còn biết sự ấy nhiều hơn tôi nữa chớ?

- Thưa, em biết.

- Ờ, cô biết mà sao cô phụ rảy cái tình ấy?

- Thưa, em đã có một đời chồng rồi. Theo luân lý của mình thì liệt nữ vô nhị giá. Vì vậy mà em không thể kết duyên cùng anh Bác vật được, chớ nào phải em phụ rảy ảnh.

Ông Bác sĩ Trị nghe mấy lời sau đó, thì ổng ngó cô Túy Nga rồi lắc đầu mà hỏi rằng:

- Bây giờ cô hay ảnh đau, rồi cô lên đây làm chi?

- Em nghĩ ảnh mang bịnh đó là tại em, nên em quyết hy sinh danh giá và tánh mạng mà nuôi dưỡng ảnh cho lành mạnh đặng em chuộc cái tội của em chút đỉnh.

- Cô nói sao?

- Em nói em quyết lên đây ở làm tôi mọi mà nuôi dưỡng anh Bác vật cho tới ảnh lành mạnh.

- Uý! Cái đó không được. Tôi không thể cho cô gặp anh Bác vật được.

Cô Túy Nga chưng hửng.

Thím biện Yến nói rằng: "Ở nhà nãy giờ cô Ba cổ nói cổ ăn năn lắm, nên quyết lên ở nuôi dưỡng nó mà chuộc cái tội phụ rảy nó ngày trước”.

Ông Bác sĩ lắc đầu, ông kéo ghế mà ngồi rồi nói chậm rãi mà gắt gao rằng: "Tôi không thể cho cô Ba đây giáp mặt với anh Bác vật được. Không được, không được”.

Cô Túy Nga vội hỏi ông rằng:

- Thưa ông, tại sao vậy?

- Anh Bác vật nói tâm sự của ảnh cho tôi nghe mấy lần thì tôi biết rõ ý ảnh hờn cô, oán cô hung lắm. Ảnh đau trái tim tự nhiên phải cử cái giận, vì vậy nên tôi kiếm chỗ yên tịnh để ảnh ở dưỡng bịnh. Mấy tuần nay bịnh trái tim đã giảm nhiều rồi. Nếu cô giáp mặt với ảnh, tôi sợ ảnh nổi giận ảnh làm sung, rồi tôi cứu ảnh không được.

- Ảnh thương em, nếu em đến, có lẽ ảnh hết giận chớ.

- Cô nói như vậy thì sai lắm. Cô hay ảnh mang bịnh, cô đến mà nuôi ảnh, ấy là cô tội nghiệp người mắc hoạn họa, chớ không phải cô trìu mến người đa tình. Ảnh biết như vậy thì ảnh càng thêm giận, chớ không phải ảnh vui đâu.

- Nếu ảnh còn giận thì em sẽ khóc lóc năn nỉ với ảnh. Em nói thiệt dầu ảnh giận, ảnh mắng nhiếc đánh đập em đi nữa, em cũng cam tâm mà chịu.

- Không được. Bịnh đó hễ giận thì nguy lắm.

- Tội nghiệp em lắm, ông ơi! Hồi nãy em nói với thím Biện, thì thím bằng lòng rồi.

Thím biện Yến nói rằng: "Hồi nãy cô nói với tôi thì thiệt tôi có chịu, bởi vì tôi có hiểu bịnh tình thế nào đâu. Bây giờ ông Bác sĩ nói như vậy, thì tôi đâu dám cho cô gặp nó”.

Cô Túy Nga ngồi khóc bộ thảm thiết quá. Ông Bác sĩ thấy vậy, ông bèn bỏ đi qua chỗ khám bịnh, không muốn thấy cái cảnh ảo não của một người đàn bà ăn năn. Cô Túy Nga theo năn nỉ thím biện Yến cho cô giáp mặt với Hải Đường, ví như chàng giận chàng xô đuổi thì cô sẽ liệu lượng. Thím biện động lòng, nhưng vì có lời ông Bác sĩ nói như vậy, nên thím không biết lẽ nào.

Cách một hồi lâu, ông Bác sĩ Trị trở qua nhà tư, ông nói rằng: "Cô Ba nói đã hết lời, nếu mình ngăn cản thì té ra mình hẹp lượng. Vậy để cô giáp mặt với anh Hải Đường thử coi. Song nếu cho cô Ba đi vô trỏng thì phải có tôi theo mới được. Lại phải làm chậm chậm, chớ không nên làm gấp. Lúc nầy tôi băng con mắt của ảnh, nên ảnh không thấy chi hết. Bây giờ mình phải lập kế nói dối rằng tôi thấy thím biện già cả thức đêm thức hôm nuôi bịnh mệt nhọc, lại phải ra vô lấy thuốc hoặc mua đồ ăn khó lòng, nên tôi mướn giùm cô Ba đây - phải giấu mà kêu cô là “con Kiều” – là con gái mồ côi, mới vài mươi tuổi, nghèo nàn, song biết chữ, để phụ nấu cơm, nước, hoặc đi lấy thuốc, hoặc thức đêm hôm, hoặc đọc thơ đọc nhựt trình cho ảnh nghe. Mình nói dối như vậy trong ít ngày cho ảnh quen rồi, ví như chừng con mắt ảnh sáng lại ảnh biết, thì việc đã lỡ rồi, nên có lẽ ảnh bớt giận. Tôi tính như vậy, cô nghĩ thử coi được không cô Ba?”

Túy Nga mừng lòng, nên lật đật đáp rằng:

- Thưa, ông tính như vậy thì hay lắm.

- Cha chả! Mà tôi quên việc nầy: Tôi sợ cô nói chuyện rồi ảnh biết tiếng cô.

- Em không nói chuyện.

- Không nói sao được.

- Ảnh có hỏi hay là biểu việc chi thì chỉ nói tiếng một vậy thôi, chớ không nói dài.

- Ừ, phải vậy mới được. Không nên nói dài, sợ ảnh biết tiếng; đợi ít ngày cho quen rồi sẽ hay. Mà cô nhớ là tôi đặt tên cô là con “Kiều” nghe hôn. Thím biện cũng nhớ kêu tên ấy, chớ đừng lộn xộn dấy lâu mà hư việc. Thôi, để tôi biểu đầu bếp nấu cơm dọn cho thím với cô Ba ăn rồi sẽ đi. Để làm thử coi hoặc may ảnh hết sầu não rồi ảnh mau mạnh được.

Ông Bác sĩ kêu đầu bếp mà hối dọn cơm. Có lính trạm đem thơ và nhựt trình mà phát. Ông Bác sĩ soạn thấy có hai cái thơ đề tên Hải Đường, ông bỏ túi để lát nữa đem vô cho bạn. Ông lại soạn thuốc bỏ vào một cái túi da sẵn sàng.

Ăn cơm rồi, mặt trời đã chen lặn, thím biện Yến cùng cô Túy Nga mới lên xe hơi đi với ông Bác sĩ Trị mà vô núi Sam.