Đăng cao (Lên cao) hay Cửu nhật đăng cao (Ngày tiết Trùng cửu[1] lên cao) của Đỗ Phủ là một trong số những bài thơ hay và nổi tiếng trong nền văn học cổ đại Trung Quốc.
Đăng cao
Phong cấp, thiên cao, viên khiếu ai,
Chử thanh, sa bạch, điểu phi hồi.
Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ,
Bất tận trường giang cổn cổn lai.
Vạn lý bi thu thường tác khách,
Bách niên đa bệnh độc đăng đài.
Gian nan khổ hận phồn sương mấn,
Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi.
Lên cao
Gió thổi, trời cao, tiếng vượn kêu rầu rĩ,
Bến nước trong, làn cát trắng, chim bay liệng vòng.
Ngàn cây bát ngát lá rụng xào xạc,
Dòng sông dằng dặc, nước cuồn cuộn trôi.
Muôn dặm thu buồn, xoát thân thường nơi đất khách,
Suốt đời quặt quẹo, một mình lên ngắm trên đài.
Gian khổ uất hận, mái tóc thêm ngả màu sương,
Lận đận vì mang nhiều bệnh mới phải ngừng chén rượu đục.
Gió mạnh, trời cao, vượn rúc sầu;
Bến trong, cát trắng, lượn đàn âu.
Lào rào lá rụng, cây ai đếm,
Cuồn cuộn sông dài, nước đến đâu.
Muôn dặm quê người thu não cảnh,
Một thân già yếu bước lên lầu.
Khó khăn ngao ngán bao là nỗi,
Rượu uống không ngon chóng bạc đầu.[2]
▲Tiết Trùng cửu còn gọi là tiết Trùng dương, vào ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch)
▲In lần đầu trong Ngày Nay số 79, ngày 3 tháng 10 năm 1937. Chép theo Tản Đà vận văn tập 2, Á châu xuất bản cục, Sài Gòn, không ghi năm xuất bản, tr. 213.