Bước tới nội dung

Đảo hang cọp/IX

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

IX

SAU cuộc chém giết, Lý-Sâm càng ngao ngán. Chao ôi! hôm qua người ta còn là bạn với nhau. Hôm nay chỉ vì một sự hiểu lầm nhau, một nỗi tức khí nhất thời, những lời xúi ẩy của một người xấu bụng, người ta lăn sả vào đâm chém lẫn nhau. Người lại giết người thật là một cái gì đau đớn vô cùng. Nhìn những xác chết ngổn ngang, những đống máu hoen ố mặt đất, Lý-Sâm lợm tởm và buồn bã. Khi cái máu hăng đã nguội rồi thì còn lại cái gì? Một nỗi ân hận, một sự chính mình lại ghê tởm cho mình, một nỗi chán ngán mênh mông và ảo não. Sao người lại có thể giết người được nhỉ? Chàng tướng cướp nhớ ra rằng mình đã giết người biết bao lần, mình đã chỉ huy việc giết người biết bao lần. Chàng thấy tội của chàng nặng trên đầu. Và chàng càng ngao ngán. Chàng ngao ngán quá đến nỗi không còn nghĩ đến sự trừng phạt những người phản bội chàng. Trong một lúc điên cuồng, người ta say máu, say chém giết, có thế thôi! Cũng như chàng. Chàng không giận họ, mà lại thấy như thương họ. Những loài thú dữ chắc phải mang bao nhiêu sầu hận nặng trong lòng. Có ai nói được hết nỗi đau khổ tối tăm của những con vật phải xâu xé lẫn nhau để sống? Và nhẹ nhõm biết bao là lòng của một con dê ăn cỏ rất hiền lành. Nó nhai rất thảnh thơi. Nó chạy tung tăng. Nó hếch cái mõm ngây thơ đỏ hồng hồng như môi một đứa trẻ con để nhìn người ta một cách ngẩn ngơ. Nó kêu « he he » để chào ngọn gió mát bay qua. Nó nhảy loi choi. Đẹp đẽ thay là cái hạnh phúc của một kẻ biết mình sống hiền hòa với quanh mình. Trời đẹp biết bao! Đất rộng biết bao! Cây, cỏ mọc tự nhiên. Suối chảy tràn trề. Cánh đồng lúa mởn tươi. Trái rụng rồi thì hoa lại nảy ra. Những thức nuôi sống muôn loài rồi rào như không khí, không bao giờ thiếu và không bao giờ hết. Chỉ cần cử động hai bàn tay mà cất lấy. Như vậy thì sự tương tàn, tương sát thật là vô lý. Sao lại có những kẻ phải bóc lột đồng loại, giết đồng loại đi để sống? Cuộc đời chả có thể rất an hòa đó ư?

Lý-Sâm ra lệnh cho tất cả những kẻ phản bội còn trốn tránh, tự tước khí giới đi, rồi trở về hàng. Chàng không bắt tội ai. Rồi hội họp tất cả mọi người lại, chàng bảo họ như thế này:

— Hỡi anh em! tôi xin anh em coi những lời tôi nói với anh em đây là lời của một người bạn, chứ không phải của một người chủ tướng. Đã từ lâu lắm rồi, tôi không đáng làm chủ tướng. Bởi vì tôi đã đưa giắt anh em đi lạc lối. Cái mục-đích của chúng ta có phải là tụ tập nhau, giết người lấy của về nuôi lẫn nhau đâu? Cái mục đích của chúng ta là họp tập nhau lại để thờ tổ-quốc. Vậy bổn phận tôi là phải luôn luôn sáng suốt, dẫn đường cho anh em đi theo cái mục đích thiêng liêng ấy. Thế mà tôi đã làm gì? Thất bại một vài phen, bị giồn vào chỗ đất cô lập này, tôi đã nản chí, đổi một bày quân cứu quốc thành một bày cường khấu. Tôi lấy cớ rằng: chúng ta cần làm thế để có đủ lương thực mà đủ sống. Nhưng cá dưới bể kia chả là lương thực đó ư? Cây trên rừng kia chả là lương thực đó ư? Đất phì nhiêu kia chả là lương thực đó ư? Và sức cần lao của chúng ta chả là lương thực đó ư? Những nguồn lợi của cõi đất này thừa cho chúng ta no đủ. Sao ta không biết lợi dụng mà phải dùng đến kế bóc lột người đồng loại? chém giết người đồng loại? Như vậy hỏi có còn giữ trọn lòng yêu nước nữa chăng?

Yêu nước trước hết phải yêu dân, phải tìm cách làm cho dân sung sướng. Nếu cứ kể thế thì có lẽ bọn nhà Thanh đi cướp đất kia còn yêu nước chúng mình hơn chúng mình! Bởi vì sao? Bọn họ còn có cái làm lợi cho dân. Đến như bọn mình thì hoàn toàn làm hại. Hỡi ôi! có ai chịu nghĩ rằng: nhiều khi, không phải người Trung-hoa mà chưa vị tất là kẻ thù của Trung-hoa; thế mà chính là người Trung-hoa, mà lại là kẻ thù của nước Trung-hoa đấy.

Riêng nói đến việc của chúng ta, thì điều cốt yếu bây giờ là chúng ta phải thôi là những quân bóc lột; chúng ta phải thôi là những quân cường bạo, gây tai họa và chết chóc. Chúng ta đừng sống bằng những của đi ăn cướp nữa. Chúng ta hãy đổ mồ hôi chúng ta ra để kiếm ăn. Cần lao là một cái luật chung. Tất cả những kẻ lành mạnh đều phải làm lụng và chỉ có những kẻ làm lụng mới đáng hưởng miếng ăn trên đời này. Vậy chúng ta nên dùng sức của chúng ta mà hết sức khai khẩn cái hoang đảo này. Người phá phách của người thì thảm khốc biết bao! Sao không để cái sức ấy mà phá rừng vỡ ruộng, làm cho vật thực rồi rào, mọi người sống yên ổn và no đủ?

Ý tôi như vậy. Niềm riêng canh cánh bên lòng đã bao lâu, nhưng vì e dè mà chưa bao giờ tiện nói ra, nhưng nhân cuộc anh em giết lẫn nhau vừa rồi Lý-Sâm này đau xót, không thể nín lâu hơn nữa. Ý này đã quyết. Chỉ nay mai là chốn sơn trại này phải phá đi, những nếp nhà lương thiện sẽ thay vào đấy, và đồng ruộng sẽ lấn dần những bãi hoang. Những cái thuyền vẫn chở quân ta đi cướp phá xưa nay, rồi đây sẽ đi đánh cá ở ngoài khơi hay chở hàng hóa của ta đến những bến lân cận trao đổi lấy những hàng hóa khác. Những người đói khó sẽ đến đây để làm ăn. Đời sẽ rất thái bình. Tất cả anh em ta sẽ được hưởng cái vui làm việc, cái vui sống hòa hảo cùng đồng loại, đồng lao cộng tác cùng đồng loại, Ấy là ý tôi như vậy. Tôi đem ra để bàn với anh em. Ai thuận, thì sẽ ở lại đây với tôi, chúng ta cùng chia bùi sẻ ngọt với nhau. Ai không thuận được tự ý đi nơi khác. Chúng tôi sẽ cấp cho một số vốn nho nhỏ, đủ để sinh cơ lập nghiệp mà làm ăn lương thiện. Vậy những ai muốn đi xin cho biết?

Chàng nói xong, lần lượt nhìn tất cả mọi người. Không ai tỏ ý muốn đi. Nhiều người có vẻ mừng rỡ lắm. Nhất là lão già vẫn canh Mai-Thi và Dũng. Lão lắc lư cái đầu, khóc xụt xịt.

Ngay hôm ấy Lý-Sâm cho một chiếc thuyền đưa Mai-Thi về Trung-quốc. Không ai hiểu ra sao... Thế rồi cách đấy mấy hôm, một buổi sáng, có một đoàn thuyền, kéo cờ tổng-đốc Quảng-đông, từ từ tiến về phía đảo. Mọi người hoảng sợ. Họ vội báo với Lý-Sâm, và xin liệu kế cự địch ngay tức khắc. Lý-Sâm chỉ mỉm cười. Chàng bảo họ cứ yên lòng, và cùng họ ra bờ bể đón xem... Đoàn thuyền dần dần áp vào bờ. Nhưng thuyền không tải gươm, dáo, súng, đạn, những khí cụ để người giết lẫn người; thuyền chở toàn những dụng cụ để cho người giúp đỡ lẫn nhau cùng sống. Ấy là nhờ có Mai-Thi về điều đình với quan tổng-đốc. Ngài vui lòng lắm. Bởi vì trừ bỏ những kẻ bất lương là một việc mà người ta phải ép lòng, ép dạ mà làm. Nhưng nếu làm cho những người bất lương thành lương thiện được thì còn gì bằng nữa? Mai-Thi trở về đảo, cùng với những thuyền tải đầy dụng cụ. Và mấy hôm sau, cái tiểu gia đình đầu tiên đã dựng lên trong cái đại gia đình gồm tất cả những người trên đảo. Cái tiểu gia đình ấy gồm có ba người. Ba người đó chắc bạn đọc đã đoán ra là những ai rồi.

Ngày nay, trải đã mấy đời mưa gió, những thuyền bè đi dọc theo ven bể Trung-quốc vẫn còn thấy đảo Hang Cọp nằm trơ vơ giữa một vùng nước lớn mênh mông, sớm chiều sương phủ. Dân trong đảo yên lặng và hiền lành sống một cuộc đời đồng ruộng chăm chỉ. Nếu kẻ nào nhàn du, đặt chân lên đất đảo, sẽ thấy dân cư phần nhiều là họ Lý. Từ cái hồi đảo cướp hóa đảo lành ấy, người ta đổi họ theo vợ chồng Lý-Sâm cả. Và cậu bé hóm hỉnh của chúng ta cũng tên là Lý-Dũng. Có lẽ thế.


HẾT