Bước tới nội dung

Ấu trĩ viên, nên lập ở thành phố

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ấu trĩ viên, nên lập ở thành phố  (1933) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ thời đàm, số 6 (22. 10. 1933), trang 1-2

Ấu trĩ viên! Ấu trĩ viên! Ba tiếng ấy nghe dậy ở Hà Nội hơn mười năm trước, cớ sao mà lâu nay vắng bặt, hầu như chẳng còn ai nói đến?

Thật thế, năm bảy năm nay, ở Hà Nội không nghe ai hề bàn tới ấu trĩ viên nữa. Cho đến ông chủ phát khởi ra cái sự nghiệp từ thiện ấy là hội Khai trí tiến đức, hình như cũng chẳng còn nhắc tới. Khác với lúc bấy giờ, mười năm trước, cái cảnh tượng tấp nập biết bao: Từ các quan địa phương cho đến các hào lý trong làng, ai nấy chạy sấp chạy ngửa, lo việc ấu trĩ viên; các báo thì cổ động.

Tại sao thế? Có phải là đã trải qua một lần thất bại nên mới tịt đi như thế chăng? Không, ai tưởng cho thất bại là lầm. Không thất bại, có điều bao nhiêu ấu trĩ viên đã lập ra từ trước không có kết quả tốt. Việc gì làm ra mà không có kết quả tốt cũng đủ cho người ta đâm chán rồi bỏ nhãng.

*

* *

Tại sao ấu trĩ viên lập ra lại không có kết quả tốt? ‒ Câu hỏi ấy ít thấy ra từ miệng người Nam; chứ người Pháp, nhất là mấy ông quan cai trị, chúng tôi thường thấy hỏi đến luôn. Ấy chẳng những vì người Pháp có thói quen hay chú ý lại hay quan tâm đến việc dân sự hơn người mình, mà cũng bởi là điều đáng quái, đáng tức cho họ nữa.

‒ Ấu trĩ viên ở bên nước Pháp, lập ra khắp kẻ chợ nhà quê, thành hiệu rõ ràng như thế; sao đem giống qua gieo ở đất này lại không mọc, hoặc mọc lên rồi tàn? ‒ Một ông lấy làm quái mà nói như thế.

‒ Người An Nam, không nói chuyện cải lương với họ được! Việc ích lợi cho con cái giống nòi họ ngay trước mắt, là việc ấu trĩ viên, thế mà lập ra cho họ rồi họ chỉ có việc giữ lấy mà cũng chẳng nên thân, thì còn nói chuyện gì! ‒ Một ông khác lấy làm tức mà nói như thế nữa.

Các ông lấy làm quái cũng phải, lấy làm tức cũng phải. Thật có thế, phần nhiều người chúng tôi vẫn hay thủ cựu, lại có tánh cẩu thả, lắm nơi đến mùa lúa chín rục ngoài đồng mà họ còn không buồn gặt, nữa là chuyện cải lương. Tuy vậy, việc gì chứ việc lập ấu trĩ viên hồi đó mà không có kết quả tốt, thật không đáng quy cữu về họ cả. Chúng ta phải nhận lấy một phần là tại việc làm không được cho thích hiệp.

*

* *

Không thích hiệp? Phải! Ấu trĩ viên theo đất này, đáng lẽ lập ra ở thành phố mà ta lại lập ra ở nhà quê.

Cách ăn ở làm lụng của người nhà quê xứ này không đáng có mà cũng không cần có ấu trĩ viên. Nước Pháp là nước công nghệ, ở nhà quê bên ấy cũng rải rác có những công xưởng; vợ chồng người dân ngày hai buổi đi làm việc tại đó thì cần phải có nơi mà gửi con mình. Chứ nhà quê ở đây có một cái tình thế khác, không giống tình thế bên ấy.

Nhà quê ở đây, người ta làm ruộng. Ruộng lại thường thường là sát một bên hè nhà, không phải đi xa. Có khi một người đàn bà vừa làm việc ngoài ruộng, vừa coi nhà, vừa trông chừng con, cũng tiện.

Nói cho quá mà nghe, chứ cảnh ấy ít lắm. Phần nhiều là chồng ra ruộng, vợ ở nhà giữ con và thổi cơm nhân thể. Không nữa thì vợ chồng đều ra ruộng cả, để "cái đĩ lớn" ở nhà coi việc nhà và giữ em. Như vậy quen rồi, nó tiện lắm; làm khác đi, lại hóa ra bất tiện.

Vả lại xứ này còn theo lối đại gia đình, không như người Pháp chỉ ở một chồng một vợ. Nhiều nhà cả vợ chồng ra ruộng rồi, để con thơ ở nhà cho ông già bà già, vừa trông nom cháu lại vừa dỡn cháu để làm vui. Người ta nhìn cho cái cảnh ấy là cảnh hạnh phước của gia đình, thế mà bắt đem cháu người ta đi gửi, ai nghe?

Tóm lại, theo tình thế, ấu trĩ viên lập ở nhà quê xứ này, bảo nông dân đem con tới gửi, thì thật, chẳng có ai bằng lòng gửi hết. Ép họ phải gửi cũng được, song, thế thì lại thành ra một việc muốn làm ích lợi mà trở nên rắc rối, còn làm làm gì?

Ấy, bởi cái tình thế ấy mà bao nhiêu ấu trĩ viên ở các làng thuộc tỉnh Hà Đông, hồi đầu có vẻ vui vui, sau càng ngày càng vắng cho đến mất tích.

*

* *

Trái lại, ấu trĩ viên lập ra ở thành phố lại tốt lắm, lại được việc lắm. Như Hà Nội đây, nếu có vài cái ấu trĩ viên ở xóm Khâm Thiên hoặc xóm chợ Hôm, là nơi có nhiều anh em lao động ở, chắc họ sẽ hoan nghinh.

Ấy là vì cách sinh hoạt ở thành phố ta đây bây giờ cũng chẳng khác bên Pháp là mấy. Nghĩa là sinh hoạt bằng công nghệ và bằng lối tiểu gia đình. Nhà chỉ hai vợ chồng, đều đi làm mỗi ngày 10 giờ, có một vài đứa con nhỏ, mà nếu có chỗ sáng gửi tối bồng về, thì thật tiện cho họ không gì bằng.

Xem như hội Tế Sinh mới mở cái phòng nuôi trẻ đó mà đã có đến bảy tám mươi trẻ con đem gửi rồi, đủ biết ở Hà Nội nếu có ấu trĩ viên thì dân thành phố lấy làm hân hạnh biết bao.

Vậy mà hiện nay lại không ai nói đến ấu trĩ viên!  

P. K.