Bước tới nội dung

Đảo hang cọp/VI

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

VI

SÁNG hôm sau, Dũng vào thì thiếu nữ đã đang ngồi trên giường vấn tóc. Nàng mỉm cười với Dũng. Dũng reo lên:

— Ô kìa! cô đã dậy rồi! cô đã khỏi chưa?

— Khỏe lắm rồi, em ạ. Chị đang đợi em vào để em đưa chị sang chào thày mẹ và cảm ơn thày mẹ.

— Tôi không có mẹ, chỉ có thày thôi.

— Ồ! thế mẹ mất rồi ư? Tội nghiệp! Em được mấy em?

— Chẳng có em nào.

— Tội nghiệp!

Nàng âu yếm xoa đầu nó. Giữa lúc ấy thì Lý-Sâm hiện ra ngoài khung cửa. Chàng lẳng lặng nhìn cái cảnh êm ái mà đã bao nhiêu năm nay chàng không trông thấy. Lòng chàng mát hẳn đi. Chàng nhớ đến những ngày xa, những khi nô đùa chán, chạy về, chàng nũng nịu đến gục đầu vào ngực mẹ, để mẹ giũ cho những hạt cát bám trên đầu, trên cổ. Ôi những bàn tay vuốt ve của mẹ hiền! Ôi những lời nói dịu dàng và đượm buồn mà mẫu-thân chàng nói với chàng!... Những lúc ấy, bà thường rầu rầu bảo chàng rằng: « Con ơi! con tưởng con còn bé bỏng lắm ư? Này, chẳng còn mấy chốc nữa đâu... Con sẽ lớn lên và mẹ sẽ già. Con sẽ về nước của cha con. Biết rằng con có còn nhớ gì đến mẹ nữa không?.. » Thương ôi! chàng đã quên hẳn mẹ chàng rồi! Một đứa con còn nhớ đến mẹ mình, có bao giờ đang tâm làm một thằng kẻ cướp? Người mẹ khốn nạn đã gạt nước mắt, để đứa con độc nhất của đời mình trở về quê cha, noi theo cái chí lớn của tổ tiên. Đứa con đã làm gì? Nó hiện đang làm gì ở chốn đảo hoang này? Nó đang phá hoại đời nó, phá hoại cái thanh danh của ông cha, trong khi người mẹ già, mái đầu đã bạc phơ, mỗi buổi chiều đông trời lẩn vẩn mây và lòng hiu hiu nhớ, đứng tựa cửa cố dương đôi mắt lòa nhìn về phía bắc mịt mù, nghĩ đến chồng con không bao giờ còn trở lại. Đau tủi tấm lòng già biết bao!... Lý-Sâm rất ngậm ngùi. Trái tim chàng rấm rứt muốn rên lên. Dần dần chàng thấy cổ nghẹn ngào. Và tự nhiên mắt chàng rơm rớm ướt. Chàng chớp mi một cái; một giọt lệ rơi xuống áo. Nhưng Dũng chợt ngoảnh ra, trông thấy:

— Ô kìa! thày tôi đã vào... Thày tôi kia!

Nó nheo mắt một cách láu lỉnh với Lý-Sâm và cười. Thiếu nữ vội đứng lên, cúi đầu chào. Lý-Sâm cúi đầu chào lại, rồi cố lấy vẻ ung dung bước vào. Thiếu-nữ nói ngay:

— Thưa ông, tôi vừa định nhờ cậu em đưa sang để tạ ơn ông.

Lý-Sâm khiêm nhượng đáp:

— Thưa cô, có gì đáng cho cô phải bận tâm? Ai chả có những khi hoạn nạn? Bổn phận của mọi người là phải cứu giúp lẫn nhau. Đó là một sự rất thường. Thưa cô, cô đã khỏe hẳn chưa?

— Cám ơn ông, tôi đã được như thường rồi.

— Thế thì may lắm. Mời cô ngồi xuống giường cho khỏi mệt.

Chợt nhận thấy nàng lúng túng trong bộ quần áo đàn ông vừa dài, vừa rộng, chàng cười và bảo:

— Khổ quá! nhà không có đàn bà.. Trong lúc vội vàng, tôi rối rít cả lên, phải bảo lấy quần áo của tôi cho cô mặc tạm.

Câu nói ấy khiến nàng cười ngượng nghịu.

— Thưa cô, cô ở đâu ta?

— Tôi ở Quảng Đông.

— Vậy ra cô cũng là người Trung-quốc. Hèn chi!.. Trông cách phục sức của cô, tôi cũng đoán cô là người Trung-quốc. Nhưng hôm qua lại thấy... thằng cháu đây bảo cô nói tiếng Việt Nam.

— Thì cũng như ông. Ông thứ lỗi cho! Lúc tỉnh giậy, mới trông thấy cậu em, tôi cứ tưởng ông là người Việt-Nam, thế mà lại hóa ra ông là người Trung-quốc.

Chàng bảo người thiếu-nữ:

— Cô nói tiếng Việt Nam thạo lắm; chắc cô cũng đã ở đất Việt-Nam lâu?

Nàng tủm tỉm cười:

— Thưa ông, tôi chính là người Việt-Nam.

— Thế sao cô lại ở Quảng-Đông?

Nàng ngần ngừ một chút, rồi bảo:

— Thưa ông, tôi biết ông không phải là một kẻ tiểu nhân. Tôi chả cần giấu diếm chi. Sở dĩ tôi phải sang nương nhờ bên quí quốc cũng là có cớ...

Và nàng kể lại chuyện đời nàng như sau này:

« Tôi là con gái một vị quan trong triều-đình Việt-Nam. Phụ-thân tôi là một người vốn hết lòng vì nước, vì dân. Người lại rất hiếu học, ham biết xa thấy rộng. Không những người xem nhiều kinh sử, đọc hết các sách của thánh hiền, người lại còn đọc các tân thư, và thích giao thiệp với những người biết rộng để mà học hỏi. Cũng vì thế mà người có quen thân với một người Tây-phương đến nước tôi giảng đạo Gia-tô. Ông ta thông thạo tiếng Việt Nam, đọc được cả các sách nho. Phụ thân tôi thường đàm đạo với ông, ý hợp tâm đầu lắm. Lâu dần, người học được cả tiếng nước ông ta, đọc được những sách của ông ta đem theo sang. Người bỗng nhận ra rằng: người Tây phương không phải là những người mọi rợ như ta vẫn tưởng đâu; họ cũng có những bực thánh hiền; họ cũng có những tay học giỏi biết nhiều; họ lại có những môn học mà ta chưa hề biết đến, chế tạo được những máy móc lạ lùng; cái tài, cái trí của họ, người mình khó mà theo kịp. Người thường đem những ý kiến ấy tỏ bày với nhà vua và các bạn đồng liêu, nhưng ai cũng mỉm cười, không có ý tin, chỉ cho là người bị ông giáo-sĩ phương Tây kia làm mê hoặc. Chợt xẩy ra việc nhà vua cấm đạo Gia-tô, giết các giáo-sĩ Tây phương. Phụ thân tôi hết sức can. Hoàng-thượng đã chẳng nghe, lại còn nhân những lời dèm pha của những người ghét phụ thân tôi, vin vào cái cớ phụ thân tôi có giao thiệp với ông giáo sĩ kia, buộc cho người cái tội chứa giáo-sĩ, theo đạo Gia-tô, giao thông với nước ngoài, kết án cả nhà phải giết. Phụ thân tôi và hai anh tôi đều bị chết. Riêng mẫu thân tôi với tôi, khi ấy đang ở chơi nhà một người thân, không có mặt ở kinh đô, được tin dữ bèn đem nhau đi trốn. Chúng tôi ẩn náu ở một làng giáp bể, mẹ con làm ăn vất vả nuôi nhau. Nhưng một hôm, có kẻ biết tông tích chúng tôi, mật báo quan. Cũng may mà có người đề lại ở dinh quan, nhân có chịu ơn của nhà tôi, sai người kịp báo tin cho mẹ con tôi biết. Trong lúc nguy cấp, chúng tôi chưa biết trốn đâu thì có một người lái buôn Tàu có thuyền đậu ở gần chỗ chúng tôi ở, tỏ ý thương hại, bàn cho chúng tôi nên đáp thuyền của y, trốn sang Tàu. Không còn kế gì hơn, chúng tôi đành theo kế ấy. Không ngờ tên lái buôn là một kẻ bất nhân. Sang tới đất Tàu, y bóc lột hết của mẹ, con tôi, đem bán tôi cho một nhà phú hộ để làm nàng hầu, và bán luôn mẹ tôi vào đấy để làm người ở. Tôi biết dẫu có chống cự lại cũng không xong, làm ra vẻ thuận tình. Nhưng nhân một lúc không ai để ý, tôi trốn ra ngoài phố. Vì mẹ tôi vẫn còn có mặt ở nhà, nên cả nhà lão phú hộ già không nghi ngờ gì cả. Tôi lấy que viết xuống đất, hỏi người ta lối đến dinh quan tổng-đốc Đến nơi, tôi vẫn dùng cách ấy, nhờ lính vào báo với quan: có một người con gái Việt-nam xin vào yết kiến. Tôi được vào. Tôi vẫn dùng cách viết chữ, trình với quan mọi việc trước sau. Ngài hỏi tôi cặn kẽ về gia thế. Tôi cứ thực tình, bẩm với ngài tất cả. Lập tức ngài cho lính đi đòi tên phú hộ đến xét hỏi, tra ra tên lái buôn lừa lọc, bắt giam, rồi sai đón mẹ tôi về phủ, đãi mẹ con tôi như khách. Muốn tránh sự nghi ngờ, ngài nhận tôi làm con nuôi. Chiêu Văn tiểu thư là con gái ngài, coi tôi chẳng khác gì chị em ruột. Chẳng bao lâu, tôi đã nói thạo tiếng Tàu. Quan tổng-đốc với phu nhân và tiểu thư lại càng quí mến. Cách đây ngót hai năm, mẫu thân tôi lâm bệnh, mất. Quan tổng-đốc đứng ra chôn cất rất là trọng hậu. Tôi cảm kích lắm, thường nghĩ: cái ơn nghĩa của ngài đối với nhà tôi, thật khó lấy gì báo đáp. Vì vậy tôi thờ ngài chẳng khác gì bố đẻ. Và tôi thường cầu trời xui khiến cho tôi gặp được một cơ hội nào để tôi có thể tỏ rõ tấm lòng biết ơn của tôi ra chút đỉnh. Thì vừa đây cơ hội đến. Luôn mấy hôm, tôi thấy ngài nét mặt không vui. Lúc ăn cơm, trái với lệ thường, ngài chẳng chuyện trò gì với chúng tôi. Lúc nào ngài cũng như mải nghĩ ngợi gì. Tôi lấy làm lạ lắm. Chiêu Văn tiểu thư với tôi, hai chị em bàn bạc với nhau. Rồi nhân một lúc vắng người, chúng tôi lại gần ngài, gạn hỏi. Ngài cười gượng, bảo:

« — Các con cứ yên lòng! Ta chẳng có việc gì phải buồn phiền. Đó chỉ là vì lúc này ta có nhiều việc quan, lo nghĩ chưa xong, nên lúc nào cũng phải để tâm vào đấy.

« Chiêu Văn tiểu thư thưa:

« — Từ ngày phụ thân lên trọng nhậm tỉnh này, phụ thân chăm lo đến dân chẳng khác gì con, nào trừng trị những kẻ cậy thần thế, cậy tiền của làm càn; nào diệt trừ trộm cướp; nào mở mang công nghệ; nào khuyến khích việc nông tang; nào mở trường dạy học; nào giúp đỡ dân nghèo... làm biết bao nhiêu việc, khiến dân được yên ổn làm ăn, không bị ức hiếp, quấy nhiễu, đói rách quá như trước nữa. Con thấy chỗ nào người ta cũng nô nức ca tụng công đức của phụ thân nhiều lắm. Như vậy, con tưởng cũng đã là đủ lắm rồi. Sao phụ thân còn phải lo nghĩ quá nhiều như vậy, để hao tổn tâm thần?

« Ngài cười buồn mà bảo:

« — Con ơi! con còn ít tuổi, đã hiểu làm sao được hết cái trách nhiệm một ông quan? To tát lắm, hai con ạ! Cha không bao giờ dám tin rằng: mình đã làm đầy đủ. Khi nào còn một người dân trong hạt mình khổ sở, ấy là mình chưa có quyền được ngồi yên. Từ khi cha đến đây, kể cũng có làm được một đôi việc thật, nhưng đã thấm vào đâu với những việc chưa làm? Còn nói đâu xa, ngay đến một đảng giặc bể, luôn luôn quấy nhiễu dân, mà cha nghĩ mãi cũng chưa có kế gì trừ tuyệt nổi.

« — Sao phụ thân không cho quân lính đến phá tan sào huyệt của chúng đi?

« — Cha đã nghĩ đến rồi. Binh lính đã sẵn sàng. Ngặt vì sào huyệt của chúng hiểm trở lắm, thằng đầu đảng lại là một tay ghê gớm vô cùng, nếu mình không cẩn thận, e có thiệt hại nhiều cho quân mình. Vì vậy cho nên cha không dám khinh động. Cha có ý cho một người xuống tận sào huyệt chúng để do thám trước, rồi sẽ tùy cơ mà liệu định. Khổ một nỗi chưa tìm được người nào có thể đương nổi cái việc nguy hiểm ấy...

« Tôi tự nhiên thấy bủn rủn khắp người. Tôi cảm động vô cùng. Ôi chao! cái dịp tốt tôi vẫn mong chờ đã tới đây! Tôi vội bảo:

« — Thưa nghĩa-phụ, nghĩa-phụ chẳng còn cần tìm ai nữa; xin nghĩa-phụ trao cho con việc ấy.

« Ngài sửng sốt, nhìn tôi. Tôi cúi đầu, mặt rất nghiêm trang, chẳng có vẻ gì đùa cợt. Hơn thế nữa, có lẽ má tôi lúc bấy giờ đỏ lắm. Lòng tôi sôi nổi.

« Ngài có vẻ cảm động lắm. Tiếng ngài run run, bảo:

« — Con ơi! con đừng nghĩ rằng nước Trung-Hoa của ta đã hết những kẻ nam-nhi nghĩa khí rồi.

« — Thưa nghĩa-phụ, con không dám nghĩ thế; con chỉ nghĩ rằng: gặp những việc thế này, một người con gái làm có lẽ dễ dàng hơn. Vương-Doãn ngày xưa, gửi vận mệnh nhà Hán vào những bàn tay yếu ớt của Điêu Thuyền, không có ý gì làm nhục những kẻ làm trai cả.

« Ngài nghĩ ngợi một lúc lâu. Tôi lại nói:

« — Thưa cha, xin cha đừng câu nệ. Cha dẫu không đẻ ra con, nhưng cái công ơn đối với con chẳng khác gì cha đẻ. Con rất mong được cha coi như là con đẻ vậy. Con đem thân nương nhờ người Trung-quốc, mẹ con chôn ở đất Trung-quốc, há không có bổn phận đối với Trung quốc ư? Vả lại trừ mối hại cho những kẻ ngay lành, là bổn phận của mọi người, khi ta thấy một người khổ sở, ta không hỏi người ấy là người nước nào rồi mới cứu. Lòng yêu thương không có quốc gia; bụng hào hiệp không có tổ quốc. Con là người, con coi tất cả những người khác là anh em...

« Tôi nói mãi, ngài mới bằng lòng để tôi đi...

Lý Sâm ngắt lời nàng:

— Thế cho nên bây giờ cô mới ngồi đây, có phải không?

Giọng nói chứa đựng một nỗi giận mà chàng cố nén. Mặt chàng tái mét ngay từ lúc nãy kia rồi. Nhưng người thiếu nữ mải kể chuyện, không để ý. Nàng cười thẳng thắn:

— Vâng, chính thế. Nhưng tôi cũng không ngờ bây giờ phải ngồi đây. Đáng nhẽ lúc này tôi đã đang ở trong sào huyệt giặc, có khi đã bị giặc moi gan ra nhắm rượu rồi cũng chưa biết chừng!... Nhưng cũng là sự chẳng may: thuyền của tôi gặp cá voi. Tôi đang ngồi tự nhiên thấy một tia nước vọt lên ở trước thuyền. Rồi một vật đen nhầy nhẫy, lờ lờ dưới nước như cả một cái tàu chìm. Chúng tôi kêu lên một tiếng hoảng kinh. Tôi bị nẩy người lên, rồi rơi tòm xuống nước. Rồi lòng tôi rối loạn. Tôi chẳng biết ra sao nữa, cho đến lúc mê mẩn hẳn... Lúc tỉnh giậy, tôi thấy tôi đã nằm rất ấm áp trong căn phòng này nhà ông. Cũng là phúc nhà tôi, và phúc cả cho thằng cọp Lý Sâm!

Lý Sâm càng tái mặt. Dũng cũng tái mặt đi: nó như đã đoán ra một chuyện vô cùng rắc rối. Nó cố dùng đôi mắt ra hiệu cho thiếu nữ, nhưng nàng vô tình, không nhận thấy. Đôi mắt lo lắng của nó cứ hết nhìn thiếu nữ lại nhìn trộm Lý Sâm. Lý Sâm cười nhạt, hỏi:

— Nếu cô gặp Lý Sâm thì cô sẽ làm gì?

— Tôi cũng chưa biết nữa. Cái đó còn tùy.

— Có lẽ cô chưa biết rằng: hắn, không phải tay vừa?

— Biết lắm chứ! nhưng tôi biết rằng việc tôi làm là một việc nên làm, thì tôi cứ làm, không cần phải sợ. Vả lại, thưa ông, Lã-bố ngày xưa có phải là tay vừa đâu?

— Thế ra cô định dùng sắc đẹp để giết người ta đấy!

Nàng hơi đỏ mặt:

— Chưa hẳn thế, nhưng nếu cùng quá thì...

— Thì giết người cũng được, có phải không?

Nàng sửng sốt vì cái giọng mai mỉa ấy. Đôi mắt nàng nhìn Lý Sâm, lộ vẻ ngờ vực và sợ hãi. Lý Sâm cười gằn, bảo:

— Nếu có phải thế thì cô hãy mừng đi! Cô hiện đang ở giữa đảo Hang Cọp và đang ở trong nhà kẻ mà cô gọi là thằng Cọp.

— Không! không có lẽ...

— Có lẽ lắm, cô đừng mơ ngủ nữa! Cô đã bị giạt vào cõi giang sơn này của Lý Sâm. Một bộ hạ của Lý Sâm, có lẽ vì muốn chiếm đoạt lấy những bảo vật mà hắn tưởng cô có mang theo ở trong người, hay là vì một cớ gì mà chính Lý Sâm này cũng chưa biết rõ bởi hiện hắn vẫn còn lẩn trốn, tên bộ hạ ấy đã giết chết một tên khác muốn ngăn cản hắn, rồi vác cô chạy trốn. Nhưng Lý Sâm này, được tin cấp báo, đã chạy ra. Kẻ giết người hoảng sợ, giấu cô ở sau một trái núi, rồi trốn biệt. Lý Sâm này thấy cô chưa chết, đã sai khiêng cô về phòng riêng của mình, và một mình với thằng bé này, cứu cho cô tỉnh lại... Thưa cô, cô là một người đàn bà gan góc lạ thường, nhưng cũng không khỏi là đàn bà. Bởi cô là đàn bà nên mới nhẹ dạ, trống mồm. Cô đã dại dột nói tất cả cái mưu kế của cô với kẻ thù. Kẻ thù của cô hiện đang nói với cô đây, hiện đang ở trước mặt cô.

Chàng nói không kịp thở, nói như muốn trút thật nhanh tất cả nỗi uất giận ở lòng ra. Giọng chàng lúc gay gắt, lúc đau đớn, lúc mỉa mai. Mặt chàng đỏ bừng bừng. Người thiếu nữ, trái lại, đã dần dần bình tĩnh hẳn. Nàng thản nhiên bảo:

— Ông hiện lúc này là ân nhân của tôi. Tôi đã nói với ông như nói với một ân nhân. Bây giờ nếu có vì tôi nhẹ dạ, không giữ gìn miệng lưỡi, mà phải chết, thì tôi chết. Có sao? Tôi lấy cái chết của tôi để đền ơn nghĩa phụ tôi. Nhưng tôi cũng còn ân hận một điều...

— Điều gì?

— Tôi chết đi cũng lại còn một cái ơn chửa trả xong: ông vừa cứu sống tôi, tôi chưa làm gì để đền ơn ông được.

— Cô chu đáo quá! Nhưng có lẽ cô đang muốn đền ơn tôi bằng một nhát dao. Tôi không phải là một người ưa phỉnh phờ đâu. Tôi rất hiểu đàn bà: họ rất khéo pha mật ngọt vào thuốc độc. Tôi cũng không phải là phường hiếu sắc đâu. Tôi biết có những cái sắc đẹp giết người. Tôi có thể đưa lưỡi kiếm của tôi qua một cái cổ trắng như bạch-ngọc mà không biết tiếc.

— Vậy thì ông cứ giết tôi đi!

— Nhưng tôi cũng không giết cô đâu. Cô cứ yên lòng! Lý Sâm không phải là một thằng cướp uống rượu với gan người, như thiên hạ vẫn đồn xằng. Tuy vậy, Lý Sâm này rất có thể giết cô, nếu thuyền cô đã bình an vào được bến này chẳng hạn. Nhưng cô đã giạt vào đây, như một người bị nạn. Vậy tôi chỉ coi cô là một người bị nạn. Tôi phải cứu cô, phải lo liệu cho cô về được tận nhà. Vả lại, tôi cũng cần nhờ cô về nói để nghĩa phụ cô được hiểu rằng: Lý-Sâm thành một tên cường khấu, không phải là không có cớ đâu; có những người Trung-hoa, thà làm một thằng cướp trung thành với nhà Minh, còn hơn làm một vị tổng đốc tôi tớ nhà Thanh.

Khi chàng nói câu ấy, nỗi cảm động, rung lên trong tiếng nói. Mặt chàng sáng quắc, bỗng loang loáng nước. Chàng có vẻ rất thật tình. Nhưng ngay lúc ấy thì một tiếng nói khác, phát ra từ chính lòng chàng, cãi lại với chàng. Không! chàng không hẳn thật với chàng. Chàng không ăn cướp để chống lại với nhà Thanh. — Cái ý này thật buồn cười! — Chàng ăn cướp chính vì chống với nhà Thanh không nổi, mà sinh ra phẫn uất. Cái thái độ ấy hèn nhát lắm... Chàng đột nhiên thấy chàng không còn đủ can đảm, đủ hăng hái để tự bênh vực chàng trước mặt người thiếu nữ. Nhưng chàng cũng không có can đảm để mà nhận lỗi mình. Và chàng ngừng lại, cúi mặt và ấp úng. Thiếu-nữ ngước đôi mắt tha thiết nhìn chàng, bảo:

— Ông nghĩ thế là lầm. Theo ý tôi thì nước Tàu không phải của nhà Minh, cũng không phải của nhà Thanh. Nước Tàu chính là của dân Tàu. Ông chỉ nên xét xem việc của ông có lợi hay có hại cho dân Tàu mà thôi. Ông có thể là kẻ thù của nhà Thanh, nhưng ông không thể là kẻ thù của đồng bào ông. Còn nghĩa-phụ tôi...

— Nghĩa-phụ cô là một thằng khốn nạn!..

Chàng át lời nàng đi như vậy. Bởi vì lòng kiêu-ngạo đã bùng ra, lòng kiêu-ngạo mù tối, biết mình trái mà vẫn không chịu nhận là mình trái. Mặt chàng đỏ như gấc chín. Chàng hầm hầm tiếp:

— Có thật cô định đến đây làm thuyết-khách không? Tôi không cần cãi lý với cô. Tính mạng cô ở tay tôi. Tôi cho cô sống thì cô được sống, tôi bắt cô chết thì cô phải chết. Cô nói lắm cũng hoàn toàn vô ích!

Chàng nói xùi bọt mép. Trông chàng lúc ấy chẳng khác gì một con thú dữ vừa lồng lộn, vừa gào thét. Rồi chàng quay phắt ra, vùng vằng chạy về phòng bên cạnh. Chàng để rơi người xuống ghế, ngồi thừ mặt ra một lát. Rồi đột nhiên, chàng gục mặt xuống bàn, khóc nức nở, như một thằng bé con...