A Q. chính truyện/Chương 1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm
A Q. chính truyện của Lỗ Tấn, do Phan Khôi dịch
Chương 1
Tựa

Tôi có ý viết cái chính truyện cho A Q., đã chẳng những một vài năm nay. Nhưng một mặt toan viết, một mặt lại còn ngần ngại, điều ấy đủ thấy tôi chẳng phải là một nhà lập ngôn. Vì xưa nay những cây bút bất hủ phải đề mà lưu truyền những người bất hủ, thế rồi người nhờ văn lưu truyền, văn nhờ người lưu truyền - rút cục cái gì nhờ cái gì lưu truyền dần dần không còn thấy rõ được nữa, vậy mà rốt lại cũng đến lưu truyền A Q., thật trong tư tưởng tôi như có ma làm.

Nhưng khi toan viết cái truyện tốc hủ này, mới vừa cầm bút, tôi đã cảm thấy khó khăn muôn phần. Thứ nhất là cái nhan đề của truyện. Đức Khổng dạy: Danh chẳng chính thì nói chẳng thuận, ấy là điều ta phải để ý lắm mới được. Gọi bằng truyện, danh mục của nó rất nhiều, biệt truyện, gia truyện, tiểu truyện... đáng tiếc là hết thảy đều không hợp với cái mà tôi toan viết. Đề là liệt truyện ư, thì cái truyện này không phải cùng những truyện của bao nhiêu người mặt to tai lớn đều sắp hàng trong chính sử. Là tự truyện ư, thì chính tôi không phải tức là A Q.. Nói là ngoại truyện, thì nội truyện ở đâu? Còn nếu dùng chữ nội truyện, thì A Q. lại chẳng phải thần tiên gì cả. Đề là biệt truyện ư, thì thực ra, A Q. chưa hề được đức Đại tổng thống ban thượng dụ cho quốc sử quán vì hắn lập bổn truyện, - dù rằng trong chính sử của nước Anh không hề chép liệt truyện những người đánh bạc mà nhà văn hào Dickens cũng viết được cái bộ sách gọi là Biệt truyện những người đánh bạc, nhưng ở nhà văn hào thì nên, chớ ở bọn ta lại không nên. Thứ đến là gia truyện, thì tôi đây đã chẳng biết có phải người cùng họ với A Q. chăng, lại cũng chưa hề nhận lời xin của con cháu hắn. Hay là tiểu truyện, thì A Q. lại không có cái đại truyện nào khác cả. Nói tóm lại, truyện này thật tình là một cái bổn truyện, có điều nghĩ vì văn chương của tôi nôm na mách qué, chỉ dùng những lời bọn kéo xe bán nước quen dùng[1], cho nên chẳng dám lạm dụng hai chữ ấy. Cực chẳng đã tôi phải lấy hai chữ chính truyện trong câu sáo nhàn thoại hưu đề, ngôn quy chính truyện mà các nhà tiểu thuyết đã bị đẩy ra ngoài cửu lưu tam giáo thường dùng, để làm nhan đề cái truyện này ; biết rằng nó có thể đánh lộn sòng với chữ chính truyện trong cái nhan đề sách Thư pháp chính truyền của người đời xưa, cũng đành phải chịu vậy.

Hai là, lệ thường làm truyện cho ai, mở đầu đại khái phải là: Mỗ, tên chữ là mỗ, người xứ mỗ vậy[2]. Thế nhưng tôi chẳng hề biết họ của A Q. là gì. Có một lần, hình như hẳn họ Triệu, nhưng đến ngày hôm sau thì lại không lấy gì làm chắc nữa. ấy là lúc con trai ông cụ Triệu mới đậu tú tài, trong làng đang có tiếng thanh la phèng phèng báo tin mừng, A Q. vừa uống xong hai chén rượu, bèn khoa chân múa tay nói rằng ấy cũng là sự vẻ vang cho hắn lắm, vì hắn vốn là bà con với cụ Triệu, mà tính theo thế thứ cho rát, hắn còn là ngang vai ông của cậu Tú kia. Lúc đó, mấy người đứng nghe chung quanh cũng hơi ra dáng khép nép tỏ lòng kính trọng. Có ngờ đâu ngày hôm sau, Trương Tuần đã gọi A Q. đi đến nhà cụ Triệu. Vừa thấy hắn, cụ đỏ mặt lên, quát rằng:

A Q., thằng ranh kia! Mầy nói tao mà là bà con với mầy à?

A Q. làm thinh.

Cụ Triệu càng trông càng nổi giận, sấn tới mấy bước nữa, nói:

Mầy dám nói láo! Tao thế nào lại có được thứ bà con như thứ mầy? Mầy mà họ Triệu à?

A Q. lại làm thinh, toan chuồn ra phía sau, thì cụ Triệu đã nhảy tới dán lên má hắn một cái tát:

Mầy thế nào lại có thể là họ Triệu được? - Mầy mà họ Triệu vào cái ngữ nào?

A Q. không hề cãi cho ra lẽ chắc chắn mình là họ Triệu, chỉ giơ tay lên sờ cái má bên trái cùng Trương Tuần lùi ra. Ra ngoài, lại bị Trương Tuần quở mắng một hồi nữa, phải kỉnh Trương Tuần hết hai quan tiền rượu. Những người biết chuyện đều nói A Q. láo xược quá, tự mình chuốc lấy đòn, chứ chưa chắc hắn là họ Triệu ; mà dù cho thật họ Triệu đi nữa, trước mặt ông cụ Triệu cũng không nên nói bướng như thế. Từ đó về sau không còn có ai nhắc đến chuyện hắn là họ gì nữa, cho nên rốt cuộc tôi cũng chẳng biết A Q. họ gì.

Ba là, tôi lại cũng không biết tên của A Q. viết ra chữ thế nào. Thuở hắn còn sống, người ta kêu hắn là A Quei, sau khi hắn chết, không còn có một người nào kêu cái tên A Quei nữa, thế thì còn có thể nào có được cái sự chép vào tre lụa? Nếu có sự chép vào tre lụa thì bài văn này của tôi kể là lần thứ nhất, cho nên phải gặp cái điều khó khăn thứ nhất này. Tôi thường nghĩ kỹ: A Quei là tiếng gọi, còn viết ra chữ là A Q.uế hay A Q.uý ư? Ví thử hắn có hiệu là Nguyệt Đình, hoặc hắn có làm lễ sinh nhật trong tuần tháng tám, thì chắc chắn là A Q.uế rồi. Ngặt một điều hắn đã không có hiệu - dù cho có hiệu cũng chẳng có ai biết - lại cũng chưa hề gửi thiếp đi trưng cầu những bài văn mừng sinh nhật bao giờ: viết là A Q.uế, chẳng hóa ra võ đoán mất? Lại ví thử hắn có một ông anh hay ông em tên là A Phú thì chắc hẳn là A Q.uý rồi, nhưng hắn chỉ trơ trọi một mình: viết là A Q.uý, thật không có chứng cứ vào đâu cả. Ngoài ra còn có những chữ lạ mắt mà cũng đọc là Quei thì lại càng không có thể nhét được vào. Trước kia tôi cũng có hỏi qua ông Tú con cụ Triệu, ai ngờ học rộng như ông ấy mà cũng tịt mù ; song cứ như kết luận của ông thì đó là vì Trần độc Tú ra cái tạp chí Tân thanh niên, đề nghị dùng chữ La Mã, cho nên nền quốc túy đắm chìm, không tra khảo vào đâu được. Cuối cùng tôi phải dùng đến cái mánh lới: chỉ có việc nhờ một người làng điều tra giùm trong bản hồ sơ về A Q. phạm tội, sau tám tháng mới nhận được trả lời, nói trong bản hồ sơ không hề có tên nào na ná với tên A Quei cả. Tôi không biết là không có thật, hay vốn không hề tra, dù vậy, tôi cũng chẳng có phương pháp nào khác nữa. Trong lúc lối chú âm tự mẫu e còn chưa được thông hành, tốt hơn là dùng quách chữ La Mã, theo phép phiên âm thông thường của Ăng lê viết là A Quei, viết tắt là A Q.. Làm thế, gần như nhắm mắt làm theo Tân thanh niên, tự tôi cũng lấy làm bứt rứt lắm, nhưng đến ông Tú mà còn chẳng biết, thì tôi, tôi còn biết làm cách nào.

Bốn là, về quê quán của A Q.. Giá hắn họ Triệu thì theo thói quen hiện thời ưa xưng quận vương, có thể cứ ở lời chú giải trong sách Quận danh bách gia tánh mà nói hẳn là người quận Thiên thủy đất Lủng tây vậy ; song tiếc thay cái họ Triệu đó đã không lấy gì làm chắc nên quê quá của hắn cũng đành chịu lù mù. Vẫn biết A Q. hay ở làng Mùi, nhưng hắn cũng thường thường ngủ trọ ở nơi khá, vậy không thể nói hắn là người làng Mùi được. Giả sử nói là người làng Mùi vậy, chẳng vẫn là trái với sử pháp hay sao?

Tôi có chỗ tự an ủi lấy mình được, là nhờ còn có một chữ A nó dúng hết sức, tuyệt nhiên không phải vơ quàng mượn chạ, có thể đem thỉnh giáo cùng các nhà thông thái. Đến như những điều khác, kẻ thiển học này không biết thì chịu, không dám xuyên tạc ; chỉ mong các bậc học trò của Hồ Thích chi tiên sinh là người có cái nghiện lịch sử và nghiện khảo cứ, sau này hoặc có tìm ra ít nhiều manh mối khác chăng. Nhưng lúc đó thì cái A Q. chính truyện này của tôi e đã tiêu diệt lâu rồi.

Nhẫn lên có thể kể là cái tựa được đi[3].

   




Chú thích

  1. Giữa khi cái tiểu thuyết này ra đời, ở Trung Quốc đang có cuộc đấu tranh giữa văn ngôn và bạch thoại. Bấy giờ Lâm Thư, một nhà văn văn ngôn, gửi thư cho Sái Nguyên Bồi, giám đốc đại học Bắc Kinh, trách sao không ngăn cấm sự đề xướng văn bạch thoại. Trong thư có nói "bạch thoại là lối nói của bọn kéo xe bán nước dùng", cho nên ở đây Lỗ Tấn đay lại câu ấy.
  2. Cũng vì đương có cuộc đấu tranh giữa văn ngôn và bạch thoại, cho nên trong bài này tác giả hay dùng những từ ngữ văn ngôn hay là giọng nói văn ngôn để trêu chơi. Như ở đây: "Mỗ, tên là mỗ, người xứ mỗ vậy", cùng những chỗ khác giống như vậy nữa đều là giọng nói văn ngôn; lại như những "lập ngôn", "bất hủ", "tốc hủ", "chép vào tre lụa = tải chi trúc bạch" đều là từ ngữ văn ngôn.
  3. Ở một chỗ khác nói về cái truyện này, Lỗ Tấn có nói rằng hồi đầu vì định để nó dưới mục "chuyện vui" của tờ Kính báo phó san, cho nên trong chương thứ nhất, tựa, mới có đá vào những giọng hài hước, chứ kể ra thì không cần có, vì những lời hài hước ấy không xứng đáng gì với cả cái truyện.
    Lại, trong bức thư gửi cho Vi Tố Viên (Lỗ Tấn thư giản I, trang 160), Lỗ Tấn có nói: "Biệt truyện những người đánh bạc" là tên sách Rodney dịch ra, sách ấy của Doyle làm, không phải Dickens, mà trong A Q. chính truyện nói của Dickens làm là nói lầm.