Đóa hoa tàn/Chương VIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Đóa hoa tàn của Hồ Biểu Chánh
Chương VIII
Tình sâu tiết sạch

Cách một tháng sau, thím biện Yến có trở về ở đâu trong xóm mà mướn thợ xây mả cho chồng.

Người ta hỏi thăm thì thím nói Hải Đường làm quan Bác vật tại sở Tạo Tác Sài Gòn. Làm mả xong rồi thì thím đi nữa, nói rằng lên Sài Gòn ở với con.

Từ ấy cho tới hai năm sau, Hải Đường và thím biện Yến không có trở về trong làng nữa, mà cũng không có gởi thơ cho ai hết, nên không ai biết còn ở Sài Gòn hay là đã dời đi chỗ nào khác.

Một buổi trưa, lính trạm đi phát thơ, cũng ghé nhà ông Bình mà phát nhựt trình như mỗi bữa. Cô Túy Nga ở nhà có một mình, cô mở tờ nhựt báo “Thanh niên” ra, thấy ở chương đầu có một bài đề tựa chữ lớn như vầy: "Tài với Tình". Cô là người đa tình, thấy tựa như vậy thì lấy làm kỳ, nên đọc bài ấy trước.

Bài viết như vầy:

Ông Nguyễn Hải Đường là một đứng nhơn tài của Việt Nam, ông ở tại “Chư nghệ Đại học hiệu” Bá Lê mà xuất thân, được cấp bằng làm Kỹ sư Bác vật sở Tạo Tác Đông pháp. Chí tấn thủ với tài học thức của ông làm vẻ vang cho bực thanh niên Nam Việt không biết chừng nào. Tiếc thay cho ông cũng như trăm ngàn đứng thanh niên khác, hễ đa tài thì đa tình, ông cũng bị dây ái tình ràng buộc lôi cuốn vào biển khổ.

Hôm chúa nhựt rồi đây, tôi thăm ông bạn tôi là ông y khoa Tấn sĩ Lê Vĩnh Trị ở Châu Đốc, tình cờ tôi nghe được tâm sự của ông Hải Đường thì tôi lấy làm đau lòng vô hồi. Theo như lời ông bạn tôi nói lại, thì ông Hải Đường từ nhỏ đã có tình với một cô mỹ nữ nào đó, nhưng vì cô chê ông nghèo hèn, không khứng kết tóc trăm năm với ông, nên ông thất vọng mới đi qua Pháp mà học. Ông học thành tài rồi, ông trở về xứ, gắn bó xin kết tóc với cô nữa. Cô quyết một lòng kháng cự, ông năn nỉ thế nào cô cũng không ưng. Lần nầy ông thất vọng mà lại thêm thất chí, không còn ham phú quí công danh gì nữa. Ông đương làm Kỹ sư Bác vật tại Sài Gòn sang trọng sung sướng không ai bì kịp, mà ông không thèm kể, ông xin đổi lên xứ Cao Miên đặng đi coi làm cầu theo đường xe lửa qua ranh Xiêm La. Ông lội trong ruộng, ở trong rừng, dãi nắng dầm mưa, cực nhọc đáo để, mà ông cũng không lấp mạch sầu được. Ông buồn quá nên sanh tật uống rượu, vì ông tính lấy rượu mạnh mà rửa mối sầu. Gần hai năm nay, phần thì ăn thất thường, ở cực khổ,phần thì ngày như đêm rượu mạnh cứ đốt gan đốt ruột ông, bởi vậy ông phải sanh bịnh, vừa đau trái tim, vừa đau con mắt. Ông phải xin vào nhà thương Nam Vang mà dưỡng bịnh.

Ông bạn của tôi là ông Lê Vĩnh Trị vốn là bạn thiết của Hải Đường hồi ở Bá Lê, lại chuyên trị bịnh trái tim và con mắt. Ông Trị hay tin ấy mới tuốt lên Nam Vang thăm ông Hải Đường, rồi rước ông về Châu Đốc để tại nhà mà trị bịnh cho ông. Tuy ông Trị hết lòng lo cứu bạn, nhưng mà cho thuốc hơn nửa tháng rồi, bịnh trái tim có giảm, còn cặp mắt của ông Hải Đường vẫn còn lù mù, không thấy đường đi.

Tôi thấy bịnh của ông Hải Đường thì tôi làm tiếc cái tài học của ông hết sức, mà tôi lại ghê gớm cho cái giống ái tình, nó mạnh mẽ đến nỗi giết người được. Cái hại về ái tình mà ông Hải Đường vương mang đó, là cái gương để cho anh em thanh niên xem.

Giáo sư Bùi Đạo Đức

Cô Túy Nga đọc hết bài nhựt trình, thì nước mắt tuôn dầm dề. Cô cầm tờ nhựt trình vô phòng nằm đọc đi đọc lại, đọc chừng nào cô càng đau đớn thêm chừng nấy. Cô khóc trót giờ, rồi lấy giấy viết một bức thơ, giọt lụy nhiểu ướt giấy hai ba chỗ. Cô niêm thơ kỹ luỡng rồi sai một đứa bạn đem xuống Vũng Liêm mua cò mà gởi tại nhà thơ[1].

Cô nằm trong phòng mà khóc hoài, cho đến chiều, ông bà đi xóm về, người nhà dọn cơm, mà cô cũng không chịu ra ăn.

Bà tưởng đau, nên tối bà vô phòng mà thăm cô, té ra bà thấy cô dựa bên cây đèn, mắt ngó vào tờ nhựt trình mà khóc. Bà lấy làm lạ, nên trở ra nói việc mình thấy đó cho ông nghe.

Ông Bình bèn kêu cô Túy Nga mà dạy ra cho ông biểu. Cô bước ra, cặp mắt ướt rượt, tay cô cầm tờ nhựt trình. Ông thấy vậy bèn hỏi rằng: "Có việc gì mà con khóc?"

Cô Túy Nga đưa tờ nhựt trình và chỉ cái bài “Tài với Tình” cho ông xem. Ông cầm đọc lớn cho bà nghe với ông. Ông đọc lớn rồi day qua hỏi Túy Nga rằng: "Hải Đường mang bịnh thì tội nghiệp thiệt, nhưng tại cớ nào con khóc đến nỗi bỏ ăn bỏ uống?" Túy Nga thủng thẳng đáp rằng: "Cô mỹ nhơn nói trong bài nhựt trình đó là con!"

Vợ chồng ông Bình nhìn nhau chưng hửng.

Ông hỏi rằng:

- Té ra Hải Đường có tỏ tình với con, có xin kết tóc trăm năm với con hay sao?

- Thưa, có.

- Hồi nào?

- Thưa, hồi ở bên Pháp mới về đó.

- Sao con không cho thầy má hay?

- Con nghĩ con ưng ảnh không được, nên con trả lời ngay cho ảnh, con không thưa lại cho thầy má hay làm chi.

- Hồi nó đi Pháp về thì chồng con để bỏ con đã lâu rồi, có điều chi trở ngại đâu mà con ưng không được?

- Tại con hay cái tình của ảnh đối với con nặng lắm, cái tình ấy gây ra từ khi ảnh mới thi đậu Tú tài và con chưa có chồng, mà ảnh ái ngại không dám nói ra, để bỏ đi Pháp mà học; nên sau con nghĩ phận hèn của con không xứng với tình nặng của ảnh mà con không ưng.

- Con dại quá! Việc như vậy mà nó không cho hay, để Hải Đường thất tình đến nỗi bịnh hoạn, bây giờ làm sao?

Bà nói rằng:

- Hồi Hải Đường thi đậu Tú tài rồi, tôi muốn gã phứt con Túy Nga cho nó. Tại ông muốn làm sui với chỗ môn đương đối hộ, ông hứa lỡ với ông Thiện mà gả nó cho Đăng Cao, tôi không biết làm sao, nên tôi phải xuôi theo. Chớ chi hồi trước mình gả nó cho Hải Đường thì nó có đâu bị hành hạ cái thân như vậy.

- Thiệt đó chớ! Tại hồi đó lòng tôi còn phấn chấn danh lợi nên tôi lầm. Thôi, việc xưa bà nó nhắc lại làm chi, để tính việc bây giờ đây coi phải làm sao.

- Bây giờ còn tính giống gì nữa. Tại hai đứa nó không có duyên nợ với nhau nên trời mới khiến như vậy, thì phải chịu, chớ biết làm sao.

Ông ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi ông hỏi Túy Nga rằng: "Con nói mấy lời hồi nãy đó thì thầy đủ hiểu ý tứ của con rồi. Tại con vì liêm sỉ, vì tiết giá nên con không ưng Hải Đường. Con ở như vậy thì cao thiệt, nhưng mà cái cao của con đó nó không hạp với cái tình sâu của chàng Hải Đường, nên chàng mới thọ hại. Bây giờ con tính lẽ nào? Con đành giữ phẩm giá của con cho cao hoài mà để cho tiêu diệt một đứng nhơn tài của xã hội Việt Nam hay sao?”

Túy Nga khóc và đáp rằng:

- Thiệt con không dè cái ái tình của anh Hải Đường sâu sia[2] đến thế. Con tưởng anh tài cao tước lớn, nếu con không ưng ảnh, thì chẳng thiếu nơi sang trọng giàu có cho ảnh kết đôi, có lẽ nào phận hèn của con mà làm lụy cho ảnh được.

- Có vậy con mới thấy cái ái tình đó là ái tình thiệt, không giả dối chút nào hết.

- Phải con hay như vậy thì thà là con chịu hổ thầm mà làm thấp, chớ con đâu nỡ giành phần cao mà để cho ảnh thất chí thọ bịnh. Con nghĩ lại con lỗi với anh Hải Đường nhiều lắm, nếu ảnh chết thì cái tội của con còn lớn hơn nữa, biết chừng nào mà chuộc đuợc.

- Thiệt như vậy.

Túy Nga đứng dụ dự một lát rồi nói tiếp rằng: “Con muốn xin thầy má một điều nầy: Từ ngày con bị chồng để bỏ, con tưởng nợ nhơn duyên con đã dứt rồi, nên con thề tâm phục sự thầy má cho đến trăm tuổi già, để đền ơn sanh thành cúc dục. Chẳng nhè nợ nhơn duyên của con còn lòng dòng, nên mới khiến có việc rắc rối như vầy. Nếu con làm lơ thì con mang tội ác lớn lắm. Vả lại ở nhà có anh Hai chị Hai. Vậy con xin thầy má vui lòng cho phép con lên Châu Đốc tìm mà nuôi dưỡng anh Hải Đường đặng con chuộc cái tội của con, chừng nào ảnh lành mạnh rồi con sẽ trở về”.

Ông Bình gật đầu đáp rằng: “Đó là nghĩa vụ của con, có lẽ nào thầy ngăn cản”.

Bà tiếp mà nói rằng: "Vậy mới phải. Bề nào cũng phải ráng hết sức mà cứu nó chớ”.

Cô Túy Nga sửa soạn hành lý rồi bữa sau cô đón xe hơi mà đi Châu Đốc.

   




Chú thích

  1. Bưu điện
  2. Sâu xa