Bước tới nội dung

Đại học vấn

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Đại học vấn
của Vương Dương Minh, do Trần Trọng Kim dịch

— « Các tiên-nho cắt nghĩa Đại-học là cái học của bậc đại-nhân, dám hỏi cái học của bậc đại-nhân sao lại cốt ở minh minh đức? »

— « Dương-minh-tử nói rằng: « Bậc đại-nhân là bậc người lấy trời đất muôn vật làm nhất-thể, coi thiên-hạ như một nhà, coi cả nước như một người vậy. Nếu cho hình-hài là gián cách mà chia ra nhĩ ngã, thế là tiểu-nhân vậy. Bậc đại-nhân có thể cho trời đất muôn vật làm nhất-thể, không phải là tự ý riêng mình, mà chính là cái nhân ở trong tâm người ta vốn như thế. Cái tâm cùng với trời đất muôn vật làm một, không phải chỉ là cái tâm của bậc đại-nhân, tâm của kẻ tiểu-nhân cũng đều như thế cả. Chỉ tại kẻ tiểu-nhân tự cho cái tâm ấy nhỏ đi mà thôi. Bởi thế cho nên thấy đứa trẻ con ngã xuống giếng, ắt có lòng băn-khoăn thương xót, thế là lòng nhân cùng với đứa trẻ con làm một thể vậy. Đứa trẻ con còn là đồng loại với mình, chứ ngay thấy chim muông kêu thương đau đớn, ắt có lòng bất nhẫn, thế là lòng nhân cùng với chim muông làm một thể vậy. Chim muông còn là loài có tri-giác, chứ ngay thấy cỏ cây đổ gẫy, ắt có lòng mẫn tuất, thế là lòng nhân cùng với cỏ cây làm một thể vậy. Cỏ cây còn là loài có sinh ý, chứ ngay thấy ngói đá vỡ nát, cũng có lòng đoái tiếc, thế là lòng nhân cùng với ngói đá làm một thể vậy. Như thế thì cái lòng nhân coi trời đất muôn vật làm nhất thể, dẫu kẻ tiểu-nhân cũng phải có. Lòng ấy gốc ở cái mạnh của trời, mà tự-nhiên thiêng-liêng sáng suốt, cho nên gọi là minh-đức. Lòng kẻ tiểu-nhân dầu chia cách, hẹp-hòi, song cái lòng nhân « nhất thể » vẫn không mờ tối. Đó là kể những lúc chưa bị lòng dục làm lay động, lòng tư làm che lấp vậy. Đến khi lòng dục làm lay động, lòng tư làm che lấp, mà sự lợi hại đánh lẫn nhau, sự tức giận khích lẫn nhau, thì hại vật nát loài, không cái gì là không làm, rồi đến cả cốt nhục tương tàn, mà cái nhân « nhất-thể » mất vậy. Thế cho nên nếu không bị tư-dục che lấp, thì tuy là cái tâm của kẻ tiểu-nhân, nhưng cái nhân « nhất-thể » cũng như bậc đại-nhân vậy; nếu đã có tư-dục che lấp, thì tuy là cái tâm của bậc đại-nhân, nhưng sự chia cách hẹp-hòi cũng kẻ tiểu-nhân vậy. Bởi thế cái học của bậc đại-nhân cốt bỏ cái che lấp của tư-dục, để tự sáng lấy cái đức sáng, phục lại cái « gốc thiên địa vạn vật nhất thể », mà không phải là ở ngoài cái bản thể ấy có thể bù thêm được cái gì khác vậy. »

— « Sao lại cốt ở thân-dân? »

— « Minh minh-đức là để lập cái thể « thiên địa vạn vật nhất thể »; thân-dân là để đạt cái dụng « thiên địa vạn vật nhất thể ». Cho nên sáng cái đức sáng cốt ở thân-dân, mà thân-dân là để sáng cái đức sáng vậy. Thân cha ta đến cha người, đến cha người thiên-hạ; thân anh ta đến anh người, đến anh người thiên-hạ; cái lòng của ta có nhân cùng phụ huynh làm nhất-thể như thế, thì rồi cái đức hiếu đễ mới sáng vậy. Vua tôi, vợ chồng, bạn hữu cho đến núi sông, quỉ thần, chim muông, cỏ cây, không đâu là không có một cách thân, để đạt cái nhân nhất-thể của ta. Nhiên hậu cái minh-đức của ta mới không có chỗ nào là không sáng, mà mới thật là lấy được trời đất muôn vật làm nhất-thể vậy. Bởi thế gọi là sáng cái đức sáng ở thiên-hạ, thế gọi là nhà tề, nước trị mà thiên-hạ bình, thế gọi là tận tính. »

— « Sao lại cốt ở chỉ ư chí-thiện? »

— « Chí-thiện là cái cực-tắc của minh-đức và thân-dân. Cái tính của mạnh trời tuy-nhiên chí-thiện, cái phần thiêng liêng sáng suốt không mờ tối là cái phần phát-hiện của chí-thiện, thế là cái bản-thể của minh-đức mà tức là cái gọi là lương tri vậy. Cái phần phát-hiện của chí-thiện, phải thì là phải, trái thì là trái, nhẹ nặng, giầy mỏng, hễ cảm là ứng ngay, biến động không ở một chỗ, thế mà vẫn có cái trung thiên-nhiên, đó là cái mực cùng tột của dân di vật tắc, mà không có thể nghĩ nghị thêm bớt được chút nào vậy. Đã hơi có nghĩ nghị thêm bớt một chút, đều là cái ý riêng, cái trí nhỏ, mà không phải là chí-thiện vậy. Nếu không phải là bậc rất thận-độc, một mực duy tinh duy nhất, thì làm thế nào mà tới được. Người sau chỉ vì không biết chí-thiện vốn ở tâm ta, mà dùng tư-trí để lần mò đo lường ở ngoài, cho là sự sự vật vật đều có định lý, cho nên sai lầm cái mực phải trái, chi-ly quyết-liệt, cái nhân-dục phóng tứ mà thiên-lý mất, cái học minh-đức, thân-dân bèn đại loạn ở trong thiên-hạ. Vốn đời xưa cũng có người muốn sáng cái đức sáng, nhưng không biết chỉ ư chí-thiện mà đem lòng tư dong-ruổi ở chỗ quá cao, đến nỗi sai lầm về sự hư-võng không-tịch, mà không ích lợi gì cho nhà, nước, thiên-hạ, thế là cái lưu phái của Phật và Lão vậy. Cũng có người muốn thân-dân, nhưng không biết chỉ ư chí-thiện, mà đem cái tư-tâm đắm đuối chỗ hèn thấp nhỏ mọn, đến nỗi sai lầm về sự quyền mưu, trí thuật, mà mất cả cái lòng thành-thực nhân yêu thương xót, thế là cái tụi công-lợi của Ngũ-Bá vậy. Chỉ ư chí-thiện đối với minh-đức thân-dân cũng như qui củ đối với vuông tròn, xích đạc đối với dài ngắn, quyền hành đối với nặng nhẹ. Vuông tròn mà không có qui củ thì không có khuôn; dài ngắn mà không có xích đạc, thì không có ngữ; nặng nhẹ mà không có quyền hành, thì không có mực; minh-đức thân-dân mà không chỉ ư chí-thiện, thì không có gốc »

— « Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc » là nghĩa thế nào? »

— « Chỉ vì người ta không biết chí-thiện vốn ở tâm ta, mà lại cầu ở ngoài, cho là sự vật vật đều có định lý, rồi tìm cái chí-thiện ở trong sự sự vật vật, đến nỗi chi-ly quyết-liệt, thác-tạp phân-vân, không biết cái phương hướng nhất định. Nay nếu đã biết chí-thiện ở trong tâm ta, không phải tìm ở ngoài, thì cái chí có định hướng mà không có cái lo về sự chi-ly quyết-liệt. thác-tạp phân-vân. Không có cái lo về sự chi-ly quyết-liệt, thác-tạp phân-vân, thì cái tâm không vọng động mà có thể tĩnh được. Cái tâm không vọng động mà có thể tĩnh được, thì trong khoảng nhật-dụng thung-dung nhàn-hạ mà có thể yên được. Đã yên, thì hễ khi nào một niệm phát ra, một việc cảm đến, là chí-thiện hoặc không phải là chí-thiện, cái lương-tri ở tâm ta tự biết xem xét kỹ-càng mà có thể nghĩ được; đã nghĩ được thì chọn cái gì cũng tinh, xử cái gì cũng đáng, mà có thể tới được chí-thiện vậy. »

— « Vật hữu bản mạt » tiên-nho cho minh-đức là bản, tân-dân là mạt, hai vật mà trong ngoài cùng đối nhau vậy. « Sự hữu chung thủy », tiên-nho cho tri chỉ là thủy, năng đắc là chung, một việc mà đầu đuôi cùng theo nhau vậy. Như lời thầy nói, cho tân-dân là thân-dân, so với cái thuyết bản mạt của tiên-nho có đúng không? »

— « Cái thuyết thủy chung, đại lược như thế rồi, đến như cho tân-dân là thân-dân, mà nói rằng minh-đức là bản, thân-dân là mạt, cái thuyết ấy cũng chưa phải là không phải; chỉ không nên chia bản mạt ra làm hai vật vậy. Gốc cây gọi là bản, ngọn cây gọi là mạt, vốn là một vật cho nên gọi là bản mạt; nếu cho là hai vật thì gọi thế nào là bản mạt được. Cái ý tân-dân đã cùng với thân-dân không giống nhau, thì cái công ninh-đức lại cùng với tân-dân làm hai, chứ không phải làm một nữa; nếu đã biết sáng cái minh-đức là để thân-dân, mà thân-dân là để sáng cái minh-đức, thì minh-đức và thân-dân sao lại chia làm hai? Cái thuyết của tiên-nho, vì không biết minh-đức, thân-dân, vốn làm một việc, cho nên dầu biết bản mạt vốn là một vật mà vẫn phải chia làm hai vật. »

— « Từ câu « cổ chi dục minh minh-đức ư thiên-hạ giả » cho đến câu « tiên tu kỳ thân », lấy cái thuyết minh-đức, thân-dân của thầy mà cắt, có thể hiểu được. Còn từ câu « dục tu kỳ thân » cho đến câu « trí-tri tại cách vật », thì cái công-phu thứ đệ nên học thế nào? »

— « Đó chính là nói rõ cái công minh-đức, thân-dân, chỉ ư chí-thiện vậy. Thân, tâm, ý, tri, vật, đó là cái điều lý để dùng công-phu, tuy mỗi cái có một chỗ riêng, nhưng kỳ thực chỉ là một vật. Cách, trí, thành, chính, tu, đó là cái công-phu để dùng điều-lý, tuy mỗi cái có một tên riêng, nhưng kỳ thực vẫn là một sự. Cái gọi là thân? Thân là hình-thể của tâm, để vận-dụng cho tâm vậy. Cái gì gọi là tâm? Tâm là minh-linh của thân, để chủ-tể cho thân vậy. Cái gì gọi là tu-thân? Tu-thân là làm điều thiện mà bỏ điều ác vậy. Nhưng tự mình ta có thể làm điều thiện bỏ điều ác được không? Tất phải bởi cái tâm là linh-minh chủ-tể, có muốn làm điều thiện bỏ điều ác, thì rồi cái thân là hình-thể vận-dụng, mới có thể làm điều thiện mà bỏ điều ác vậy. Cho nên muốn sửa mình trước hết phải chính tâm vậy. Song cái bản-thể của tâm là tính; tính không có điều gì là không thiện, thì cái bản-thể của tâm không có điều gì là không chính, thế thì cái công chính-tâm dùng vào chỗ nào? Cái bản-thể của tâm vốn là chính, vì ý niệm phát động mà sau có điều không chính, cho nên muốn chính tâm, phải nhằm ngay vào cái chỗ ý niệm phát động mà chính. Hễ một niệm phát ra mà thiện, thì yêu thật là yêu, như yêu sắc đẹp; một niệm phát ra mà ác, thì ghét thật là ghét, như ghét mùi hôi. Như thế thì có thể thành được ý mà chính được tâm vậy, Song ý phát ra có thiện, có ác, nếu không chia rõ được thiện ác, thì hay dở sẽ lẫn lộn, dù muốn thành-ý cũng không sao được, cho nên muốn thành-ý, tất phải ở trí-tri. Chữ « trí » nghĩa là đến vậy, như chữ « trí » ở trong câu « tang trí hồ ai 喪 致 乎 哀: Sự tang đến sự thương xót là hết »; kinh Dịch nói: « tri chí, chí chi 知 至,至 之», chữ « tri chí » ấy là nghĩa chữ « tri » ở đây vậy; chữ « chí chi » ấy là nghĩa chữ « trí » ở đây vậy. Nghĩa chữ « trí-tri » không phải như hậu-nho cho là mở rộng cái tri thức ra đâu, mà chính là trí cái lương-tri của tâm ta vậy. Cái lương-tri ấy, Mạnh-tử gọi là cái lòng phải trái, ai cũng có vậy; cái lòng phải trái không đợi nghĩ mà biết, không đợi học mà hay, thế gọi là lương-tri, ấy là cái tính của thiên-mạnh, cái bản-thể của tâm ta, tự-nhiên linh-chiêu minh-giác vậy. Phàm ý niệm phát ra cái gì thì lương-tri tự biết hết cả. Thiện chăng? lương-tri tự biết; không thiện chăng? lương tri cũng tự biết; cho đến như kẻ tiểu-nhân làm điều bất thiện, dở đến đâu cũng làm, thế mà khi thấy người quân-tử, vẫn che đậy những điều dở, mà phô bày những điều hay ra, thế đủ rõ rằng cái lương-tri nó vẫn không chịu tự nó làm mờ tối đi vậy. Nay muốn phân biệt thiện ác để thành-ý, chỉ cốt ở sự noi đến cái chỗ biết của lương-tri vậy. Tại sao? Vì rằng: ý niệm phát ra cái gì mà lương-tri của tâm ta đã biết là thiện rồi, nếu không có cái thành để yêu điều thiện ấy, mà lại trái bỏ đi, thế là lấy điều thiện làm điều ác, mà tự làm tối cái lương-tri biết điều thiện vậy. Ý niệm phát ra cái gì mà lương-tri của ta đã biết là ác rồi, nếu không có cái thành để ghét điều ác ấy, mà lại noi theo mà làm, thế là cho điều ác làm điều thiện, mà tự làm tối cái lương-tri biết điều ác vậy. Như thế, thì dẫu nói rằng biết, cũng như là không biết, thành thế nào được ý nữa. Nay đối với những điều thiện ác, mà lương-tri đã biết rồi, mà yêu ghét rất thành thực, thế là không tự dối với lương-tri, mà có thể thành được ý vậy. Song muốn trí cái lương-tri của mình, há phải là hoảng-hốt như cái bóng, như tiếng vang, bâng-quơ không bấu víu vào đâu hay sao? phải là có việc thực mới được, cho nên trí-tri cốt ở cách-vật. Vật là việc vậy, hễ ý phát ra tất có việc, việc mà ý ở đó gọi là vật, cách là chính vậy. Chính những cái không chính để đem nó về chỗ chính; chính những cái không chính là bỏ điều ác vậy, đem về chỗ chính là làm điều thiện vậy; như thế gọi là « cách ». Kinh Thư nói: « cách ư thượng hạ, cách ư Văn-tổ; cách kỳ phi tâm 格 於 上 下,格 於 文 祖,格 其 非 心 », chữ « cách » trong chữ « cách-vật » gồm cả những nghĩa ấy nữa. Cái thiện mà lương tri đã biết rồi, dù muốn rất thành, nhưng nếu không theo ngay cái vật mà ý đã để đến, để làm thực ngay, thì vật ấy vẫn chưa cách, mà cái ý hiếu thiện vẫn chưa thành vậy; cái ác mà lương-tri đã biết rồi, dù ghét rất thành, nhưng nếu không theo ngay cái vật mà ý đã để đến, để bỏ thực ngay, thì vật ấy vẫn chưa cách, mà cái ý ố ác vẫn chưa thành vậy. Nay hết thảy cái gì là thiện, là ác, mà lương-tri đã biết rồi, theo ngay cái vật mà ý đã để đến, để cái gì thiện thì làm cho hết, cái gì ác thì bỏ cho hết, thế thì không có vật nào là không cách, mà cái biết của lương-tri không còn thiếu-thốn gì, cũng không bị cái gì che lấp, và có thể đến được chỗ cùng tột vậy. Như thế, thì tâm ta vui sướng, không còn phàn-nàn cái gì nữa, mà tự khoan-khoái lắm vậy; ý phát ra cái gì không bao giờ mình lại dối mình, mà có thể gọi là thành vậy. Cho nên nói rằng: « Vật cách nhi hậu tri chí, tri chí nhi hậu ý thành, ý thành nhi hậu tâm chính, tâm chính nhi hậu thân tu. » Những điều ấy, về phần công-phu của điều-lý, tuy nói ra có trước sau thứ tự, song cái duy nhất của cái thể không có thể chia ra trước sau thứ tự được; về phần điều-lý của công phu, tuy không chia ra trước sau thứ tự, song cái duy tinh của cái dụng, không có thể thiếu thốn được mảy may chút nào. Ấy là cái thuyết cách, trí, thành, chính, cốt để mở cái chính truyền của vua Nghiêu, vua Thuấn, mà làm cái học tâm-ấn của họ Khổng vậy. »

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)