Đường kách mệnh/Quốc tế

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

1. Quốc tế là gì?

Quốc tế nghĩa là người trong thế giới, bất kỳ nước nào, dân tộc nào, có một mục đích như nhau, hợp sức nhau để làm cho đến mục đích ấy. Như các đế quốc chủ nghĩa liên lạc nhau, để đè nén các dân hèn yếu (Pháp liên lạc Tây Ban Nha để đánh lấy An Nam, liên lạc Nhật để giữ An Nam, v.v.), các tư bản liên lạc nhau để tước bóc thợ thuyền (tư bản Anh, Mỹ, Pháp liên lạc tư bản Đức để tước lục thợ thuyền Đức). Thợ thuyền các nước liên lạc nhau để chống lại tư bản (như Hội Công nhân Quốc tế). Chúng ta kách mệnh thì cũng phải liên lạc tất cả những đảng kách mệnh trong thế giới để chống lại tư bản và đế quốc chủ nghĩa (như Đệ tam quốc tế).

2. Đệ tam quốc tế là gì?

Muốn biết Đệ tam quốc tế là gì thì trước phải biết Đệ nhất và Đệ nhị quốc tế đã.

Từ thế kỷ thứ 18 trở xuống, tư bản phát đạt rất thịnh, áp bức thợ thuyền rất nghiệt. Thợ thuyền bị áp bức thì tính cách phản đối, như tổ chức công hội, bãi công bạo động. Nhưng hầu hết tỉnh nào biết tỉnh nấy, nước nào biết nước nấy mà thôi, cho nên sức không mạnh lắm.

Năm 1840, thợ thuyền Đức lập ra một hội tên là Nhân quyền hội. Khẩu hiệu hội ấy là "Trong thế giới ai cũng là anh em". Khẩu hiệu ấy tuy rất hay, nhưng không đúng; vì bọn tư bản đế quốc chủ nghĩa và phản kách mệnh là thù địch dân, gọi chúng là anh em sao được?

Năm 1847, hội ấy sửa lại gọi là: "Toàn thế giới vô sản giai cấp liên hợp hội" - ông Mã Khắc Tư và Ăngghen vào hội ấy. Nhờ hai ông ấy sửa chương trình lại, và khẩu hiệu hội là: Đập đổ tư bản chủ nghĩa - thợ thuyền giành lấy chính quyền - làm cho thế giới đại đồng.

3. Hai hội ấy có phải Đệ nhất và Đệ nhị quốc tế không?

Không phải. Trong hai hội tuy là có thợ thuyền Đức và Pháp vào, nhưng hội viên có ít, sức lực còn yếu chưa làm được gì. Chẳng qua là biểu hiện rằng thợ thuyền các nước phải giúp đỡ lẫn nhau và bắc cầu cho Đệ nhất quốc tế đi.

Năm 1862 ở Kinh đô Anh (Luân Đôn) mở hội đấu xảo; tư bản các nước phái công nhân qua xem xét các máy móc. Công nhân lại gặp những người kách mệnh Nga, Đức, Pháp và các nước khác trốn ở đấy. Hai bên bàn bạc lập một hội kách mệnh thế giới.

Năm 1864, (ngày 28 tháng 2) mới lập thành Đệ nhất quốc tế.

4. Đệ nhất quốc tế làm được những việc gì?

Hội ấy tuy có nhiều người cầm đầu thợ thuyền các nước vào, nhưng vì:

1. Người còn ít,

2. Các công hội trong các nước còn yếu,

3. Không thống nhất cho nên chỉ tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản mà chưa làm được việc gì lớn.

Không thống nhất là vì ba chủ nghĩa chống nhau:

1. Chủ nghĩa Pruđông (Pháp);

2. Chủ nghĩa Bacunin (Nga);

3. Chủ nghĩa Mã Khắc Tư (Đức) (xem đoạn chủ nghĩa kách mệnh thì biết).

Sau lúc Pari Công xã thất bại, nhiều hội viên bị chết, bị bắt, nên hội tiêu điều dần, đến 1874 thì giải tán.

Đệ nhất quốc tế tuy chỉ đứng được 10 năm, nhưng khẩu hiệu "Toàn thế giới vô sản giai cấp liên hợp lại!" và tinh thần kách mệnh vẫn truyền đến bây giờ. Tuy không làm được nhiều việc, nhưng cái công dạy cho thợ thuyền trong thế giới kách mệnh thì rất to.

5. Đệ nhị quốc tế lập ra bao giờ?

Đệ nhất quốc tế tan rồi, vừa lúc tư bản phát đạt lắm, công nhân vận động cũng phát đạt. Trong khoảng 15 năm ấy (từ 1874 đến 1889) trong các nước nhiều công đảng mới lập lên, và đảng nào cũng hiểu rằng thợ thuyền các nước không giùm giúp lẫn nhau không được.

Năm 1889, đại biểu các công đảng hội nhau tại Pari, lập nên Đệ nhị quốc tế.

Từ khi lập ra, đến ngày Âu chiến, khai hội chín lần bàn bạc và nghị định:

1. Nước nào cũng phải lập ra công đảng;

2. Mỗi năm đến ngày 1 tháng 5 thợ thuyền cả thế giới đều bãi công và thỉnh nguyện;

3. Tất cả công nhân trong thế giới ra sức đòi chỉ làm công mỗi ngày 8 giờ mà thôi;

4. Phản đối đế quốc chủ nghĩa;

5. Các công đảng không được đề huề với tư bản;

6. Đảng viên không được ra làm quan với tư bản;

7. Nếu các đế quốc chủ nghĩa có sự chiến tranh, thì thợ thuyền các nước đều bãi công và kiếm phương thế kách mệnh để giành lấy chính quyền. Vấn đề thứ 7, thì trong 9 lần đại hội đều có bàn đến cả.

6. Vì sao Đệ nhị quốc tế lại hay bàn đến việc chiến tranh?

Vì đương lúc ấy, tư bản đã hoá ra đế quốc chủ nghĩa, và đế quốc chủ nghĩa, hoặc thường đánh nhau để giành thuộc địa, hoặc đi cướp nước hèn yếu làm thuộc địa. Như:

Năm 1894, Nhật đánh với Tàu;

1895, Anh đánh với Êgýptơ;

1896, Pháp đánh với Mađagátxca;

1898, Mỹ đánh với Tây Ban Nha để giành Philíppin;

1900, Anh đánh với Nam Phi châu;

1904, Nga đánh với Nhật;

1912, các nước Bancăng đánh nhau, vân vân.

Thợ thuyền thấy vậy, thì biết rằng các đế quốc chủ nghĩa sẽ có trận đánh nhau lớn. Vậy nên kiếm cách dè trước đi. Ngờ đâu đến 1914 các nước đánh nhau, thì phần nhiều hội viên Đệ nhị quốc tế đều giúp cho đế quốc chủ nghĩa, công đảng nước nào cũng khuyên dân đi đánh.

7. Đệ tam quốc tế lập ra từ bao giờ?

Vì bọn hoạt đầu trong Đệ nhị quốc tế đã phản mục đích hội mà hoá ra chó săn cho tư bản và đế quốc chủ nghĩa, hoá ra phản cách mệnh; những người chân chính kách mệnh như ông Lênin, ông Các Lípnếch, Rôda Luyxămbua, vân v., cho Quốc tế ấy như chết rồi, phải lập ra Quốc tế khác. Năm 1915 và 1916, những người kách mệnh hội nhau tại nước Suít (Thụy Sĩ) sắp sửa lập Đệ tam quốc tế, để nối theo chủ nghĩa Đệ nhất quốc tế mà làm cộng sản cách mệnh.

Năm 1917, Nga kách mệnh cộng sản thành công.

Năm 1919, Đệ tam quốc tế thành lập tại Kinh đô Nga là Mosku (ngày 6 tháng 3). Khi khai hội lần đầu, có đại biểu đảng cộng sản trong 24 nước dự hội.

Trong lời tuyên ngôn Đệ tam quốc tế xướng rõ ràng rằng:

1. Thế nào cũng đập đổ tư bản chủ nghĩa nhất thiết không đề huề như Đệ nhị quốc tế;

2. Thế nào cũng quyết làm cho chính quyền về tay công nông.

8. Từ khi lập ra đến giờ (đầu năm 1927) Đệ tam quốc tế khai hội mấy lần?

Năm 1920 khai Đại hội lần thứ II, có 31 nước dự hội. Tụi hoạt đầu Đệ nhị quốc tế thấy hội này mạnh, muốn xen vào để "theo đóm ăn tàn", cho nên Đại hội đặt ra cách tổ chức rất nghiêm; ai thừa nhận theo 21 điều quy tắc mới được vào. (Xem sau cùng đoạn này).

Năm 1921, Đại hội lần thứ III. Từ lúc có Đệ tam quốc tế, thợ thuyền các nước chia ra hai phái, phái theo cộng sản (Đệ tam quốc tế), phái theo đề huề (Đệ nhị quốc tế). Vì vậy mà sức kém đi; cho nên Đại hội định rằng khi phấn đấu với tư bản thì hai phái phải hợp sức nhau lại không được chia hai. Năm 1922, Đại hội lần thứ IV. Nhân kách mệnh phong triều trong các nước rầm rộ, tư bản chủ nghĩa toan cùng đường, chúng nó lập ra đảng Fasity phản đối kách mệnh tợn lắm. Đại hội định cách đối đãi đảng ấy.

Năm 1924, Đại hội lần thứ V, có đến 61 nước dự hội. Vì nhiều người lầm tưởng rằng tư bản lại tới hồi thịnh vượng như trước khi Âu chiến. Đại hội đem chứng rõ ràng rằng thịnh vượng ấy là thịnh vượng giả; kỳ thực tư bản trong thế giới gần đến mạt lộ, và công nông kách mệnh phải sắp sửa ra tay.

9. Đệ tam quốc tế tổ chức thế nào?

a) Mỗi năm hay cách vài năm, đại hội một lần. Đại hội có quyền đoán định tất cả các việc các đảng trong các nước.

b) Đại hội cử một Hội Trung ương 24 người. Hội này thay mặt đại hội. Các đảng trong các nước đều phải theo mệnh lịnh Trung ương.

c) Có Thanh niên bộ, để xem về việc vận động thanh niên; Phụ nữ bộ, xem việc vận động phụ nữ; Á - Đông bộ xem về việc kách mệnh các thuộc địa bên Á - Đông. Tuyên truyền, tổ chức, cứu tế, v.v., đều có một bộ riêng.

d) Đệ tam quốc tế là một Đảng Cộng sản thế giới. Các đảng các nước là như chi bộ, đều phải nghe theo kế hoạch và quy tắc chung. Việc gì chưa có mệnh lịnh và kế hoạch Đệ tam quốc tế thì các đảng không được làm.

10. Đệ nhất quốc tế và Đệ tam quốc tế giống nhau cái gì? khác nhau cái gì?

Đệ nhất quốc tế với Đệ tam quốc tế khác nhau.

a) Đệ nhất quốc tế nhỏ, Đệ tam quốc tế to;

b) Đệ nhất quốc tế chỉ lý luận, Đệ tam quốc tế đã thực hành;

c) Đệ nhất quốc tế không thống nhất, Đệ tam quốc tế chỉ huy tất cả các đảng cộng sản trong các nước phải theo;

d) Đệ nhất quốc tế chỉ nói: "Thế giới vô sản giai cấp liên hợp"; Đệ tam quốc tế nói thêm "Vô sản giai cấp và dân tộc bị áp bức trong thế giới liên hợp lại". Đệ nhất quốc tế không bắt hội viên giúp dân thuộc địa chống lại đế quốc chủ nghĩa như Đệ tam quốc tế.

Ấy là vì hoàn cảnh hai Quốc tế ấy khác nhau. Như việc dân tộc bị áp bức, Đệ nhất quốc tế nói đến ít, vì lúc ấy đế quốc chủ nghĩa chưa phát đạt mấy. Vả lại, Đệ tam quốc tế sinh ra sau thì có nhiều kinh nghiệm hơn Đệ nhất quốc tế.

Đến như chủ nghĩa làm kách mệnh cho đến nơi, làm cho thế giới đại đồng, thì hai Quốc tế vẫn như nhau; chẳng qua Đệ nhất quốc tế làm không đến nơi, mà Đệ tam quốc tế chắc là làm được, nhờ nay Nga kách mệnh đã thành công để làm nền cho kách mệnh thế giới.

11. Đệ nhị quốc tế và Đệ tam quốc tế khác nhau cái gì?

Đệ nhị quốc tế trước vẫn là cách mệnh, nhưng vì kỷ luật không nghiêm, tổ chức không khéo, để tụi hoạt đầu xen vào nhiều quá; sau hoá ra phản cách mệnh. Hai Quốc tế ấy khác nhau những điều sau này:

Đệ tam quốc tế chủ trương đập đổ tư bản làm thế giới cách mệnh.

Đệ nhị quốc tế chủ trương đề huề với tư bản.

Đệ tam quốc tế giúp dân thuộc địa chống lại đế quốc chủ nghĩa.

Đệ nhị quốc tế giúp đế quốc chủ nghĩa đè nén dân thuộc địa (Toàn quyền Varen là hội viên Đệ nhị quốc tế).

Đệ tam quốc tế dạy cho vô sản giai cấp trong thế giới - bất kỳ nòi giống nào, nghề nghiệp gì, tôn giáo gì - hợp sức làm cách mệnh.

Đệ nhị quốc tế xui dân nước này chống dân nước kia, nghề nghiệp này chống nghề nghiệp khác.

12. Đệ tam quốc tế đối với kách mệnh An Nam thế nào?

Xem trong cách tổ chức Đệ tam quốc tế, có đặt ra một bộ riêng, chuyên nghiên cứu và giúp đỡ cho kách mệnh bên Á - Đông.

Xem khẩu hiệu Đệ tam quốc tế, chẳng những rằng "vô sản giai cấp" mà lại thêm câu "... và dân tộc bị áp bức trong thế giới liên hợp lại".

Xem quy tắc Đệ tam quốc tế trong 21 điều, điều thứ 8 nói rằng: "Các đảng cộng sản, nhất là Đảng Cộng sản Pháp... phải hết sức giúp dân thuộc địa làm cách mệnh".

Xem đương lúc Pháp đánh Marốc và Xyri, vì giúp hai nước ấy mà Đảng Cộng sản Pháp hy sinh mấy mươi đảng viên bị bắt, bị tù, Đảng bị phạt hơn 100 vạn đồng bạc.

Xem kách mệnh Nga giúp cho kách mệnh Tàu, Thổ Nhĩ Kỳ, Pécsia, Mông Cổ.

Lại xem kế hoạch về vấn đề thuộc địa là tự tay ông Lênin làm ra.

Xem những việc ấy thì đủ biết rằng An Nam muốn kách mệnh thành công, thì tất phải nhờ Đệ tam quốc tế.