Đọc cuốn Hoàng Việt Hộ luật
I
MẤY ĐIỀU LUẬT ĐỊNH TRÁI VỚI TRÀO LƯU CỦA THẾ GIỚI VÀ VỚI SỰ TIẾN BỘ CỦA NHÂN DÂN
Bộ Hoàng Việt Hộ luật do Bộ Tư pháp và quan cố vấn bộ ấy biên tập mấy năm nay, đã in xong quyển thứ nhất và có Dụ chỉ đem thi hành ở Trung Kỳ bắt đầu từ ngày mồng một tháng giêng Tây năm 1937, tức là ngày hôm qua.
Việt Nam chỉ là một nước; Trung, Bắc Kỳ chỉ có một phong tục, ở dưới một chế độ, một trị quyền, mà hình luật hộ luật cũng đều chia làm hai, mỗi nơi mỗi khác, ‒ ấy là sự lạ lắm, khó hiểu lắm. Nhưng ở đây, chúng tôi không bàn đến sự ấy mà chỉ muốn xét qua một vài cái nội dung của bộ Trung Kỳ hộ luật ra thế nào.
Theo thể lệ các nước văn minh, như nước Pháp, việc làm luật, tức là quyền lập pháp, phải do ở Nghị viện, tức là do ở dân. Nhưng nước ta đã không làm như thế, quyền lập pháp vẫn do Bề trên nắm giữ, thì khi quyển luật đã ban hành rồi, tưởng nhân dân cũng nên để ý mà xem sóc đến, coi thử nó có hợp với ý muốn của mình hay không.
Vì vậy, chúng tôi có lời nhắc nhở hết thảy dân chúng Trung Kỳ, xin ai nấy bỏ ra một ít thì giờ mà đọc qua quyển Hộ luật mới ban hành đó. Chúng tôi hết lòng khuyên bảo anh em chị em chớ nên hững hờ đối với nó, vì bộ luật ấy rày về sau sẽ định đoạt các quyền lợi quan hệ với sự sống của chúng ta.
Theo "Lời trình" của quan cố vấn có in ở đầu sách thì quyển luật nầy đã được Viện Dân biểu duyệt y; và trong khi biên tập có nhiều điều cũng đã hỏi ý kiến của nhân dân rồi mới quyết định. Dù vậy chăng nữa, theo chúng tôi thấy, còn có chỗ chưa được hoàn toàn.
Có mấy điều trong đó thấy ra là trái với trào lưu thế giới và với sự tiến bộ của nhân dân, tiện đây chúng tôi xin bày tỏ.
*
* *
Trào lưu thế giới hiện nay đương khuynh hướng về chủ nghĩa xã hội, có khi là cực đoan, nhưng dè dặt một ít, chúng tôi nói là khuynh hướng về chủ nghĩa dân chủ. Dù cho đến cái nước lạc hậu như nước Nam nầy mà hiện tình phần đông dân trong nước cũng đã như vậy rồi. Đó là sự thực.
Cho được chiều theo cái khuynh hướng ấy, tưởng nhà lập luật nên tôn trọng cái quyền của cá nhân mới phải. Nhưng theo trong quyển Hộ luật nầy, chúng tôi thấy cái quyền ấy bị khinh miệt một cách rõ ràng lắm.
Chúng tôi muốn nói về Thiên thứ VIII của quyển Hộ luật, định về quyền của người gia trưởng, quyền ấy lớn vô cùng.
"Điều thứ 204 ‒ Quyền chủ tể đối với tất cả mọi người đồng cư trong nhà, là quyền của người gia trưởng.
Quyền ấy là đối với tất cả những người thân thuộc, phối ngẫu của những người thân thuộc cùng ở chung một gia đình, bất cứ là thế thứ dưới mình hay ngang hàng với mình, lại đối với tất cả những người có quan hệ bởi khoán ước, như là người hầu hạ, người học nghề, người thợ thuyền".
"Điều thứ 205 ‒ Dù con hay cháu chính nó đã làm gia trưởng của gia đình nó, cha hay là ông nội cũng được lấy ý kiến và lời khuyên bảo mà cầm quyền về phương diện luân lý trong gia đình của con hay là cháu".
"Điều thứ 206 ‒ Con cháu ở cùng nhà với cha mẹ ông bà nội, thời thuộc hẳn quyền người gia trưởng".
"Điều thứ 207 ‒ Cha mẹ còn sống thời con phải thuộc quyền cha, và theo lẽ thông thường thời không được có tài sản riêng, trừ khi đã thành niên mà cha mẹ cho phép ở riêng thời không kể".
Coi đó thì luật còn muốn giữ chặt cái chế độ đại gia đình, là cái chế độ mà nhân dân Trung Kỳ hiện nay đương lấy làm khổ, toan cách nào thoát ly nó cho rảnh thân.
Quyền gia trưởng được thi hành đến những người hầu hạ, người học nghề, người thợ thuyền, là kẻ không có can liên bởi huyết thống, thì cái quyền ấy thật rộng rãi quá. Đến cả thợ thuyền cũng bắt phải ở dưới quyền ấy, thì khi họ bị bóc lột, họ chớ còn hòng nói chuyện làm reo để phản kháng!
Theo những điều luật đó, một người dân Trung Kỳ nếu thành niên rồi mà vì hoàn cảnh bắt buộc phải ở chung với ông bà cha mẹ, hay là ở riêng rồi mà còn có ông bà cha mẹ, thì người ấy chẳng còn có một chút quyền gì cả, thật chẳng phải là "người" nữa vậy!
Bởi vậy ở Thiên thứ IX luật cũng đã nói rõ cái trường hợp ấy.
"Điều thứ 272 ‒ Người nào đủ 21 tuổi tròn, tức là thành niên và đủ tư cách đối với các việc hộ; trừ ra khi nào tư cách ấy do luật giảm bớt đi, nhất là chiếu theo thể lệ những điều 204, 205, 206, 207 luật nầy."
Tức là bốn điều đã dẫn trên kia.
Xem đó, chúng ta thử hỏi: Một người dân vì cớ nào bị luật giảm bớt quyền tự lập? Câu trả lời sẽ nực cười lắm: không phải vì người ấy điên cuồng hay phạm tội, nhưng chỉ vì người ấy còn có ông bà cha mẹ mà thôi!
Theo thường tình, ai cũng muốn cho mình có quyền tự chủ cả, khi không được quyền ấy thì tức giận. Như thế, có phải luật đã vô tâm xúi giục cho người dân tức giận ông bà cha mẹ họ không? Luật có chỗ cũng đã dạy cho người dân lấy đạo hiếu, mà không ngờ lại có những điều có thể đưa họ đến con đường bất hiếu!
Trình độ nhân dân Trung Kỳ đã tiến lên đến trên mực thủy bình mà luật lập ra lại có ý kéo họ ở lại dưới mực thủy bình, như thế, e cho luật ấy khó mong được thi hành có hiệu lực viên mãn.
Còn những ý chưa hết, chúng tôi sẽ nói trong bài sau.
II
HÃY DỰ PHÒNG, KẺO CÓ NHỮNG CUỘC “GIA ĐÌNH CÁCH MẠNG”!
Trong bài trước, chúng tôi có nói rằng hiện nay nhân dân Trung Kỳ đương lấy làm khổ về cái chế độ “đại gia đình” lắm, muốn tìm cách thoát ly nó cho rảnh thân.
Xin bạn đọc chớ bảo chúng tôi buột miệng thì nói thế, chứ không có chứng cứ gì. Đây, cái chứng cứ rất sốt dẻo là một bài ở mục luận đàn của báo Tiếng dân: “Thanh niên với gia đình”, vừa mới ra tuần lễ trước.
Bài ấy có dẫn vài đoạn trong bức thư của một người thanh niên gởi cho bạn mà chúng tôi sao lục lại dưới nầy:
“Trong gia đình bao nhiêu quyền bính đều do cha anh chủ trì. Một cái mệnh lệnh gì đưa ra, dầu có quấy cũng buộc phải nghe theo. Nếu con em lấy lẽ phải mà thưa lại thì cha anh sẽ trừng phạt. Mà nào có phải rầy la thôi đâu, còn đuổi xô, đập đánh, đòi từ đi không nhận.
Trên trường xã giao, ai lại không có bạn. Mà một lần có bạn đến thăm, bạn là người khá, có học, có biết việc đời, đương cơn nói chuyện, bỗng cái lệnh “trục khách” của ông gia trưởng đã thi hành; làm cho tình bầu bạn phải dứt bỏ, chẳng còn gì là thú vị...”
Đó, đại khái thanh niên Trung Kỳ đương lấy gia đình làm khổ vì có những sự như thế. Túng không có cách gì đối phó, chính cái bài ở báo Tiếng dân đó có cho chúng ta biết rằng, bởi những cớ ấy, đám thanh niên có kẻ toan tự tử, có kẻ tính bỏ nhà mà đi.
Cái hiện trạng ấy không có gì là đáng trách cả. Những học thuyết tư tưởng mới đã thay đổi cái óc thanh niên lâu nay, họ phải ưa thích tự do độc lập. Huống chi còn có sự giục giã của kinh tế, bắt họ phải có đủ quyền tự chủ thì mới sống. Vậy thì sự họ bất mãn về cái kiểu chuyên chế trong gia đình là sự tự nhiên.
Giữa thời đại mới cũ găng nhau như thế, chỉ có mỗi bên nhân nhượng nhau một ít là có thể điều hòa mà khỏi sinh ra sự quyết liệt.
Chúng tôi muốn nói bên thanh niên thì hãm bớt cái dục vọng của mình lại một ít, còn bên phụ huynh thì tìm cách khôn khéo giải phóng cho tử đệ và thu hẹp bớt cái quyền gia trưởng của mình đi.
Nhưng, khốn nỗi, hạng người làm cha anh bây giờ đại khái là hạng người cũ, khó mong họ có được cái cử chỉ ấy. Thế thì, muốn giúp sức cho quốc dân đi mau trên đường tiến hóa, chỉ nhờ có pháp luật.
Cái tình trạng của các gia đình và của hết thảy thanh niên Trung Kỳ ngày nay đã thấy có sự khó khăn như trên đó, lẽ đáng pháp luật dùng ngón tay lanh lợi gỡ rối cho họ mới phải, không ngờ lại có những điều như làm cho rối thêm.
Bạn đọc hãy mở lại số báo vừa rồi, xem mấy điều nói về quyền gia trưởng trong Hoàng Việt Hộ luật mà chúng tôi có dẫn ra. Theo những điều luật ấy thì rày về sau, phàm người dân Trung Kỳ hễ còn có cha mẹ ông bà thì mình chẳng được có chút quyền gì hết, dù đã đến tuổi thành niên và ở riêng ra rồi cũng vậy.
Chẳng những thế thôi, luật ấy còn có điều nầy mà chúng ta có thể cho là tàn khốc, hoặc hơi hơi tàn khốc.
Điều thứ 210. ‒ Quyền cha được lấy cớ thậm bất bình về hạnh kiểm của con mà xin tống giam.
Trong bạn đọc, chắc có người phải ngạc nhiên mà không hiểu luật muốn nói gì! Xin giải thêm cho rõ: Luật dạy rằng người làm cha có quyền xin quan bắt giam con của mình như giam tù, khi mình lấy làm bất bình quá lắm vì thấy đứa con có hạnh kiểm xấu.
Như thế, cha có quyền bỏ tù con lúc nào thì bỏ, vì chữ “thậm bất bình” mà luật dựng lên đó không căn cứ vào đâu hết, chỉ căn cứ vào trong lòng người cha. Khi nào người cha nói “tôi bất bình con tôi lắm”, tức là bỏ tù nó được rồi!
Than ôi! Luật Gia Long có thể như thế được lắm; nhưng Trung Kỳ ngày nay ở dưới quyền bảo hộ nước Pháp, là nước tự do, bình đẳng, bác ái, mà luật lại như thế được ư?
Luật nước Pháp, con không có phép kiện cha thì cha cũng không có phép kiện con. Theo Hoàng Việt Hộ luật, điều 207 “cấm con cháu không được đem thưa cha mẹ ông bà tại tòa án”, mà điều 210 nầy lại cho phép cha bỏ tù con, thì thật là bất bình quá đi mất!
Huống chi ở trong luật hộ (code civil) thì sao lại có được cái điều 210 ấy nói như một điều của luật hình?
Do đây, chúng ta thấy ra Trung Kỳ Hộ luật chẳng những không chiều theo tư trào của thời đại, thu bớt quyền gia trưởng để điều tể trong gia đình, giải phóng cho thanh niên, mà lại còn phò thực cho phụ quyền, hầu đàn áp hết thảy đám hậu sinh tử đệ, tức là quốc dân mai sau nầy.
Lịch sử dạy ta rằng hễ khi nhân dân trong một nước đã lên đến trình độ cao rồi mà các quyền của họ còn bị cấm đoán thì thế nào cũng có cuộc chính trị cách mạng. Nước và nhà cũng cùng một lẽ: Thanh niên Trung Kỳ hiện đã tiến bộ lắm, mà luật còn bắt họ ở dưới quyền gia trưởng quá nghiêm ngặt như thế, e rồi sẽ có những cuộc “gia đình cách mạng” xảy ra.
Ai có gia đình nấy, hãy lo mà dự phòng đi, ngăn ngừa đi, đừng để nó xảy ra mà khốn!
III
LUẬT TOAN CHÔN NHỮNG KẺ CHÁNH TRỊ PHẠM HAY NHỮNG NGƯỜI ÁI QUỐC
Luật với luân lý tuy về sự ứng dụng khác nhau, nhưng thâm ý thì có một. Luân lý để khuyên người ta làm điều phải; luật để cấm người ta làm điều quấy. Không cho làm điều quấy tức là bảo làm điều phải. Cho nên, luật, có thể nói là vật phụ trợ cho luân lý.
Thế thì, luân lý dạy người dân phải ái quốc; giúp cho luân lý, luật cũng nên nêu ra cái nguyên tắc rằng tôn kính những người dân ái quốc.
Phải, hình luật nước nào cũng có dành sẵn những điều trừng phạt rất nặng cho những kẻ phản quốc; như thế đã đủ tỏ ra cái nguyên tắc kia rồi.
Theo pháp luật các nước văn minh, chánh trị phạm được biệt đãi khác với thường phạm. Ấy là vì những người bị tội bởi làm chánh trị, chưa chắc là người ác mà dễ thường là người ái quốc.
Do các lẽ ấy, không cứ hình luật hay hộ luật, những điều nào có can liên hoặc tỏ hoặc ngầm với chánh trị phạm, thì nhà làm luật phải để ý mà dè dặt cho lắm mới được; vì trong chánh trị phạm có thể có những người ái quốc, là người mà ai ai cho đến pháp luật cũng phải tôn kính.
Đọc Hoàng Việt Hộ luật, chúng tôi thấy có một chỗ trái với sự dè dặt ấy. Chỗ đó thấy như luật chẳng những không tôn kính những người ái quốc mà là chánh trị phạm, lại còn muốn “chôn” họ đi nữa kia.
Điều 119 nói về những duyên cớ vợ chồng ly dị nhau, như vầy:
Những duyên cớ sau này thời hoặc người chồng, hoặc vợ chính, hoặc vợ thứ đều có thể xin ly dị được:
1) Vì đối với mình hay đối với ông bà cha mẹ mình mà bạo hành, ngược đãi hay chửi rủa thậm từ;
2) Vì người chồng hay người vợ bị tội đại hình;
3) Vì người vợ hay người chồng vô hạnh làm cho điếm nhục đến nỗi ở chung với nhau không thể chịu được.
Chúng tôi đã dẫn trọn luật văn đủ ba khoản, nhưng chúng tôi chỉ chú ý ở khoản thứ hai mà thôi: Vì người chồng hay người vợ bị tội đại hình.
Theo điều đó, trong hai vợ chồng, hễ một người bị tội đại hình thì người kia có quyền xin ly dị nhau.
Vả chăng, người ta sở dĩ bị tội đại hình cũng có nhiều cớ: hoặc ăn trộm ăn cướp mà tang vật nhiều, hoặc giết người, đốt nhà, hoặc làm chánh trị.
Ai phạm những tội ấy thường là bị đồ, lưu, cấm cố hoặc tử hình; sự trừng phạt tuy giống nhau, nhưng tội trạng thì có khác. Trong đó phải để riêng ra hạng chánh trị phạm, họ tuy cũng bị trọng tội, nhưng không giống như bọn ác phạm kia; theo luật văn minh, họ được biệt đãi khác bọn kia.
Thế mà Hoàng Việt Hộ luật đã đánh xô bồ làm một trong một lời: bị tội đại hình!
Luật muốn không phân biệt gì cả, coi kẻ làm chánh trị mà bị tội đại hình cũng như kẻ ăn cướp, giết người, đốt nhà, cùng làm việc đại ác khác.
Luật muốn “chôn” họ! Luật để tỏ mình là giữ nghĩa bình đẳng nên mới nói “chồng hay vợ”. Thực ra thì đàn bà có mấy khi bị tội đại hình, thường chỉ có đàn ông là hay bị tội ấy.
Nếu là kẻ ăn cướp, giết người, đốt nhà mà bị tội đại hình thì vợ xin ly dị cho đáng. Chớ nếu làm chánh trị mà bị tội ấy, vợ cũng được phép ly dị, thì chẳng là luật dạy cho đàn bà khinh miệt người ái quốc hay sao, vì chánh trị phạm có thể là người ái quốc?
Như thế người ái quốc sẽ mất vợ; ái quốc sẽ thành ra một sự đáng lấy làm sỉ nhục. Luật muốn cho rày về sau không ai còn có thể ái quốc được nữa đó chi!
Luật nước Pháp cũng có điều ấy, nhưng mà nói bị tội ô nhục (Condamnation Infâmante) chớ không nói bị tội đại hình (condamnation criminelle).
Phải, bị tội ô nhục là như bắt trộm gà, móc túi giữa chợ, tuy chỉ bị tội trừng trị (correctionnel) mà thôi, cũng có quyền xin ly dị được, là vì người bị đó đã mất hết danh dự và nhân cách. Chứ còn kẻ bị tội đại hình, có khi lại nhân đó làm cho danh dự và nhân cách thêm cao quý, ai lại nỡ bỏ nhau?
Làm sao luật nước Pháp biết để riêng những người vì ái quốc mà phạm tội, còn luật nước Nam (Trung Kỳ) lại toan chôn những người ấy, cho phép vợ họ được ly dị cũng như đối với những kẻ giết người, đốt nhà, ăn cướp?
Chúng tôi mong điều luật ấy có ngày sẽ bị xoá bỏ mà làm theo như luật nước Pháp, vì nó hiệp với luân lý.
IV
MỘT SỰ LẠ! ‒ GIÁ TRỊ CỦA HAI CUỘC CẢI CÁCH: QUÁ KHỨ VÀ VỊ LAI
Đọc cả ba bài dưới cùng một đầu đề mà chúng tôi đã đăng tiếp trong ba số trước, bạn đọc đủ thấy cuốn Hoàng Việt Hộ luật dụng ý thế nào. Tuy cái hình thức bề ngoài của nó phỏng theo luật Tây, nhưng cái tinh thần của nó vẫn giữ theo luật Gia Long, là luật mà trải nhiều lần đã bị tuyên cáo rằng không hợp thời nữa.
Luật Gia Long có những điều thân cáo nải tọa, phụ huynh bất năng cấm ước tử đệ để phò thực cái quyền làm cha, nhờ cái quyền ấy kìm chế hết thảy nhân dân cho dễ cai trị. Thì, như chúng ta đã thấy, Hoàng Việt Hộ luật cũng có những điều biến tướng đi một ít mà vẫn lột lấy cái tinh thần ấy, không sai.
Không thi hành luật Gia Long nữa, người ta lấy cớ rằng phong tục ngày nay đã thay đổi, trình độ nhân dân tiến hóa hơn hồi xưa. Thế mà thứ luật để thay cho luật Gia Long ấy, lại còn vẫn giữ những nguyên lý nguyên tắc của luật Gia Long, thì có phải là một sự mâu thuẫn đáng bật cười không nhỉ?
Có xứ nào nhân dân đã có một phần tiêm nhiễm đến chủ nghĩa xã hội cực đoan ‒ nó tức là cọng sản ‒ mà luật còn noi theo những nguyên lý nguyên tắc của luật đời chuyên chế?
Một sự lạ!
Hỡi những người toan nhuộm đỏ xã hội Việt Nam! Các ông đương bị trị dưới một thứ luật hà khắc như thế mà các ông đã vội muốn những gì?
Một sự lạ!
Trong một xứ lấy mỗi một người dân ra ở đời còn chưa vững, phải nhờ đến ông cha dìu dắt cho suốt cả đời, thì làm sao lại nảy ra được cái tư tưởng cọng sản là tư tưởng cá nhân tuyệt đối? Hay là vì để ngăn ngừa cái tư tưởng ấy mà người ta mới lập luật này ra?
Nếu thế lại càng không được lắm mà sinh loạn thêm. Một cái ví dụ rất dễ hiểu mà các nhà chánh luận vẫn thường dùng: Một con sông, nếu không muốn nó chảy ngả này thì phải trổ cho nó chảy ngả khác, chớ bít đi thì thế nào nó cũng phải vỡ!
Theo cái lý thuyết của chúng tôi trên đó thì việc ban hành Hộ luật vừa rồi quan hệ đến tiền đồ xứ Trung Kỳ rất lớn. Dù việc ấy chẳng được nghị viện để ý đến mà phản kháng, các báo để ý đến mà phê bình, là nó cũng chẳng vì đó giảm kém sự quan hệ. Nói về một phương diện khác, người ta sẽ nhân việc ấy mà đánh giá hai cuộc cải cách: một cuộc quá khứ, một cuộc vị lai.
Quá khứ là cuộc cải cách ngày 2 Mai 1933. Bộ Hoàng Việt Hộ luật sản sanh ra bởi cuộc cải cách này. Nó được khởi thảo do quan Thượng Tư pháp Bùi Bằng Đoàn và duyệt y do một hội đồng Thượng thư gồm có sáu quan Thượng, đều là “người mới”, lên cầm quyền trong thời kỳ cải cách ấy.
Rồi ngày nay, chúng ta được xem thấy cuốn Hộ luật là thế đó! Một cái chứng cho chúng ta nhận ra rằng cải cách là thế đó! Có khó gì khi trông rõ mặt mũi một đứa con mà lại chẳng đoán biết được dung nhan mẹ nó ra thế nào! Nhưng sự đó chẳng đáng cho ta lấy làm lạ nữa, và cũng chẳng nên bàn luận nữa làm chi. Ta hãy để ý mà xem thử cuộc cải cách vị lai.
Hiện nay quan Toàn quyền mới Brévié đã đến Đông Dương rồi. Sang tháng ba Tây, quan Tổng trưởng Moutet còn sẽ qua đây nữa. Người ta nói rằng từ nay đến đó, trong nước Nam thế nào cũng có sự cải cách lớn.
“Đổi chánh thể, phải có một chánh phủ chịu trách nhiệm”, đó là sự ao ước của hết thảy dân chúng riêng về Trung Bắc hai kỳ, họ đã tỏ bày nguyện vọng đạt lên chánh phủ từ năm ngoái.
Ai chẳng mong cho sự ao ước ấy được thực hiện để dân Trung Bắc sẽ có chung một luật khác công bình hơn. Nhưng nếu nó không thực hiện thì sao?...
Chúng tôi thiết tưởng, nếu cái hiện trạng này còn cứ duy trì mãi là không những Hộ luật này, mà cả Hình luật, Hộ luật Bắc Kỳ nữa cũng đều phải sửa đổi, thì mới xứng đáng với cái danh cải cách.
Bình dân chánh phủ, Phái bộ điều tra, Brévié, Moutet, cả ngần ấy thứ sẽ chẳng làm ích gì cho dân Trung Kỳ hết nếu các luật của xứ họ còn giữ theo luật đời chuyên chế.
SÔNG HƯƠNG