Đọc "Người vợ hiền"

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Đọc "Người vợ hiền"  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6364 (4.2.1931)

Bổn tiểu thuyết nầy, tác giả là Nguyễn Thới Xuyên, trước đã đăng từng kỳ trong Phụ nữ tân văn, sau đây mới in thành tập. Bán có ba cắc.

Hồi trước nó ở trong báo Phụ nữ tôi chưa kịp đọc. Khi in xong, có vài ba người vừa đàn ông vừa đàn bà đọc qua, rồi nói cùng tôi rằng: Thật, đọc cuốn Người vợ hiền rồi, vợ chồng dám thương nhau hơn trước. Hãy chịu khó đọc thử coi, đừng khinh!…

Tôi đâu có khinh, nhưng dạo nầy quả không đủ thì giờ mà đọc được cuốn tiểu thuyết. Đã nghe vậy thì phải nhín vài bốn giờ ra mà đọc. Vừa đọc vừa nghiệm lời người ta nói.

Trong gia đình mỗi người có một cảnh. Nhiều khi mình đọc trong sách, thấy có cảnh giống mường tượng như cảnh mình, hay là chỉ có một chấm một nét giống mường tượng như cảnh mình, cũng đủ khiến cho mình cảm động. Huống chi cái cảnh trong bổn tiểu thuyết nầy là cảnh người đời thường gặp, làm cho kẻ đọc phải cảm động là phải.

Như vậy là nhờ tác giả khéo tả.

Thật, bổn tiểu thuyết nầy không cốt ở chuyện hay, mà cốt ở lời văn tả thấu được cái tâm sự của người trong truyện, cũng là cái tâm sự của người thế gian thường mang lấy.

Nhan là Người vợ hiền, người vợ hiền thiệt. Biết thờ cha mẹ gia nương, biết yêu quý chồng, biết dạy con, biết chiều chị dâu, biết cảm hóa đầy tớ, rõ là người hiền thục. Tuy vậy mà những điều ấy còn chưa hệ trọng mấy. Hệ trọng nhứt là chỗ ái tình, chỗ ái tình mà tác giả muốn tả.

Nhan là gia đình tiểu thuyết phải. Người vợ là quan hệ cho gia đình thứ nhứt, có thể nói là làm nên tự tay mà làm hư cũng tự tay. Người vợ đã hiền thì thật là cái phước cho gia đình. Nhưng cái gốc của cái phước ấy ở đâu? ấy là ở ái tình, cái ái tình mà tác giả muốn tả.

Theo như con mắt tôi thì trong cuốn truyện nhỏ nầy, phần ái tình là trọng hơn.

Tôi bình sanh, cái gì thì tôi khuynh hướng về mới, duy có ái tình thì tôi thủ cựu rất mực. Tôi hết sức phản đối cái thuyết luyến ái tự do, tôi cho là đem ái tình ra dùng tầm bậy. Tôi nhận cái chơn ái tình duy có ở chỗ vợ chồng mà thôi. Tôi dám nói rằng ngoài vợ chồng không có chơn ái tình; có chăng là đồ bá giáp. Mà ngoài vợ chồng, quả có chơn ái tình chăng nữa, thì cũng đợi đến thế kỷ nào kia; còn hiện ngày nay, ở đất nầy, chơn ái tình còn cứ phải ở trong vợ chồng.

Thấy nói như vậy, chắc có người bảo tôi còn nhà quê, chưa biết ái tình là cái gì, cũng lại một phường gia phạn thê luân không chịu mở mắt xem thiên hạ. Nhưng họ nói vậy mặc kệ họ, tôi vẫn sống một cách êm đềm trong cái thứ ái tình cũ rích của tôi.

Có lẽ cái ái tình tôi kêu là chơn đó, là đồng một thứ ái tình với trong truyện nầy. Nếu vậy thì may ra tôi được đồng ý với tác giả, mà mấy người đàn ông đàn bà trên kia cũng đồng ý cùng chúng tôi nữa. Hay là hết thảy chúng tôi đều là người cũ rích?

Còn có ai đồng ý với chúng tôi nữa, hãy nên đọc bổn tiểu thuyết nầy đi. Khi đọc xong, trong ái tình, ai được thanh sạch thì nên vui mừng, ai có tội lỗi thì nhờ đó mà sám hối.

Còn có ai phản đối với chúng tôi nữa, cũng nên đọc mà. Đọc để cho biết cái mà bọn kia họ kêu là ái tình, là cái như vậy đó. Nên biết kẻo uổng!

Trong cuốn sách nhỏ nầy, tôi lại thấy một chỗ rất hay, là giảng luân lý luôn mà không làm cho người ta khó chịu, cái luân lý nó hiệp với nhơn tình.

Đến như văn thì nhiều vẻ tự nhiên, gần đến bậc thanh thoát. Khéo nhứt là hay tả những chỗ không tả. Đại khái như, tả cái làm thinh, tức là tả tâm sự. Làm thinh, ấy là không tả, mà tả.

Rốt hết, tôi phải tỏ thật tình khen tặng tác giả, và hai tay trân trọng giới thiệu cuốn tiểu thuyết nầy cho bà con.

Vạn nhứt lời xưng hứa của tôi đây có quá đáng chút nào, ấy không phải cái lỗi của tôi ở lòng mà ở óc.

Phan Khôi