Đảo hang cọp/VII
VII
LÝ-SÂM ra khỏi rồi, Dũng nhìn thiếu-nữ, lè lưỡi ra, cười một nụ cười nhợt nhạt. Nàng mỉm cười với nó. Nó bá lấy vai nàng, như một đứa em chực đu lấy cổ chị, và khẽ hỏi:
— Cô có sợ không?
Thiếu-nữ lắc đầu, cười. Nó dọa:
— Ông ấy giết cô!
— Cho ông ấy giết!
— Cô không sợ à?
— Không sợ.
Nó lẳng lặng nhìn nàng một cách âu yếm lắm. Rồi nó bảo:
— Nói giối đấy! Ông ấy không giết cô đâu.
— Sao vậy?
— Bởi vì cô không sợ,
Nàng ôm nó vào lòng, cười và nựng:
— Cậu em nói buồn cười chửa! Cứ không sợ thì ông ấy không giết à?
— Đúng thế. Tôi cũng không sợ cho nên ông ấy không giết tôi.
— Sao ông ấy lại giết em?
— Quân của ông ấy đến ăn cướp nhà tôi. Tôi rúc vào hòm. Chúng nó khiêng tôi về...
— Thế ra em không phải là con ông ấy à?
Dũng lắc đầu:
— Tôi chả tội gì làm con một ông tướng cướp.
— Thế sao lúc nãy?...
— Tôi nhận tôi là con ông ấy? À, bởi vì ông ấy giặn. Với lại tôi không muốn nói thật, để cô phải sợ..,
Nó lân la kể cho nàng nghe câu chuyện nó bị bắt đến đây, và những lời nó đối đáp với tên tướng cướp. Nghe xong, nàng bảo:
— Nếu vậy thì chưa hẳn anh tướng cướp này đã là người thật ác.
— Không, kể thì ông ấy cũng không ác lắm. Mà hình như ông ấy không muốn làm kẻ cướp.
Nàng nghĩ ngợi một lúc rồi bảo Dũng:
— Em thử sang bên kia xem ông ấy đang làm gì.
Dũng gật đầu. Nó kiễng gót chân rón rén đi ra, mím chặt hai môi, làm như nhịn thở. Nó đứng xa xa ở ngoài cửa nhòm vào. Nhưng trong phòng chẳng có ai. Nó vào tận trong nhìn, cũng chẳng thấy ai. Đích là Lý Sâm đã ra trại điểm quân. Nó quay về, nói cho thiếu nữ biết. Nàng với nó lại ngồi nói chuyện...
— Tên em là gì?
— Dũng... Thế còn cô? tên cô là gì?
— Là Mai-Thi.
— Vậy gọi cô là cô Thi, phải không?
— Phải rồi... Làm sao?
— Chẳng làm sao cả. Tôi hỏi thế cho biết đấy thôi... À! cô Thi này! cô có muốn về không?
— Có muốn, nhưng về làm sao được? Chúng mình như bị tù rồi. Chỉ trừ có cánh thì mới bay ra được khỏi chốn này...
— Tôi có một cách, may ra...
— Cách gì?
— Cô không được đánh tôi ca!
— Ừ, không đánh.
Dũng tủm tỉm cười, ghé tai nàng:
— Cô lấy ông tướng cướp đi rồi bảo ông ấy đừng ăn cướp nữa, đưa cô với tôi về An-nam, đi bán thuốc ê mà kiếm ăn.
— Nói bậy!
Nàng củng khẽ vào đầu nó. Nó rụt cổ lại, nhe những chiếc răng trắng ra, cười hi hí! Giữa lúc ấy thì có tiếng động ngoài phía cửa. Mai-Thi và Dũng, tưởng Lý Sâm về, vội ngừng cười đùa, nhìn ra. Nhưng không phải Lý Sâm. Đó là một lão già tay cầm một cái khay lớn, đựng những món ăn điểm tâm còn bốc khói. Lão bước vào, đặt cái khay ở trước mặt Mai-Thi, rồi lại chực lui ra. Mai Thi dùng tiếng Trung-quốc, gọi giật lão ta lại:
— Ai sai lão đem những thức này cho tôi?
Lão lắc đầu...
— Sao lại lắc đầu? Lão không hiểu tiếng Trung-quốc à?
Lão lại lắc đầu. Nàng bèn hỏi thử bằng tiếng Việt Nam. Lão vẫn lắc đầu. Nàng ngạc nhiên, lẩm bẩm: « Quái! lão là người gì? » Lão chỉ tay vào miệng, kêu: « ư! ư! ư!... » và lắc lắc đầu. Nàng mỉm cười ranh mãnh:
— À! ra thế... Lão câm! thế mà mình không biết... Lão câm đấy mà!...
Nàng cố nhịn cười. Nàng biết thừa rằng: lão giả vờ câm. Nàng lẩm bẩm thật to để lão nghe thấy:
— Đã khổ chưa? Già bằng ấy tuổi còn câm! Chắc lão này cũng ăn độc ở ác lắm đây! Đáng kiếp!
Nàng cứ thế, nói đi nói lại mãi để trêu tức lão. Quả nhiên lão tức. Mới đầu, nỗi tức giận chỉ thoáng qua đôi mắt. Rồi nó hiện ra nét mặt. Rồi nó hiện ra bộ điệu. Lão lắc đầu, xua tay, cố làm hiệu để cãi lại lời vu cáo của người thiếu nữ. Nàng vẫn làm như không hiểu. Sau cùng, tức quá, lão buột miệng để bật ra tiếng nói:
— Ngộ câm từ thuở nhỏ!...
Mai Thi bật cười:
— À ra thế! lão câm từ thuở nhỏ chứ không phải tại ăn độc ở ác rồi đến lúc già hóa câm!
Lão biết mình mắc mẹo, cúi đầu ngượng nghịu. Mai Thi bảo:
— Thế là lão phải cảm ơn tôi đấy nhé! Tôi làm lão khỏi câm!
Lão đưa mắt ra hiệu và khẽ bảo:
— Đừng nói ầm lên thế. Chủ tướng cấm tôi không được nói.
— Chủ tướng lão đâu?
— Ngoài trại. Chủ tướng trao cho tôi canh giữ các người. À mà thôi!... chủ tướng cấm tôi không được nói!...
Tội nghiệp thay cho lão! Chủ tướng lão cấm lão không được nói. Nhưng mà lão lại hay nói lắm.
Lão cứ dần dần nói hết. Lão nói về cái đời đáng buồn của lão. Xưa kia lão là lính của nhà Thanh. Lão đi đánh giặc rất nhiều phen. Lão suýt chết mấy mươi lần. Rồi người ta thải lão về. Lão về thì thấy nhà lão đã bị giặc phá, vợ con lão đều chết cả. Lão buồn. Lão giận. Lão bực chí. Và lão cũng đi làm giặc nốt, cho có việc. Nhưng mà lão già rồi. Lão chán sự chém giết rồi. Lão tiếc vợ, tiếc con. Những đứa con lão ngày xưa kháu lắm. Giá bây giờ lão còn lấy một đứa thôi, thì lão chả ở đây làm gì nữa. Lão sẽ về quê. Lão sẽ làm vườn. Lão sẽ đi câu, Chiều chiều, lão sẽ uống rượu rồi ôm con mà ngủ.. Lão nói rồi lão khóc. Khóc chán, lão lại lau nước mắt. Lão ngồi thừ mặt, đôi mắt đờ ra, nhìn về dĩ-vãng. Lão nhìn Dũng. Lão nhìn Mai Thi. Mai Thi ái ngại vô cùng. Nàng dịu dàng yên ủi lão. Nàng bảo lão cổi cái áo rách của lão ra, đưa kim chỉ để nàng vá hộ cho. Nàng bảo Dũng ngồi vào lòng lão để cho lão vuốt ve. Chỉ một lúc là ba người đã trở nên thân mật. Bấy giờ nàng mới lân la hỏi lão:
— Chủ tướng lão định canh giữ chúng tôi để làm gì?
— Có lẽ để giết.
— Giết? Thật vậy ư? Chủ ướng lão bảo thế à?
— Chủ tướng không bảo thế.
— Thế sao?...
— Chủ tướng không bảo thế nhưng tôi thấy nét mặt chủ tướng hầm hầm, mắt chủ tướng đỏ ngầu, mà nói thì gắt gỏng.
Lão ngừng một thoáng rồi lại tiếp:
— Với lại mọi người ở đây ai cũng tức các người. Họ đang bàn nhau giết các người.
Người thiếu nữ trở nên nghĩ ngợi. Nàng không thể tin rằng Lý-Sâm có thể giết nàng. Con người ấy vẫn còn giữ được một chút gì là cái khí phách trượng-phu. Mà kẻ trượng-phu không thèm giết một người không khí giới tự vệ. Tuy vậy, nàng cũng băn khoăn. Bởi vì nếu y không giết nàng tất phải để nàng về, rồi lập tức dự bị sẵn những kế hoạch cự địch lại với quan quân. Kết cục là cuộc mạo hiểm của nàng chẳng ích lợi gì, Làm thế nào để dụ được kẻ lạc lối ấy cải tà quy chính? Tự nhiên nàng thấy không muốn ra khỏi chốn nguy hiểm này một chút nào. Nàng muốn cứ được cầm giữ mãi ở đây, được đem sự dịu dàng của nàng ra mà cảm hóa bọn cướp hung dữ để chúng trở lại cuộc đời lương thiện. Tại sao không thế được? Ở bên Tàu, nàng đã nhiều lần gặp ở ngoài phố những bọn làm trò để xin tiền. Chúng dùng đường để dụ dỗ loài ác thú. Đường là sự ngọt ngon, sự dịu dàng. Đối với giống vật còn thế được thì tại sao đôi với loài người lại không thế được?