Đường kách mệnh/Lịch sử kách mệnh Nga

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

1. Nguyên do kách mệnh Nga từ đâu ra?

Nga là một nước rất rộng, nửa nằm về châu Á, nửa nằm về châu Âu. Dân Nga hơn 90 phần là dân cày, không đầy 10 phần là thợ thuyền. Khi trước theo chế độ nông nô, nghĩa là bao nhiêu đất ruộng và dân cày đều ở dưới quyền địa chủ. Địa chủ xem nông nô như súc vật, nó cho sống được sống, nó bắt chết phải chết, khi nó cần tiền, thì nó đem nông nô đi bán như bán trâu bán bò. Nông dân không được bỏ xứ này qua xứ khác.

Chừng nửa thế kỷ thứ 19, tư bản mới hơi phát đạt, nó vừa mở lò máy, nó cần người làm công, nó mới vận động bỏ chế độ nông nô để cho dân cày tới làm với nó, đến năm 1861, chế độ nông nô mới bỏ.

Tư bản mới và địa chủ từ đấy mới sinh hiềm khích to, mà phong triều kách mệnh công nông cũng từ đấy mọc ra.

2. Nông nô được giải phóng rồi thì làm gì?

Được giải phóng rồi, người thì ra thành phố làm công, người thì ở lại làm ruộng.

Đi làm công thì tiền công ít, giờ làm nhiều, phải làm nô lệ cho tư bản, ở lại cày thì đất ruộng ít, trâu bò thiếu, phải chịu lòn tụi phú gia. Dân tiếng tự do tuy được, kỳ thực cứ kiếp nô lệ: người thợ thì cực khổ, dân cày cũng chẳng sướng hơn.

Những người có lòng kách mệnh thì lập ra đảng để liên hiệp dân cày lại, nhưng mà không chú ý đến thợ thuyền.

Năm 1875 mới có đảng kách mệnh gọi là "Công nhân giải phóng”. Năm 1878 lại có một đảng mới gọi là "Công đảng".

Nhưng hai đảng ấy người ít sức hèn, lại bị Chính phủ bắt bớ nhiều, sau hoá ra đảng kịch liệt, chỉ lo đi ám sát vua và các quan.

3. Kết quả hai đảng ấy ra thế nào?

Ám sát là làm liều, và kết quả ít, vì giết thằng này còn thằng khác, giết sao cho hết? Kách mệnh thì phải đoàn kết dân chúng bị áp bức để đánh đổ cả cái giai cấp áp bức mình, chứ không phải chỉ nhờ 5, 7 người giết 2, 3 anh vua, 9, 10 anh quan mà được. Hai đảng ấy tuy hy sinh hết nhiều người, làm được nhiều sự ám sát oanh liệt, nhưng vì đi sai đường cách mệnh, không có sức dân chúng làm nền, cho nên bị Chính phủ trị mãi đến nỗi tan.

Năm 1883, ông Plêkhanốp lập nên đảng “Lao động tự do". Đảng này tổ chức theo cách ông Mã Khắc Tư dạy, nghĩa là liên hiệp cả dân cày và thợ thuyền làm cả kinh tế và chính trị cách mệnh.

4. Đảng này làm việc kách mệnh thế nào?

Đảng này lấy thợ thuyền làm cốt cách mệnh, và dân cày phụ vào.

Làm việc rất bí mật.

Ở Nga, ma tà, mật thám nhiều quá, nên cơ quan Đảng phải lập ở ngoại quốc (Luân Đôn).

Năm 1894, ông Lênin vào Đảng.

Năm 1898, Đảng khai hội một lần trong nước, chẳng may Chính phủ dò ra, bắt hết nhiều đảng viên. Tuy đảng viên bị bắt, nhưng lời tuyên ngôn của Đảng đã truyền khắp cả nước, cho nên phong triều kách mệnh càng ngày càng cao. Những người chưa bị bắt thì hết sức bí mật tuyên truyền và tổ chức.

Ít lâu đổi tên là "Xã hội dân chủ Đảng", sau lại đổi tên ra "Cộng sản Đảng".

Năm 1904 - 1905, Nga với Nhật đánh nhau, nhân lúc dân tình xục rục, Đảng ra sức vận động cách mệnh.

5. Sao mà biết dân tình xục rục mà vận động?

a) Trước khi đánh Nhật, vua phỉnh tư bản xuất tiền, lừa họ rằng đánh được thì kinh tế sẽ phát đạt, và tư bản sẽ được lợi to. Sau đánh thua thì tư bản mất tiền nhiều mà chẳng được gì, cho nên oán vua.

b) Thợ thuyền ghét vua đã sẵn nay vì đánh thua lại bị áp bức thêm, lại thêm ghét vua.

c) Dân cày ghét vua xưa nay, bây giờ đi lính chết chóc nhiều, vả lại thuế má nặng thêm, lòng ghét vua cũng càng ngày càng to.

Ba hạng ấy mục đích tuy khác nhau, nhưng lòng ghét vua thì như nhau. Đảng biết vậy thì vận động kách mệnh đuổi vua.

6. Lúc bấy giờ vua xử trí thế nào?

Vua biết thợ thuyền là hăng hái kách mệnh nhất, thì đặt cách làm cho tư bản, dân cày và thợ thuyền rời nhau. Nó xúi một người cố đạo ra tổ chức công hội, một là để lung lạc thợ thuyền, hai là để dò ai hăng hái thì bắt.

Ngày 9 tháng 1 năm 1905, anh cố đạo ấy (tên là Gapông) đem thợ thuyền đến chỗ vua ở thỉnh nguyện. Vì anh ta quên báo trước, và vì vua thấy đông người thì sợ bạo động, nên sai lính ra dẹp, bắn chết mất nhiều người. Gapông bỏ chạy ra ngoại quốc. Thợ thuyền các tỉnh nghe tin ấy thì bãi công và bạo động, lập ra công nhân hội nghị.

Kách mệnh chống nhau với vua và Chính phủ từ tháng 1 đến tháng 10. Vua một đường thì dùng lính dẹp cách mệnh, một đường thì giả tuyên bố lập ra nghị viện cho đại biểu dân bàn việc nước.

7. Vì sao kách mệnh 1905 thua?

1. Vì khi đầu tư bản muốn lợi dụng thợ thuyền đập đổ vua; sau nó thấy thợ thuyền hăng hái quá, nó sợ đập vua rồi lại đập cả nó, cho nên nó phản thợ thuyền mà giúp cho vua.

2. Vì thợ thuyền với dân cày không nhất trí. Khi thợ thuyền nổi lên thì dân cày không theo ngay. Thợ thuyền thua rồi, dân cày mới nổi lên, để cho vua nó trị thợ thuyền rồi nó trở qua trị dân cày.

3. Thợ thuyền chưa có kinh nghiệm nhiều, và tổ chức chưa hoàn toàn.

4. Chưa vận động lính và súng ống khí giới của dân ít quá.

8. Kách mệnh 1905 thất bại, thợ thuyền và Đảng có ngã lòng không?

Không. Trải qua lần thất bại ấy, Đảng nghiên cứu lại, phê bình lại, sai lầm ở đâu, vì sao mà thất bại? Biết rõ ràng những chỗ khuyết điểm mà sửa sang lại. Cũng như rèn một con dao, thử cắt mới biết chỗ nào sắc, chỗ nào cùn; sau cứ theo chỗ cùn mà mài, con dao mới tốt.

Nhờ chuyến thất bại 1905, thợ thuyền mới hiểu rằng: một là phải tổ chức vững vàng, hai là phải liên lạc với dân cày, ba là phải vận động lính, bốn là không tin được tụi đề huề, năm là biết tư bản và vua cùng là một tụi, muốn đuổi vua thì phải đuổi cả tư bản.

Kách mệnh 1905 thất bại làm gương cho kách mệnh 1917 thành công.

9. Lịch sử kách mệnh 1917 thế nào?

Kách mệnh 1917 có mấy cớ sau này:

1. Khi Âu chiến, đế quốc chủ nghĩa Anh và Pháp lợi dụng vua Nga đánh lại Đức. Nhưng vua Nga lôi thôi, tiêu hết nhiều tiền, chết hết nhiều lính, tất bị Đức đánh thua mãi. Các đế quốc chủ nghĩa ấy giận và giúp cho tư bản đẩy vua đi.

2. Tư bản giận vua chỉ tín dụng bọn quý tộc cầm binh quyền, bọn quý tộc lại vô tài, đánh đâu thua đó. Vả tư bản bên Nga phần nhiều là chung với tư bản Anh và Pháp; nếu Nga thua Đức, thì chẳng những tư bản Nga, mà tư bản Anh và Pháp cũng nguy; và nếu cứ để vua thì chắc thua. Vậy nên tư bản cũng muốn đẩy vua.

3. Thợ thuyền và dân cày đối với vua như đối với thù địch đã đành.

4. Bọn hoạt đầu nhân cơ hội ấy, thì lợi dụng 2 bọn này đuổi vua cho tư bản Nga và đế quốc chủ nghĩa Anh và Pháp. Tư bản và đế quốc chủ nghĩa lại lợi dụng bọn hoạt đầu.

10. Bọn hoạt đầu làm thế nào?

Nhân dịp lính chết nhiều, dân gian đói khổ, thợ thuyền thất nghiệp, Chính phủ lôi thôi; bọn hoạt đầu xúi dân rằng bây giờ kách mệnh đuổi vua đi, thì ruộng đất sẽ về dân cày, công xưởng sẽ về người thợ, nhân dân sẽ được quyền Chính phủ, chiến tranh sẽ hoá ra hoà bình.

Chẳng ngờ lúc tháng 2 đuổi vua đi rồi, tụi hoạt đầu và tụi tư bản lên cầm chính quyền, bao nhiêu lời nguyền ước chúng nó quên hết. Chúng nó cứ bắt lính đi đánh; ruộng đất cứ ở tay địa chủ, lò máy cứ ở tay nhà giàu; công nông cũng không được dự vào Chính phủ.

11. Sao Đảng Cộng sản không ra tay làm?

Khi kách mệnh đuổi vua, Đảng Cộng sản vẫn đứng đầu dân chúng. Nhưng lúc ấy đảng viên hẵng còn ít, và hoàn cảnh chưa đến, nên chưa giựt lấy chính quyền.

Kách mệnh xong lúc tháng 2. Từ tháng 2 đến tháng 4, dân nhiều người còn tưởng rằng Chính phủ mới chưa kịp thi hành những việc lợi dân, vì chưa có thì giờ.

Đến tháng 4 thì ông Lênin và nhiều đồng chí ở ngoại quốc về. Từ tháng 4 đến tháng 11, Chính phủ mới thì mỗi ngày mỗi lộ mặt phản kách mệnh ra. Còn đảng viên cộng sản phần thì đi tuyên truyền cho dân rằng: "Đấy, các anh xem đấy, tụi hoạt đầu là thầy tớ của tư bản và đế quốc chủ nghĩa, chúng nó chẳng hơn gì vua...”, làm cho ai cũng oán Chính phủ mới, phần thì lòn vào nông, công, binh, tổ chức bí mật để thực hành cộng sản cách mệnh.

12. Cộng sản kách mệnh thành công bao giờ?

Cuối tháng 10, đâu cũng có tổ chức cả rồi, ai cũng muốn cử sự. Nhưng ông Lênin bảo: "Khoan đã! Chờ ít bữa nữa cho ai ai cũng phản đối Chính phủ, lúc ấy sẽ cử sự". Đến ngày 5 tháng 11, Chính phủ khai hội để ban bố phép luật mới, mà phép luật ấy thì lợi cho tư bản mà hại cho công, nông. Ông Lênin nói với đảng viên rằng: Mồng 6 cử sự thì sớm quá, vì dân chưa biết hết luật lệ xấu ấy, mà chưa biết luật lệ ấy thì chưa ghét Chính phủ lắm. Mồng 8 cử sự thì muộn quá vì khi ấy thì Chính phủ đã biết rằng dân oán và đã phòng bị nghiêm ngặt rồi.

Quả nhiên ngày mồng 7 Đảng Cộng sản hạ lịnh cách mệnh, thì thợ thuyền ào đến vây Chính phủ, dân cày ào đến đuổi địa chủ. Chính phủ phái lính ra dẹp, thì lính ùa theo thợ thuyền mà trở lại đánh Chính phủ.

Từ bữa ấy, Chính phủ hoạt đầu bỏ chạy, Đảng Cộng sản cầm quyền, tổ chức ra Chính phủ công, nông, binh, phát đất ruộng cho dân cày, giao công xưởng cho thợ thuyền, không bắt dân đi chết cho tư bản và đế quốc chủ nghĩa nữa, ra sức tổ chức kinh tế mới, để thực hành chủ nghĩa thế giới đại đồng.

13. Kách mệnh Nga đối với kách mệnh An Nam thế nào?

Trong thế giới bây giờ chỉ có kách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Kách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm kách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới.

Kách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn kách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lê-nin.